Nơi Thứ Hai: Chúa Giêsu vác Thánh Giá


Tôi phải mang sự đau khổ đặc biệt dành cho tôi, nếu tôi muốn theo Chúa Giêsu (Mt 11:28).


Quan Philatô trao Chúa Giêsu cho lý hình đánh đòn. Quân lính lột áo Người ra rồi choàng một áo đỏ lên Người, và chúng bện vòng gai thành một triều thiên, đặt trên đầu Người, và trao vào tay phải Người một cây sậy. Ðể chế nhạo Người, chúng quỳ trước mặt Người và nói: “Tâu vua dân Do Thái”. Chúng khạc nhổ vào Người, lấy cây sậy đập lên đầu Người. Và sau khi chế nhạo Người xong, chúng cho Người mặc áo lại, và dẫn Người đi đóng đinh vào thập giá. (Mat 27:28-31).

Chúa Giêsu trải qua tất cả những điều đó. Thời gian hành động đã qua. Người không nói nữa, Người không kháng cự; Người không trách mắng hay khuyên răn. Người đã trở thành một nạn nhân. Người không còn làm gì cả, nhưng bị người ta giáng họa. Người đã bước vào cuộc Thương Khó của Người. Người biết rằng hầu hết đời sống con người là khổ đau. Người ta bị bỏ đói, bắt cóc, tra tấn, và thảm sát. Người ta bị bỏ tù, đuổi ra khỏi nhà, phân ly với gia đình, quẳng vào trại tập trung, và dùng làm nô lệ lao động. Họ không hiểu tại sao. Họ không hay biết gì cả về nguyên nhân của chúng. Không ai giải thích cho họ. Họ nghèo khổ. Khi Chúa Giêsu cảm thấy cây thập giá đặt lên vai Người, Người cảm thấy niềm đau của tất cả những thế hệ tương lai đang đè nặng trên Người.

Tôi cảm thấy rất bất lực. Tôi muốn làm một cái gì. Tôi phải làm một điều gì. Ít ra tôi phải lên tiếng chống lại bạo tàn và sự thiếu dinh dưỡng, sự đàn áp và bóc lột. Hơn nữa, tôi phải làm mọi cách để làm giảm sự đau khổ mà tôi chứng kiến.

Nhưng còn một công tác khó khăn hơn nữa là vác thập giá của chính tôi, thập giá của cô đơn và cô lập, thập giá của sự bị tẩy chay mà tôi kinh nghiệm, thập giá của sự buồn phiền và khó chịu trong lòng. Bao lâu tôi khắc khoải về sự đau đớn của tha nhân xa vời mà không thể gánh vác sự đau đớn đặc biệt dành cho tôi, tôi có thể trở thành một người hiếu động, hoặc thành người bảo vệ nhân loại, nhưng chưa phải là môn đồ của Chúa Giêsu. Sự liên kết của tôi với những người bị áp bức được thể hiện qua việc tôi sẵn sàng chịu đựng sự cô đơn của tôi. Nó là một gánh nặng mà đôi khi tôi cố tránh né bằng cách lo lắng cho tha nhân. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Hãy đến cùng Ta, tất cả những ai lao nhọc và gánh nặng, và Ta sẽ cho nghỉ ngơi” (Mat 11:28). Chúa Giêsu vác thập giá của Người cho tất cả những ai đang đau khổ. Chúng ta đồng cảnh ngộ. Mỗi người chúng ta phải vác thập giá mình và theo Người, và như thế chúng ta nhận ra rằng chúng ta thật sự là anh chị em, những người học cùng Người là Ðấng khiêm nhường và hiền lành trong lòng. Một nhân loại mới chỉ được nảy sinh nhờ phương thế này mà thôi.

Lm. Henri J.M. Nouwen