Chúa Nhật Phục Sinh

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT - ALLÊLUIA

Trong đêm Phục sinh, Hội Thánh đã hát lên: “Ôi đêm thật diễm phúc, đêm duy nhất biết được thời gian Đức Kitô từ cõi chết sống lại”. Thế nhưng chúng ta có thể tự hỏi “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì ? Và đâu là dấu chứng bảo đảm Đức Kitô sống lại là một biến cố xác thực ?

Trước hết, sự sống lại của Đức Kitô không có nghĩa là Ngài trở lại với đời sống trần thế như trường hợp những kẻ Ngài cho sống lại trước đó, chẳng hạn: con trai bà goá thành Naim, con gái ông Giairô, hay Lazarô. Dẫu đây đã là một điều quá kỳ diệu đối với con người, song sự sống lại của họ chỉ là sự hồi sinh thân xác. Họ chỉ sống được một khoảng thời gian nào đó rồi cũng phải chết. Trái lại, sự Phục sinh của Đức Kitô hoàn toàn khác hẳn: “Một khi đã sống lại, Đức Kitô sẽ không bao giờ chết nữa; sự chết không còn làm chủ được Người nữa”.

Thân xác của Ngài đã được biến đổi hoàn toàn, trở nên một tạo thành mới vượt lên trên thời gian và không gian. Con người của Ngài đã hợp nhất trọn vẹn với Ngôi Lời Thiên Chúa vinh quang rạng ngời. Dẫu Ngài đã sống lại trong chính thân xác bị thương tích của cuộc khổ nạn, thân xác mà Ngài đã lãnh nhận trong suốt 33 năm trần thế, nhưng là thân xác đã được biến đổi, thân xác Phục sinh.

Vậy đâu là bằng chứng bảo đảm rằng việc Đức Kitô sống lại là biến cố xác thực ? Trong biến cố Phục sinh, yếu tố đầu tiên mà ta gặp là ngôi mộ trống như trình thuật bài Tin mừng mà chúng ta vừa nghe. Dẫu rằng, sự kiện này tự nó không phải là một bằng chứng trực tiếp. Nhưng mọi người đều coi ngôi mộ trống là dấu chỉ chủ yếu, là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận sự kiện Chúa Kitô sống lại. Dấu chỉ này còn được củng cố thêm bởi một chi tiết đặc biệt khác đó là những băng vải và tấm khăn che đầu. Quả thế, những băng vải và tấm khăn che đầu được cuốn, được xếp lại gọn gàng và để riêng ra một nơi cho thấy tin đồn của những người biệt phái cho rằng xác Đức Kitô đã bị lấy cắp là hoàn toàn không thuyết phục. Bởi lẽ, không một kẻ nào đánh cắp xác của một người chết mà lại đi tháo các băng vải và khăn liệm ra rồi xếp lại cẩn thận như thế. Sự việc này cho thấy một điều gì đó lạ thường đã xảy ra, không phải do loài người. Đây là dấu chỉ nói lên sự hiện diện của một người đã sống lại ra khỏi mồ.

Tuy nhiên, nếu sự việc chỉ dừng ở dấu chỉ ngôi mộ trống và những tấm khăn liệm, thì chưa đủ để kết luận chắc chắn Đức Kitô đã sống lại, nếu các môn đệ không được tận mắt thấy Chúa hiện ra nhiều lần với họ. Sau khi Phục sinh, Đức Kitô đã hiện ra nhiều lần, ban đầu với Macđala, với Phêrô và Gioan, sau đó với hai môn đệ Emmau, với nhóm Mười Một và với hàng trăm người khác. Ngài hiện ra ở Giêrusalem, ở Galilêa, ở hồ Tibêria…; hiện ra ở nơi phòng các môn đệ họp nhau, ở bên biển hồ, ở trên núi ….

Đặc biệt là chứng tá kiên cường của các môn đệ. Quả vậy, sau khi được chứng kiến Đức Kitô Phục sinh hiện ra với mình và được Ngài cũng cố niềm tin, các môn đệ hân hoan tung cửa ra đi loan báo Tin Mừng Phục sinh, bất chấp mọi thử thách gian truân đang chờ đợi. Ngay trước đó, họ là những con người nhát đảm, rụt rè, sợ hãi, nhất là trước cái chết của đau thương của Thầy mình, họ chưa hết bàng hoàng kinh hãi; nhưng khi được gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh, được Ngài trao ban Thánh Thần, các ông đã sẵn sàng lấy chính cái chết của mình để minh chứng cho niềm tin vào sứ điệp Phục sinh của Thầy mình. Đây là bằng chứng hùng hồn nói lên rằng sự kiện Đức Kitô Phục sinh là sự kiện xác thực, không thể chối cải được.

Hơn nữa, chính Đức Kitô đã liên kết về sự Phục sinh với bản thân Ngài khi Ngài nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống”. Ngay trong thời gian rao giảng Tin mừng, Ngài đã cho chúng ta một dấu chỉ và một bảo chứng bằng cách hồi sinh một số người đã chết, để tiên báo chính Ngài sẽ sống lại. Ngài nói về biến cố này như là “dấu chỉ Giona” và “dấu chỉ Đền Thờ”. Các môn đệ cũng đã được Ngài loan báo cho biết Ngài sẽ lên Giêrusalem chịu khổ hình, chịu chết, nhưng ngày thứ 3 Ngài sẽ sống lại. Ngài loan báo không chỉ một lần mà đến 3 lần. Như thế, việc Đức Kitô Phục sinh như là biến cố hoàn tất các lời tiên báo về Ngài. Tuy nhiên cũng phải khiêm tốn nhìn nhận rằng Phục sinh vẫn là mầu nhiệm của đức tin, vì nó siêu vượt trên mọi chiều kích lịch sử.

Đức Kitô sống lại có ý nghĩa gì đối với niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta ?

Trước hết, Đức Kitô Phục sinh đem đến cho chúng ta niềm xác tín chắc chắn rằng chính Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Sống và là Thiên Chúa thật. Đức Kitô Phục sinh còn cho chúng ta vững tin rằng chính ngài đã chiến thắng tội lỗi, sự chết, đồng thời dẫn chúng ta vào sự sống mới. Sự sống mới được hiểu là ta được đưa vào trong tương quan nghĩa tử với Người, tức là ơn làm con Thiên Chúa và làm anh em của Chúa Kitô như Ngài đã gọi các môn đệ sau khi sống lại: “Hãy đi báo tin cho anh em của Thầy”.

Sau nữa, sự Phục sinh của Đức Kitô cũng như chính Đức Kitô Phục sinh còn là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của chúng ta mai sau: “Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Co15,20). Quả vậy, trong Đức Kitô Phục sinh, chúng ta cũng được mời gọi đóng đinh cho những tính hư nết xấu của xác thịt và chết đi cho tội lỗi của mình, để ngày sau cũng được phục sinh vinh với Ngài.

Trong lúc chờ đợi sự hoàn tất đó, Đức Kitô Phục sinh vẫn đang sống trong lòng mọi tín hữu chúng ta. Nơi Ngài, chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh, niềm vui hân hoan và hy vọng, để giữa bao khó khăn gian truân của cuộc đời, chúng ta vẫn không ngã lòng thất vọng; trái lại vẫn một niềm cậy trông vững vàng vào sự phục sinh vinh quang với Chúa trên trời mai sau. Amen.

Phục sinh 2009