HÀ NỘI - Sáng nay (20/5), Quốc hội Việt Nam mới nhóm họp để bàn bạc và ra những “quyết sách” quan trọng. Vấn đề bauxite Tây Nguyên được nhiều tầng lớp nhân dân và cán bộ, kể cả các bậc lão thành hết sức quan tâm.

Những người quan tâm mong chờ một cuộc bàn bạc cụ thể để dừng lại dự án này cứu lấy Tây Nguyên, không đưa những kẻ luôn rắp tâm bành trướng, xâm lược đất nước ta vào mái nhà Tây Nguyên, bảo đảm an ninh quốc phòng cho đất nước và thực chất là cứu lấy đất nước Việt Nam.

Vậy mà ngay từ hôm kia, 18/5, Trần Đình Đàn – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã biết trước kết quả cuộc họp với lời tuyên bố thẳng thừng: “Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bô-xít”?

Như vậy là đã rõ, chẳng cần họp nữa thì Quốc hội vẫn có kết quả là hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bauxite? Tất cả những ý kiến khác chiều chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc”?

Người ta tự hỏi, vì sao vấn đề chưa đưa ra bàn đã biết được trước kết quả? Phải chăng là Quốc hội Việt Nam luôn đồng lòng, đồng thuận trong mọi vấn đề nên nếu có đưa ra thì cũng vẫn có kết quả là “hoàn toàn ủng hộ”?

Hay bởi dự án bauxite ở Tây Nguyên là chuyện chẳng có gì để phải mất công bàn bạc? Hoàn toàn không phải thế. Với nhận thức của nhiều người từ dân thường đến các trí thức rất hiểu ý nghĩa và những tác hại của dự án này.

Ngoài những lo ngại về tính kinh tế của dự án, những lo ngại về môi trường bị hủy hoại thì vấn đề nhức nhối nhất là an ninh quốc phòng. Trong báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội sớm nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu lên vấn đề “lao động nước ngoài vào Việt Nam ở các dự án do nước ngoài trúng thầu”.

Tại các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, các nhà thầu Trung Quốc đã đưa người của họ vào để thực hiện, con số là bao nhiêu? Họ là ai, có đúng là những công nhân lao động phổ thông hay đó là đội quân thứ 5, thứ 6 của những âm mưu bành trướng? Trong khi Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biên ải của đất nước đang ngày đêm bị bọn xâm lược xâm lấn, chiếm giữ thì việc rước thêm một đội quân Tàu vào Mái nhà Tây Nguyên có ảnh hưởng thế nào đến an ninh quốc phòng, giữ gìn đất nước?

Những câu hỏi đó của mọi người dân đang đặt lên bàn của Quốc hội với những hi vọng các “đại biểu của dân” hiểu được ý nghĩa của vấn đề mà bàn bạc thấu đáo những mặt lợi, hại ở dự án này.

Vậy nhưng, trái bóng chưa lăn thì tỷ số đã được báo trước.

Qua lời phát biểu này, người ta nhớ đến hai vụ việc đã qua:

- Vụ án bán độ bóng đá của đội tuyển U23 VN năm 2005:

Trước khi diễn ra trận đấu giữa đội tuyển U23 VN và đội tuyển U23 Myanmar tại SEA Games 23 vào ngày 24-11-2005, Lý Quốc Kỳ đã đưa 240 triệu đồng (thông qua Trương Tấn Hải) cho Lê Quốc Vượng và một số cầu thủ bóng đá U23 VN để dàn xếp tỉ số trận đấu (đá thắng cách biệt 1 bàn), với mục đích dùng tỉ số này để đánh bạc bằng hình thức cá cược bóng đá. Kết quả là cầu thủ cá độ đã chịu bản án 4 năm 6 tháng tù giam.

Ở trên diễn đàn Quốc hội, việc ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông báo trước kết quả, tỷ số của cuộc họp nói lên ý nghĩa gì?

Nên nhớ đây không phải là ông ta dự đoán, mà là khẳng định hẳn hoi nhé. Vậy thì việc cá cược phải chắc ăn lắm.

Phải chăng ông Trần Đình Đàn, người có tài tiên tri mọi vấn đề, kể cả vấn đề nhức nhối nhất? Nếu điều này đúng, thì chắc Quốc hội khỏi họp cả tháng làm gì cho tốn tiền của và công sức biểu diễn. Chỉ cần ông Trần Đình Đàn phán là ra kết quả.

Nếu không đúng, thì trước hết phải kỷ luật ngay ông Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội mà ăn nói hồ đồ này. Nếu những vấn đề cơ mật, những vấn đề quan trọng của đất nước được đưa ra Quốc hội chỉ để biểu diễn vì kết quả đã có trước như vụ bauxite này, thì quả là hao tiền tốn của vô ích của nhân dân.

- Vụ bầu xác chết vào làm Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam:

Tại Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 8. Ngày 28/6/1996 ông Nguyễn Đình Tứ đã chết đột ngột. Vậy nhưng đến mấy ngày sau đó, ngày 30/6/1996 ông Nguyễn Đình Tứ vẫn được đưa lên bầu, mà lại bầu vào Bộ Chính trị hẳn hoi.

Chỉ đến khi bầu xong mới có thông báo: Ông Tứ đã chết

Chuyện này làm nhiều người khi đó ngạc nhiên, chẳng lẽ nội bộ có mấy ông với nhau trong bộ Chính trị, mà ông Tứ chết mấy ngày những ông khác còn không biết để phải bầu một xác chết làm ủy viên Bộ Chính trị?

Thực ra, người có hiểu biết thì nói rằng không phải thế, mọi chuyện bầu bán đã được dàn xếp từ trước, đưa ra trước bàn dân thiên hạ chỉ là để “diễn” mà thôi. Vì vậy khi đã học thuộc vở, thì có sự cố vẫn phải diễn mới đúng vai. Và đã có sự hài hước là bầu xác chết vào làm Ủy viên Bộ Chính trị là vậy.

Với câu nói của Trần Đình Đàn về ý kiến của Quốc hội trong vấn đề bauxite, nó đúng với tính chất của vụ nào trong hai vụ việc trên?

Chẳng lẽ Quốc hội Việt Nam cũng đang là một sân diễn, một nơi có thể cá độ?

Lời phát biểu khẳng định của Trần Đình Đàn đù vô tình hay hữu ý, đều coi các đại biểu Quốc hội Việt Nam như những con rối mà ông hoặc ai đó có thể điều khiển, giật dây?

Câu hỏi này dành cho các đại biểu Quốc hội trả lời.