CÔNG DÂN LIÊN HIỆP ÂU CHÂU BẦU NGHỊ VIỆN

375 triệu cử tri 27 quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu sẽ tham gia bầu 736 dân biểu họp thành Nghị viện Âu châu mới cho nhiệm kỳ 2009-2014, trong 27 cuộc tuyển cử riêng biệt và khác nhau từ ngày 4 đến 7 tháng sáu 2009.

I. QUYỀN LẬP PHÁP LIÊN HIỆP ÂU CHÂU.

- Liên hiệp Âu châu trao quyền Lập Pháp cho hai cơ quan:

A. Hội đồng Tổng trưởng (hay Hội đồng Liên hiệp Âu châu)

Hội đồng bao gồm 27 tổng trưởng các quốc gia thành viên, theo từng lãnh vực chuyên biệt. Nhưng, số lượng các tổng trưởng có thể tăng lên khi Hội đồng thảo luận các vấn đề liên quan đến nhiều Bộ. Từ tháng 06.2002, Hội đồng bao gồm 9 lãnh vực chuyên biệt: Nông nghiệp và Ngư nghiệp – Cạnh tranh ‘kinh tế’ (Compétitivité) – Hợp tác trong lãnh vực tư pháp và nội vụ - Việc làm, chính sách xã hội, y tế và tiêu thụ – Vận tải, viễn thông và năng lượỉng – Sự vụ tổng quát và liên hệ đối ngoại – Sự vụ kinh tế và tài chính – Giáo dục, thanh niên và văn hóa.

Chủ tịch Hội đồng Tổng trưởng được trao luân phiên giữa các quốc gia thành viên 6 tháng một lần, khi nước đó giữ vai trò Chủ tịch Liên hiệp Âu châu. Vị Tổng trưởng được bầu phải lập chương trình nghị sự cho Hội đồng.

B. Nghị viện Âu châu.

Đây là một nghị viện đa quốc gia lớn nhất thế giới, đại diện 492 triệu người dân Liên hiệp Âu châu, với nhiệm kỳ 5 năm, hoạt động theo phương châm ‘Hợp nhất từ những khác biệt’. Nghị viện Âu châu là định chế duy nhất bao gồm các dân biểu được công dân các nước Liên hiệp Âu châu trực tiếp bầu vào. Tuy nhiên, Nghị viện không hành sử trọn quyền làm luật như Quốc hội tại các quốc gia dân chủ.

Nghị viện Âu châu được tổ chức như sau:

- Chủ tịch trách nhiệm về các mối quan hệ đối ngoại, chủ trì các kỳ họp của Nghị viện...
- Viện Điều hành Hoạt động Nghị viện và các cơ quan trực thuộc, gồm một Viện trưởng, 14 Viện phó và 5 Cố vấn phụ trách công tác điều hành và tài chính liên quan đến các dân biểu.
- Các ủy ban chuyên môn khác nhau nhưng trách nhiệm chung là chuẩn bị nội dung cần thiết cho các buổi họp Nghị viện.
- Ban thư ký có trách nhiệm điều hành công việc Nghị viện, gồm một Tổng thư ký và 3.500 viên chức mà 1/3 trong số đó làm công tác dịch thuật.

Liên hiệp Âu châu hoàn thành luật theo thủ tục như sau:

1. Ủy ban Âu châu (Commission Européenne) giữ vai trò Chánh Phủ (Hành pháp) Liên hiệp Âu châu, có nhiệm viết Dự Luật và gởi đến Hội đồng Tổng trưởng.

2. Hội đồng Tổng trưởng thảo luận Dự Luật và tìm sự đồng thuận giữa Tổng trưởng và, khi đó, Dự Luật được chuyển đến Nghị viện.

3. Nghị viện Âu châu có nhiệm vụ phê chuẩn hay không một đạo luật của Liên hiệp Âu châu.

Bộ luật của Liên hiệp Âu châu có thẩm quyền cao hơn luật quốc gia thành viên.

Tóm lại, Nghị viện Âu châu có các thẩm quyền:

1. Quyền ‘đồng quyết’ với Hội đồng Tổng trưởng, tức một dự luật chỉ được trở thành luật khi cả hai bên cùng đồng thuận thông qua. Nguyên tắc được áp áp dụng trong hầu hết các lãnh vực, trừ chính sách đối ngoại hay nông nghiệp.

2. Quyền kiểm soát ngân sách Liên hiệp Âu châu và, vào tháng 12 hằng năm, Nghị viện biểu quyết ngân sách cho tài khoá năm sau. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Âu châu có trách nhiệm báo cáo các hoạt động tài chính của Ngân hàng cho Nghị viện trong phiên họp khoáng đại.

3. Quyền quản lý ngân sách Liên hiệp Âu châu được chia với Hội đồng Tổng trưởng, giám sát các định chế của Liên hiệp Âu châu cùng xét duyệt các tân ủy viên Âu châu (ngang hàng với các Tổng trưởng trong Ủy ban Âu châu) và có thể bải nhiệm toàn bộ thành viên Ủy ban Âu châu.

Một nghị quyết đáng chú ý.

Ngày 07.05.2009, tại phiên họp khoáng đại tại Strasbourg, đa số các dân biểu Nghị viện Âu châu đã bác bỏ nghị quyết lên án Đức Bênêđictô XVI vì những lời phát biểu của ngài về bao cao su. Với 253 phiếu chống, 199 ủng hộ và 61 phiếu trắng, các vị này đã quyết định không đưa vào trong bản báo cáo thường niên của Nghị viện về Nhân Quyền trên thế giới, một đoạn văn muốn kết án ‘mãnh mẽ‘ những tuyên bố gần đây của Đức Thánh Cha. Đối với các nghị sĩ, những lời tuyên bố này không gây cản trở cho cuộc đấu tranh chống lại bệnh sida.

Lương dân biểu.

Cho đến nay, dân biểu Nghị viện Âu châu được trả lương ngang với mức lương của dân biểu Quốc hội tại nước mà vị đó đại diện. Do đó, lương tháng của một dân biểu đến từ Ý (11 ngàn euro/tháng) cao gấp 4 lần so với Tây Ban Nha và gấp 14 lần so với thành viên của một số nước Đông Âu (Hung-gia-lợi khoảng 800 euro/tháng, Slovaquie khoảng 900 euro)... Tuy nhiên, những dân biểu có mức lương thấp được nhận thêm một khoản phụ cấp trích từ chi phí điều hành văn phòng (lối 150 ngàn euro/năm) và chi phí công tác bằng phi cơ đều được hoàn trả.

Trong thời gian qua, có những đề nghị thống nhất lương của các dân biểu Âu châu ở mức 8600 euro/tháng. Nhưng chánh phủ Đức không đồng ý vì mức lương đó sẽ gây thêm chi tiêu ngân sách Liên hiệp Âu châu.

Trong nhiệm kỳ 2009 – 2014, một dân biểu Âu châu nhận lương tháng là 7008 euro, 4202 euro trợ cấp phụ phí và 298 euros cho mỗi ngày họp.

Nghị viện Âu châu có hai trụ sở đặt tại Espace Léopold/Leopoldwijk ở Brussels (Bỉ) và tại tòa nhà Louise Weiss Strasbourg (Pháp) cùng bộ phận hành chính ở Luxembourg. Trong một tháng, các dân biểu làm việc ba tuần tại Brussels với hầu hết các cuộc họp của ủy ban và các nhóm chính trị. Tuần còn lại, các vị này họp khoáng đại ở Strasbourg.

II. BẦU CỬ DÂN BIỂU ÂU CHÂU NĂM 2009.

Trong phiên họp thượng đỉnh tại Paris ngày 9 và 10.12.1974, lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu nhấn mạnh đến việc cần có một Nghị viện Âu châu do người dân trực tiếp bầu vào. Tháng 01.1975, Nghị viện Âu châu, lúc đó, các dân biểu đã được bầu bởi Quốc hội các quốc gia thành viên, thông qua một dự án để người dân trực tiếp bầu các dân biểu Âu châu. Lãnh đạo các quốc gia Liên hiệp Âu châu ký thành Đạo luật ngày 20.09.1976. Sau khi được các quốc gia thành viên Liên hiệp phê chuẩn, Đạo luật có hiệu lực từ ngày 01.01.1978 và được áp dụng lần đầu trong cuộc bầu cử từ 07 đến 10.06.1979. Ba mươi năm đã trôi qua… Cuộc bầu cử năm 2009 là lần thứ bảy.

Những cuộc bầu cử trải dài tại 27 quốc gia có những điểm giống và những điều khác nhau:

1. Ngày bầu cử.

Cử tri Anh-quốc và Hòa-lan sử dụng lá phiếu vào ngày 04.06.2009. Tiếp theo, Ái-nhỉ-lan tuyển cử ngày 05.06.2009, trong khi Cộng-hòa Séc (Tchèque) khởi sự ngày 05.06.2009 và chấm dứt ngày 06.06.2009. Lettonie bầu cử vào ngày 06.06.2009. Ý-đại-lợi trong hai ngày 06 và 07.06.2009. Các nước còn lại đều tổ chức đầu phiếu vào ngày 07.06.2009.

Theo Quyết định của Hội đồng Âu châu (định chế bao gồm Tổng thống và Thủ tướng các quốc gia Liên hiệp Âu châu) ngày 23.09.2002 thì tuy bầu cử trong những ngày khác nhau nhưng các tuyên đoán kết quả chỉ được công bố sau khi đóng cửa phòng phiếu ở quốc gia cuối cùng của Liên hiệp. Áp dụng cho kỳ tuyển cử năm nay, giờ được phép công bố đó là lúc 20 giờ (giờ Paris) ngày 07.06.2009. Kết quả chính thức chỉ được biết lúc 12 giờ ngày 08.06.2009.

2. Số dân biểu phải cử tại mỗi quốc gia.

Số dân biểu đại diện cho mỗi quốc gia được ấn định theo dân số như sau: Đức (99); Pháp, Ý-đại-lợi và Anh-quốc (72); Tây-ban-nha và Ba-lan (50); Lỗ–ma-ni (33); Hòa-lan (25); Bỉ, Hy-lạp, Hung-gia-lợi, Bồ-đào-nha và Cộng-hòa Séc (Tchèque) (22); Thụy-điển (18); Áo-quốc và Bảo-gia-lợi (17); Đan-mạch, Phần-lan và Cộng-hòa Tiệp (Slovaquie) (13); Lituanie và Ái-nhỉ-lan (12); Lettonie (8); Slovénie (7); Chypre, Lục-xâm-bảo và Estonie (6) và Malte (5).

Tại các quốc gia nhỏ (Lục-xâm-bảo, Malte), một dân biểu đại diện khoảng 80000 dân cư. Tại các quốc gia ‘trung bình’, một dân biểu đại diện lối 500000 dân cư. Tại các quốc gia lớn (Đức, Pháp, Ý-đại-lợi, Anh-quốc, Tây-ban-nha), số dân cư này tăng đến 800000.
Trong nhiệm kỳ lập pháp 2009-2014, nếu Thỏa hiệp Lisbonne được phê chuẩn và có hiệu lực, thì tổng số dân biểu sẽ được gia tăng thành 754.

3. Quyền bầu cử.

Mọi công dân Liên hiệp Âu châu, trọn 18 tuổi và hội đủ điều kiện bầu cử trong nước mình, có quyền bầu cử tại quốc gia mình đang cư ngụ.

Việc bầu phiếu bắt buộc tại Bỉ, Hy-lạp, Lục-xâm-bảo và Malte. Tại Ý-đại-lợi, tuy việc bầu phiếu không bắt buộc, những được xem như một ‘bổn phận công dân.

4. Quyền ứng cử.

Mọi công dân Liên hiệp Âu châu hội đủ điều kiện ứng cử trong nước mình đều có quyền ứng cử tại quốc gia mình đang cư ngụ.

Tuổi tối thiểu để được ứng cử thay đổi theo từng nước:

- 18 tuổi tại Đức, Đan-mạch, Tây-ban-nha, Phần-lan, Hung-gia-lợi, Hòa-lan, Bồ-đào-nha, Thụy-điển, Slovénie và Malte;
- 19 tuổi tại Áo-quốc;
- 21 tuổi tại Bỉ, Ái-nhỉ-lan, Lục-xâm-bảo, Anh-quốc, Cộng-hòa Tiệp, Lituanie, Estonie, Lettonie, Ba-lan, Cộng-hòa Séc và Bảo-gia-lợi;
- 23 tuổi tại Pháp và Lỗ–ma-ni;
- 23 tuổi tại Chypre, Hy-lạp và Ý-đại-lợi.

Trong 6 quốc gia (Đức, Đan-mạch, Hy-lạp, Hòa-lan, Thụy-điển và Cộng-hòa Séc), chỉ các đảng và các tổ chức đồng hóa mới được đưa người ra ứng cử. Tại các quốc gia khác, mọi người có thể trở thành ứng cử viên nếu hội đủ một số chữ ký cần thiết luật định cử tri.

Tại Anh-quốc, Hy-lạp, Hòa-lan, Ái-nhỉ-lan và Cộng-hòa Tiệp, ứng cử viên phải đóng một số tiền ký quỹ.

5. Sự Phân chia Đơn vị bầu cử.

Mười sáu nước (Áo-quốc, Chypre, Đan-mạch, Phần-lan, Tây-ban-nha, Lituanie, Estonie, Lettonie, Hung-gia-lợi, Bồ-đào-nha, Cộng-hòa Séc, Lục-xâm-bảo, Hòa-lan, Thụy-điển, Malte và Cộng-hòa Tiệp) chỉ có một Đơn vị bầu cử trên toàn thể quốc gia.

Bỉ chia quốc gia thành 4 Đơn vị bầu cử; Ba-lan 13; Ái-nhỉ-lan 4; Anh-quốc 11; Ý-đại-lợi 5 và Hy-lạp 56. Pháp 8. Tại Đức, các chính đảng có thể giới thiệu ứng cử viên theo cấp Land, hoặc nhiều Lảnder hay cấp quốc gia.

6. Thể thức Bầu cử và Chia Ghế.

Tất cả các quốc gia dều áp dụng thể thức đại diện theo tỉ lệ tại Nghị viện Âu châu. Có những quốc gia cho phép thay đổi vị trí các ứng cử viên trong liên danh, nhưng có những quốc gia khác như Đức, Tây-ban-nha, Pháp, Hy-lạp… thì cấm ghi gì vào lá phiếu để không bị coi là bất hợp lệ.