Phán quyết của tòa án LH Âu Châu về Thánh Giá cần phải được xét lại

Nhà nước và Giáo Hội Công Giáo ở Ý rất hài lòng khi tòa án về nhân quyền của Liên Hiệp Âu Châu ở Straßburg/Pháp tuyên bố sẽ rút lại quán quyết đầy tranh cãi về việc cấm treo tượng Thánh Giá ở các phòng học tại các trường công lập tại Ý và một lần nữa sẽ đưa ra bàn thảo một cách kỹ càng và rộng rãi hơn.

Vào cuối tháng 01. 2010, đúng với thời hạn luật định, chính phủ Ý đã đưa ra lời kháng án chống lại phán quyết của tòa án LH Âu Châu đưa ra vào tháng 11. 2009 ủng hộ đơn kiện của một người đàn bà yêu cầu cấm treo tượng Thánh Giá trong các phòng học công lập ở Ý vì lý do là để tôn trọng sự tự do tôn giáo của các học sinh ngoài Kitô giáo và đã cho rằng người đàn bà này có lý. Trước khi đâm đơn kiện lên tòa án Âu Châu, người đàn bà này đã từng kiện tại các tòa án Ý, nhưng đơn kiện của bà đã không được chấp nhận.

Ngày 02.03.2010, một Ủy ban gồm năm quan tòa của tòa án Liên Hiệp Âu Châu đã chấp nhận đơn kháng án của nước Ý và quyết định sẽ đưa vấn đề ra thảo luận và cứu xét một cách kỹ càng và đầy đủ hơn. Bây giờ đại pháp viện gồm mười bảy quan tòa của tòa án Liên Hiệp lại một lần nữa phải bàn thảo, cân nhắc và phê phán vấn đề một cách hết sức chính xác, công minh, thận trọng và khách quan hơn.

Hội đồng các Giám Mục Ý đánh giá quyết định trên của Ủy ban tòa án Âu Châu là phản ứng đầu tiên của một „bước đi đúng hướng“. Còn Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội Đồng các Giám Mục (HĐGM) Ý, gọi thông báo của tòa án LH Âu Châu ở Straßburg sẽ đưa xét lại phán quyết của mình là một „hành động của trí năng lành mạnh“. Với văn phòng báo chí của HĐGM Ý (SIR), Đức Hồng Ý Bagnasco còn thêm: „Đây cũng chính là một quyết định đã được tất cả mọi người chờ đợi từ lâu, bởi vì, quyết định này tỏ ra biết tôn trọng truyền thống của đất nước chúng tôi“.

Còn Franco Frattini, Bộ trưởng ngoại giao Ý, cũng „rất hài lòng“ đón nhận quyết định tích cực này từ Straßburg và tuyên bố rằng các lý do mà nước Ý nêu lên trong bản kháng án đã được lắng nghe. Ngài Aldo Giordano, vị đại diện thường trực của Vatican tại nghị viện Âu Châu cũng cho rằng quyết định vừa rồi của tòa án Âu Châu là một „tin vui“. Quyết định ấy đáp ứng những chờ đợi của hàng triệu người thiện tâm ở Âu Châu cũng như ở các châu lục khác. Ngài Giordano hy vọng rằng sự tranh cãi do sự phán quyết vội vàng của tòa án Âu Châu trong năm 2009 gây ra đã đóng góp vào việc tái khám phá ra ý nghĩa quan trọng chân thực của biểu tượng Thánh Giá Đức Kitô. Ngài còn thêm: „Nhân loại khẩn thiết cần đến biểu tượng Thánh Giá, một biểu tượng cao cả chứa đựng giá trị của một sự hòa giải và sự tôn trọng chân thành đối với các đồng loại qua giới luật tình yêu là biết hy sinh sự sống mình cho người khác“.

Giuseppe Dalla Torre, Bộ trưởng tư pháp Ý và chủ tịch tòa án nhà nước Vatican cũng ca ngợi quyết định mới nhất của tòa án Âu Châu là hợp lý. Ông hy vọng rằng nay đến lượt đại pháp viện Âu Châu cần phải công nhận những luận cứ nước Ý trình bày trong đơn kháng án là hoàn toàn hợp lý. Với văn phòng báo chí SIR, ông còn cho rằng chính sự việc tòa án Âu Châu chấp nhận ý kiến của nước Ý đưa ra và tái đưa vấn đề ra thảo luận lại đã cho thấy rằng những phản ứng chống đối lại phán quyết trước kia của tòa án Âu Châu còn mang một „tầm quan trọng sâu xa hơn, chứ không chỉ hợp lý mà thôi“.

Đức Hồng Y Peter Erdö, chủ tịch Ủy ban Cố vấn các HĐGM Âu Châu, phát biểu rằng những quyết định thuộc lãnh vực các lợi ích tôn giáo thì cần phải tùy thuộc phạm vi quốc gia. Đức Tổng Giám Mục Budapest, thủ đô Hung Gia Lợi, còn kêu gọi tòa án Straßburg hãy hồi phục lại sự tin cậy vào các định chế Âu Châu „nơi nhiều người công dân Âu Châu, nơi các Kitô hữu, nơi các người có đức tin và nơi tất cả những người thiện tâm, là những người đã từng cảm thấy bị thương tổn nặng nề do phán quyết trước kia của tòa án Âu Châu gây nên“.

Bà tiến sĩ Maria Flachsbarth phụ trách vấn đề tôn giáo của nhóm dân biểu Đảng Thiên Chúa Giáo Thống Nhất (CDU) ở Đức đã tích cực chào đón quyết định của tòa án Âu Châu tái đưa vấn đề ra cứu xét một cách nghiêm chỉnh. Thứ tư vừa qua, 3.3.2010, bà Flachsbarth đã tuyên bố rằng quyền tự do tôn giáo không thể bị thu hẹp lại một cách độc điệu „vào việc bó buộc phải từ bỏ một biểu tượng tôn giáo“

Tuy nhiên, mãi cho đến nay, người ta vẫn chưa biết khi nào thì tòa đại pháp viện của LH Âu Châu sẽ tái đưa vấn đề ra bàn thảo và phê phán. Còn việc mời các phe liên quan và các đại diện của các nước tham dự vào cuộc tọa đàm của đại pháp viện Âu Châu là một điều có thể làm, nhưng không nhất thiết. Một điểm quan trọng khác là sự phán quyết của đại pháp viện lần này sẽ là phán quyết sau cùng và sẽ không còn chấp nhận các kháng án nữa.

Lm Nguyễn Hữu Thy