Hoa Thịnh Đốn(CNS) – Trong một nghi lễ giản dị trước khoảng 12 dân biểu, đa số là Công Giáo, Tổng Thống Obama đã ký sắc lệnh ấn định là không cho ngân khoản Liên Bang nào được dùng cho việc trang trải các phí tổn phá thai dưới đạo luật cải tổ y tế mới. Nghi lễ này không có giới truyền thông được tham dự, và tổng thống không tuyên bố gì về sắc lệnh, đã được hứa hẹn với một nhóm dân biểu Dân Chủ là họ sẽ bỏ phiếu thuận cho đạo luật về việc Bảo Vệ Các bệnh Nhân và Săn Sóc Sức Khỏe giảm giá. Dự luật này đã được hạ viện thông qua với 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống ngày 21 tháng 3 vừa qua.

Bản văn của sắc lệnh nói rằng mục đích là “thiết lập một cơ cấu kiểm xoát hiệu lực để bảo đảm rằng ngân khoản Liên Bang sẽ không được dùng cho các dịch vụ phá thai (ngoại trừ trường hợp bị hiếp dâm hay loạn luân, hay đời sống của người phụ nữ bị nguy hiểm), phù hợp với một đạo luật hạn chế có hiệu lực từ lâu năm có tên là Tu Chính Hyde."

"Mục tiêu của sắc lệnh này là để thiết lập một hệ thống các chính sách và phương thức cho toàn thể chính phủ để đạt được mục tiêu này và để đảm bảo là tất cả mọi thành phần liên hệ -- các giới chức chính phủ Liên Bang, Tiểu Bang (kể cả các cơ quan giám sát việc bảo hiểm – đều thông hiểu trách nhiệm cũ và mới của họ.”

Đức Hồng Y Francis E. George Tổng Giáo Phận Chicago, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 23 tháng 3 là ngài lo ngại không rõ sắc lệnh này có thể đạt được mục tiêu đề ra hay không, vì một số chuyên gia về luật pháp tin rằng các tòa án sẽ dùng bản văn trong chính đạo luật thay vì sắc lệnh để quyết định xem ngân khoản Liên Bang có thể sử dụng cho việc phá thai không?

Những vị tham dự nghi lễ gồm có: Nghị sĩ Bob Casey tiểu bang Pennsylvania và các dân biểu Bart Stupak: Michigan; Kathy Dahlkemper, Chris Carney và Mike Doyle: Pennsylvania; Marcy Kaptur, Steve Driehaus và Charlie Wilson: Ohio; Nick Rahall và Alan Mollohan: West Virginia; Jerry Costello: Illinois; Jim Oberstar: Minnesota; Brad Ellsworth: Indiana; và Henry Cuellar: Texas. Tất cả đều là người Công Giáo ngoại trừ ông Rahall, Presbyterian, và Mollohan, theo đạo Baptist.