Nơi Thứ Bảy - Chúa Giêsu Ngã Xuống Ðất Lần Thứ Hai


Cơn cám dỗ làm ta thất vọng thì mạnh hơn khi chúng ta quá mệt mỏi để tiếp tục hành trình (TV 6:7)


Khi Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai, thì không phải vì thập giá Người vác quá nặng, nhưng vì toàn thân Người đã hoàn toàn kiệt quệ. Người không còn sức lực. Những năm tháng làm việc ờ quê quán Người, thời gian rao giảng, đi từ thành nọ đến thành kia với các môn đệ, theo sau bởi những đám đông, tất cả đã làm thân thể Người bị hao tổn nặng nề. Và gần đây, Người phải chịu sự chống đối mỗi ngày một gia tăng đối với lời kêu gọi ăn năn hối cải của Người: những đe dọa đến sinh mạng Ngưởi, sự đào ngũ của nhiều môn đồ, sự phản bội của Giuđa và sự chối bỏ của Phêrô, những trận đòn, những lời nhạo báng, sự hoàn toàn thiếu hiểu biết của vua Hêrôđê và quan Philatô, những tiếng la gào chống đối của đám đông.

Thật là quá sức cho một người phải chịu đựng. Vì thế nên Người vấp và ngã xuống. Giấc mơ khởi đầu một vương quốc của tình yêu và thứ tha giờ này ở đâu? Thọat tiên hình như nhiều có người chia sẻ viễn tượng này của Người. Bây giờ Người hoàn toàn cô đơn, thắc mắc tại sao Người không còn được nghe tiếng nói với Người ở sông Giođăng và trên núi Taborê. Người đã làm điều gì sai lỗi, hay là Người là nạn nhân của một quyền lực ngoài vòng kiểm soát của Người?

Chúa Giêsu biết quá rõ giây phút đó khi Người không muốn tiếp tục đi, khi Người muốn bỏ cuộc và để thất vọng đưa đến đường diệt vong. Không phải chỉ ở những vùng nghèo đói của các quốc gia đang mở mang mà dân chúng mới có những cảm xúc này. Những người giầu có và sung túc cũng dễ bị thất vọng như những người nghèo khổ và cơ cực. Từ những những cuộc vật lộn của tôi, tôi biết sự thất vọng trong nội tâm của linh hồn một người. Tôi cũng thế, ngay cả khi tình trạng kinh tế tương lai của tôi xem ra bảo đảm, cũng có thể bất ngờ bị khuất phục bởi những cảm giác bối rối về tội lỗi và ngượng ngùng, sợ hãi và thất vọng. Và khi tôi nhìn chung quanh tôi, vào thẳng mắt của những người sống lâu và chăm chỉ làm việc, tôi thường thấy cùng một câu hỏi này: “Ðời sống tôi có giá trị gì không?” Từ đó nảy sinh một sự mệt mỏi sâu sa trong tâm hồn đến nỗi xem ra không thể nào tiếp tục được nữa. Tất cả coi như là một thất bại nặng nề. Mọi cố gắng của chúng ta xem ra thành mây khói. Giấc mộng bị vỡ tan tành, hy vọng bị lung lay tận gốc, và ước vọng bị rách nát tả tơi. Sự ngã lòng xâm chiếm và không còn chi xem ra quan trọng nữa.

Chúa Giêsu cũng đồng chịu cảnh ngộ này với chúng ta khi Người ngã xuống. Bây giờ Người kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng rằng việc Người và chúng ta ngã là một chặng thực sự của đường thập giá. Có lẽ chỉ có một việc chúng ta có thể làm khi ngã là nhớ rằng Chúa Giêsu đã ngã và bây giờ đang cùng ngã với chúng ta. Việc nhớ lại này có thể là một gợi ý xa xôi đầu tiên rằng vẫn còn hy vọng. Và hy vọng này, bằng một đường lối mới, có thể kết hợp thế giới của những người thất vọng khắp nơi lại với nhau, và chỉ cho chúng ta hướng đi đến một xã hội công bình và bác ái hơn.

Lm. Henri J.M. Nouwen

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ