Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ củng cố sự hiệp thông, tình liên đới với các Kitô hữu Trung Đông

Nicosia (AsiaNews) - Thượng Hội Đồng Giám Mục về Trung Đông "sẽ cố gắng đào sâu" gắn kết các giáo hội cổ xưa trong vùng để bày tỏ tình liên đới của các Kitô hữu trên khắp thế giới đối với những anh em ở nơi các quốc gia "chịu những nỗi gian nan to lớn do tình hình hiện nay" để ủng hộ cho những chứng tá mà họ đã hiến dâng nhằm khẳng định quyền tự do tôn giáo và "hướng đến sự chú ý của cộng đồng quốc tế về hoàn cảnh của các Kitô hữu tại Trung Đông, những người chịu đau khổ vì đức tin của mình, để chúng ta có thể tìm thấy những giải pháp công bằng và lâu dài cho các cuộc xung đột gây ra quá nhiều đau đớn".

Khi kết thúc Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cử hành tại Trung Tâm Thể Thao Eleftheria ở Nicosia, thánh lễ công khai duy nhất trong chuyến tông du đến đảo Sýp kết thúc vào ngày 06/06, Đức Thánh Cha đã trao Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum laboris) cho từng thành viên của Thượng Hội đồng Giám Mục Đặc Biệt về Trung Đông. Ngài đã bày tỏ niềm hy vọng của mình nơi những khoản mục của tài liệu cho Thượng Hội Đồng vào tháng Mười, vốn quy tụ các đại biểu của các Giáo Hội Công Giáo trong vùng về Rôma. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời kêu gọi của ngài "về cho một nỗ lực quốc tế cấp bách và phối hợp để giải quyết những căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông, nhất là nơi Thánh Địa, trước những xung đột như thế dẫn đến đổ máu hơn nữa".

Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ thiếu vắng sự hiện diện của một giám mục: Đức Cha Luigi Padovese, người được tiến cử là "chúa tể của hòa bình" trong lời cầu nguyện của các tín hữu. Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterović, Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục nhấn mạnh đến điều này trước khi tài liệu Thượng Hội Đồng Giám Mục được trao. Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ: "trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, ngài đã đóng góp vào việc chuẩn bị của Tài Liệu Làm Việc mà tôi gửi đến anh em hôm nay. Tin tức về cái chết bất ngờ và bi kịch của ngài hôm thứ Năm gây sửng sốt và kinh sợ cho tất cả chúng ta. Tôi xin phó thác linh hồn ngài vào lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng, lưu tâm đến những gì ngài đã dấn thân, nhất là trên cương vị một giám mục, cho sự hiểu biết về liên tôn, văn hoá và đối thoại giữa các Giáo Hội. Cái chết của ngài là một lời nhắc nhở nghiêm túc về ơn gọi mà mọi Kitô hữu chia sẻ, để làm chứng nhân can đảm trong mọi hoàn cảnh cho những điều tốt đẹp, cao quý và công bằng". Và một lần nữa trong Kinh Truyền Tin khi ngài cầu nguyện cho các Kitô hữu trở thành"chứng nhân"của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho hay Thượng Hội Đồng Giám Mục "sẽ cố gắng đào sâu gắn kết hiệp thông giữa các thành viên của các Giáo hội địa phương của anh em, sự hiệp thông của các giáo hội với nhau và với Giáo Hội Hoàn Vũ. Thượng Hội Đồng cũng nhằm khuyến khích anh em trong việc làm chứng tá cho đức tin của anh em vào Chúa Kitô ở những đất nước mà đức tin đã được sinh ra và từ đó được loan truyền. Được biết một số trong anh em đã phải chịu đựng gian khổ hết sức cam go do tình hình hiện nay trong khu vực. Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt là một cơ hội cho các Kitô hữu từ phần còn lại của thế giới đem đến sự ủng hộ và tình liên đới về tinh thần đối với anh chị em của mình ở Trung Đông. Đây là cơ hội để nêu bật giá trị quan trọng của sự hiện diện và chứng tá Kitô giáo ở các quốc gia của Kinh Thánh, không chỉ đối với các cộng đồng Kitô giáo trên toàn thế giới, mà còn đối với những người lân cận và đồng bào của anh em. Anh em đang giúp thiện ích chung bằng vô số cách thức, chẳng hạn như giáo dục, chăm sóc y tế và trợ giúp xã hội, và anh em thực hiện công việc xây dựng xã hội. Anh em muốn sống trong hòa bình và hòa hợp với Người Do Thái và Hồi giáo lân cận. Thông thường, anh em hành động như những nhà kiến tạo hòa bình trong tiến trình khó khăn của hoà giải. Anh em xứng đáng được công nhận vai trò vô giá mà anh em đã thực hiện. Đây là hy vọng hệ trọng của tôi, rằng quyền của anh em ngày càng được tôn trọng, gồm cả quyền tự do thờ phượng và tự do tôn giáo, và anh em sẽ không bao giờ lại bị phân biệt đối xử bằng bất cứ hình thức nào".

Tham dự vào việc trao tài liệu và lời giới thiệu đầy cảm xúc về công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục là sáu ngàn người tham dự Thánh Lễ, đại diện cho đàn chiên nhỏ người Công Giáo sống trên đảo. Trong số đó, có một số người di dân từ Phi Luật Tân và Sri Lanka, những người mà Đức Thánh Cha gởi lời chào "đặc biệt". Đây cũng là dịp cho một cái ôm nồng ấm khác với Đức Tổng Giám Mục Chính Thống giáo Chrysostomos cũng hiện diện hôm nay.

Và Lễ Mình Máu Thánh Chúa (Corpus Christi), một "thực tại" vốn là nguồn gốc của mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội; "mỗi chúng ta, những người thuộc về Giáo Hội cần phải thoát khỏi thế giới khép kín của cá nhân mình và chấp nhận ‘tình bằng hữu’ của những người cùng "bẻ bánh" với chúng ta. Chúng ta đừng nghĩ đến từ 'tôi' mà phải là 'chúng ta'. Đó là lý do tại sao mỗi ngày chúng ta cầu nguyện cùng Cha ‘chúng ta’, cầu cho lương thực hằng ngày của ‘chúng ta’. Phá vỡ những rào cản giữa chúng ta và những người thân cận chúng ta là điều kiện tiên quyết để bước vào đời sống thiêng liêng mà chúng ta được kêu gọi. Chúng ta cần phải được giải thoát khỏi tất cả những gì giam cầm và cô lập chúng ta: nỗi sợ hãi và ngờ vực người khác, tham lam và ích kỷ, thiếu thiện chí để lèo lái nguy cơ dễ bị tổn thương mà chúng ta bộc lộ bản thân mình khi chúng ta mở rộng cho tình yêu".

Đức Thánh Cha đi đến kết luận: "Chúng ta được kêu gọi vượt thắng mọi khác biệt để mang lại hòa bình và hòa giải ở những nơi có xung đột, để mang đến cho thế giới sứ điệp của hy vọng. Chúng ta được mời gọi đến với những người khốn khó, hào phóng chia sẻ của cải trần thế cho những người kém may mắn hơn chúng ta. Và chúng ta được mời gọi để không ngừng công bố sự chết và phục sinh của Chúa, cho đến khi ngài quang lâm. Qua Ngài, với Ngài và trong Ngài, trong sự hiệp nhất là quà tặng của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội, chúng ta hãy tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa là Cha trên trời hiệp cùng tất cả thiên thần và các thánh hằng ca ngợi Chúa đời đời".