Thì ra ! Tôi đã nhận biết bao điều cao cả

Chúa nhật 28 tn c 2010

Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa cộng đoàn,

Sứ điệp lời Chúa hôm nay thật quá rõ để chúng ta có thể nhận ra nội dung lời giáo huấn của Chúa đó chính là LÒNG BIẾT ƠN.

Biết ơn như thái độ của ông tướng Naaman đối với tiên tri Êlisê và nhất là đối với Thiên Chúa khi ông được chữa lành bệnh phung cùi; hay như thái độ của một trong 10 người phung hủi đã trở lại cám ơn Chúa Giêsu sau khi được chữa lành…

Một đức tin chân thật và trưởng thành, một con người nhân bản đúng nghĩa, phải chăng là kẻ luôn biết khám phá muôn vạn hồng ân và bao nhiêu điều tốt lành mình nhận được từ nơi Thiên Chúa ngay trong cuộc sống đời thường.

Giờ đây, chúng ta hãy cùng sám hối tội lỗi vì bao nhiêu thái độ vô ơn để sẵn sàng dâng hy tế Tạ ơn, cám đội hồng ân vô biên của Thiên Chúa.

Chia sẻ Lời Chúa

Kính thưa cộng đoàn,

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thường dễ lãng quên hay không để ý đến biết bao điều kỳ diệu mà Thiên Chúa tặng ban; và vì thế, chúng ta đã trở thành những kẻ sống vô ơn đối với Thiên Chúa và đối với cuộc đời.

Câu chuyện hôm nay là một nhắc nhở cho ta điều đó.

Một đứa bé trai bị mù, ngồi bên lề đường, với một cái nón đặt gần chân nó. Nó dựng một tấm bảng có ghi như vầy: “Tôi bị mù, xin giúp tôi”. Trong cái nón của nó, lúc đó chỉ có thưa thớt một vài đồng bạc cắc.

Một người đàn ông đi qua. Ông ta thò tay vào túi, lấy ra vài đồng bạc rồi thả vào cái nón. Sau đó, ông với tay lấy cái bảng, xoay mặt sau ra phía trước và ghi một vài chữ lên đó. Ông để tấm bảng lại chỗ cũ để những ai qua lại có thể đọc được hàng chữ mới ông vừa viết lên đó.

Sau đó cái nón của đứa bé mù bắt đầu có nhiều tiền. Bây giờ, có nhiều người hơn hồi sáng cho tiền đứa bé mù này. Buổi chiều hôm ấy, người đàn ông đã đổi hàng chữ trên tấm bảng, quay trở lại tìm đứa bé để xem tình hình ra sao. Đứa bé mù nhận ra bước chân của người đàn ông này và hỏi: “Có phải chính ông đã đổi những hàng chữ trên tấm bảng này? Ông đã viết gì trên tấm bảng vậy?”

Người đàn ông bèn đáp: “Chú chỉ ghi ra sự thật mà thôi. Những gì chú ghi ra trên tấm bảng cũng giống như câu cháu đã ghi, nhưng chỉ theo một cách thức khác thôi”

Người đàn ông đã viết trên tấm bảng như sau: “Hôm nay là một ngày đẹp trời nhưng tôi không thấy được”.

(Tùng Trân sưu tầm và chuyển ngữ trên trang mang Phát Thanh Hy Vọng. http://phatthanhhyvong.com)

Cũng là một lời van xin bố thí. Nhưng hàng chữ của cậu bé mù “Tôi bị mù, xin giúp tôi”, và hàng chữ của người đàn ông “Hôm nay là một ngày đẹp trời nhưng tôi không thấy được” lại âm vang những ý nghĩa khác nhau.

Hàng chữ thứ nhất chỉ nói rằng đứa bé bị mù, vậy thôi. Nhưng hàng chữ thứ hai nói với mọi người rằng họ thật là may mắn bởi vì họ không bị mù. Chính điều đó đã đánh động lòng trắc ẩn đã khiến nhiều người bố thí nhiều hơn cho cậu bé mù.

Kính thưa quý cộng đoàn,

Giáo sư tâm lý Lee Ross nói: “Thế giới này có thể là một nơi tệ hại và tàn nhẫn – nhưng cùng một lúc, nó có thể là một thế giới phong phú và tuyệt vời. Cả hai sự thật đều đúng cả”

Trong khi đó Kinh Thánh vẫn nhắc nhở chúng ta: “Hãy vui mừng luôn mãi, cầu nguyện không ngừng, và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (I Tx 5,16-18)

Sứ điệp phụng Vụ Chúa Nhật hôm nay muốn chúng ta hãy sáng tạo và thay đổi cách nhìn cũng như cách suy nghĩ. Hãy mở rộng tầm nhìn đức tin để nhận ra bao nhiêu điều kỳ diệu Chúa đã làm cho ta để không ngừng biết ngỡ ngàng trong thái độ tri ân cảm tạ.

v Ý nghĩa đó đã được khơi gợi từ trích đoạn sách Các Vua quyển thứ hai, tường thuật cho chúng ta câu chuyện vị lãnh tướng Naaman xứ Sy-ri đã tin tưởng vào lời sứ ngôn Êlisê dạy bảo đã thực hiện cuộc hành trình đi tắm ở dòng sông Gio-đan và được khỏi bệnh phong cùi. Nhờ hồng ân đặc biệt nầy, ông đã tin và cảm tạ Thiên Chúa. Vâng, đức tin luôn là cuộc hành trình như thế: cuộc hành trình của đáp trả tiếng gọi mời để nhận lãnh hồng ân và trở lại để tri ân cảm tạ.

v Và nhất là chúng ta sẽ càng xác tín hơn, khi bài Tin mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật “hồng ân phép lạ chữa lành 10 người phung cùi của Chúa Giêsu”, đặc biệt với lời nhắc bảo của Ngài sau đó: “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang nầy ?”.

Thế đấy, đức tin của chúng ta hôm nay vẫn là môt “đức tin” theo kiểu “đương nhiên”. Tôi giữ đạo như thế, tôi sống tốt như thế, tôi chăm chỉ làm ăn, học hành như thế…thì đương nhiên tôi được như thế, có gì đâu mà phải “tạ ơn, cám ơn”. Và hàng ngày, hàng tháng, hàng năm và có khi cả cuộc đời, có người vẫn không nhận ra được bao nhiêu hồng ân đã lãnh nhận để ngước mắt lên mà thân thưa một lời tạ ơn chân thành và hiếu thảo với Thiên Chúa, Đấng đã bao nhiêu lần gọi mời thân thương và ban tặng những hồng ân cao quí.

Đó cũng là cách trãi nghiệm của Ruth Benedict trong bài viết đọc thấy trong tuyển tập Bí mật tình yêu - First News và NXB Trẻ TPHCM

Khi tôi còn là học sinh tiểu học, cô giáo của tôi đã tập cho cả lớp một thói quen mà khi ấy chúng tôi chỉ xem nó đơn thuần như một trò chơi, đó là nói lên lòng biết ơn của mình.

Cứ vào giờ sinh hoạt lớp mỗi thứ sáu hàng tuần, thế nào cô cũng dành thời gian để hỏi mỗi đứa chúng tôi về bất cứ điều gì chúng tôi cảm thấy biết ơn.

Cả lớp rộn ràng hẳn lên vì ai cũng có ý kiến của riêng mình, và rồi òa ra cười trước những câu trả lời thú vị như: "Em biết ơn chiếc xe đạp của em!", "Em cảm ơn búp bê Shirley Temple của em!"; và nhiều lời biết ơn ngộ nghĩnh khác.

Khi đến lượt mình, cô giáo nhắm mắt lại và chậm rãi: "Tôi cảm ơn đôi mắt vì đã cho tôi nhìn thấy, cảm ơn đôi tai vì đã cho tôi nghe, cảm ơn đôi chân vì đã giúp tôi bước, cảm ơn những ngón tay đã giúp tôi cầm,… ". Lúc ấy, tất cả đám học sinh chúng tôi chỉ cảm thấy đó quả là một ý kiến rất đáng buồn cười. Đối với chúng tôi, những điều mình biết ơn phải là vật gì đó quý giá hay đặc biệt thú vị như bộ đồ chơi, chiếc áo mới,… chứ nào có phải những thứ hiển nhiên như cô giáo đã nói.

Nhưng càng lớn dần lên, tôi càng thấm thía lời cô. Đó là khi tôi thấy một em bé với đôi mắt mù lòa, thấy được đôi chân tật nguyền của bác cựu chiến binh ở cuối phố hay một lần thử qua cảm giác chính mình bị gãy tay. Những điều bình thường nhất ấy hóa ra lại là những gì quan trọng nhất mà chúng ta cần phải trân trọng và biết ơn. Hãy tập cảm ơn cuộc đời. Ngay cả khi bạn không có được mọi sự như ý mình muốn thì ít ra bạn cũng không đau ốm, tật nguyền, nhưng dù bạn có gặp vấn đề về sức khỏe như thế thì dẫu sao bạn vẫn còn đang sống trong cuộc đời này. Vì thế chúng ta phải biết ơn tất cả!

Cuộc sống đời thường đã là như thế; thì cuộc sống tâm linh, cuộc sống đức tin, có biết bao điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho ta:

- Thiên Chúa đã cho tôi được tái sinh qua dòng nước thanh tẩy

- Thiên Chúa dã ân ban 7 ân huệ của Chúa Thánh Thần qua nhiệm tích Thêm Sức.

- Thiên Chúa đã cho tôi được nuôi dưỡng bới chính Máu thịt của Con Một Ngài trong bí tích Thánh Thể.

- Thiên Chúa đã biết bao lần xoá hết tội lỗi và mặc cho linh hồn tôi tấm áo trắng tinh nhờ nhiệm tích Giải Tội.

- Thiên Chúa đã bao lần ban Lời Hằng Sống để hướng dẫn cuộc đời tôi tiến về đời sau…

Thì ra ! Tôi đã nhận biết bao điều cao cả !

v Và như nơi BĐ 2 hôm nay, để nhắc bảo đồ đệ là Giám Mục Ti-mô-thê đừng vội quên Thiên Chúa và hồng ân cao cả của Ngài, nhất là trong những khi gặp thử thách gian nan, Thánh Phaolô đã gở gắm cho chúng ta những lời đầy xác tín: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người…Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng tín trung …”.

Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa vẫn có đó để lắng nghe và thông cảm; nhất là vẫn luôn gọi mời, gõ cửa tâm hồn chúng ta, để sẵn sàng ban tặng hồng ân. Điều quan trọng là thái độ đức tin của chúng ta. Sống đức tin đích thực đó là biết mở lòng lắng nghe Lời Thiên Chúa và sẵn sàng đáp trả trong tin yêu phó thác. Một đức tin chân thành sẽ là con đường tất yếu đưa ta tới bến bờ hạnh phúc, như đã đưa viên tướng Sy-ri-a khỏi bệnh phong cúi, như đã đưa người hủi xứ Sa-ma-ri-a chẳng những khỏi bệnh thân xác mà còn được chữa lành cả tâm hồn; và hơn thế nữa, như “Chứng nhân Phao-lô”, tin tưởng, và trung thành làm chứng cho Đức Ki-tô, chúng ta sẽ được dự phần cuộc chiến thắng vinh quang của Đấng Phục sinh trong Vương quốc hằng sống.

Hơn lúc nào hết, trong tháng Mân Côi nầy, chúng ta hãy học cùng Đức Maria, Đấng đã ngỡ ngàng oà vỡ trước hồng ân bao la diệu kỳ của Thiên Chúa bằng lời kinh cảm tạ Magnificat mà suốt 2000 năm qua vẫn mãi vang vọng trong kinh nguyện tạ ơn của Dân chúa:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…”