BẦU CỬ TẠI HOA KỲ 2010

Thứ ba ngày 02.11.2010, cử tri người Mỹ được mời tham gia một loạt những cuộc bầu cử liên bang cũng như tiểu bang, lập pháp cũng như hành pháp (Thống đốc, Thị trưởng). Đây là các cuộc bầu cử giữa kỳ (midterm elections), tức giữa nhiệm kỳ của Tổng thống.

I. LIÊN BANG.

A. Bầu cử Viện Dân biểu.

1.- Số dân biểu tại Viện Dân biểu.

Toàn thể 435 ghế tại Viện Dân biểu (House of Representatives), có thể gọi là Viện Dân biểu, đều được bầu lại vì dân biểu có nhiệm kỳ 2 năm. Mỗi tiểu bang có số đại diện tại Viện Dân biểu theo tỉ lệ dân số (trung bình khoảng 693.000 cư dân). Tiểu bang có ít nhất là một dân biểu (như tiểu bang Wyoming chỉ có 532.668 người dân). Tiểu bang đông dân nhất, California, hiện thời có 53 dân biểu. Các tiểu bang có hơn một dân biểu được phân chia thành các khu quốc hội mà theo đó mỗi khu quốc hội chỉ bầu ra một dân biểu. Điều này là qui định chính thức của liên bang kể từ năm 1967.

Hiến pháp không có nói đến việc phân chia ghế tại Viện Dân biểu cho Đặc khu Columbia hay các vùng lãnh thổ (lãnh thổ là vùng đất phụ thuộc của Hoa kỳ nhưng chưa trở thành tiểu bang). Tuy nhiên, các nơi đó có thể bầu các đại biểu không quyền biểu quyết.

Viện Dân biểu có những quyền đặc biệt: quyền đưa ra các đạo luật về thuế thu nhập, truất phế các viên chức, và bầu Tổng thống nếu như đại cử tri đoàn không quyết định được ai thắng cử.

Trong thời gian qua, đảng Cộng hòa chiếm quyền kiểm soát Viện Dân biểu năm 1995 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Newton Leroy ‘Newt’ Gingrich. Ông tìm cách thông qua một kế hoạch lập pháp lớn có tên là "Contract with America" (Hợp đồng với nước Mỹ) và, nhờ vào đó, Đảng Cộng hòa đã được bầu lên và chiếm đa số tại Viện Dân biểu. Kế hoạch này đã tạo ra một số cải cách lớn tại Viện Dân biểu, giảm thiểu đáng kể việc nắm giữ chức vụ của các chủ tịch ủy ban xuống còn 3 nhiệm kỳ 2 năm. Nhiều chi tiết của "Hợp đồng với nước Mỹ" đã không được thông qua ở Quốc hội, bị Tổng thống Bill Clinton phủ quyết hoặc bị thay đổi rất nhiều trong lúc thương thảo. Đảng Cộng hòa nắm giữ Viện Dân biểu cho đến bầu cử quốc hội năm 2006 thì bị Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát cả Viện Dân biểu lẫn Thượng nghị viện Hoa kỳ. Bà Nancy Pelosi sau đó được bầu làm nữ Chủ tịch Viện Dân biểu (Speaker of the House) đầu tiên.

2.- Điều kiện để trở thành dân biểu.

Điều I, khoản 2 Hiến pháp Hoa kỳ ấn định 3 điều kiện: dân biểu phải ít nhất là 25 tuổi, phải là công dân Hoa kỳ trong 7 năm qua, và phải là (vào thời điểm bầu cử) cư dân của tiểu bang mà họ đại diện. Hiến pháp không yêu cầu dân biểu sống trong khu quốc hội mà họ đại diện. Các tiêu chuẩn về tuổi đối với các dân biểu thì không khắt khe lắm so với các nghị sĩ Thượng nghị viện.

Hiến pháp Hoa kỳ cho phép Viện Dân biểu có quyền trục xuất một dân biểu bằng một cuộc biểu quyết với kết quả đặc biệt 2/3 số phiếu bầu. Trong lịch sử Hoa kỳ, chỉ có năm thành viên đã bị trục xuất khỏi Viện Dân biểu; ba trong số đó là John Bullock Clark (Dân chủ-Missouri), John William Reid (Dân chủ-Missouri), và Henry Cornelius Burnett (Dân chủ-Kentucky), bị trục xuất vào năm 1861 vì ủng hộ các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ ly khai, dẫn đến Nội chiến Hoa Kỳ. Michael Myers (Dân chủ-Pennsylvania) bị trục xuất vì nhận hối lộ năm 1980, và James Traficant (Dân chủ-Ohio) bị trục xuất năm 2002 sau vụ ông bị kết tội tham nhũng. Viện Dân biểu cũng có quyền khiển trách chính thức các dân biểu bằng một thủtục đơn giản hơn.

3.- Bầu cử.

Các cuộc bầu cử để chọn dân biểu được tổ chức vào những năm chẳn, vào ngày thứ ba đầu tiên sau ngày thứ hai đầu tiên tháng 11. Thông thường, các đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ chọn các ứng cử viên của họ tại mỗi khu bầu quốc hội bằng các cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức vài tháng trước đó. Các luật lệ ứng cử dành cho các đảng viên độc lập hoặc đảng viên thuộc Đảng phái thứ ba thì thật khác nhau theo từng tiểu bang.

Từ năm 1967, luật liên bang bắt buộc rằng các cuộc đua vào Viện Dân biểu phải sử dụng thể thức đầu phiếu đa số để bầu ra một người duy nhất cho mỗi khu quốc hội. Các ghế trống trong nhiệm kỳ sẽ được tìm người thay thế qua một cuộc bầu cử đặc biệt và nhậm chức ngay.

4.- Nhiệm vụ lập pháp.

Các dự luật có thể được đệ nạp tại văn phòng Thượng nghị viện hay Hạ viện. Tuy nhiên, Hiến pháp Hoa kỳ nói rằng ‘Tất cả các dự luật nhằm tăng tiền thuế thu nhập phải bắt đầu từ Hạ viện.’ Kết quả là Thượng nghị viện không có quyền đưa ra sáng kiến về các dự luật ấn định mức thuế. Hơn nữa, Hạ viện cũng muốn bảo đảm rằng Thượng nghị viện không có quyền khởi sự các dự luật về chi tiêu của Hành pháp hay các dự luật cho phép chi tiêu ngân quỹ liên bang. Trong lịch sử, Thượng nghị viện đã từng tranh chấp sự dẫn giải mà Hạ viện chủ trương. Tuy nhiên, bất cứ khi nào Thượng nghị viện khởi sự một dự luật về chi tiêu thì Hạ viện từ chối xem xét nó ngay. Mặc dù Hiến pháp cho Hạ viện quyền khởi sự các dự luật thu thuế nhưng trong thực tế Thượng nghị viện ngang bằng Hạ viện trong các mối quan tâm về thuế và chi tiêu, đúng như Tổng thống Woodrow Wilson đã viết: « Quyền sửa đổi các dự luật của Thượng nghị viện về chi tiêu tổng quát được cho phép trong phạm vi rộng rãi nhất có thể. Các nghị sĩ có thể thêm vào những gì họ muốn, kể cả những đề nghị chi tiết gốc bằng những con số các đối tượng chi tiêu… »

Việc chấp thuận của cả Hạ viện và Thượng nghị viện là bắt buộc đối với bất cứ dự luật nào, kể cả về thu thuế, để chúng trở thành luật. Cả hai viện phải thông qua một văn bản giống của một dự luật. Nếu có khác biệt, dự luật đó phải được thống nhất bởi một ủy ban lưỡng viện gồm các dân biểu và nghị sĩ.

Tổng thống có thể phủ quyết bất cứ dự luật nào mà cả Hạ viện và Thượng nghị viện đã thông qua. Nếu Tổng thống từ chối ban hành dự luật, hai viện buộc phải biểu quyết lại và với 2/3 đa số phiếu tại mỗi viện để qua dự luật đó bất chấp sự phản đối của Tổng thống.
Viện Dân biểu họp ở cánh phía nam của Tòa Quốc hội Hoa kỳ.

B. Bầu cử Thượng nghị viện.

Trong ngày bầu cử giữa kỳ 02.11.2010, sẽ có 37 trong số 100 ghế tại Thượng nghị viện Hoa kỳ (United States Senate). Trong đó, 34 ghế thuộc Nhóm III đáo nhiệm được bầu lại cho nhiệm kỳ 03.01.2011 – 01.2017 và 3 ghế bất thường có nhiệm kỳ ngắn hơn tại các tiểu bang: Delaware (đang giữ bởi Ted Kaufman thế Joe Biden đắc cử Phó Tổng thống, nhiệm kỳ chấm dứt tháng 01.2015), New York (Kirsten Gillibrand thế Hillary Clinton làm Ngoại trưởng, 01.2013) và West Virginia (Carte Goodwin thế Robert C. Byrd, qua đời, 01.2013).

1.- Thành phần của Thượng nghị viện.

Điều I Hiến pháp Hoa kỳ ấn định Thượng nghị viện Hoa kỳ, một trong hai viện lập pháp của Quốc hội Hoa kỳ, có 100 nghị sĩ (mỗi tiểu bang được đại diện 2 nghị sĩ bất kể dân số nhiều ít). Điều này nhằm bảo đảm sự đại diện đồng đều cho mỗi tiểu bang trong Thượng nghị viện. Các nghị sĩ Hoa kỳ phục vụ nhiệm kỳ 6 năm. Thượng nghị viện họp ở cánh bắc của Tòa Quốc hội Hoa kỳ tại Washington, D.C., thủ đô liên bang.

Phó Tổng thống là Chủ tịch Thượng nghị viện Hoa kỳ.

2.- Quyền hạn của Thượng nghị viện.

Thượng nghị viện có một số quyền lực đặc biệt như:
- Phê chuẩn các hiệp ước với các chính phủ ngoại quốc;
- Tư vấn và ưng thuận việc bổ nhiệm các bộ trưởng, thẩm phán liên bang, các giới chức hành chánh liên bang khác, các đại sứ và các giới chức quân sự (khả năng này để ‘kiểm tra và cân bằng’ quyền lực với hành pháp);
- Nghị sĩ có thế lực hơn dân biểu vì có nhiệm kỳ lâu hơn và đại diện cho cộng đồng to lớn hơn.

Hiến pháp Hoa kỳ tạo ra một quốc hội lưỡng viện với ý muốn có hai viện lập pháp để kiểm soát lẫn nhau. Viện Dân biểu có chủ đích là một ‘viện của nhân dân’ phản ánh các ý kiến của công chúng. Thượng nghị viện có chủ đích đại diện các tiểu bang, là một diễn đàn thông thái ưu tú có tính cách tranh luận hơn với các nghị sĩ với nhiệm kỳ sáu năm, không bị chi phối bởi ý kiến của công chúng. Hiến pháp buộc cần sự chấp thuận của cả hai viện lập pháp để phê chuẩn một dự luật.

3.- Điều kiện để ứng cử nghị sĩ.

Điều I, khoản 3 Hiến pháp Hoa kỳ ấn định 3 điều kiện để ứng cử nghị sĩ: 1. ít nhất là 30 tuổi;
2. Phải là công dân Hoa kỳ ít nhất trong 9 năm qua;
3. Phải là (vào thời gian bầu cử) một cư dân của tiểu bang mà họ ra tranh cử.

Năm 1934, Rush D. Holt, Sr. được bầu vào Thượng nghị viện lúc 29 tuổi; ông phải đợi đến khi được 30 tuổi để tuyên thệ nhậm chức. Tương tự như vậy, Joe Biden được bầu vào Thượng nghị viện ngay trước sinh nhật 30 tuổi vào năm 1972 và đủ 30 tuổi vào ngày các nghị sĩ làm lễ tuyên thệ cho các ứng viên trúng cử vào tháng 01.1973.

4.- Bầu cử và nhiệm kỳ.

Lúc đầu, các nghị sĩ được bầu lên bởi các nghị viện tiểu bang. Vào những năm đầu thế kỷ 20, 29 tiểu bang Hoa kỳ đã tổ chức bầu các nghị sĩ của tiểu bang bằng phương pháp trưng cầu dân ý và được lập pháp tiểu bang phê chuẩn. Bầu cử bằng phổ thông đầu phiếu như hiện nay để chọn nghị sĩ được qui định vào năm 1913 do Tu chính án 17 Hiến pháp Hoa kỳ.

Nhiệm kỳ nghị sĩ là sáu năm. Cứ mỗi hai năm, Thượng nghị viện tổ chức bầu lại khoảng 1/3 số ghế tại Thượng nghị viện (Nhóm I: 33 nghị sĩ; Nhóm II: 33 và Nhóm III: 34).

Cuộc bầu cử nghị sĩ được tổ chức vào ngày thứ ba đầu tiên sau thứ hai đầu tiên trong tháng 11 của năm chẳn, được gọi là Ngày Bầu cử, và xảy ra cùng lúc với các cuộc bầu cử dân biểu Hoa kỳ. Thông thường, một cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức cho các đảng Cộng hòa và Dân chủ trước tiên, theo sau là tổng tuyển cử vài tháng sau đó.

Ứng cử viên đắc cử nghị sĩ đang chờ nhậm chức được gọi là ‘nghị sĩ tân cử’ (senator-elect); nếu được bổ nhiệm (không phải được bầu) vào một ghế Thượng nghị viện chưa nhậm chức được gọi là ‘nghị sĩ mới bổ nhiệm’ (senator-designate).

Sau cuộc tuyển cử năm 2008, Thượng nghị viện đương nhiệm gồm 57 nghị sĩ Dân chủ, 41 Cộng hòa và 2 độc lập. Trong những ghế tranh cử lần này, có 19 ghế đang do các nghị sĩ Dân chủ giữ (trong đó, 7 nghị sĩ đi hưu hay bị đánh bại tại cuộc bầu sơ bộ trong đảng) và 18 do các nghị sĩ Cộng hòa giữ (trong đó, 8 nghị sĩ đi hưu hay bị đánh bại tại cuộc bầu sơ bộ trong đảng).

(còn tiếp)