(Tiếp theo, số 6)

NHỮNG Ý HƯỚNG CHÍNH CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

20. Thực sự, chúng con chưa rõ lắm về ý hướng chính của Công Đồng Vaticanô II là gì, vậy cha có thể cho chúng con biết rõ được không?

À được chứ. Công Đồng Vaticanô II có những ý hướng chính sau đây:

20.1 Công Đồng nói về chính Giáo Hội:

Giáo Hội là trung tâm điểm cho giáo lý của Công Đồng Vaticanô II. Lần đầu tiên trong lịch sử có một Công Đồng đi tìm định nghĩa về chính mình.

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã bận tâm lớn về sự hiệp nhất các Kitô hữu. Nhưng điều này không dễ chút nào. Vậy, trước tiên cần phải đổi mới chính bộ mặt của Giáo Hội. Công Đồng phải làm linh động và hiệu quả mọi cơ cấu của Hội Thánh. Bởi thế, các bạn đừng ngạc nhiên khi thấy Hiến chế Tín lý về Giáo Hội ra đời. Hiến chế này cũng soi sáng cho các văn kiện khác của Công Đồng.

Các bạn biết đó, Công Đồng đã dựa vào các hình ảnh trong Kinh Thánh mà định nghĩa về chính mình: chẳng hạn như “Dân Thiên Chúa” (ý nhấn mạnh về lĩnh vực lịch sử và xã hội của Giáo Hội); “Thân thể Chúa Kitô” (nhấn mạnh về Kitô học, huyền nhiệm Hội Thánh); “Nước Thiên Chúa” (nhấn mạnh khía cạnh cánh chung); “Đoàn chiên”; “”Cánh đồng”; “Công trình kiến trúc”; “Gia đình” của Thiên Chúa; “Đền thờ” của Chúa Thánh Thần; “Hiền thê” của Chúa Kitô.

Tóm lại, chúng ta có thể nói tất cả các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II đều xoay quanh vấn đề Giáo Hội. Hay chúng ta có thể quả quyết rằng: Giáo Hội là tâm điểm của Công Đồng Vaticanô II.

20.2 Công Đồng nói mạnh về tự do và đối thoại:

Các bạn rất quý mến, chúng ta hãy xem điểm thứ hai này Công Đồng nói như thế nào. Công Đồng Vaticanô II được coi là Công Đồng đầu tiên biết sử dụng sự tự do (có căn cứ từ Thánh Truyền) như một chủ đề để dạy dỗ và lấy tinh thần đối thoại với người ngoài làm chương trình.

Các bạn biết đó, Công Đồng Vaticanô II là Công Đồng “mở”. Vì thế, Giáo Hội không e ngại khi đề cập tới tự do. Bởi khi nói đến phẩm giá của con người thì không thể không nói đến sự tự do. Giáo Hội cũng muốn thoát ra khỏi “pháo đài” của mình giống như các bạn muốn thoát khỏi “lũy tre làng” để bay đến các phương trời xa xôi, thoát khỏi chủ trương “khép kín huy hoàng” của mình để đối thoại, cảm thông, chia sẻ với những người anh em khác như Kitô hữu ngoài Công Giáo, với những tôn giáo khác, với những anh em được coi là “vô thần” (thực chất ra chẳng có ai vô thần cả. Vô thần chỉ là một cách nói biện minh thôi).

Giáo Hội nhìn nhận và kính trọng những giá trị, các nền văn hóa khác nhau cũng như các hệ thống chính trị (không đi ngược lại xu thế chung của loài người) khác nhau của thế giới.

Các bạn hãy chú ý kỹ điểm son và độc đáo của Công Đồng Vaticanô II nhé: Vaticanô II là Công Đồng đầu tiên không có đề mục nào lên án tuyệt thông.

20.3 Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh về mục vụ:

Nếu các bạn nghiên cứu kỹ, sẽ thấy được tấm lòng của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII.: ngài mong mỏi Công Đồng này là Công Đồng “mục vụ”. Cuối cùng Công Đồng Vaticanô II đã đáp lại lòng mong mỏi của ngài.

Công Đồng xem tầm quan trọng của các khía cạnh với mức độ của nó: Thánh Kinh – Thánh Truyền, quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng – cộng đoàn tính của các Giám Mục, Hàng Giáo Phẩm – Hàng Giáo Dân, Giáo Hội phổ quát – Giáo Hội địa phương, giá trị tu trì – giá trị trần thế,…

Tinh thần mục vụ thể hiện rõ nhất khi Công Đồng Vaticanô II chủ trương không chống lại một phần tử nào song vì lợi ích của mọi người. Giáo Hội chỉ với tinh thần của “kẻ được sai đến với muôn dân” để phục vụ, yêu thương, tha thứ và đem ơn cứu độ cho nhân loại.

20.4 Công Đồng Vaticanô II đem đến những điểm sáng mới:

Các bạn cố gắng nhớ những điểm sáng mới này nhé:

- Công Đồng đã trình bày một nền thần học về Chúa Thánh Thần mà lâu nay bị xem nhẹ hay bị lãng quên.

- Công Đồng đã đưa ra quan niệm mới về “chân lý” của Thánh Kinh và về “linh hứng” trong thần học về Mạc Khải.

- Công Đồng nhấn mạnh về cộng đoàn tính của các Giám Mục, Giáo Hội như bí tích cứu rỗi, thái độ mới đối với thế giới, Bí tích Hôn Phối được nhấn mạnh hơn ở khía cạnh tình yêu nhân loại và các mục đích chính yếu, đổi mới các nghi thức trong Thánh Lễ (như các linh mục làm lễ quay xuống giáo dân chứ không còn quay lên như trước kia, dâng lễ bằng tiếng địa phương chứ không bằng tiếng Latinh nữa,…, tính cánh chung của Giáo Hội lữ hành, của hoạt động truyền giáo, của đời sống Dòng tu,…

21. Để kết thúc buổi trao đổi học hỏi hôm nay, chúng con xin hỏi cha một câu cuối nhé, câu này hơi lạ tai. Vậy có thể có thêm Công Đồng Vaticanô III, Vaticanô IV,… không ạ?

Các bạn hỏi cũng hay đấy! Chúng ta đã thấy trong lịch sử đã có rất nhiều Công Đồng rồi. Tôi thiết nghĩ trong tương lai có thể có thêm Công Đồng. Nếu các bạn chú ý một chút sẽ thấy rõ một Công Đồng phải được xem như là một sự bổ túc cho Công Đồng trước đó và như là nhịp cầu để kết nối Công Đồng mới trong tương lai. Các bạn cũng thừa biết là thế giới biến đổi nhanh chóng lắm, lối sống và quan điểm của con người cũng thay đổi nên Giáo Hội cần phải thích ứng ngay tức khắc theo dòng lịch sử của nhân loại để phục vụ đắc lực và hữu hiệu nhất hầu đem lại ơn cứu độ cho con người và được con người dễ dàng đón nhận.

Tôi và các bạn hãy phó thác Giáo Hội cho Chúa Thánh Thần. Chúng ta xin Ngài hướng dẫn, biến đổi để Giáo Hội không ngừng trở nên “cánh tay nối dài của Chúa Kitô”, đem tình thương và ơn cứu độ đến cho mọi người.

- Hẹn gặp các bạn trong số tới nhé.

- Vâng ạ! Chúng con cám ơn cha nhiều!

(Còn tiếp)