Những biến chuyễn từ Ai Cập vẫn tiếp tục là tiêu đề trên trang đầu của ngành truyền thông, từ báo chí dân sự cũng như báo chí Công Giáo. Nhất là mới đây khi Tổng thống Mubarak phải từ chức sau 30 năm cầm quyền chuyên chế độc đảng, đưa Ai Cập vào một giai đọan chính trị hòan tòan xa lạ.

Không như các quốc gia Dân Chủ thường có một lực lượng đối lập mạnh, một thay đổi về chính phủ thường không đưa đến một tình trạng bất ổn xã hội. Ai Cập không có đối lập, hay nói đúng hơn tất cả các đối lập đã bị đè bẹp chỉ để lại những mảnh vụn mất phương hướng, thì sự sụp đổ một chính phủ sẽ đưa quốc gia này vào một cuộc tranh giành quyền lực của nhiều thế lực kiểu 'sứ quân'.

Sự bất ổn có thể kéo dài. Một giai đọan hậu 'Ngô Đình Diệm' như ở Việt Nam có thể xảy ra?

Liệu Hoa kỳ có tránh được vết xe đổ hồi xưa không?

Riêng đối với Kitô hữu thì biến động tại Ai Cập sẽ ảnh hưởng mãnh liệt đến sự sống còn của 10 triệu người Kitô giáo tại đây.

Trong quá khứ, Kitô giáo vẫn bị coi là thế lực thù địch với xã hội Hồi Giáo của Ai Cập. Cách riêng những tín hữu thuộc giáo phái Coptic, một giáo phái hậu duệ của những Cộng Đòan tông truyền do thánh Mác Cô lập ra. Về phương diện sắc tộc họ là dân Ai Cập chính gốc, nghĩa là những người đã xây dựng ra Kim Tự Tháp. Sắc tộc này bị người Ả rập chinh phục từ thế kỷ thứ 7, và từ đó đã luôn luôn bị người Ả Rập đàn áp và tìm cách diệt chủng một cách có hệ thống.

Trong một xã hội ổn định, dưới con mắt quan sát thường xuyên của quốc tế, Kitô hữu được bảo vệ một cách tương đối, nhưng lịch sử cho thấy rằng trong những lúc biến lọan tại những xã hội Hồi Giáo, người Kitô thường trở thành con vật tế thần cho nhiều phe phái và vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Linh mục Justo Lacunza Balda, viện trưởng viện nghiên cứu Ả rập và Hồi Giáo tại học viện Giáo Hòang ở Roma từ năm 2000-2006, cho biết Kitô hữu ở Ai Cập "gánh chịu sự bất khoan dung, phân biệt đối xử và thù hận. Những nơi thờ phượng của họ bị tấn công và họ là đối tượng của bạo lực sắc tộc," ngài nói thêm "Đây không phải là điều mới mẻ, và có thể còn tồi tệ hơn trong tương lai."

Cha Lacunza tỏ ý lo ngại rằng "Bầu không khí chính trị tại Ai Cập ngày hôm nay phảng phất một hình ảnh giống như thời suy tàn của Đế quốc Ottoman vào đầu thế kỷ 19," khi mà những biến lọan xã hội che giấu đi sự tàn sát hàng lọat nhiều nhóm thiểu số. Cha Lacunza cho biết "Thời điểm đó đã đưa đến sự diệt chủng của người Armenia... Khốn thay ngày hôm nay vẫn còn rất ít những tiếng nói bảo vệ các Kitô hữu, là nhóm bị khủng bố lớn nhất thế giới... tại Ai Cập và trong đa số các quốc gia Hồi giáo và cộng sản."

Đồng quan điểm với cha Lacunza, đức Tổng Giám Mục Louis Sako của giáo phận Kirkuk, Iraq, ngày 11 tháng 2 cũng lên tiếng cảnh báo rằng "Người Phương Tây không có khả năng hiểu được đầy đủ về mối đe dọa của 'sự trỗi dậy' (Awakening) của Hồi Giáo tại Trung Đông"

Ngài giải thích rằng chính trị và tôn giáo xen lẫn với nhau ở Trung Đông, không giống như ở phương tây, có sự phân cách giữa Nhà Nước và Tôn Giáo.

Ngài gọi tình hình Trung Đông là một "ngọn núi lửa đáng sợ" bởi vì những hậu quả không thể đo lường đựoc khi tình trạng bất ổn lan rộng.

"Có nhiều lực lượng Hồi giáo đang muốn thay đổi Trung Đông, tạo ra những quốc gia Hồi giáo, những caliphates, áp dụng luật Shariah", ngài cảnh báo.

Những nhóm quá khích như al-Qaeda và Ansar al Islam đang kêu gọi các công dân ở các quốc gia Trung Đông đưa ảnh hưởng Hồi giáo vào các cuộc biểu tình ở những nơi như Tunisia và Ai Cập.

Đối với Tổng giám mục Sako, họ có "ý định rõ ràng là tiếp thêm nhiên liệu... để tôn giáo hóa" khu vực.

"Những lời kêu gọi như thế là những tiếng nói có thể tìm thấy một mặt đất màu mỡ ở Ai Cập và vùng Trung Đông và vì vậy không nên đánh giá thấp", Ngài nói thêm.

Trong thực tế, mục tiêu của họ là "tạo ra một khoảng trống để có thể điền vào đó các chủ đề tôn giáo, để thuyết phục rằng Hồi giáo là giải pháp duy nhất cho tất cả mọi vấn đề."

Tuy tại Ai Cập hiện nay, những cuộc biểu tình có vẻ là những khiếu nại tòan diện về điều kiện chính trị xã hội kinh tế chứ không phải vì tôn giáo hay sắc tộc. Nhưng mối lo sợ là ở những tổ chức như Huynh Đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) đang ở trong một vị trí tối ưu để tận dụng những bước đi lầm lẫn của lịch sử cho tham vọng của riêng họ.

Ai Cập là nơi phát sinh ra phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo, mục tiêu của họ là đưa luật Sharia vào Hiến Pháp một cách hợp pháp và hòa bình. Nhưng trong quá khứ họ thực sự là một nhóm trí thức cuồng tín đã sử dụng bất kỳ phương pháp tàn nhẫn nào để áp đặt lý tưởng của họ khi có cơ hội. Họ đã thi hành việc diệt chủng ở Sudan trong nửa thế kỷ qua, mới đây khi chiếm được dải Gaza, nhóm Hamas cũng thực hiện các cuộc tàn sát đối lập.

Được biết giáo phận của đức Tổng Giám mục Sako đã là nạn nhân của nhiều biến cố bạo lực cực đoan. Mới đây 9 Kitô hữu bị sát hại cùng với 104 người bị thương khác tại Kirkuk.

Đức Tổng Giám mục tỏ ý lo sợ cho tương lai của Ai Cập, là nó có thể trở thành "một nước Iraq mới."

Vậy thì, trong khi những thay đổi có thể giải thóat Ai Cập ra khỏi một chính thể độc tài chuyên chế lâu năm, một tương lai sáng sủa cho những Kitô hữu vẫn còn mờ mịt lắm. Chúng ta mong đợi một sự chuyển đổi tích cực và hòa bình cho vận mệnh của Ai Cập và cho vùng Trung Đông, nhưng cũng cần phải lưu tâm và cầu nguyện cho việc cải thiện của tự do Tôn Giáo, cho an ninh và nhân quyền của những anh em Kitô hữu tại đây.