Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Năm Đức Tin. Ngài giải thích rằng Kitô giáo không chỉ giới hạn trong Mười Điều Răn, nhưng còn là việc để mình được biến đổi bởi ân sủng, tình yêu và hy vọng của Thiên Chúa.
Trước hơn 30,000 người tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha giải thích rằng đức tin cần được chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày, thông qua suy tư, cầu nguyện, các việc bác ái và các Bí tích.
Ngài nói:
"Trong bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính trong Năm Đức Tin, giờ đây chúng ta xem xét ý nghĩa sự phục sinh của Chúa Kitô đối với chúng ta và đối với ơn cứu độ dành cho chúng ta. Cái chết và sự phục sinh của Chúa là nền tảng của đức tin chúng ta, vì qua chiến thắng của Người trên tội lỗi và sự chết, Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta con đường hướng đến cuộc sống mới.
Được tái sinh trong Phép Rửa, chúng ta nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần và trở thành dưỡng tử của Đức Chúa Trời. Thiên Chúa giờ đây là Cha của chúng ta: Ngài đối xử với chúng ta như là những đứa con yêu quý của Ngài, Ngài thấu hiểu chúng ta, tha thứ cho chúng ta, bảo bọc chúng ta, và yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta đi chệch hướng.
Kitô giáo không chỉ đơn giản là vấn đề giữ các giới răn, nhưng là sống một cuộc sống mới trong Chúa Kitô, suy nghĩ và hành động như Chúa Kitô, và để mình bị biến đổi bởi tình yêu Chúa Kitô!
Nhưng cuộc sống mới này cần được nuôi dưỡng hàng ngày bằng cách nghe Lời Chúa, cầu nguyện, chia sẻ trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể, và thực hành các công việc bác ái. Thiên Chúa phải là trung tâm của cuộc sống chúng ta!
Với chứng tá hàng ngày của chúng ta cho niềm vui, sự tự do và hy vọng nảy sinh từ chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết, chúng ta cũng đem lại cho thế giới của chúng ta một sự giúp đỡ quý báu vì anh chị em của chúng ta có thể nâng tầm nhìn của họ lên trời cao, hướng về Thiên Chúa và ơn cứu độ.
2. Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân của trận động đất Iran
Tưởng cũng nên nói thêm là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt đầu buổi triều yết chung lần thứ ba của ngài hôm thứ Tư 10 tháng Tư bằng lời kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân của một trận động đất 6.3 độ Richter ở Iran giết chết 37 người.
Đức Thánh Cha nói:
"Tôi đã theo dõi những tin tức về trận động đất mạnh tấn công vào miền nam Iran và gây ra nhiều trường hợp tử vong, nhiều người bị thương và thiệt hại nặng nề. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và bày tỏ tình đoàn kết của tôi với những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các anh chị em của chúng ta tại Iran ".
Trong buổi triều kiến, Đức Giáo Hoàng đã dùng tiếng Tây Ban Nha lần đầu tiên.
3. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ nhậm chức Tân Giám Mục Rôma
Hai mươi sáu ngày sau khi được bầu lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền thờ Thánh Gioan Lateranô, để cử hành thánh lễ nhậm chức Giám mục giáo phận Rôma.
Hàng ngàn người tụ tập bên ngoài để được nhìn thấy Ngài. Đức Thánh Cha chào mừng họ, khi ngài di chuyển trên chiếc xe jeep. Sau đó, Ngài khánh thành Quảng trường Chân phước Gioan Phaolô II, bằng cách mở tấm màn che một tảng đá trắng ghi tên Đức Giáo Hoàng Ba Lan. Hiện diện trong buổi lễ có thị trưởng Rôma, ông Gianni Alemanno.
Tại cửa chính, Đức Hồng Y Agostino Vallini, vị Tổng Đại Diện của Giáo Phận Rôma, đã chào đón Đức Thánh Cha. Đức Giáo Hoàng đã hôn thánh giá và rảy nước thánh cho Đền thờ. Trên đường đi tới bàn thờ, Ngài dừng lại dọc lối đi để ban phép lành và chào các bệnh nhân.
Vì đây là Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh, nên trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã nói về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Đây là cách thức của Thiên Chúa: Ngài không mất kiên nhẫn như chúng ta, là những người thường xuyên muốn có mọi thứ ngay lập tức. Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Con người đang yêu thì hiểu biết, sẵn lòng chờ đợi, và đem đến sự tự tin. Người đó không từ bỏ hoặc đốt giai đoạn. Người đó tha thứ".
Vì đây là Chúa Nhật Lễ Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha đã nói về cá nhân Ngài đã làm chứng cho lòng thương xót trong cuộc sống của Ngài và về chứng tá của các người khác nữa.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm:
"Trong cuộc sống cá nhân của tôi, tôi đã nhìn thấy dung mạo thương xót của Thiên Chúa và sự kiên nhẫn của Ngài rất nhiều lần. Tôi cũng thấy nhiều người đã can đảm đi tới các vết thương của Chúa Giêsu và thưa: "Lạy Chúa, này con đây. Xin chấp nhận sự nghèo nàn của con. Xin che đi tội lỗi của con bằng các vết thương của Chúa, xin tẩy sạch tội con bằng Máu của Chúa". Tôi đã thấy Thiên Chúa chào đón họ biết bao, an ủi họ, tẩy sạch họ và yêu thương họ”.
Sau Thánh Lễ nhậm chức của mình, Ngài đã mở lại văn phòng Giáo hoàng của Đền thờ. Văn phòng này đã bị đóng cửa kể từ ngày 28 tháng 2, khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thoái vị. Với nghi thức này, Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức nhận danh hiệu của mình là Giám Mục Rôma.
4. Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Đừng sợ sống đời Kitô giáo của anh chị em’
Trong mùa Phục Sinh, Đức Thánh Cha đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên đàng” thay Kinh Truyền tin. Chúa Nhật vừa qua, Đức Thánh Cha đã nói về thời điểm khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói “Bình an cho anh em”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói các từ này, không chỉ có nghĩa là một lời chào mà thôi, mà còn là một ân sủng nữa.
Đức Thánh Cha nói:
"Đó là một ân sủng, một món quà quý giá mà Đức Kitô ban cho các môn đệ của Ngài, sau khi Ngài đã đi qua cái chết và hỏa ngục. Ngài ban sự bình an như Ngài đã hứa. Sự bình an này là kết quả của tình yêu Thiên Chúa chiến thắng sự dữ, là kết quả của sự tha thứ".
Với khoảng 10.000 người tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha cũng đã mời gọi các Kitô hữu hãy sống đức tin của họ một cách tự hào và không hề sợ hãi.
5. Đức Thánh Cha bắt đầu bổ nhiệm các chức vụ mới trong Giáo Triều Rôma
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt đầu bổ nhiệm các chức vụ ở Toà Thánh bằng một việc làm gây ngạc nhiên. Ngài bổ nhiệm vị lãnh đạo Dòng Phan sinh, cha Jose Rodriguez Carballo là Tổng Thư ký của Thánh bộ Đời sống Thánh hiến.
Trong lần bổ nhiệm đầu tiên mang đầy ý nghĩa cho các chức vụ ở Toà Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đi một bước bất bình thường là đặt vị đứng đầu hiện nay của một Hội Dòng, cha Jose Rodriguez Carballo, làm Thư ký của Thánh bộ Đời sống Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ (trước kia gọi là ‘Thánh bộ Dòng Tu’).
Cha Jose Rodriguez Carballo, 59 tuổi, người Tây Ban Nha, là Tổng Phục vụ hay là vị Đứng đầu của nhóm đông đảo nhất của Gia đình phan sinh – Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM), với khoảng 15,000 anh em trong 113 quốc gia. Ngài đã giữ chức vụ này từ năm 2003, và được tái cử cho một nhiệm kỳ 6 năm khác vào năm 2009, đứng đầu một Hội Dòng đang thu hẹp lại tại Tây Âu và Bắc Mỹ, nhưng đang cắm rễ vững chắc tại Mỹ Châu La Tinh, và có nhiều ơn gọi tại Á Châu, Phi Châu và Đông Âu.
Vatican loan tin về việc bổ nhiệm cha Carballo vào ngày 6 tháng Tư, và nói rằng cùng với việc bổ nhiệm này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nâng ngài lên bậc Tổng Giám mục.
Sinh tại Lodoselo, Tây Ban Nha năm 1953, cha Carballo theo học tại những ngôi trường do anh em phan sinh điều khiển và, năm 1973, được gởi đi học Kinh Thánh tại Giêrusalem. Sau khi được thụ phong linh mục tại Giêrusalem năm 1977, ngài đoạt được bằng cấp về Thần học Kinh Thánh tại Giêrusalem năm 1978 và một bằng Kinh Thánh tại Viện Kinh Thánh Rôma năm 1981. Trong những năm sau đó, ngài dần dần nắm giữ những chức vụ cao trong Dòng Phan sinh tại Tây Ban Nha và, năm 2003, được bầu chọn làm Tổng Phục vụ của Hội dòng trên toàn thế giới.
Ngài là một trong những vị đồng tế chính, cùng với Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, cha Adolfo Nicolas, trong Thánh lễ khai mạc thừa tác vụ Phêrô của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 19 tháng Ba.
6. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến nhà lãnh đạo Tin lành đầu tiên
Sáng thứ Hai 8 tháng Tư 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón vị chủ tịch của Giáo Hội Tin Lành tại Đức, Mục sư Nikolaus Schneider, trong cuộc tiếp kiến đầu tiên của Ngài với một lãnh đạo Tin Lành.
Trong cuộc gặp 30 phút, hai nhà lãnh đạo đã nói về phong trào đại kết. Cả hai nói về các vị tử đạo như một mối dây liên kết giữa các Kitô hữu, cũng như lễ kỷ niệm sắp tới của cuộc Cải cách vào năm 2017, và có khả năng là cả hai Giáo Hội sẽ cùng mừng lễ với nhau.
Cuối cùng, hai vị trao đổi lời chúc mừng và quà tặng. Mục sư Schneide đã dâng tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một quyển Kinh Thánh bằng tiếng Đức, trong khi Đức Thánh Cha đã tặng ngài một huy chương Giáo Hoàng. Sau cuộc trao đổi, Đức Thánh Cha đã nhiệt tình cám ơn ngài Schneider bằng tiếng Đức.
Các nhà lãnh đạo khác có mặt tại cuộc gặp gỡ là Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo, Tổng Giám Mục Gerhard Muller, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Giáo Hội Tin Lành tại Đức là một liên đoàn gồm 22 Giáo hội Tin lành đại diện cho một phần ba dân số của nước này.
7. Các Hồng Y cử tri giảm xuống còn 113 vị kể từ ngày đầu của cuộc Trống tòa, và cuộc bầu chọn Đức Thánh Cha Phanxicô
Ngay sau khi kết thúc Cơ Mật Viện bầu Đức Thánh Cha Phanxicô, Hồng Y đoàn tiếp tục giảm con số các thành viên cử tri, sau khi ba Hồng Y mừng sinh nhật thứ 80, kể từ khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thoái vị vào ngày 28 tháng Hai.
Ba Hồng Y này là: Đức Hồng Y Walter Kasper, người Đức, nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo. Đức Hồng Y Walter Kasper mừng sinh nhật thứ 80 ngày 5 tháng Ba vừa qua. Kế đó là Đức Hồng Y Severino Poletto, người Ý, tổng giám mục nghỉ hưu của Tổng giáo phận Turin. Ngài đã mừng thọ 80 vào ngày 18 tháng 3. Cuối cùng là Đức Hồng Y Juan Sandoval Iñiguez, người Mexico, tổng giám mục nghỉ hưu của Tổng giáo phận Guadalajara. Ngài đã mừng thọ 80 hôm 28 tháng Ba vừa qua.
Năm Hồng Y khác sẽ mừng 80 tuổi vào cuối năm 2013, gồm ba vị châu Âu và hai vị châu Mỹ La tinh. Theo Giáo Luật, chỉ có Hồng Y dưới 80 tuổi khi bắt đầu việc Trống tòa mới có thể tham gia vào Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Tháng trước 115 vị trong Hồng Y đoàn đã tham dự Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Có khi hai vị đã không thể tham dự.
8. Kiko Argüello: Các khu ổ chuột Tây Ban Nha đã phát sinh phong trào Con đường Tân Dự Tòng
Những hình ảnh quý vị thấy đây là một khu ổ chuột ở Tây Ban Nha, nơi phong trào Con đường Tân Dự Tòng ra đời trong thập niên 1960. Đó là khu phố Palomeras Altas ở Madrid, nơi Kiko Argüello, đã quyết định sống hòa mình với dân cư trong vùng để đi tìm mục đích và ý nghĩa cuộc đời mình.
Kiko Argüello, người khởi xướng phong trào Con đường Tân Dự Tòng, nói:
"Tôi sinh ra trong một gia đình khá giả với một nền giáo dục vững chắc.... Tôi tự hỏi, tại sao lại có thể xảy ra cảnh một cô gái bị hãm hiếp bởi cha cô hết năm này sang năm khác? Tại sao cậu bé này đã phải chứng kiến vụ sát hại người mẹ của em? Đột nhiên, tôi nhận ra rằng giải pháp phải là Chúa Kitô. Tôi đứng ở môi trường quá cao khi tôi nghĩ: Liệu Chúa Giêsu có đến ngày hôm nay chăng. Tôi muốn tự tìm thấy mình đứng dưới chân Thánh Giá, với những người nghèo và người bị gạt bên lề xã hội. Vì vậy, tôi bỏ tất cả mọi sự, và đến sống trong một khu phố khủng khiếp của các chòi lá và túp lều".
Trong môi trường xáo trộn này, ông đã gặp Carmen Hernández. Họ cùng nhau bắt đầu dạy một chương trình giáo lý. Sau cùng chương trình này để nâng lên thành chương trình "Kerigma", một từ ngữ Hy Lạp có nghĩa là "Tin Mừng". Nhiệm vụ của phong trào Con đường Tân Dự Tòng là rao truyền Tin Mừng cho những người chưa bao giờ nghe nói về Tin Mừng, hoặc thậm chí chưa hiểu Tin Mừng. Đó là một con đường để canh tân niềm hy vọng nơi những người đã mất niềm tin vào Thiên Chúa.
Kiko Argüello nói thêm:
"Nếu ma quỷ nói rằng không có Thiên Chúa, không có Đấng Tạo Hóa, không cần thuộc về Chúa, thì con người phải bắt đầu hỏi ngược lại mình - tôi là ai? Tôi có vai trò gì trong cái thế giới này, nếu nguồn gốc của sự hiện hữu của tôi lại không hiện hữu? Con người muốn được yêu thương, bởi gia đình hoặc người phối ngẫu của mình. Được yêu thương bởi một ai đó và yêu thương người nào đó. Hầu hết những người chọn con đường tự tử là những người không có tình yêu. Họ tìm kiếm và nhận ra rằng nếu không có tình yêu, họ không thuộc về bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Sống cũng bằng thừa."
Mặc dù có những khó khăn khi sống trong một khu ổ chuột, ông cũng sống những giờ phút hạnh phúc và thú vị ở đó. Để giữ ấm cho mình, ông ngủ giữa một bầy chó nằm chung quanh. Một hôm, khi ông tình nguyện làm một giáo viên, ông nhớ là đã đến trễ do bầy chó của mình.
Kiko Argüello kể lại:
"Các con chó đi theo tôi, vì vậy khi tôi đi xuống tàu điện ngầm, tôi nghĩ là tốt rồi. Và tôi cứ đi. Sau đó, tôi quay lại nhìn và thấy khoảng 15 con chó chạy xuống sau tôi. Cảnh sát chặn tôi lại ngay lập tức. Tôi cố gắng giải thích rằng chúng không phải là của tôi, nhưng cảnh sát nói: "Ý anh là các con chó này không phải của anh sao?"
Tất cả các kinh nghiệm này được mô tả trong cuốn sách của ông, có tựa đề: “Kerigma: Sống trong khu ổ chuột với người nghèo”. Một phiên bản tiếng Anh đang được thực hiện. Tất cả tiền thu được sẽ được chuyển tới các gia đình đã để lại tất cả mọi thứ phía sau để dự phần vào một sứ vụ truyền giáo ở những nước mà Kitô hữu chỉ chiếm thiểu số.
9. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi có hành động 'quyết định' chống lại lạm dụng tính dục
Hôm Thứ Sáu 5 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tổng Giám mục Gerhard Ludwig Muller. Ngay sau đó, Tòa Thánh ra thông cáo báo chí giải thích rằng Đức Thánh Cha đã yêu cầu Thánh bộ tiếp tục công việc đã được bắt đầu dưới triều Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục.
Đức Thánh Cha kêu gọi có hành động quyết liệt hơn trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên, giúp đỡ nhiều hơn cho các nạn nhân bị lạm dụng, và đưa ra các thủ tục phải lẽ đối với người lạm dụng. Ngài cũng kêu gọi các Hội đồng Giám mục trên thế giới đưa ra và tăng cường các biện pháp mạnh hơn, để bảo vệ và chấm dứt sự lạm dụng "trong lĩnh vực có tầm quan trọng lớn cho chứng tá của Giáo Hội và uy tín của mình"
Trong tuyên bố báo chí, Ngài cũng cho biết các nạn nhân "đặc biệt hiện diện trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của Ngài".
10. Gặp gỡ Alfred Xuereb, thư ký riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người thường hiện diện bên tay phải của Đức Thánh Cha là thư ký riêng của Ngài. Một thời gian ngắn sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu, Đức ông Alfred Xuereb, người Cộng hòa Man-ta, đã trở thành thư ký riêng của Ngài. Đây là một vị trí tạm thời, nhưng tại Ý, các công việc tạm thời thường là lâu dài.
Công việc này không phải là hoàn toàn mới với cha Xuereb. Ngài đã từng là thư ký riêng thứ hai của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, sau Đức ông Georg Ganswein.
Vì vậy, ngoài công việc giải quyết hàng ngày, Đức ông Xuereb cũng thường đi với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong các chuyến tông du ở nước ngoài. Vì ngài là thư ký thứ hai, nên khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 từ chức, Đức ông Xuereb đương nhiên trở thành thư ký của Đức Thánh Cha Phanxicô trong giai đoạn chuyển tiếp. Đức ông là một thành viên của Phủ Giáo hoàng từ năm 2000 và vào năm 2003, ngài đã được trao tước hiệu "Giám chức danh dự" bởi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Thật là thú vị khi Đức ông 54 tuổi đã làm việc với ba vị Giáo hoàng.
Mặc dù sinh ra ở Man-ta, Đức ông Xuereb đã sống tại Rôma trong nhiều năm nay. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1984. Năm năm sau, ngài đã đỗ tiến sĩ thần học tại Phân khoa Thần Học Giáo Hoàng Teresianum. Ngài cũng đã làm việc tại trường Đại học Latêranô ở Rôma, nơi ngài làm thư ký cho Viện trưởng. Ngài cũng từng làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
11. Tòa Thánh Vatican công bố lịch trình của Đức Thánh Cha trong tháng Tư, và thánh Năm
Tòa Thánh đã công bố lịch trình các sự kiện phụng vụ mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì trong tháng Tư và tháng Năm chủ yếu là các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật tại Quảng trường Thánh Phêrô hoặc các Đền Thờ lớn tại Rôma.
• Vào ngày 14 Tháng Tư, Chúa Nhật thứ 3 mùa Phục Sinh, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại thành.
• Vào ngày 21 Tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ và truyền chức linh mục cho một số phó tế trong Đền Thờ Thánh Phêrô.
• Vào ngày 28 Tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ trong Đền Thờ thánh Phêrô, lần này Ngài ban phép Thêm Sức.
• Vào ngày thứ bảy, 4 Tháng Năm, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự việc lần chuỗi Mân Côi tại Đền Thờ Đức Bà Cả.
• Vào Chúa Nhật, 5 Tháng Năm, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ cho các hội đoàn tại quảng trường Thánh Phêrô.
• Vào Chúa Nhật, 12 Tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì lễ phong thánh cho Chân phước Antonio Primaldo và các bạn; Chân phước Laura di Santa Caterina da Siena Montoya y Upegui; và Chân phước Maria Guadalupe Garcia Zalava.
• Vào tối thứ Bảy, 18 Tháng Năm, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ vọng của Lễ Hiện Xuống tại Quảng trường Thánh Phêrô với thành viên của các phong trào Giáo Hội.
• Vào ngày Lễ Hiện Xuống, 19 Tháng Năm, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô.
12. Nhà thờ Chính Thống Coptic ở Cairo bị ném đá và bom
Đá và bom xăng được ném vào nhà thờ Chính Thống Coptic ở Cairo, Ai Cập, khi các Kitô hữu và người Hồi giáo đụng độ sau một đám tang. Một người bị thiệt mạng và hơn 80 người bị thương trong vụ bạo động này.
Một nhân viên nhà thờ nói: "Ngay khi Kitô hữu đưa các quan tài lên xe ô tô sau thánh lễ an táng, một nhóm người cực đoan có râu dài đã ném đá chúng tôi".
Ông nói thêm: "Cảnh sát chỉ đứng nhìn, không làm gì cả. Họ bảo vệ các người cực đoan đang núp đàng sau các cảnh sát trên đường phố, bên ngoài nhà thờ".
Giáo chủ Tawadros hay còn gọi là Đức Giáo Hoàng Theodoros Đệ Nhị của Chính Thống Coptic, lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Coptic từ tháng 11 năm ngoái đã lên án vụ bạo động. Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi cũng nói rằng cuộc tấn công vào nhà thờ "giống như một cuộc tấn công vào chính bản thân tôi". Tuy nhiên, những điều tổng thống nói có lẽ cũng chỉ là những ngôn ngữ ngoại giao. Anh chị em Công Giáo và Chính Thống Giáo tại Ai Cập vẫn tiếp tục bị tấn công trước sự bàng quang của cảnh sát và quân đội.
13. Lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Coptic sẽ đi thăm Đức Thánh Cha Phanxicô
Đức Giáo Hoàng Coptic Theodoros Đệ Nhị của Alexandria, người được bầu đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Coptic hồi tháng 11 năm ngoái, đã thông báo rằng ngài sẽ sớm đi thăm Đức Thánh Cha Phanxicô ở Rôma. Thông báo này tiếp theo sau một cuộc tiếp kiến hôm 3 Tháng Tư với Đức Tổng Giám Mục Jean-Paul Gobel, là Sứ thần Tòa Thánh ở Ai Cập.
Giáo Hội Chính Thống Coptic không phải là một trong các Giáo hội Chính thống Đông phương. Đúng hơn, Giáo hội này là một Giáo hội Chính thống giáo Nguyên Thủy không còn hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh sau Công đồng chung Chalcedon năm 451. Chuyến thăm của Giáo chủ Tawadros đến Rôma sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Giáo Hoàng Chính thống Coptic kể từ tháng 5 năm 1973, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Giáo chủ Coptic Shenouda III đã ký một Tuyên bố chung về Kitô học.
Giáo Hội Chính Thống Coptic có chín triệu thành viên, hầu hết sống ở Ai Cập.
14. Giáo Hội Nigeria lên án cuộc tấn công vào các làng Kitô giáo; hàng ngàn người phải sơ tán
Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama của tổng Giáo phận Jos, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nigeria, đã lên án các cuộc tấn công vào ba làng ở miền trung Nigeria, do các nông dân Fulani Hồi giáo thực hiện. Các cuộc tấn công, được nhắm vào một khu vực đa số Kitô hữu đã diễn ra vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh, làm ít nhất 19 người thiệt mạng và buộc 4.500 người phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Đức Tổng Giám Mục Kaigama nói: "Những người này đến từ đâu vậy? Họ đi đường nào để đến các làng này? Làm sao họ mang vác các loại vũ khí chiến tranh để thực hiện các cuộc tấn công của họ, mà không thu hút sự chú ý của cảnh sát?"
Hội Liên đới Kitô hữu toàn thế giới (Christian Solidarity Worldwide), chuyên theo dõi việc bách hại Kitô hữu, cho biết: “Nhiều người dân đã phải chạy lên các ngọn đồi gần đó. Một số người, khi trở về nhà để đánh giá mức độ thiệt hại, cũng đã bị sát hại. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em".
15. Pakistan: Đám đông đốt các cửa hàng và xe ô tô trong khu phố Kitô giáo
Một đám đông người Hồi giáo đã đốt cháy nhiều cửa hàng và xe hơi, và ném đá vào một nhà thờ ở một khu phố Kitô giáo ở Gujranwala, một thành phố có 2,7 triệu dân ở phía đông bắc Pakistan, nơi đây đã là địa điểm xảy ra hàng loạt các vụ bạo động chống Kitô hữu trong năm 2011. Sáu người bị thương trong những vụ việc mới nhất. Cho đến khi chúng tôi đưa bản tin này tình hình có phần lắng dịu sau khi có sự can thiệp của cảnh sát.
Ông Samson Salamat, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nhân quyền, nói: “Nguyên nhân gây ra bạo động là một tranh chấp giữa người Hồi giáo trẻ và Kitô hữu, và đã dẫn đến ẩu đả". Ông nói với hãng tin Fides rằng “sau đó, một giáo sĩ của một đền thờ Hồi giáo gần đó đã phát động người Hồi giáo tấn công các Kitô hữu".
Nhật báo The Nation, ở Lahore, đưa tin rằng một số thanh niên Kitô hữu của cộng đoàn Francis Abad đang trở về nhà tối thứ Ba trên một xe kéo, và tài xế mở máy nghe nhạc thánh ca lớn tiếng. Khi xe chạy đến gần một ngôi đền Hồi giáo địa phương, vị giáo sĩ chủ sự buổi cầu nguyện và một số người Hồi giáo khác yêu cầu nhóm thanh niên giảm tiếng nhạc. Một cuộc tranh cãi về vấn đề này đã diễn ra, và sau đó là cuộc ẩu đả.
Nhật báo cũng đưa tin rằng sau cuộc bạo động của đám đông người Hồi giáo, "các Kitô hữu tổ chức cuộc phản đối mạnh mẽ”.
16. Hàng trăm gia đình Kitô hữu chạy trốn khỏi Aleppo khi phiến quân tiến tới
Khi quân nổi dậy ở Syria tìm cách kiểm soát Aleppo, thành phố lớn nhất của quốc gia, một giáo sĩ Hồi giáo Jordan đã ban hành một Fatwa tức là một lệnh Hồi giáo nói rằng quân nổi dậy được phép hãm hiếp tất cả những phụ nữ không phải là người Hồi giáo Sunni.
Hơn 300 gia đình Kitô hữu đã chạy trốn khỏi một quận Aleppo, sau khi của quân nổi dậy tiếp quản khu vực, và "ít nhất 120 Kitô hữu đã tạm trú trong nhà Dòng Marist", theo linh mục David Fernandez, một nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời trong khu vực.
17. Một Giám mục sinh ở Mỹ coi sóc một tổng giáo phận của Litva
Một linh mục sinh ở Mỹ đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Tổng giáo phận Vilnius ở Litva.
Đức Tổng Giám Mục tân cử Gintaras Lunas Grusas sinh tại Washington, DC, lớn lên ở Los Angeles, học tại Đại học Phanxicô ở Steubenville, bang Ohio, và làm việc như một chuyên viên tin học trước khi được truyền chức linh mục tại Vilnius vào năm 1994. Ngài được tấn phong làm Giám mục năm 2010, và là Tổng Tuyên úy quân đội Litva trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Tổng giáo phân Vilnius.
Đức Tổng Giám Mục tân cử Grusas đã kế nhiệm Đức Hồng Y Audrys Backis, người vừa nghỉ hưu ở tuổi 76.