Trước Tết mấy ngày, tôi có dịp trao đổi qua điện thoại với một cha đang phục vụ ở quê nhà. Còn phải chờ đến mấy năm nữa, cha ấy mới đạt ở ngưỡng “ngũ thập”. Thế nhưng, trong câu chuyện, cha đã nghĩ đến tuổi già của mình. Không chút đắn đo, tôi buột miệng chê bai ngay về tính lo quá xa trong khi còn đang ở tuổi chín của đời mục tử.

Sáng Mồng Một Tết, tôi điện thoại sang California để chúc mừng Năm Mới đến đại gia đình của người cô ruột. Năm nay cô được 90 tuổi. Cả hai vợ chồng an hưởng tuổi già trong sự chăm sóc của tám người con và nhiều cháu chắt. Ở vào tuổi này, cô vẫn còn khá minh mẫn. Lúc điện thoại sang, gia đình cô chú vừa đi lễ giao thừa về. Cô còn kể rằng bản thân mới đi thăm một linh mục là người em họ kém mình sáu tuổi. Sức khỏe của vị linh mục này không tốt lắm và vừa phải chống trả với một thời gian dài điều trị bệnh. Khi gặp người chị họ đến thăm, ngài không giấu nổi cảm xúc và đã bật khóc.

Người cô đã đọc được nỗi cô đơn nơi vị linh mục này. Có thể nói, tại những nước có nền kinh tế được xếp vào hàng đầu thế giới, vấn đề an sinh xã hội được quan tâm. Chính vì thế, khi đến tuổi hưu trí, người ta không quá lo lắng đến việc khám chữa bệnh và các chi phí cho cuộc sống. Khi còn ở độ tuổi lao động họ đã cống hiến công sức của mình, thì khi về già họ có quyền được nghỉ ngơi và thụ hưởng sự chăm sóc. Đây hoàn toàn là vấn đề thuộc về sự công bằng xã hội. Mặc dù vật chất được đảm bảo, người cao tuổi và đặc biệt là linh mục hưu trí vẫn cần đến sự động viên khích lệ tinh thần để vượt qua khỏi nỗi cô đơn.

Có thể nói, khi còn khỏe mạnh, các linh mục dành hết thời gian cho công việc mục vụ, nên không còn đất sống cho nỗi cô đơn. Thế nhưng, các ngài lại gặp phải những thử thách không nhỏ khi đối diện với tuổi hưu trí. Một thực tế không phủ nhận, các ngài buộc phải chấp nhận một thay đổi rất lớn. Nếu như trước đây mình được cho là hữu dụng thì bây giờ phải rút hết các trọng trách. Nếu như trước đây vạch ra nhiều dự án và tìm các giải pháp để thực hiện thì bây giờ hoàn toàn trống rỗng. Nếu như trước đây luôn luôn bận rộn thì bây giờ phía trước là quãng thời gian ngày rộng tháng dài. Nếu như trước đây sức khỏe dồi dào thì bây giờ phải biết cách chung sống với bệnh tật…Tất cả một thời huy hoàng đã lui vào quá khứ và không bao giờ quay trở lại trong đời bất kỳ một lần nào nữa.

Trước đây, trong thời gian chăm sóc một cha già, tôi khám phá ra sự thay đổi hết sức đột ngột nơi con người ngài. Chỉ mấy năm trước đó, những ai đến thăm ngài mà ngồi lại lâu hơn một chút thì ngài tế nhị “đuổi khách” bằng cách cám ơn họ và chủ động kết thúc cuộc viếng thăm, để sau đó dành thời gian làm nhiều công việc cần giải quyết. Thế nhưng, lúc ngã bệnh, ngài lại sợ khi phải ở một mình. Những lúc đó, sự hiện diện của người khác ở bên cạnh làm cho ngài an tâm hơn rất nhiều.

Mùa cuối cùng trong năm là Mùa Đông. Giai đoạn cuối cùng thông thường của một đời người là tuổi già. Trong tiết đông giá lạnh đã tiềm tàng Mùa Xuân đầy nhựa sống. Trong bước đường cuối đời mở ra một thế giới vĩnh hằng. Một hành trình luôn bắt đầu bằng vạch xuất phát và đích đến. Bất kỳ một công việc nào, khi dành thời gian chuẩn bị chu đáo, người ta có quyền hy vọng một kết quả tốt đẹp. Trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, hy vọng luôn luôn là nguồn khích lệ không thể thiếu giúp mỗi người đi hết chặng đường để đặt chân đến đích, ở đó một phần thưởng xứng đáng đang chờ.

Ngày 1 tháng 2 năm 2014