Ngày đầu tiên viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Phanxicô nhận được hai món quà có ý nghĩa. Món quà đầu tiên Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan tặng ngài là sắc chỉ của hoàng đế Ottoman Mehmed II, ban hành trong thế kỷ 15, nhằm bảo vệ quyền lợi các giáo sĩ Kitô Giáo tại Bosnia.

Món quà thứ hai là bộ từ điển hai cuốn Thổ Nhĩ Kỳ - Đức gồm các từ ngữ Hồi Giáo và Kitô Giáo do Đại Học Ankara xuất bản. Ta biết Đức Phanxicô nói thông thạo tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức.

Đáp lễ, Đức Phanxicô tặng TT Erdogan một bức tranh ghép mô tả Sông Tiber nhìn từ Lâu Đài St Angelo.

Ngoài ra Ông Mehmet Gormez, Giám Đốc Tôn Giáo Sự Vụ, tặng Đức Phanxicô bản sao các lá thư Đức GH Piô X gửi Hoàng Đế Ottoman Abdulhamid II đầu thế kỷ 20.

Thứ Bẩy hôm nay, Đức Phanxicô đã rời Ankara lên đường đi Istanbul. Thống đốc Istanbul và Thượng Phụ Đại Kết Báctôlômêô I đã đón tiếp ngài tại phi trường Ataturk. Nơi đầu tiên ngài viếng thăm ở đây là Đền Thờ Xanh (Blue Mosque). Được Ông Hoàng Ahmed I xây trên địa điểm từng là dinh Constantinople vĩ đại, ngôi đền thờ này trở thành nơi thờ phượng quan trọng nhất của Đế Quốc Ottoman. Biệt danh “Đền Thờ Xanh” phát xuất từ 21,043 viên gạch mầu ngọc lam gắn trên tường và mái vòm. Các viên gạch hoa phủ tường, cột và các vòm trong đền thờ lấy từ Iznik thuộc Nixêa xưa, có mầu sắc biến chuyển từ lam qua xanh.

Đức Phanxicô cúi đầu chắp tay cầu nguyện chừng 2 phút bên cạnh đại giáo sĩ Istanbul, Rahmi Yaram. Trước đó, Đại GS Yaram đã thuyết trình cho ngài về lịch sử ngôi đền và có trích dẫn các câu trong Kinh Kôrăng nói về Mẹ Maria. Đức Phanxicô tươi cười và thán phục chiêm ngưỡng những viên gạch mầu lam công phu và những chiếc vòm tròn cao vút nối tiếp nhau của ngôi đền. Chính ngài sau đó đã xin phép được cầu nguyện và hai người đã im lặng cầu nguyện.

Đại GS Yaram nói với ngài “chúng ta rất cần cầu nguyện” trước khi tặng ngài viên gạch Iznik, giống viên gạch trang trí Đền Thờ Xanh, mang hình hoa tulip, một biểu tượng quan trọng của người Thổ Nhĩ Kỳ và của Hồi Giáo.

Đức GH Phanxicô làm các nhà báo đang đứng chờ ngài ở ngoài Đền Thờ Xanh bằng cách tới đây bằng một xe dân sự không có bảng số. Trước đó, có tin cho rằng nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, vì lý do an ninh, đã bác bỏ lời yêu cầu của ngài muốn có một chiếc xe khiêm nhường hơn.

Tưởng cũng nên biết: Đức GH Bênêđíctô XVI đã thăm Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006, giữa lúc có những căng thẳng giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo và cũng đã cầu nguyện tại đền thờ vĩ đại này bằng điệu bộ của người Hồi Giáo là quay mặt về hướng Mecca, nên đã được nhiều người Thổ đánh giá cao. Vatican đã thêm cuộc viếng thăm này vào phút chót để tỏ lòng tôn kính Hồi Giáo của Đức Bênêđíctô XVI.

Đức GH Phanxicô sau đó đã viếng thăm Hagia Sofia gần đấy. Đây là ngôi vương cung thánh đường dâng kính Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa, được HĐ Constantine xây dựng lần đầu năm 360 trên địa điểm trước đây là một đền ngoại giáo. Sau đó, đền thờ bị hai trận hỏa hoạn năm 404 và 532 thiêu hủy. Sau đó, nó được HĐ Justinian tái thiết với mục đích biến nó thành “công trình lộng lẫy nhất từ thời tạo thiên lập địa”. Ông ra lệnh mọi tỉnh trong đế quốc phải cung cấp những đá hoa cương đẹp nhất và các vật liệu đắt giá nhất. Hagia Sofia được khánh thành lần thứ ba năm 537. Thời thập tự chính năm 1204, nó bị cướp phá tan tành và năm 1453, khi rơi vào tay người Ottoman, nó bị Mehmet II ra lệnh biến thành đền thờ Hồi Giáo đầu tiên của Istanbul. Suốt trong 3 thế kỷ tiếp theo, nó được các ông hoàng Hồi Giáo dâng tặng rất nhiều tặng phẩm qúy giá, cho tới thế kỷ 18, khi các tranh ghép bị vữa che phủ hết. Năm 1847, ông hoàng Abdulmegid thuê hai kiến trúc sư Thụy Sĩ, Gaspare và Giuseppe Fossati hồi phục lại các tranh ghép. Năm 1935, theo yêu cầu của Ataturk, Hagia Sophia biến thành một bảo tàng viện cho tới nay. Các Đức GH Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI đều đã viếng cơ sở này.

Tại đây, Đức GH Phanxicô đã được giám đốc Bảo Tàng Viện tiếp đón và hướng dẫn đi thăm trong nửa tiếng đồng hồ. Khi ký vào sổ vàng lưu niệm, ngài viết bằng tiếng Hy Lạp trước: Αγία Σοφία του Θεού (Đức Khôn Ngoan Thánh Thiêng Của Thiên Chúa) rồi bằng tiếng La Tinh: “Quam dilecta tabernacula tua Domine (Lạy Chúa vui thay lều tạm nhà Chúa, Tv 38).

Một ít người ủng hộ đứng bên ngoài Hagia Sophia vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ và cờ Tòa Thánh. Một biển ngữ mang hàng chữ “Ngài là Phêrô”.

Hayrullah Cengiz, Giám Đốc Viện Bảo Tàng, khi thuyết trình cho ngài về lịch sử của Hagia Sophia, đã thưa với ngài: “tôi luôn thích nói về phần này” vì tại đây nhiều tranh ghép Kitô Giáo lâu hàng mấy thế kỷ chen lẫn với các chữ viết Hồi Giáo đầy tính lịch sử.

Sau khi ký lưu niệm, Đức GH Phanxicô đã rời Hagia Sofia mà không cầu nguyện. Theo chương trình, đáng lẻ Hagia Sofia là nơi đầu tiên ngài viếng tại Istanbul, nhưng vào phút chót đã có sự thay đổi.

Sau khi rời Hagia Sophia bằng Cửa Đẹp, Đức Phanxicô đã tới tòa đại diện Tòa Thánh nơi ngài được các cộng đồng Công Giáo của Istanbul (La Tinh, Ácmêni, Syria và Canđê) chờ đợi đón tiếp. Tại đây, ngài cũng được Chủ Tịch HĐGM Thổ Nhĩ Kỳ, Đức TGM Ruggero Franceschini, O.F.M. Cap. đón tiếp.

Sau đó, ngài đã cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Thánh Thần ở Istanbul. Trong bài giảng lễ, ngài nói về việc Kitô hữu phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Đấng có thể kích thích sự đa dạng, tính đa nguyên nhưng đồng thời vẫn đem lại sự hợp nhất. Ngài cảnh cáo tín hữu đừng rơi vào cơn cám dỗ cưỡng lại Chúa Thánh Thần vì Người muốn đưa ta ra khỏi vùng êm ái bản thân và gây bất ổn cho ta. Ta phải vứt bỏ thái độ phòng thủ, phòng ngừa, cứ khư khư bám lấy các ý niệm của mình, các cách hành động bất biến của mình, phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta.

Cả bài giảng của ngài đều tập trung nói về Chúa Thánh Thần. Mọi sự đều do Người linh hứng. Cả khi ta phá vỡ cái vòng luẩn quẩn lấy ta làm trung tâm, bước ra ngooài, gặp gỡ người khác, lắng nghe họ, giúp đỡ họ đều cũng do Chúa Thánh Thần thúc đẩy...

Ngài cho rằng tính đa dạng nơi các chi thể cũng như các đặc sủng đều được hòa hợp trong Thần Khí Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha sai tới và tiếp tục sai tới để thực hiện sự hợp nhất giữa các tín hữu. Chúa Thánh Thần đem hợp nhất lại cho Giáo Hội: hợp nhất trong đức tin, hợp nhất trong tình yêu, hợp nhất trong cuộc sống nội tâm. Giáo Hội và các Giáo Hội cũng như các cộng đồng Giáo Hội khác đều được kêu gọi để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và luôn cởi mở, ngoan ngoãn và vâng lời.

Ngài nhấn mạnh rằng trong hành trình đức tin và sống huynh đệ của ta, càng khiêm nhường để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ta càng thắng vượt được hiểu lầm, chia rẽ, bất đồng và trở thành dấu chỉ khả tín của hợp nhất và hòa bình.

Cuối bài giảng, ngài cám ơn sự hiện diện của TP Báctôlômêô và nhiều đại diện các Giáo Hội anh em.

Cuối ngày, Đức Phanxicô đã tới Tòa Thượng Phụ Đại Kết để tham dự buổi cầu nguyện đại kết với TP Báctôlômêô I tại Nhà Thờ Thánh George ở Istanbul. Sau buổi cầu nguyện, hai vị hội kiến riêng. Nhân dịp này, Đức Phanxicô cho hay: “tâm hồn tôi đầy tâm tình biết ơn Thiên Chúa vì đã cho phép tôi ở đây để cùng cầu nguyện với Đức TP và với Giáo Hội chị em này sau một ngày đầy biến cố nhân dịp chuyến tông du của tôi”.

Ngài nhắc tới hai thánh Phêrô và Anrê, vốn là biểu tượng của hai Tòa Rôma và Constantinople, và nhấn mạnh rằng “Các ngài là anh em ruột, ấy thế nhưng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đã biến các ngài thành anh em trong đức tin và đức ái. Trong buổi tối hân hoan hôm nay, tại buổi canh thức cầu nguyện này, tôi muốn nhấn mạnh điều này: các ngài đã trở thành anh em trong đức cậy. Thưa Đức Thượng Phụ, quả là một ơn thánh được làm anh em trong đức cậy vào Chúa Kitô Phục Sinh! Quả là một ơn thánh, và cũng là một trách nhiệm, phải đi với nhau trong niềm cậy trông này, một lòng cậy trông luôn được nâng đỡ bởi hai Tông Đồ anh em là Thánh Anrê và thánh Phêrô! Và phải biết rằng niềm cậy trông chung này không làm ta thất vọng vì nó được đặt cơ sở, không trên ta hay trên các cố gắng của ta, mà đúng hơn trên sự trung tín của Thiên Chúa”.

Đức Phanxicô, sau đó, chúc mừng lễ quan thầy của Giáo Hội Chính Thống Constantinople và xin Đức TP chúc lành cho ngài và cho cả Giáo Hội Rôma!