Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha phó thác các nước Nam Mỹ cho Đức Mẹ

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19 tháng Bẩy, Đức Thánh Cha đã phó thác các nước Nam Mỹ cho Đức Mẹ, ngài nói:

“Tôi đã xin Chúa rằng Thần Khí của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành hướng dẫn tôi trong chuyến tông du, mà tôi đã hoàn thành tại các nước Ecuador, Bolivia và Paraguay. Tôi cảm tạ Chúa với tất cả tâm lòng vì món qùa này. Tôi xin cám ơn các dân tộc của ba nước vì sự tiếp đón trìu mến nồng hậu và hứng khởi của họ. Tôi tái bầy tỏ lòng biết ơn các chính quyền ba nước vì sự tiếp đón và cộng tác của họ. Với tất cả lòng trìu mến tôi xin cám on các anh em Giám Mục, các linh mục, các người sống đời thánh hiến và dân chúng vì đã tham gia một cách nồng nhiệt. Với các anh chị em này tôi đã chúc tụng Chúa vì các điều tuyệt diệu Ngài đã làm trong Dân Chúa trên con đường trần gian, vì đức tin đã và đang linh hoạt cuộc sống và nền văn hóa của nó. Và chúng tôi cũng đã chúc tụng Chúa vì các vẻ đẹp thiên nhiên, mà Ngài đã rộng ban cho các quốc gia này. Đức Thánh Cha nhận xét về đại lục Mỹ Latinh như sau:

Đại lục Mỹ latinh có các tiềm năng nhân bản và tinh thần lớn lao, nó giữ gìn các giá trị kitô đã đâm rễ sâu nơi đây, nhưng cũng sống các vấn đề xã hội và kinh tế nghiêm trọng. Để góp phần vào giải pháp cho nó, Giáo Hội đã dấn thân huy động các lực lượng tinh thần và luân lý của các cộng đoàn của mình bằng cách cộng tác với tất cả các thành phần xã hội. Trước các thách đố lớn mà việc loan báo Tin Mừng phải đương đầu, tôi đã mời gọi kín múc nơi Chúa Kitô ơn thánh cứu rỗi và trao ban sức mạnh cho dấn thân của chứng tá kitô, phát triển việc phổ biến Lời Chúa, để tôn giáo tính cao độ của các dân tộc này có thể luôn luôn là chứng tá trung thành của Tin Mừng.

Tôi phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, mà toàn châu Mỹ Latinh tôn kính như Bổn Mạng với tước hiệu Đức Bà Guadalupe, các hoa trái của chuyến tông du không thể quên được này.”

2. Các Giám Mục Nigeria bắt đầu thất vọng với tổng thống Muhammadu Buhari

Niềm hy vọng tràn trề nơi tổng thống Muhammadu Buhari, người đã nhậm chức hôm 29 tháng Năm đã bắt đầu bị xói mòn tại Nigeria sau những chiến thắng vang dội của bọn khủng bố Boko Haram trong suốt một tháng qua.

Một phát ngôn viên của Giáo Phận Maiduguri, Nigeria, bày tỏ với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc những lo ngại cho tương lai của thành phố 1.2 triệu dân trong bối cảnh những chiến thắng dòn dã của nhóm thánh chiến Boko Haram.

"Tốc độ của các cuộc tấn công Boko Haram trong vài tuần qua đã trở thành đáng lo ngại và nguy hiểm," Cha Gideon Obasogie cho biết: "Nếu Boko Haram thành công trong việc tách chúng tôi khỏi phần còn lại của Nigeria, Maiduguri sẽ là một mồ chôn khổng lồ."

3. Hội Đồng Giám Mục Venezuela lo ngại trước phán quyết cho ly dị rộng rãi của tòa án tối cao nước này

Các giám mục Venezuela cảnh báo rằng hôn nhân và gia đình tại quốc gia này sẽ bị suy yếu theo sau một phán quyết của tòa án tối cao theo đó vợ chồng có thể ly dị mà không cần trưng ra bất kỳ bằng chứng nào về hành vi sai trái của người phối ngẫu.

Các giám mục đã mạnh mẽ phản đối một phán quyết hôm 06 tháng 6 của Tòa án tối cao Venezuela. Phán quyết truyền rằng từ nay các cặp vợ chồng có thể ly dị "nếu cùng đồng ý mà không cần bất kỳ điều kiện nào khác".

Các giám mục đã viết rằng phán quyết này sẽ mở toang "cánh cửa dẫn tới một chế độ ly hôn ngẫu hứng chẳng vì lý do nào, do đó làm suy yếu cấu trúc gia đình. Điều này phủ nhận các quyền tự nhiên của hôn nhân và làm mất sự ổn định gia đình, và hạ thấp tầm quan trọng của hôn nhân vốn là nền tảng tự nhiên của gia đình."

Trước diễn biến này, các Giám Mục chỉ ra rằng Giáo Hội là Mẹ và là Thầy, và với giáo huấn của các Giáo hoàng và Huấn Quyền "chúng tôi công bố tính ưu việt và bất khả xâm phạm của gia đình, và của mọi sự sống con người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên. Vì vậy, nơi thích hợp nhất cho sự phát triển tự nhiên của con người là trong các gia đình bình thường. "

4. Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ tái kêu gọi chấm dứt án tử hình

Hai vị giám mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ vừa ra một thông điệp tái kêu gọi chấm dứt án tử hình.

Thông điệp này đến sau một thập niên kể từ khi bản tuyên bố của hội đồng giám mục về án tử hình được ban hành.

Đức Hồng Y Sean O'Malley và Đức Tổng Giám mục Thomas Wenski cho biết: "Kể từ thời điểm đó đã có những gặt hái đáng kể. Một số tiểu bang gồm New York, New Jersey, New Mexico, Illinois, Connecticut, Maryland và gần đây nhất Nebraska, đã chấm dứt việc thi hành án tử hình, trong lúc các tiểu bang khác thì ban hành lệnh cấm tạm thời. Số án tử hình hiện đang ở mức thấp nhất kể từ khi được tái lập vào năm 1976. "

Hai vị giám mục nói thêm: "Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, và chúng ta phải dốc nhiều sức vào cho việc này được thực hiện" Các ngài kêu gọi mọi người cầu nguyện, tiếp xúc các gia đình nạn nhân, nghiên cứu giáo lý và vận động chính trị.

5. Tổ chức yểm trợ phá thai Planned Parenthood (PP) bị tố cáo mua bán nội tạng thai nhi

Một tổ chức chống phá thai có tên là Center for Medical Progress (CMP- tạm dịch Trung Tâm Cho Những Tiến Bộ Về Y Khoa ) vừa công bố một đoạn phim video trên mạng với mục đích phơi bày những bằng chứng cho thấy việc tổ chức Planned Parenthood (PP) vi phạm trầm trọng chuẩn mực đạo đức cũng như luật pháp hiện hành khi mua bán nội tạng những thai nhi mà họ trục ra khỏi lòng những bà mẹ đến nhờ phá thai.

Theo nhóm phò sự sống CMP kể trên, đoạn phim dài 3 giờ đồng hồ đã được thu cách đây một năm tại một nhà hàng ở tiểu bang California, trong đó ghi lại cuộc trò chuyện giữa hai nhân viên giả dạng làm chuyên gia về nhân sinh với bác sĩ Deborah Nucatola thuộc tổ chức phá thai PP về việc thu giữ và xử lý nội tạng của thai nhi sau những ca phá thai. Trong câu chuyện được ghi lại bằng hình ảnh, có đoạn nhắc đến việc PP thu lợi với giá tiền từ $30- $100 một "mẫu vật" trục ra từ thai nhi. Tuy đoạn phim không xác định rõ đó có phải là lời thú nhận của bác sĩ Nucatola về bảng giá cho từng bộ phận trong cơ thể thai nhi, nhưng theo giáo sư bô môn sinh- y đức Art Caplan những gì ông nghe thấy từ miệng bác sĩ Nucatola thật đáng lo ngại vì theo ông tố chức PP có vẻ như đang kiếm chác lợi nhuận từ xác thai nhi vừa bị trục ra khỏi lòng mẹ.

Planned Parent Hood thì phủ nhận hoàn toàn lời cáo buộc trên, nói rằng đó chỉ là lệ phí cho việc phá thai và chuyển mẫu vật nội tạng thai nhi mà thôi

6. Tại sao có những quốc gia không có Hồng Y?

Chiều Chúa Nhật 12-7 vừa qua trên chuyến bay từ Paraquay về Roma Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn dài, liên quan tới chuyến viếng thăm tại ba nước Ecuador, Bolivia và Paraguay, cũng như liên quan tới một vài vấn đề thời sự như cuộc khủng hoảng của Hy Lạp, cuộc đối thoại giữa Cuba và Hoa Kỳ, tình hình Colombia và Venenezuela vv…

Nhà báo Anibal Velazquez của nhật báo ABC Color Paraguay hỏi: thưa Đức Thánh Cha, dân chúng vui mừng vì Đức Thánh Cha đã nâng đền thánh Caacupé lên hàng Vương cung thánh đường, nhưng họ tự hỏi Paraguay có tội gì mà chưa có Hồng Y?

Đức Thánh Cha trả lời như sau: Không có Hồng Y không phải là một tội. Đa số các nước trên thế giới không có Hồng Y. Quốc tịch của các Hồng Y là thiểu số. Đúng thật là cho tới nay Paraguay chưa có HY nào. Tôi không biết lý do. Đôi khi để chọn các Hồng Y người ta cân nhắc, đọc và nghiên cứu các hồ sơ của từng vị, xem xét con người, nhất là đặc sủng của Hồng Y sẽ được chọn để cố vấn cho Đức Giáo Hoàng và trợ giúp Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ. Hồng Y tuy thuộc về một Giáo Hội địa phương nhưng được gia nhập vào Giáo Hội Roma và có một cái nhìn đại đồng. Điều này không có nghĩa là tại Paraguay không có các Giám Mục có quan điểm vũ hoàn. Nhưng lý do vì không thể chỉ định qúa 120 Hồng Y có quyền bầu Giáo Hoàng. Uruguay đã có hai vị. Một vài nước Trung Mỹ cũng đã có Hồng Y, nhưng tất cả tuỳ thuộc các hoàn cảnh, con người và đặc sủng. Nhưng sự kiện này không có nghĩa là các Giám Mục Paraguay không có giá trị gì. Paraguay có các Giám Mục thiên tài. Tôi nhớ là có hai Giám Mục Bogarin đã làm nên lịch sử Paraguay. Nếu nhìn vào Giáo Hội Paraguay thì Paraguay đáng có hai Hồng Y, nhưng nó không liên quan gì tới công nghiệp. Paraguay là một Giáo Hội sống động, tươi vui, một Giáo Hội chiến đấu và có một lịch sử vinh quang.

7. Lối sống và nền kinh tế Mỹ

Chị Anna Matranga, phóng viên của đài truyền hình CBS hỏi: Thưa Đức Thánh Cha một trong các sứ điệp mạnh mẽ nhất của chuyến công du này đó là hệ thống kinh tế toàn cầu thường áp đặt tâm thức của lợi nhuận bằng mọi giá, gây thiệt hai cho dân nghèo. Điều này bị dân Mỹ coi như là lời chỉ trích trực tiếp hệ thống kinh tế và kiểu sống của họ. Đức Thánh Cha trả lời thế nào cho nhận thức này? Và đâu là lượng định của Đức Thánh Cha đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới?

Đức Thánh Cha trả lời như sau: Điều tôi đã nói, câu nói ấy không mới mẻ. Tôi đã nói trong Thông điệp Niềm Vui Phúc Âm: “nền kinh tế này giết chết”. Tôi nhớ rõ câu này. Có một bối cảnh. Và tôi cũng nói trong Thông điệp “Laudato si’ “, việc chỉ trích không phải là một điều mới lạ, người ta biết đó. Tôi đã nghe rằng bên Hoa Kỳ đã có vài lời chỉ trích. Tôi đã nghe, nhưng tôi chưa đọc và nghiên cứu để rồi đối thoại. Chị sẽ hỏi tôi nghĩ gì, nhưng nếu tôi chưa đối thoại với những người đã chỉ trích, thì tôi không có quyền đưa ra một tư tưởng, cô lập khỏi cuộc đối thoại.

8. Quan hệ Cuba và Hoa Kỳ

Anh Courtney Wals của đài Fox News hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, chúng ta đã nói một chút về Cuba, nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm vào tháng 9 tới đây trước khi đi Hoa Kỳ, cũng như nói tới vai trò của Vaticăng trong việc làm cho hai nước xích lại gần nhau. Bây giờ Cuba sẽ có một vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế, theo Đức Thánh Cha chính quyền La Habana có phải cải tiến danh tiếng của mình liên quan tới việc tôn trọng các quyền con người kể cả quyền tự do tôn giáo không? Và Đức Thánh Cha có tin rằng Cuba có nguy cơ mất đi điều gì trong liên hệ mới này với quốc gia mạnh nhất thế giới hay không?

Đức Thánh Cha trả lời như sau: Các quyền con người là để cho tất cà mọi người và người ta tôn trọng các quyền con người chỉ trong một hai nước mà thôi. Tôi sẽ nói rằng trong biết bao nhiêu nước, trong biết bao nhiêu miền trên thế giới này người ta không tôn trọng các quyền con người.

Cuba mất cái gì và Hoa Kỳ mất cái gì? Điều mà cả hai nước đều có được đó là hòa bình. Đây là điều chắc chắn. Sự gặp gỡ, tình bạn, sự cộng tác: đó là điều chiếm được. Nhưng hai nước mất cái gì thì tôi chưa nghĩ ra được; sẽ là những điều cụ thể, nhưng luôn luôn trong một cuộc thương thuyết nguời ta được và mất. Trở lại với các quyền con người và tự do tôn giáo, anh chị em hãy nghĩ trên thế giới có các nưóc, kể cả vài nước âu châu, vì các lý do khác nhau người ta không để cho bạn làm một dấu chỉ tôn giáo nữa. Và trong các đại lục khác cũng thế, đúng không? Điều này đúng, Tự do tôn giáo không được tôn trọng trên toàn thế giới, trong biết bao nhiêu nước xảy ra như thế.

9. Vai trò của Giáo Hội Mỹ Châu Latinh


Anh Andrea Tornielli hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, đúc kết lại, Đức Thánh Cha đã muốn để lại cho Giáo Hội tại châu Mỹ Latinh sứ điệp nào trong những ngày này? Và Giáo Hội Mỹ Latinh có vai trò nào, kể cả như dấu chỉ trong thế giới?

Đức Thánh Cha trả lời như sau: Giáo Hội Mỹ Latinh có một sự phong phú lớn: đó là một Giáo Hội trẻ và điều này quan trọng. Một Giáo Hội trẻ với một sự tươi mát, cả với một vài không hình thức. Nó cũng có một nền thần học, một nghiên cứu phong phú. Tôi đã muốn trao ban tâm hồn cho Giáo Hội trẻ này và tôi tin rằng Giáo Hội trẻ này có thể cho chúng ta biết bao nhiêu điều hay đẹp. Trong cả ba quốc gia dọc đường có các người cha các bà mẹ với trẻ em; họ cho thấy các em. Chưa bao giờ tôi đã lại trông thấy nhiều trẻ em như vậy, biết bao nhiêu trẻ em. Đó là một dân, và Giáo Hội cũng như vậy, đó là một bài học cho chúng ta, cho Âu châu, nơi số sinh giảm sút gây hoảng sợ một chút, và cả việc cũng ít có các đường lối chính trị trợ giúp các gia đình đông con. Tôi nghĩ tới nước Pháp có một đường lối chính trị đẹp trợ giúp các gia đình đông con nên đã đạt hơn 2% số sinh, trong khi các nước khác thì có số sinh gần zero, cả khi không phải mọi nước đều như thế. Tôi tin rằng bên Albania có 45%, nhưng bên Paraguay có tói hơn 70% dân số từ 40 tuổi trở xuống. Sự phong phú của dân tộc và Giáo Hội này đó là một Giáo Hội sống động. Đó là một sự phong phú, một Giáo Hội của sự sống. Điều này quan trọng. Tôi tin rằng chúng ta phải học hỏi từ điều này và sửa chữa lại, bởi nếu không, nếu không có con cái… Đó là điều mà tôi đã nói biết bao lần về sự gạt bỏ! Người ta gạt bỏ trẻ em, người ta gạt bỏ người già, và với sự kiện thiếu công ăn việc làm người ta gạt bỏ người trẻ. Vì thế các dân tộc mới, các dân tộc trẻ trao ban cho chúng ta nhiều sức mạnh hơn. Đối với Giáo Hội tôi sẽ nói rằng một Giáo Hội trẻ - với biết bao nhiêu vấn đề, bởi vì có các vấn đề - tôi tin rằng đó là sứ điệp mà tôi tìm thấy: đừng sợ hãi cho tuổi trẻ này và cho sự tươi mát này của Giáo Hội. Có thể đó là một Giáo Hội hơi vô kỷ luật một chút, nhưng với thời gian sẽ kỷ luật và trao ban cho chúng ta biết bao điều tốt đẹp.

10. Kitô hữu Iran hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân

Một linh mục Công Giáo nghi lễ Canđê, là Giám đốc quốc gia Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo ở Iran nói rằng, các Kitô hữu tại quốc gia này đã vui mừng với Kế hoạch toàn diện trong thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc của khối "P5 + 1" (Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc).

"Tôi chắc chắn có thể nói rằng tất cả các Kitô hữu, cùng với tất cả người dân Iran đang vui mừng vì những lời cầu nguyện của họ đã được trả lời," Cha Hormoz Aslani Babroudi nói với hãng tin Fides.

"Chúng tôi đều hài lòng với kết quả này: chúng tôi không coi mình là những người nước ngoài, nhưng là người những Iran, và chúng tôi rất tự hào về nó," ngài nói thêm. Chúng tôi cầu nguyện với Chúa Giêsu Kitô của chúng tôi và cảm tạ Ngài về các tin tức tốt lành này."

Chỉ có 5.000 người trong số 78.2 triệu người Iran là người Công Giáo.

11. Các Giám Mục Kenya nhất quyết chống lại hôn nhân đồng tính

Trong khi Kenya đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Tổng thống Barack Obama, các giám mục của quốc gia này tuyên bố sẽ chống lại mọi nỗ lực thúc đẩy hôn nhân đồng tính.

"Chúng tôi sẽ chống lại hôn nhân đồng tính bằng mọi giá" Đức Cha Philip Anyolo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Kenya nói với Catholic News Service.

Đức Cha Anyolo nói thêm rằng Giáo Hội "có một sứ mệnh ngôn sứ trong việc bảo vệ sự thánh thiêng của hôn nhân"

12. Lời một Tổng giám mục dành cho các linh mục: Hãy tìm mọi cách để tránh các bài giảng dở

Trong một bức thư có nội dung rất thiết thực, được viết theo trình tự từng điểm một, cho các linh mục và phó tế, Đức Tổng Giám mục Allen H. Vigneron của Detroit, đã trình bày một phân tích về các thành phần giáo dân tham dự Thánh lễ, và làm thế nào để hàng giáo sĩ có thể đưa ra những bài giảng đi vào lòng người.

"Điều quan trọng không phải là bình luận, nhưng là giúp giáo dân hiểu những gì đang xảy ra trong bản văn Tin Mừng để họ có thể hiểu được những gì đang diễn ra trong thực tại cuộc sống hiện nay và đáp trả bằng đức tin," ngài đã đưa ra lời khuyên này trong một lá thư mục vụ ngày 30 tháng 6 mang tên "Vị giảng thuyết- Tôi tới của Lời Chúa”

Nhấn mạnh tầm quan trọng của bài giảng như một cơ hội để Lời Chúa tác động trong lòng người, Đức Tổng Giám Mục đã khuyến khích các linh mục Detroit tập trung vào rao giảng Tin Mừng cho con chiên của họ.

Bức thư của Ngài, phần lớn tập trung vào việc các linh mục nên xác định đối tượng thành phần giáo dân, để khi giảng hiểu rằng, mỗi người trong hàng ghế đều có nỗi lo lắng, ưu tư của cuộc sống riêng.

"Rất nhiều người đã được nhận các phép bí tích nhưng chưa bao giờ được loan báo tin mừng", Tổng Giám mục Vigneron nói. Mặc dù họ gặp Chúa Kitô trong các bí tích, họ có rất ít nhận thức vềđiều này, và do đó, "họ đã biết về Thiên Chúa, nhưng họ không vẫn chưa biết Ngài."

13. Người Công Giáo Bologna thương tiếc Đức Hồng Y Biffi, một nhà thuyết giảng hài hước nhưng đơn sơ dễ hiểu

ĐHY Giacomo Biffi, một nhà thuyết giảng hài hước, thực tế và đậm nét văn hoá dân tộc vừa qua đời ngày 11/7, hưởng thọ 87 tuổi. Ngài sống trong một căn nhà nhỏ gần Bologna sau khi về hưu vào năm 2003. Năm ngoái Ngài được đưa vào bệnh viện và qua đời tại đó sau một cơn bệnh kéo dài.

Đức Thánh Cha Franxicô nhận được tin ĐHY Biffi đau yếu khi Ngài đang làm việc trong Công Nghị về Gia Đình năm 2014. ĐTC đã gửi ĐHY Biffi một lá thư vào ngày 5/6 và nói rằng Ngài luôn luôn ở bên cạnh ĐHY trong cơn đau đón của ĐHY.

Giacomo Biffi sinh ngày 13/6/1928 tại Milan và chịu chức linh mục tại Tổng Giáo Phận Milan vào năm 1950 khi chỉ mới 22 tuổi. Sau đó Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Milan kiêm nhiệm chánh xứ hai giáo xứ, Santi Martiri tại Legagno, một thị trấn nhỏ ở gần Milan, và giáo xứ Sant’Andrea. Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm Ngài làm Giám Mục Phụ tá Milan năm 1975 và giám mục chính thức đầu năm sau đó. Năm 1984, Ngài trở thành Tổng Giám Mục Bologna.

ĐTC Gioan Phalô II đã tấn phong Ngài làm Hồng Y trong Mật Hội Hồng Y tháng 5 năm 1985. Ngài trở thành một trong những thành viên của Hội Dòng Loan Báo Tin Mừng cho Muôn Dân, Giáo sĩ và Ngành Giáo Dục Công Giáo.

ĐHY Carlo Caffarra, người kế vị ĐHY Biffi trong chức vị TGM Bologna cho biết tang lễ sẽ vào ngày 14/7. Trong Ngôi Thánh đường đông kín người tham dự, ĐHY Carlo đã trình bày chi tiết về “tình yêu thẳm sâu đối với Bologna mà ĐHY tiền nhiệm Giacomo Biffi đã dành cho Giáo Hội địa phương”. Ngài nhấn mạnh, “chính thái độ được coi là ghen tị rất huyền nhiệm này đã dẫn đường cho Ngài để Ngài nhận ra những thiếu sót của đoàn chiên trong Tổng Giáo Phận Bologna.”

Khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Bologna, Hồng Y Biffi đã mô tả thành phố là một nơi “dễ chịu và có nhiều nhu cầu”. Ngài đưa ra một công thức cho Bologna còn nổi tiếng hơn khẩu hiệu giám mục của Ngài, đó là “Ubi fides ibi libertas” (“Nơi nào có niềm tin, nơi đó có tự do”).

ĐTC Benêdictô XVI biểu lộ sự kính trọng đặc biệt đối với ĐHY Biffi. Mọi người đều biết rõ rằng trong Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng năm 2005, năm mà Đức HY Ratzinger được bầu chọn làm Giáo Hoàng, chính ĐHY Ratzinger đã bỏ phiếu cho ĐHY Biffi.

Hai năm sau khi được bầu chọn làm Giám Mục Giáo Phận Roma, ĐTC Bênêdictô đã chọn ĐHY Biffi để Ngài thuyết giảng trong những nghi lễ Mùa Chay của Giáo Triều Roma. ĐTC Bênêdictô khi kết luận về những bài giảng của ĐHY Biffi đã tỏ lòng cám ơn về những tư tưởng “thực tế, pha đôi chút hài hước nhưng rất cụ thể” của ĐHY Biffi.

ĐTC Bênêdictô cũng bày tỏ sự biết ơn ĐHY Biffi khi ĐHY Biffi “đã đề cập một lý thuyết thần học mang tính liều lĩnh của một trong những người quản lý niềm tin khi ĐTC nói: “Chính tôi cũng không dám đưa ra nhận định là ‘Thiên Chúa có lẽ cũng có những thiếu sót’ trước những phê phán của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.”

Tư tưởng thần học của ĐHY Biffi là một tư tưởng pha lẫn với những nhận định cụ thể. Đề cập đến sự vĩnh cửu, Ngài đưa ra lý thuyết về “một loại thần học mang tên tortellini”. Tortellini là một loại bánh pasta nhồi thịt có nguồn gốc tại Bologna. Ngài nói, “Khi ăn món tortellino với ý nghĩ về đời sống vĩnh cửu thì luôn luôn tốt hơn là dùng món này mà lại nghĩ rằng bạn sẽ đi vào cõi sâu thẳm.”

Và khi Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đưa ra tuyên bố “Dominus Jesus” năm 2002 về sự phổ biến mang tính duy nhất và cứu rỗi của Chúa, ĐHY Biffi đã mạnh mẽ bảo vệ cho triết lý này chống lại những phê phán có ngay trong Giáo Hội, một trong những ý tưởng đó là của Hồng Y Walter Kasper, lúc đó là Chủ Tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về việc thúc đẩy Hiệp Nhất Kitô Giáo.

ĐHY Biffi đã đứng về phía ủng hộ văn kiện “Dominus Jesus” và tuyên bố rằng, “Niềm tin về một Đức Jesus là Đấng Cứu Độ duy nhất và tối cần là một sự thật đã có từ hơn 20 thế kỷ - bắt đầu từ tuyên bố của Thánh Phêrô sau Lễ Ngũ Tuần. Không một ai có thể bác bỏ được. Ngày nay, sự kiện mà một số người nêu ra để bác bỏ, phản ảnh một mức độ nghiêm trọng đến mức như thế nào của tình trạnh hiện thời. Văn kiện này, một văn kiện nhắc lại sự bất đi bất dịch của những Bí Tích Nguyên Căn, đơn giản và cần thiết nhất, đã bị đưa ra để phê phán. Sự phê phán này diễn ra ở mọi cấp độ: tại cấp giáo xứ, các lớp thần học và hàng giáo phẩm.”

Trong hồi ký của mình, mang tên “Memorie di un italiano cardinal”, ĐHY Biffi cũng đã trình bày vấn đề đồng tính luyến ái, một suy nghĩ có liên quan đặc biệt đến Thượng Hội Đồng 2015 về gia đình.

Đề cập đến việc đồng tính, ĐHY Biffi viết, “Tư tưởng Kitô giáo dạy chúng ta phân biệt giữa sự kính trọng mà chúng ta có đối với con người, sự kính trọng ấy ẩn chứa việc loại bỏ bất cứ một sự phân biệt nhỏ nào về xã hội và chính trị liên quan đến người đồng tính, với những biệt lệ của vấn đề hôn nhân và gia đình mang tính bất khả xâm phạm, và việc loại bỏ bất cứ một ‘ý tưởng về đồng tính’ nào mà hiện nay nhiều người đang cổ vũ.”

ĐHY Biffi cũng nói thêm rằng “ý tưởng về đồng tính” – cũng như bất cứ một ý tưởng nào mang tính gây hấn và khao khát nhắm mục đích giành lấy một vị thế chính trị nào đó – đều trở nên một đe doạ cho sự độc lập mang tính hợp pháp của tư tưởng sau đây: đó là, ai không cùng chia sẻ, sẽ rơi vào một rủi ro là sẽ bị lên án đối với một phân biệt vô cùng nhỏ nhoi thuộc về văn hoá và xã hội.”

Theo ĐHY Biffi, “những cố gắng về tự do phê phán bắt đầu bằng ngôn từ. Những ai không rút lui việc ủng hộ đồng tính, có nghĩa là chấp nhận về lý thuyết quan hệ đồng tính, sẽ bị tố cáo là ‘đồng tính’.”

Những ngôn tử của ĐHY Biffi có thể cho chúng ta một hình ảnh của một thực tế hiện tại, mà theo ĐHY đó là một trong rất nhiều thử thách hiện thời của Giáo Hội.

Trong một cuốn sách khác, cuốn “La Bella, la Bestia e il Cavaliere” (tạm dịch là ‘Mỹ nhân, Dã thú và Hiệp sĩ’), ĐHY Biffi đã trình bày vấn đề của Công Đồng Vatican II, đối chiếu công đồng thực tế này với “công đồng về truyền thông” mà ĐTC Bênêdictô đã đặc biệt làm nổi bật trong bài diễn văn dành cho Giáo Triều Roma ngày 13/2/2013, hai ngày trước khi Ngài tuyên bố thoái vị.

ĐHY Biffi viết, “một công đồng trên thực tế không chính thức đã xuất hiện. Công đồng ấy đã có một vị trí không phải trong lịch sử của Giáo Hội mà có trong lịch sử của sự tưởng tượng thuộc về cơ cấu tổ chức của Giáo Hội.”