Chúa Nhật qua, sau khi đặt chân xuống Azerbaijan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ công cộng lần thứ hai trong chuyến tông du 3 ngày tại vùng Caucasus. Trong Thánh Lễ này, ngài nhắn nhủ tín hữu tụ họp trong ngôi nhà thờ nhỏ rằng đức tin và sự phục vụ là tâm điểm của đời sống Kitô hữu, đan kết với nhau như những sợi chỉ khác nhau của tấm thảm.

Hình ảnh tấm thảm: đức tin là sợi chỉ vàng nối kết ta với Thiên Chúa

Ngài nói: “Đức tin và sự phục vụ không thể tách rời nhau; trái lại, chúng nối kết chặt chẽ với nhau, đan kết vào nhau”. Muốn làm cho ý niệm này cụ thể hơn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sử dụng hình ảnh dệt thảm, vốn là một truyền thống cổ kính ở Azerbaijan.

Được dệt bằng tay thành nhiều cỡ khác nhau và với một nét dệt chặt chẽ, thảm Azerbaijan, từ những ngày xa xưa, vốn được dùng để phủ nền nhà hoặc trang trí các bước tường, tràng kỷ, giường nằm và bàn ghế. Chế tạo thảm là truyền thống gia đình được lưu truyền bằng miệng và thực hành, phần lớn nhờ các phụ nữ.

Trong bài giảng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh hai diễn trình “sợi ngang” và “sợi dọc”. Theo định nghĩa kỹ thuật của chúng, hai kiểu nói này dùng nói tới hai sợi chỉ để dệt nên sản phẩm hoàn chỉnh.

Sợi dọc là sợi đã căng thật chặt chạy dài theo khung dệt và tạo thành cốt lõi của tấm thảm, trong khi sợi ngang là sợi dệt chạy giữa các sợi dọc để tạo nên các mẫu dệt khác nhau.

Đức Giáo Hoàng nói rằng “các tấm thảm của anh chị em là các công trình nghệ thuật đích thực… đan kết hài hòa” giữa sợi ngang và sợi dọc. Đời sống Kitô hữu cũng thế “Mỗi ngày, nó cũng phải được dệt một cách kiên nhẫn, đan kết chính xác sợi ngang và sợi dọc: sợi ngang đức tin và sợi dọc phục vụ”.

“Khi đức tin được đan kết với sự phục vụ, trái tim sẽ mãi được mở ra và trẻ trung, và nó lớn lên trong diễn trình làm điều tốt”. Ngài nói như thế, và thêm rằng nếu đức tin đi theo con đường này, “nó sẽ trưởng thành và lớn lên một các mạnh mẽ, nhưng chỉ với điều kiện được nối kết với sự phục vụ”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua Azerbaijan trong ngày cuối cùng của chuyến đi 3 ngày tới đây và tới Georgia. Cả hai nước này đều có một cộng đồng Công Giáo nhỏ nhoi. Azerbaijan đánh dấu lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng tới một quốc gia đa số theo Hồi Giáo Sunni. Georgia, trái lại, là một quốc gia đa số theo Chính Thống Giáo.

Sau khi đáp xuống Phi Trường Heydar Aliyev ở Thủ Đô Baku vào lúc sáng sớm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Vô Nhiễm thuộc trung tâm Salêdiêng, vốn là nhà thờ Công Giáo duy nhất ở Azerbaijan.

Khởi thủy được xây dựng năm 1915, nhà thờ này bị Cộng Sản phá hủy năm 1931, và vị mục tử bị bắt đi “cải tạo lao động” và qua đời tại đó. Sau khi chế độ Sôviết sụp đổ, người Công Giáo lại bắt đầu tìm về với nhau.

Nhưng chỉ sau chuyến viếng thăm năm 2002 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Cộng đồng của họ, cuối cùng, mới có thể mua được mảnh đất để tái thiết nhà thờ. Việc tái thiết này hoàn thành năm 2009. Người ta tin rằng Thánh Báctôlômêô, Tông Đồ, tử đạo tại Azerbaijan, gần Baku, khoảng năm 71.

Trong các suy niệm của ngài về đức tin, Đức Phanxicô làm nổi bật đáp ứng của Thiên Chúa đối với tiên tri Habakkuk trong bài đọc thứ nhất, trong đó tiên tri xin Thiên Chúa can thiệp và tái lập công lý và hòa bình đã bị bạo lực và bất đồng làm cho tan nát.

Thay vì nhẩy xổ vào, Thiên Chúa “đã không trực tiếp can thiệp” mà Người cũng không giải quyết tình thế “một cách đột ngột” hoặc làm cho Người hiện diện bằng bạo lực. Đúng hơn, “Người mời gọi kiên nhẫn chờ đợi, đừng bao giờ mất hy vọng; trên hết, Người nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin”.

Đức Giáo Hoàng nói: Thiên Chúa cư xử với ta cũng như thế. Người không “chiều theo ý của chúng ta muốn thay đổi thế giới và người khác ngay lập tức và liên hồi” nhưng tìm cách hàn gắn tâm hồn người ta.

Đức Giáo Hoàng cho rằng “Thiên Chúa thay đổi thế giới bằng cách biến đổi trái tim chúng ta, và Người không thể làm việc này nếu không có chúng ta”. Ngài nói thêm: “Khi Thiên Chúa thấy một trái tim cởi mở và nhiều tín thác, thì Người có thể làm những điều lạ lùng ở đấy”.
Ngài nói rằng: có đức tin không phải là việc luôn dễ dàng, và nhấn mạnh lời khẩn khoản Chúa Giêsu của các tông đồ trong tin Mừng Luca xin “gia tăng đức tin cho chúng con”.

Câu trả lời của Chúa Giêsu “khá làm ta ngạc nhiên” vì Người xoay câu hỏi ngược lại với các ông, và nói: “Nếu chúng con có đức tin…” Trong câu trả lời này, Chúa yêu cầu ta phải có đức tin. Nhưng theo Đức Giáo Hoàng, đức tin là một hồng ân do Thiên Chúa ban mà ta luôn phải cầu xin cho có được; đức tin cần được nuôi dưỡng.

“Nó không phải là một sức mạnh ma thuật từ trời rớt xuống” mà nó cũng không phải là “một sức mạnh đặc biệt để giải quyết các nan đề của cuộc sống”.

Đức Phanxicô nói rằng: đức tin thỏa mãn các nhu cầu của ta “sẽ là một đức tin ích kỷ, hoàn toàn tập chú vào chính ta”. Ngài nhận định thêm: ta không nên lẫn lộn đức tin với cảm giác thoải mái, ấm êm, cũng không phải là thứ an ủi trong trái tim có thể đem lại sự bình an bên trong.

“Đức tin là sợi chỉ vàng nối kết ta với Chúa, niềm vui tinh tuyền được ở với Người, nên một với Người; nó là một hồng ân kéo dài suốt đời ta, nhưng chỉ mang hoa trái nếu ta chịu đóng một vai trò”.

Nói đến việc phục vụ, nó không phải chỉ là việc hoàn thành các bổn phận của ta hoặc thực hiện một vài hành vi tốt lành nào đó, mà “còn hơn thế nữa” vì trong Tin Mừng, Chúa Giêsu yêu cầu “bằng những lời lẽ hết sức triệt để” ta phải sẵn sàng có đó hoàn toàn, “một đời sống được hiến tặng một cách hoàn toàn cơi mở, không tính toán và lợi lộc”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng cảnh cáo ta tránh xa hai thứ cám dỗ mà Kitô hữu đang gặp phải khiến họ không phục vụ nữa và kết cục “biến cuộc sống thành vô nghĩa”. Ngài cho rằng hai cơn cám dỗ này là để cho mình trở nên thờ ơ và suy nghĩ “như các chủ nhân ông”.

“Trái tim thờ ơ trở thành chỉ biết chú tâm tới mình trong một cuộc sống lười lĩnh, và nó dập tắt ngọn lửa yêu thương”. Đức Giáo Hoàng giải thích như thế, rồi nói thêm: người thờ ơ “sống để thỏa mãn các tiện nghi của mình, một thứ tiện nghi không bao giờ biết là đủ, và vì thế, không bao giờ được thỏa mãn cả”.

Dần dần, các Kitô hữu kết cục sẽ trở thành bằng lòng với sự tầm thường, chỉ dành cho Thiên Chúa và người khác một phần trăm thì giờ của họ, “không bao giờ dành quá nhiều, nhưng luôn luôn cố gắng hà tiện”.

Đức Giáo Hoàng nhận định rằng: thay vì thụ động, cơn cám dỗ thứ hai tức “suy nghĩ như các chủ nhân ông” tập trung vào việc quá tích cực, người như thế chỉ “cho đi để nhận được một điều gì đó hay trở nên một người nào đó”.

Theo ngài, “trong những trường hợp như thế, việc phục vụ sẽ trở thành một phương tiện, chứ không phải một mục đích, vì mục đích đã trở thành danh tiếng; rồi quyền lực, tham vọng làm lớn”. Ngài nhấn mạnh: Giáo Hội chỉ “lớn mạnh và xinh đẹp” nhờ phục vụ mà thôi.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận bài giảng lễ của ngài bằng cách trở lại với hình ảnh tấm thảm, nói với cộng đồng địa phương rằng “mỗi người các con giống như sợi tơ lụa rực rỡ”.

Tuy nhiên, theo ngài, chỉ khi nào được đan kết với nhau các sợi chỉ khác nhau mới tạo thành một tác phẩm đẹp đẽ; tự chúng, chúng vô dụng. Và ngài thúc giục người Azerbaijan luôn đoàn kết, khiêm nhường sống hân hoan và bác ái.

Hình ảnh những chiếc cửa sổ đầy chất nghệ thuật

Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ liên tôn sau đó, trên một đất nước đại đa số là Hồi Giáo Sunni, Đức Phanxicô dùng một hình ảnh khác để cổ vũ mối liên hệ hòa bình giữa xã hội và tôn giáo. “Tôi muốn nói tới những chiếc cửa sổ đầy chất nghệ thuật qúy giá từng có mặt ở đây nhiều thế kỷ qua, chỉ được chế tạo bằng gỗ và kính mầu”.

Nhưng chế tạo bằng các phương pháp truyền thống độc đáo: “không dùng keo hay đinh, mà gỗ và kính được ráp vào nhau qua một cố gắng cần nhiều thì giờ và tỉ mỉ. Nhờ thế, gỗ nâng đỡ kính và kính để ánh sáng chiếu qua”.

Ngài nhận định: “cũng thế, bổn phận của mọi xã hội dân sự là nâng đỡ tôn giáo, việc này giúp cho ánh sáng chiếu qua, rất cần thiết cho cuộc sống. Để việc này có cơ hội xẩy ra, một nền tự do hữu hiệu và chân chính phải được bảo đảm. Không thể dùng các loại ‘keo’ nhân tạo buộc người ta phải tin, áp đặt lên họ một hệ thống tín ngưỡng đã xác định sẵn và tước mất của họ quyền tự do lựa chọn; cũng không cần đến thứ ‘đinh’ bên ngoài như các quan tâm trần tục, thèm khát quyền lực và tiền bạc”.

Ngài nói rằng: Thiên Chúa không thể bị lợi dụng “để biện minh bất cứ hình thức cực đoan, đế quốc hay thực dân nào. Từ nơi đầy tính biểu tượng cao này, một tiếng kêu xé lòng một lần nữa đang vang lên: đừng nhân danh Thiên Chúa để bạo động thêm nữa! Ước chi danh thánh vô cùng của Người được thờ lạy, chứ không bị xúc phạm hay đổi chác như một món hàng qua các hình thức hận thù và chống đối nhân bản”.

Ngài nhận định thêm: cầu nguyện và đối thoại “có liên hệ qua lại hết sức thâm hậu: chúng phát xuất từ việc mở lòng ta ra và vươn dài tới thiện ích người khác, nhờ thế phong phú hóa và tăng cường lẫn nhau”.

Theo ngài, hòa bình đích thực “xây dựng trên việc tôn trọng, gặp gỡ và chia sẻ lẫn nhau, cương quyết vượt qua các thiên kiến và các sai lầm quá khứ, từ bỏ các tiêu chuẩn hai mặt và tư lợi; một nền hòa bình lâu dài, được sinh động hóa nhờ lòng can đảm nhất định vượt qua trở ngại, tận diệt nghèo đói và bất công, lên án và chấm dứt việc lan tràn vũ khí và đầu cơ trục lợi vô luân trên lưng người khác”.

Đức Giáo Hoàng quả quyết rằng “máu của quá nhiều người đang từ đất, căn nhà chung của chúng ta, kêu thấu Thiên Chúa”. Ngài nói thêm: ta phải cùng nhau kiến tạo một tương lai hòa bình.

Ngài nói: “Nay không phải là lúc cho các giải pháp bạo lực hay hấp tấp, nhưng đúng hơn là lúc khẩn cấp để khởi đầu các diễn trình hòa giải đầy kiên nhẫn. Vấn đề thực chất của thời ta không phải là phải đẩy mạnh nghĩa lý của mình cách nào, mà ta phải đưa ra các đề xuất sống nào cho các thế hệ tương lai; làm cách nào để lại cho họ một thế giới tốt hơn thế giới ta đã tiếp nhận. Thiên Chúa, và cả lịch sử nữa, sẽ hỏi chúng ta xem chúng ta đã hiến mình cho việc mưu cầu hòa bình chưa; các thế hệ trẻ, vốn mơ ước một tương lai khác hơn, đang hướng câu hỏi này về hướng chúng ta”.