CN 4 PHỤC SINH

“ĐTC Phanxicô khuyến khích các GM mang lại cho Giáo Hội tại Việt Nam niềm vui loan báo Tin Mừng.

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM Giáo phận Xuân Lộc, cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican trưa thứ hai, 5-3-2018 sau cuộc gặp gỡ dài hơn 2 tiếng đồng hồ giữa ĐTC và 33 GM thuộc HĐGM Việt Nam. Đức Cha cũng là người thông dịch trong cuộc gặp gỡ này.

Đức cha kể lại: Chúng tôi đã thảo luận về nhiều vấn đề, nhưng lời cuối cùng ĐTC để lại cho chúng tôi là: Hãy mang lại cho Giáo Hội tại Việt Nam niềm vui loan báo Tin Mừng”. Trước đó, ngài đã nói về hình ảnh vị GM như người chăn chiên có mùi chiên, mùi của Thiên Chúa, đồng thời ĐTC mời gọi các GM gia tăng cầu nguyện, chiêm niệm. Lời mà ĐTC lập lại nhiều lần là sự gần gũi, gần gũi Thiên Chúa, gần dân, và đặc biệt là gần các LM”. (x.vi.radiovaticana.va).

“Mục tử có mùi chiên và mùi của Thiên Chúa”. Huấn từ của ĐTC Phanxicô dành cho các vị Giám mục và qua đó nhắn gởi đến các Linh mục.

Căn tính Linh mục có hai chiều kích, một hướng lên Thiên Chúa, và một hướng về nhân loại. Hướng lên Thiên Chúa, căn tính Linh mục hệ tại sự thánh thiện với “mùi Thiên Chúa”. Hướng về con người, căn tính ấy hệ tại dấn thân phục vụ với đức ái mục tử có “mùi chiên”.
Phần xướng đáp phụng vụ Kinh Chiều lễ các thánh Mục tử, chúng ta đọc : “Đây là người đã sống hết tình với anh em, cầu nguyện nhiều cho dân chúng, đã hy sinh tính mạng vì anh em mình”. Câu nói ngắn nhưng bao hàm đầy đủ nội dung của sứ vụ Mục Tử. Tình yêu mục tử nối kết cả ba khía cạnh đó. Có yêu thì mới sống hết tình, tận tụy phục vụ. Có yêu thì mới nhớ đến và cầu nguyện cho. Và có yêu thì mới dám hy sinh mạng sống, đây là tình yêu đạt đến đỉnh điểm. Chúa Giêsu - Mục Tử Nhân Lành đã nêu gương về cả ba khía cạnh này cho mọi mục tử trong Giáo hội. Khi sống sứ vụ theo gương Chúa Giêsu, các mục tử sẽ luôn có mùi chiên và mùi Chúa.

1. Sống hết tình với anh em

Chúa Giêsu đã sống hết tình với anh em. Ngài rao giảng miệt mài từ sáng đến khuya, quên cả ăn ngủ, mệt lử đến nỗi ngủ say như chết, sóng gió tơi bời mà không hay; dân chúng “tấp nập kẻ lui người tới, đến nỗi thầy trò không có giờ nghỉ ngơi” (Mc 6,31), chữa mọi thứ bệnh tật cho dân, thậm chí cả vào ngày sabbat khiến bị chỉ trích; hóa bánh ra nhiều để nuôi dân đi theo nghe giảng; hóa nước thành rượu để giữ thể diện cho đôi tân hôn. Ngài làm nhiều phép lạ chữa quỷ ám, mù lòa, điếc câm, cả chết rồi cho cũng sống lại. Ngài gần gũi người nghèo, bà góa, trẻ em, bênh vực họ... Biết bao việc làm chứng rằng Chúa Giêsu đã sống hết tình với anh em. Cầu nguyện cho dân chúng : cho mọi người, cho các môn đệ, cho kẻ ghét mình, cầu nguyện thâu đêm, lúc sắp chết mà còn cầu xin ơn tha thứ cho kẻ giết mình, lại bào chữa rằng vì họ lầm không biết việc họ làm. Tấm lòng của Chúa thật là tuyệt vời. Hy sinh tính mạng vì anh em, đó là điều Chúa Giêsu đã làm, và là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu của Chúa : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Ga 15,12). Ngài có thể thoát khỏi cái chết, nhưng ngài không làm : “Không ai có thể cướp mạng sống tôi, nhưng tự tôi hiến mạng” (Ga 10,18).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là mẫu gương về đức ái mục tử. Ở tuổi 76 khi được bầu làm giáo hoàng, sức khỏe của ngài không tốt, vì đã bị mất một lá phổi. Ở tuổi này người ta nghỉ hưu, nhưng đức Phanxicô đã can đảm chấp nhận. Những năm qua, ngài làm việc thật nhiều, vì ngài biết không còn nhiều thời gian trước mắt. Ngài đã khơi bùng lên niềm vui và hy vọng cho Giáo Hội. Ngài làm say mê hàng trăm triệu con tim, nhiều người bỏ đạo quay về với Giáo Hội, nhiều kẻ lâu nay hờ hững với Mẹ Hội Thánh nay lao vào vòng tay yêu thương vẫn giang rộng chờ đón của ngài. Số người thiện cảm gia tăng. Ngài đang “hồi sinh” Giáo Hội !

Với chủ trương “Giáo hội nghèo cho người nghèo”, ngài yêu thương người nghèo và chọn nếp sống giản dị. Ngài ban hành tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng để mở một trang mới cho công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa, và khích lệ Giáo Hội đứng dậy, mở cửa, ra đi đến tận vùng ngoại vi để loan Tin Mừng. Ngài mở Năm Thánh Lòng Thương Xót để toàn thể Giáo Hội cảm nếm tình yêu tha thứ vô biên của Chúa. Ngài ban hành tông huấn Laudato Si’ kêu gọi bảo vệ môi trường, gìn giữ vũ trụ thiên nhiên xinh đẹp là ngôi nhà chung mà Chúa đã tạo dựng. Ngài triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới để tìm phương cách giải quyết những thách đố về hôn nhân và gia đình. Ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du mục vụ, chủ lễ bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới. Ngài cũng vừa ban tông huấn Niềm Vui Yêu Thương về tình yêu thương trong gia đình.Ngài đã làm được quá nhiều việc trong một thời gian vắn vỏi ! Ngài thật là Mục Tử nhân lành, là hiện thân của Chúa Giêsu. Gương sáng, lời rao giảng và chứng tá của ĐTC Phanxicô đã khiến nhiều giám mục và linh mục quyết định sống theo “phong cách” của ngài, họ tự nhận là thuộc “thế hệ Phanxicô”, từ chối sống trong những tòa nhà sang trọng, tự lái xe, tự đi chợ nấu ăn, sống gần gũi người nghèo, giản dị như một người bình dân, đề cao và bảo vệ quyền lợi của những người thấp kém và trẻ em.

“Người thời nay tin vào những chứng nhân hơn thầy dạy, nếu họ tin thầy dạy, chính là vì thầy dạy ấy cũng đồng thời là chứng nhân” (Đức Phaolô VI). Một trăm bài giảng hay ho không giá trị bằng một việc làm nhỏ bé nhưng đong đầy yêu thương. Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa sẽ chỉ hiệu quả nếu người ta vừa nhận ra niềm tin nơi lời rao giảng, vừa nhận thấy tình yêu thương nơi hành động và phong cách sống của người ấy.

Mọi người kỳ vọng các linh mục sẽ giống Chúa Giêsu Mục Tử theo phong cách của Đức Phanxicô, sẽ là hiện thân của Đấng đến “không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Linh mục được đánh giá theo như cung cách phục vụ của ngài : tận tụy, cần mẫn, trung tín, nhưng không (vô vụ lợi), sẵn sàng, nhanh nhẹn, quên mình.

Người giáo dân hôm nay không muốn thấy, không muốn có những mục tử 3 L (làm sang, làm phách, làm biếng), 3 T (tình, tiền, tửu), 3 Đ (độc tôn, độc tài, độc đoán), lè phè, hưởng thụ, lười biếng, chẳng quan tâm đến người khốn khổ, chất trên vai họ những gánh nặng, vô cảm trước những khổ đau của họ, sống xa cách người nghèo, không bênh vực người bị áp bức bất công, không đứng dậy đi ra khỏi nhà xứ để viếng thăm kẻ bệnh tật, người già nua, trẻ cơ nhỡ, để đem về đàn những con chiên lạc bầy đang lang thang trong hoang địa.

Vì linh mục là người của sự linh thánh, nên việc huấn luyện thiêng liêng là quan trọng nhất (ĐTC Phanxicô đã phát biểu rằng, ngài muốn chủng sinh được đào tạo ưu tiên về mặt thiêng liêng), các mặt khác cũng quan trọng : nhân bản, vì linh mục cũng là một con người như mọi người; trí thức, vì linh mục sẽ phải giảng dạy hướng dẫn người khác; mục vụ, vì đó là “nghề” của linh mục. Có thể nói, sau bao nhiêu năm tháng được huấn luyện như thế, linh mục là người hoàn hảo, hay theo cái nhìn chung của mọi người, là một người có tài có đức, giỏi giang. Linh mục phải là người có những nhân đức đối thần (Tin-Cậy-Mến), những nhân đức đối nhân (Bác ái-Khôn ngoan-Công bằng-Can đảm-Tiết độ), những nhân đức tôn giáo (Các lời khuyên Phúc Âm, tha thứ, hiền lành, đạo đức, trung thành...), những nhân đức nhân loại hay còn gọi là đức tính của con người theo quan điểm Á Đông (Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín (với tha nhân), Cần-Kiệm-Liêm-Chính-Dũng (với chính mình).

Được đào tạo kỹ lưỡng như thế, linh mục hẳn phải đạt một mức độ cao trên “đàng nhân đức” mới phải lẽ. Cho nên khi thấy các linh mục không sống đúng với những đòi hỏi của chức vụ và đời sống thì chẳng trách giáo dân bất mãn, và dễ đi đến chỗ bài bác.

Linh mục không tuyên khấn như các tu sĩ, nhưng cũng phải giữ đức thanh bần, khiết tịnh và vâng phục, không thụ động, miễn cưỡng, nhưng như lời ĐTC Phanxicô : “Những lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục là “chứng từ vui tươi về tình yêu của Thiên Chúa”, khi chúng được cắm rễ trong lòng Chúa thương xót”. (x. “Đức ái mục tử”. Bài giảng tĩnh tâm linh mục GP Phan Thiết 2016, Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long).

2. Cầu nguyện nhiều cho dân chúng.

Các sách Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện vào những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Người. Khi chịu Phép Rửa và nhận lãnh sứ mạng Chúa Cha giao phó (Lc 3,21); đêm trước khi chọn các môn đệ (Lc 6,12); trước khi biến hình (Lc 9,28); trước khi chữa bệnh cho nhiều người (Lc 5,16); trước khi đặt ra cho các môn đệ câu hỏi quan trọng: người ta bảo Thầy là ai?; khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11,1-2); khi các môn đệ đi truyền giáo lần đầu tiên trở về; trước khi chịu thương khó (Lc 22,34-46); trong bữa Tiệc Ly; đêm thương khó; trên Thánh giá (Lc 23,34.46)… Lời cầu nguyện đã nuôi sống tất cả sứ mạng của Người.Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Thầy cầu nguyện. Có lẽ khi Thầy cầu nguyện có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn tỏa ra từ nơi con người Thầy.

Vào một buổi sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã ra khỏi nhà ông Phêrô để tìm một nơi thanh vắng mà cầu nguyện (Mc 1,35). Chúa Giêsu phấn khởi trong Thánh Thần, Ngài ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Con ngợi khen Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn những điều mà Cha giấu không cho những bậc khôn ngoan và trí thức biết” (Lc 10,21). Chúa Giêsu ngước mắt lên trời tâm sự với Chúa Cha rằng: “Con cảm tạ Cha vì Cha đã nghe lời con cầu xin. Vâng, con biết rằng lúc nào Cha cũng vẫn nghe lời con xin. Sở dĩ con nói thế là để những người đang đứng bên con đây tin rằng Cha đã sai con” (Ga 11,41-41). Đặc biệt là trong phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời để cầu nguyện với Chúa Cha. Tâm sự ngỏ với Cha rất nhiều lời tha thiết (Ga 17).

Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu quỳ gối và cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu đựoc thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, xin chỉ thực hiện ý của Cha” (Lc 22,42). Lúc hấp hối trên Thánh giá, Chúa Giêsu cầu nguyện gởi lên Cha ba lời tâm sự tha thiết: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm; Lạy Cha, sao Cha bỏ con?; Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện như Người hằng cầu nguyện (Lc 6,12); cầu nguyện cho các địch thù (Lc 6,28 ; Mt 5,34); kiên trì và tin tưởng cầu nguyện (Lc 11,5-8.9-13 ; Mt 7,7-11); cầu nguyện với lòng khiêm tốn để nhận ơn tha thứ (Lc 18,9-14); vững tâm cầu nguyện đón chờ ngày Chúa đến (Lc 21,36); cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22,40.46)... Khi các môn đệ xin Người dạy cách cầu nguyện, Người dạy họ cầu nguyện với kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4 ; Mt 6,9-13). Chúa Giêsu mang theo cả nhân loại trong lời cầu nguyện của mình. Người nói chuyện với Chúa Cha, bàn bạc với Chúa Cha về những việc Người làm cho công cuộc cứu độ nhân loại.

Chúa Giêsu phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Mục tử luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là có một sự hiểu biết sâu xa về Ngài do đã gặp gỡ và sống với Ngài thực sự. Khi thánh Phêrô tìm người thay thế Giuđa Iscariốt, ngài đã nói với cộng đoàn: “Trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được Ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có người trở thành chứng nhân cùng với chúng ta làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Với những lời trên đây, thánh Phêrô, khi chọn người mục tử thay thế Giuđa, đã chỉ đưa ra một tiêu chuẩn là: người đó đã phải cùng sống với Chúa Giêsu và đã tham dự cuộc đời cứu thế của Ngài, một đời mặc lấy thân phận đoàn chiên, yêu thương đoàn chiên, cứu độ đoàn chiên và còn hơn nữa, như lời Ngài nói: “Ta còn có những chiên không thuộc đoàn này. Ta cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Ngài cũng khẳng định: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,11). Muốn được như vậy, người mục tử phải có những tâm tình của Chúa Giêsu. Nhất là sự khiêm nhường. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy học với Ngài, đặc biệt là về đức tính“hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chính Ngài đã cứu chuộc loài người bằng sự hiền từ khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của đời mục tử. Cầu nguyện là lẽ sống và có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống mục tử. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động. Mục tử cầu nguyện, hãm mình, đền tội cho giáo dân theo gương cha thánh Gioan Vianney.

3. Hy sinh tính mạng vì anh em mình.

Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên”. Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài. Chúa Giêsu so sánh mục tử và người làm thuê. Mục tử tốt lành luôn hết mình vì đàn chiên. Người làm thuê chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử hy sinh cho đàn chiên. Người làm thuê chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Người làm thuê chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.

“Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục : “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”. ĐTC nhấn mạnh thêm rằng mùi ấy cũng có thể phát sinh từ các yêu cầu bất tiện, đôi lúc hoàn toàn vật chất hay hoàn toàn tầm phào. Người chăn chiên phải nhận thức và đồng cảm với ý muốn của đoàn chiên, như Chúa Giêsu đã nhận thức và đồng cảm cái đau ra huyết trắng của người đàn bà khốn khổ trong Tin Mừng. Muốn có cái mùi ấy, các mục tử phải ra khỏi con người mình, phóng mình tới những vùng ngoại biên nơi có đau khổ, đổ máu, mù lòa, giam cầm đủ loại. Mục tử phải cảm nhận được các gánh nặng và bộ mặt của quần chúng giáo dân, trên vai và trong trái tim mình” (Vũ văn An : Đức Phanxicô và mùi chiên, Vietcatholic.net, 4/1/2013). Linh mục cũng được đánh giá theo như ngài có hay không lòng thương yêu, hy sinh cho đoàn chiên của ngài.

Chúa Nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Mục tử tốt lành luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên, yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Linh mục là Mục tử, người chăm sóc phần hồn các tín hữu. Một sứ mạng rất cao quý. Linh mục noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Tối Cao, tận tình phục vụ tha nhân qua công việc mục vụ với đức ái mục tử. Đây là linh đạo của linh mục giáo phận.

Cha sở Gioan Vianney “là mục tử đã sống hết tình với anh em, cầu nguyện nhiều cho dân chúng, đã hy sinh tính mạng vì anh em mình”, ngài là bổn mạng các Linh mục. Hôm nay ngày cầu nguyện cho các mục tử, xin ngài giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng mục tử của ngài. Amen.