Bản chất của dự luật đặc khu kinh tế tại Việt Nam là một âm mưu dọn đường cho ngoại bang thong dong vào xứ sở theo mô hình thương mại “thuê-rồi-sở-hữu-luôn” (rent-to-own). Ý đồ này đã nhanh chóng bị các tầng lớp dân chúng tại Việt Nam vạch trần và phản kháng dưới nhiều hình thức, từ việc xuống đường của dân chúng khắp nơi cho đến tuyên bố sâu sắc trong thư gởi quốc hội của Uỷ ban Giám mục về Công lý và Hoà bình.

Tại hải ngoại thì có những đêm hướng về quê hương, tuyên ngôn của Liên hiệp Truyền thông Công Giáo VN hải ngoại, của Hội đồng Liên tôn VN tại Hoa Kỳ, văn thư của thượng nghị sĩ tiểu bang California, Janet Nguyễn, kêu gọi ngoại trưởng Mỹ gây áp lực với nhà cầm quyền Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều cộng đoàn xứ đạo đã tụ họp để cầu nguyện cho quê hương thoát khỏi hiểm hoạ do mưu mô của ngoại bang lẫn nội gian. Điều quan trọng là chúng ta hãy liên tục cầu nguyện hằng ngày tại nhà, và hợp với cộng đoàn của mình cầu nguyện mỗi tuần.

Với lời khích lệ “ai xin thì sẽ được” của Chúa Giêsu (Mt 7:7-8) và lời khuyên “cầu cho hết mọi người” của Thánh tông đồ Phaolô (1 Tm 2:1-3), chúng ta có những lời nguyện phổ quát hay lời nguyện tín hữu (universal prayer, prayer of the faithful) trong các Thánh lễ, khi kết thúc phần phụng vụ Lời Chúa. Những lời nguyện này thường phản ảnh sứ điệp từ Lời Chúa hôm ấy và cầu nguyện cho bốn ý sau đây: (1) Cầu cho nhu cầu của Hội thánh, (2) Cầu cho nhà cầm quyền và cho toàn thế giới được ơn cứu độ, (3) Cầu cho những ai gặp khó khăn, (4) Cầu cho cộng đoàn địa phương.

Khi có những nơi bị chiến tranh, thiên tai, v.v., chúng ta cầu nguyện cho những nạn nhân theo ý số 2 hoặc số 3. Trong hoàn cảnh nguy khốn của Việt Nam hiện nay, chúng ta lại càng phải dâng lời cầu nguyện cho quê hương, cho đồng bào. Khi soạn lời nguyện, không cần dài giòng văn tự (ngoại lệ là những lời nguyện trọng thể ngày Thứ sáu Tuần thánh). Hãy trình bày cho Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự và ý hướng trong lòng mỗi người (Mt 6:6) một cách vắn gọn nhu cầu của dân tộc và quê hương là đủ.

Sau đây là một vài lời nguyện có thể dùng trong Thánh lễ, phần lời nguyện tín hữu hoặc lời nguyện phổ quát (lời nguyện thứ 3 – cầu cho những ai gặp khó khăn), đặc biệt là vào Chúa Nhật (chỉ cần dùng một lời cho mỗi tuần). Có thể thay đổi đôi chút cho hợp với văn phong (style) của các lời nguyện khác trong cùng Thánh lễ.

- Chúng ta hãy cầu xin, để đồng bào Việt Nam đồng lòng bảo vệ chủ quyền đất nước, và sự toàn vẹn lãnh thổ mà cha ông đã gầy dựng. Chúng ta nguyện xin Chúa.

- Chúng ta hãy cầu xin cho đất nước Việt Nam bảo tồn được tinh thần dân tộc, không nao núng giữa những áp lực gây tác hại cho chủ quyền, môi trường, và sự toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta nguyện xin Chúa.

- Chúng ta hãy cầu nguyện cho dân nước Việt Nam, để nhân quyền được tôn trọng, các quyền tự do căn bản không bị chà đạp, và những giá trị văn hoá cao quý được phục hồi. Chúng ta nguyện xin Chúa.

- Chúng ta hãy cầu xin cho đất nước Việt Nam, cho sự đoàn kết một lòng bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo toàn di sản văn hoá dân tộc. Chúng ta nguyện xin Chúa.

LM Giuseppe Bùi Tiếng