Giải đáp phụng vụ: Hát hoặc đọc Alleluia như thế nào? Lại nói về “Thánh lễ chữa lành”

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Khi làm độc viên trong Thánh lễ ngày thường, liệu tất cả chúng con có nên tuân theo cùng một trật tự như nhau không? Một người hát Alleluia, người khác đọc Alleluia. Liệu Alleluia phải được hát trong các Thánh lễ ngày thường không? - R. L., East Hartford, Connecticut, Hoa Kỳ
.

Đáp: Theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM):

“62. Sau bài đọc đi liền trước bài Tin Mừng thì hát A-lê-lu-ia, hay bài hát khác, theo luật chữ đỏ, như mùa phụng vụ đòi hỏi. Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng, vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca. Mọi người đứng cùng hát, được ca đoàn hoặc một ca viên khởi xướng, hoặc lặp lại câu ca đoàn hay một ca viên đã hát.

“a. A-lê-lu-ia được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay. Câu thì lấy ở sách Bài Ðọc, hay sách Graduale.

“b. Trong Mùa Chay, thì thay vì A-lê-lu-ia, hát câu trước Tin Mừng ghi trong sách Bài Ðọc. Cũng có thể hát một thánh vịnh khác cũng gọi là ca liên tục (tractus), như có trong sách hát Graduale.

“63. Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng thì:

“a. Trong mùa phải hát A-lê-lu-ia, có thể hát hoặc bài thánh vịnh có chữ A-lê-lu-ia, hoặc thánh vịnh và A-lê-lu-ia với câu tung hô.

“b. Trong mùa không phải đọc A-lê-lu-ia, có thể hát thánh vịnh với câu trước Tin Mừng, hoặc chỉ thánh vịnh thôi;

“c. A-lê-lu-ia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Số 62 khuyến nghị rõ ràng và cổ vũ việc hát cả Alleluia và câu thơ đi theo, và đưa ra một số giải pháp để chu toàn việc hát cả Alleluia và câu thơ tương ứng của nó.

Bởi vì Sách Lễ mong muốn rằng Alleluia và câu thơ đều được hát trong mọi Thánh lễ, lễ Chúa Nhật và các lễ trong tuần, nên bất kỳ trật tự nào, vốn ủng hộ mục tiêu này, đều có thể được sử dụng.

Nếu độc viên không có khả năng hát câu thơ của Alleluia, người ấy có thể được thay thế bởi một ca đoàn hoặc một ca viên, để hát câu thơ của Alleluia mà không cần bước tới giảng đải.

Mặc dù không phải là lý tưởng, và như là một phương sách cuối cùng, trong Thánh lễ ngày thường, Alleluia có thể được hát bởi cộng đoàn và câu thơ được đọc bởi độc viên.

Mặt khác, nếu mọi cách đều thất bại, Alleluia và câu thơ có thể được bỏ qua hoặc đọc bởi cộng đoàn và độc viên.

Tôi tin rằng khả năng này được ngụ ý trong số 63.c, khi nói rằng Alleluia có thể được bỏ qua nếu không được hát. Chữ “có thể” này bao hàm một khả năng, chứ không phải là sự bắt buộc.

Sau khi tôi trả lời ngày 11-12 về việc cử hành Bí tích xức dầu bệnh nhân trong cái gọi là “Thánh lễ Chữa lành”, một bạn đọc, cũng là một đại diện tư pháp (judicial vicar) trong giáo phận mình, đã đưa ra các nhận xét sau đây:

“Liên quan việc cử hành Bí tích Xức dầu bệnh nhân trong Thánh lễ, tôi hiểu rằng người ta không được xức dầu, trừ khi họ đáp ứng “các điều kiện bình thường” để lãnh bí tích này. Tuy nhiên, dường như chúng ta phải để cho cá nhân từng người đưa ra quyết định đó. Mặc dù chúng ta có thể giải thích cho “các người đủ điều kiện để lãnh nhận bí tích”, nhưng dường như không thể vấn nạn một người trong Thánh lễ về các “điều kiện bình thường” được.

“Ngoài ra, vì không lặp lại bí tích một tháng một lần, ngoại trừ một căn bệnh nghiêm trọng, vấn đề phát sinh là trong đó một người được xức dầu hôm nay, và sau đó là nguy tử vào ngày mai. Vì vậy, chúng tôi được yêu cầu ban các “nghi thức sau cùng”, như thể nó khác với bí tích được cử hành ngày hôm qua. Nói về mặt mục vụ, dường như không nên bắt đầu cuộc thảo luận về thần học bí tích với một người quẫn trí, hoặc gia đình của người đó. Trong khi tôi hoàn toàn đồng ý với các hướng dẫn, cũng có các trường hợp ngoại lệ, mà tôi tin rằng Chúa hiểu”.

Đáp: Tôi thực sự đồng ý với các nhận xết này. Nhưng bối cảnh ban đầu của câu trả lời của tôi là sự thực hành cử hành Bí tích Xức dầu bệnh nhân mỗi tháng một lần trong môi trường giáo xứ, và có lẽ cùng với các lời nguyện khác để chữa lành. Chính tình huống này có thể làm phát sinh việc ban phép bí tích cách bừa bãi.

Tôi cũng đồng ý rằng chúng ta không nên đưa ra các câu hỏi thiếu tế nhị cho các người đến lãnh bí tích Xức dầu trong Thánh lễ. Nhưng chúng ta phải cẩn thận trong các giải thích và chuẩn bị của mình, để Bí tích được lãnh nhận bởi các người thực sự có thể được hưởng lợi từ nó.

Bởi vì khả năng cử hành Bí tích này trong Thánh lễ đã được thiết định tốt, nên các mục tử đã học được cách tổ chức tốt nhất từ quan điểm mục vụ, để những ai cần nó có thể lãnh nhận, và những người có sức khỏe tốt có thể được hiệp nhất trong kinh nguyện với các người bị bệnh. (Zenit.org 18-12-2018)

Nguyễn Trọng Đa