Nói về nhận định, thiết nghĩ nên xem tân giám đốc biên tập của Bộ Truyền Thông, Andrea Tornielli, nói gì về bài diễn văn trên.

Nhận định



Tornielli chọn chủ điểm Trung Hoa để nhận định và coi đó là con đường phục vụ thiện ích của Giáo Hội.

Tuy nhiên, trong Thỏa Thuận tạm thời với Trung Hoa, cựu ký giả này nhìn thấy “bước lịch sử căn bản đầu tiên của một nẻo đường chưa kết thúc và vẫn còn đòi hỏi nhiều thời gian”.

Thực vậy, Tornielli nhắc lại quan tâm của Tòa Thánh muốn các giám mục được mình nhìn nhận nhưng chưa được nhà nước Trung Hoa thừa nhận.

Đó là điều, theo Tornielli, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh trong bài diễn văn với ngoại giao đoàn. Thực thế, Đức Thánh Cha không quên sự tiến bộ dự kiến phải có đối với tự do tôn giáo tại Trung Hoa. Ngài nói: “chúng tôi hy vọng rằng việc theo đuổi các cuộc tiếp xúc về việc thực thi Thỏa Thuận Tạm Thời đã được ký kết sẽ góp phần giải quyết các vấn đề còn bỏ ngỏ và bảo đảm các lãnh vực cần thiết cho việc hưởng thụ hữu hiệu quyền tự do tôn giáo”.

Theo Tornielli, nhân dịp này, Đức Phanxicô đã dành một số dòng có ý nghĩa để nói đến việc ký kết Thỏa Thuận Tạm Thời. Những dòng này rất quan trọng vì một lần nữa, nó nhấn mạnh tới ý hướng khiến Tòa Thánh dấn thân vào “một cuộc đối thoại định chế lâu dài và đầy cân nhắc” mà hoa trái đầu tiên của nó chính là Thỏa Thuận Tạm Thời.

Theo Tornielli, thỏa thuận này không có tính cách chính trị, mà chủ yếu là trả lại Đức Giáo Hoàng quyền bổ nhiệm các giám mục và việc này hoàn toàn nói lên tính liên tục trong hành động của các vị giáo hoàng nhằm cổ vũ sự hợp nhất của người Công Giáo. Các vị giáo hoàng gần đây nhất và các cộng sự viên của các ngài không dấn thân vì các mục tiêu chính trị hay ngoại giao mà là để cổ vũ sự hợp nhất của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa và sự hợp nhất của các giám mục Trung Hoa và vị kế nhiệm Thánh Phêrô, nghĩa là, để bảo đảm các yếu tố căn tính nhất của đời sống các cộng đồng Công Giáo”.

Mục tiêu hiệp thông ấy đã được Đức Phanxicô nhắc lại trong bài diễn văn với ngoại giao đoàn rằng ngài đã nhận vào hiệp thông trọn vẹn các giám mục “chính thức” từng được thụ phong mà không có ủy quyền của Đức Giáo Hoàng, trong khi “mời gọi các ngài làm việc một cách quảng đại cho việc hòa giải người Công Giáo Trung Hoa và cho một đà truyền giảng Tin Mừng mới”.

Đức Phanxicô còn nói đến dấu chỉ hiệp thông hữu hình qua việc tham dự Thượng Hội Đồng mới đây về tuổi trẻ của 2 giám mục trước đây bị gọi là “chính thức” hay “quốc doanh”.

Phản ứng

Trong khi đó, theo Elise Harris và John Allen của tạp chí Crux, các tác nhân nhỏ trên diễn đàn thế giới hoan hô chính sách ngoại giao đa phương của Đức Giáo Hoàng.

Dĩ nhiên, ý niệm “đa phương” hay hợp tác giữa các quốc gia vào sự tình thế giới là một ý niệm lôi cuốn đối với bất cứ ai. Nhưng điều hiển nhiên là nó lôi cuốn các quốc gia nhỏ là những quốc gia thấy mình ít có cơ hội ảnh hưởng đến nghị trình quốc tế. Chính vì thế, đại sứ Barry Desker của Singapore tỏ ra rất phấn khởi về bài diễn văn của Đức Phanxicô với ngoại giao đoàn vào hôm thứ Hai, trong đó, ngài hết lòng cổ vũ ý niệm này.

Đại Sứ Desker cho rằng “điều tôi nghĩ có ý nghĩa khi thảo luận khía cạnh này là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra lời chỉ trích đối với chủ nghĩa dân túy và các đòi hỏi duy quốc gia, là các điều đang phá hoại hệ thống đa phương”.

Theo ông “Ngài đã nêu bật điều này: có những đòi hỏi đang được đưa ra mà thực chất chỉ là nhắc lại thời kỳ giữa hai thế chiến, điều tôi nghĩ đã phản ảnh một quan tâm nào đó đối với ngài”.

Đại sứ, sau đó, nói đến vai trò của Vatican. Các liên hệ ngoại giao với Vatican là một điều có nghĩa vì “quanh thế giới, trong đó có phần của tôi, ở Đông Nam Á, Vatican và đoàn ngoại giao của nó được coi là các nhà ngoại giao rất có khả năng, họ hiểu rõ những điều đang diễn ra tại các nước họ đặt nhiệm sở”.

Đại sứ cho rằng: kinh nghiệm tự biến mình từ một bần cố tài chánh thành một người đặt để bước đi cho hoàn cầu về tính minh bạch có thể cống hiến nhiều bài học cho diễn trình cải tổ kinh tế của Vatican.

Ông nói: “chúng tôi không tự coi mình như một khuôn mẫu, nhưng điều chúng tôi nghĩ có thể hữu ích để họ làm là quan sát các thực hành tốt nhất ở những nơi khác, và rồi Vatican có thể lựa chọn điều họ nghĩ là hệ thống thích đáng cho trường hợp của họ”.

Cuối cùng, Ông Desker hy vọng một ngày kia Đức Phanxicô sẽ viếng thăm Singapore, một quốc gia gồm 5.6 triệu dân trong đó có 300,000 người Công Giáo, đại diện dưới 6 phần trăm tổng dân số.

Ông Desker nói rằng lời mời đã được gửi tới Đức Phanxicô từ năm 2015, nhưng cho tới nay, chưa có bước cụ thể nào được đưa ra.



Một thừa tác vụ nhân danh nhân loại

Thiết tưởng cũng nên nhắc đến diễn từ của Đại sứ Đảo Sýp, nhân danh ngoại giao đòan, chúc mừng năm mới Đức Phanxicô. Ông cám ơn ngài vì “thừa tác vụ nhân danh nhân loại” của ngài.

Theo Seàn-Patrick Lovett của VaticanNews, đây là lần đầu tiên, Đại Sứ Đảo Sýp, Ông George Poulides, ngỏ lời với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tư cách niên trưởng ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh.

Hầu như trọn diễn từ của Đại Sứ Poulides nhắm vào Đức Phanxicô và “cam kết không mệt mỏi của ngài để bênh vực nhân phẩm”. Ông gọi cam kết này là “viên đá góc trên đó xây dựng một thế giới thực sự công chính, tự do và hòa bình”.

Nói bằng tiếng Pháp, Niên trưởng Ngoại Giao Đoàn xác nhận vẫn còn nhiều điều cần phải làm để bảo đảm các nhân quyền. Ông liệt kê: nghèo, đói, tranh chấp vũ trang, các hình thức tân nô lệ, giới hạn tự do tôn giáo, xuống cấp môi sinh, và đe dọa hạt nhân.

Đại sứ Poulides nhìn nhận Đức Giáo Hoàng từng mời gọi các chính phủ và các chính trị gia “can thiệp bằng các chính sách cụ thể trong việc giải quyết các vấn nạn này”. Việc giải quyết này, theo Đại Sứ, cần được đưa ra dựa vào việc xem xét nhân loại trong tính toàn diện của nó, bằng cách “cổ vũ thiện ích cá nhân và tập thể” qua điều Giáo Hội vốn gọi là “việc phát triển con người toàn diện”.

Niên Trưởng tiếp tục nhắc tới việc Đức Giáo Hoàng đề cao “việc lắng nghe và nghinh đón” coi chúng như phản cực của cả “nền văn hóa vứt bỏ” lẫn “việc hoàn cầu hóa lòng dửng dưng”

Các đóng góp

Đại Sứ Poulides nói rằng Gia Đình Ngoại Giao “thừa nhận sự đóng góp lớn lao của Tòa Thánh trong việc cổ vũ hành động hữu hiệu trong lãnh vực di dân hoàn cầu”, qua 4 động từ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt tên: nghinh đón, che chở, cổ vũ và hội nhập. Đại sứ nói đến công trình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hướng tới xây dựng “một nền văn hóa hòa bình”, tìm hòa giải qua đối thoại. “Ngài đã thiết lập các cây cầu đối thoại giữa các tôn giáo... trong khi duy trì nguyên vẹn các căn tính khác nhau”.

Trẻ và già

Cuối cùng, Đại Sứ Poulides cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì thừa tác vụ của ngài nhân danh nhân loại và ông nhắc lại sự quan tâm đặc biệt của ngài đối với giới trẻ. Ông nói: “Ngài đã mời họ mơ về một tương lai đầy hy vọng, một tương lai biết trân qúy túi khôn tổ tiên của ông bà họ. Người trẻ và người già cùng nhau có thể xây dựng một tương lai trên qui mô nhân bản”