Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong tuần qua dư luận tại Brazil vui mừng trước một buổi lễ được tổ chức tại dinh tổng thống Brazil để thánh hiến Brazil cho Trái Tim Vô nhiễm Đức Mẹ. Tuy nhiên, cuối cùng vì sợ bà vợ Tin Lành, tổng thống có lẽ chỉ thánh hiến 50%.

Kế đó chúng tôi sẽ nói về chuyện phó thủ tướng Ý tận hiến chính bản thân ông và đất nước cho Đức Trinh Nữ Maria.

Bên cạnh đó là câu chuyện một cựu phi công được bổ nhiệm Giám Mục, và chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Hồng Y Filoni một tháng sau vụ tấn công khủng bố.

Sau đây là phần tin chi tiết của chúng tôi cùng những tin khác.

1. Người Brazil cho rằng vì bà vợ Tin Lành, tổng thống Brazil xúc phạm đến Đức Mẹ khi tận hiến đất nước một cách nửa vời cho Trái Tim Vô nhiễm Đức Mẹ.

Trong một buổi lễ được tổ chức vào ngày thứ ba tuần trước tại dinh tổng thống Brazil, các nhà lãnh đạo chính phủ và hai giám mục đã ký vào một tuyên bố thánh hiến Brazil cho Trái Tim Vô nhiễm Đức Mẹ. Đông đảo các linh mục, nữ tu và quan chức chính phủ đã có mặt cho buổi lễ tôn vinh Đức Mẹ này.

Tuy nhiên, người Công Giáo tại Brazil nghi ngờ rằng đất nước họ chưa thật sự được thánh hiến cho trái tim Đức Mẹ. Cả hai vị Giám Mục có mặt trong buổi lễ cũng cho biết các ngài không thật sự hoàn toàn hài lòng. Nhiều người cho rằng tổng thống mắc kẹt bà vợ Tin Lành của ông nên chưa hết dạ tận hiến đất nước cho Đức Mẹ.

Sự kiện này kéo dài 30 phút với các bài phát biểu, ký tên vào tuyên bố tận hiến, lần chuỗi Mân côi, hát thánh ca và cuối cùng là đọc kinh Tận Hiến cho Đức Mẹ.

Buổi lễ được tổ chức tại Điện Planalto, là nơi làm việc chính thức của tổng thống Brazil. Cũng nên biết thêm, tổng thống làm việc tại Điện Planalto nhưng cư trú tại một dinh thự khác là Điện Alvorada.

Như quý vị và anh chị em có thể thấy bức tượng Đức Mẹ Fatima được đặt rất trang trọng trong căn phòng nơi diễn ra buổi lễ. Sau biến cố này, bức tượng vẫn được tôn kính trong dinh tổng thống ở một nơi danh dự.

Hai vị giám mục có mặt trong dịp này là Đức Cha Fernando Arêas Rifan, và Đức cha João Evangelista Martins Terra.

Brazil là quốc gia có đông người Công Giáo nhất hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Người Công Giáo tại Brazil nghi ngờ rằng đất nước họ chưa thật sự được thánh hiến cho trái tim Đức Mẹ vì tổng thống Jair Bolsonaro tham dự hầu hết mọi diễn tiến trong buổi lễ nhưng đến phút cuối cùng khi đọc kinh Tận Hiến ông bỏ ra ngoài. Nhiều người Brazil cho rằng đây là một hành vi xúc phạm đến Đức Mẹ khi tận hiến đất nước một cách nửa vời như thế.

Người ta cho rằng động thái này có liên quan đến mối quan hệ chặt chẽ của Bolsonaro với Tin Lành và tính sợ vợ của tổng thống. Ông Bolsonaro là một người Công Giáo, nhưng bà vợ ông là người theo đạo Tin lành và họ thường xuyên tham dự các buổi họp nhóm Tin Lành vào ngày Chúa Nhật.

Khi được hỏi ý kiến, Đức Cha Rifan cho biết ngài không hoàn toàn hài lòng 100% nhưng có vẫn còn hơn không

2. Phó thủ tướng Ý Matteo Salvini tận hiến cá nhân và nước Ý cho Đức Mẹ

Trong một diễn biến khác, một chính trị gia người Ý cũng công khai tận hiến chính bản thân ông và đất nước cho Đức Trinh Nữ Maria.

Phát biểu trước một cuộc biểu tình bên ngoài nhà thờ chính tòa của thành phố Milan vào ngày 18 tháng 5, Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini đã nói về cội nguồn Kitô giáo của châu Âu.

Ông Salvini lưu ý rằng cả Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI đều thường xuyên nhắc nhở người dân các nước Âu châu về di sản Công Giáo của họ. Sau đó, ông đưa ra những lời cầu nguyện cùng các vị thánh bảo trợ của Âu châu.

Ông Salvini cũng đã quay về phía bức tượng của Đức Mẹ trên đỉnh nhà thờ, hôn tràng hạt Mân Côi trong tay, ông nói với những người tham dự của cuộc biểu tình, “Tôi giao phó nước Ý, cuộc sống của tôi và cuộc sống của các bạn trong tay Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, là Đấng mà tôi chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến chiến thắng.”

Nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội đã chỉ trích Salvini vì ông phản đối việc di cư hàng loạt.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nhận xét với báo chí rằng “Tôi tin rằng chia rẽ chính trị đảng phái thì chia rẽ, nhưng Thiên Chúa thuộc về tất cả mọi người.”

“Kêu cầu Thiên Chúa cho riêng bản thân luôn luôn là rất nguy hiểm”.

Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô chưa tiếp ông Salvini vì ông có lập trường xung khắc với ngài về vấn đề người di cư.

3. Lòng tôn trọng sự thật lịch sử của nước Nhật qua việc trao tặng Huân Chương cho Đức Hồng Y Raffaele Farina

Đại sứ quán Nhật Bản cạnh Tòa Thánh tuyên bố hôm thứ Năm 23 tháng Năm rằng chính phủ Nhật quyết định trao tặng cho Đức Hồng Y Raffaele Farina huân chương Mặt Trời Mọc, và huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Huân chương Mặt Trời Mọc, làm bằng vàng, là huân chương cao quý nhất nước Nhật trao cho một người ngoại quốc.

Đức Hồng Y Raffaele Farina nguyên là thủ thư của Thư Viện Vatican. Ngài có công rất lớn trong việc sắp xếp lại các tài liệu lịch sử thời Mạc phủ (江戸幕府, Shogunate) đặc biệt những biến cố liên quan đến lệnh cấm Kitô giáo ở vùng Bungo được thu thập bởi cha Mario Marega, một nhà truyền giáo dòng Salesian.

Vào những năm 1940, cha Marega Papers đã mang về Vatican một bộ sưu tập khoảng 10,000 tài liệu, mô tả sự hiện diện của cộng đồng Công Giáo Nhật Bản, và những bách hại dã man họ phải chịu trong giai đoạn từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Kể từ đó, các tài liệu này vẫn ở trong kho lưu trữ của Vatican cho đến năm 2010, khi chúng được nhà nghiên cứu Delio Proverbio chú ý tới.

Các tài liệu được viết trên giấy gạo, tinh tế đến mức chỉ có thể chạm vào bằng găng tay đặc biệt. Đức Ông Cesare Pasini, Giám đốc Thư viện Tông tòa Vatican, coi chúng là “bộ sưu tập tài liệu lớn nhất thuộc loại này”.

Năm 2014, Thư viện Tòa Thánh đã ký một hợp đồng sáu năm với bốn viện lịch sử Nhật Bản để dịch và lập danh mục các tài liệu này.

Văn bản đầu tiên có niên đại 1719 và đề cập đến sự xuất hiện của Kitô giáo tại Nhật Bản vào năm 1549 nhờ các nhà truyền giáo Dòng Tên.

Một trong những tài liệu này ghi lại chuyến viếng thăm của bốn nhà quý tộc Nhật Bản đến Rôma năm 1585 để theo dõi cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Xitô V là bằng chứng cho thấy Kitô giáo đã lan rộng tại Nhật.

Hầu hết các tài liệu đề cập đến cuộc đàn áp cộng đoàn Công Giáo dưới thời Mạc phủ, và mô tả chi tiết về việc tử đạo của 26 Kitô hữu ở Nagasaki, và lệnh cấm triệt để Kitô giáo vào năm 1612. Các tài liệu này đã dẫn đến cuốn phim Silence của đạo diễn Martin Scorsese. Ra mắt vào năm 2016, cuốn phim ă khách này mô tả chứng tá đức tin kiên cường của người Công Giáo Nhật, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự dã man trong các cuộc bách hại đạo thánh Chúa.

Người Nhật thật đáng khen khi trao tặng huân chương cho người có công phơi bày một sự thật lịch sử dã man như thế của quốc gia mình.

4. Cựu phi công hãng hàng không được bổ nhiệm Giám Mục Saginaw, Michigan

Hôm thứ Sáu 24 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Robert D. Gruss là Giám Mục thành phố Rapid, Nam Dakota, làm Giám Mục Giáo phận Saginaw, Michigan.

Đức Cha Gruss kế vị Đức Cha Joseph Robert Cistone, đã qua đời ngày 16 tháng 10 năm 2018 ở tuổi 69, sau một trận chiến với bệnh ung thư phổi. Trong thời gian qua, Đức Cha Walter A. Hurley, giám mục hưu dưỡng của Grand Rapids, đã là Giám Quản Tông Tòa giáo phận này kể từ khi Đức Cha Cistone qua đời.

Đức Cha Gruss, năm nay 63 tuổi, là giám mục của Rapid City từ năm 2011, nơi ngài lãnh đạo 25,000 người Công Giáo trên một diện tích khoảng 43,000 dặm vuông. Vào tháng Ba năm 2019, ngài công bố sẽ cử hành một “Năm Thánh Thể” bắt đầu từ 23 tháng 6.

Là người gốc Arkansas, ngài được thụ phong linh mục tại Giáo phận Davenport, Iowa vào năm 1994, sau nhiều năm là một phi công và giảng viên hàng không.

Sau 10 năm lái máy bay và giảng dạy về ngành hàng không, ngài đã gia nhập chủng viện Thánh Ambrose tại Davenport, Iowa và đạt được cử nhân thần học tại đây vào năm 1990.

Tại Đại học Bắc Mỹ ở Rôma, ngài đạt được bằng cử nhân về Thần Học Bí Tích (1993), và Thạc sĩ về Thần học tâm linh (1994).

Vào năm 2017, với tư cách là giám mục giáo phận Rapid City, Đức Cha Gruss đã mở án tuyên thánh cho Nicholas Black Elk, một dược sĩ ở Lakota là người đã trở thành giáo lý viên Công Giáo trước khi qua đời năm 1950.

Giáo Phận Saginaw trải dài trên 11 quận hạt với diện tích lên đến 6,955 dặm vuông ở vùng trung tâm tiểu bang Michigan, và có khoảng 100,000 người Công Giáo.

5. Trung Quốc sử dụng công nghệ giám sát liên tục các nhà thờ

Pháp Lệnh tôn giáo của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng Hai năm ngoái cấm các trẻ em không được đến nhà thờ và cấm triệt để các buổi lễ tại tư gia. Ở một số nơi cán bộ địa phương thưởng tiền cho những ai mật báo các hoạt động tôn giáo trái với các quy định của Pháp Lệnh này. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác các cán bộ địa phương đã cố tình lờ đi. Chắc trong lòng nhiều người vẫn còn chút ánh sáng của sự thiện.

Vì thế, nhân kỷ niệm 30 năm của cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật độc đoán cũ và mới để trấn áp các Kitô hữu. Hàng loạt các camera đã được gắn trước các nhà thờ để giám sát việc thực hiện các quy định của Pháp Lệnh này.

Trước các diễn biến này, một nhà tranh đấu cho phụ nữ là bà Reggie Littlejohn, thuộc tổ chức Women’s Rights Without Frontiers, đang có mặt tại Trung Hoa để đấu tranh chống phá thai bó buộc và vận động giúp đỡ các quả phụ bị bỏ rơi, cho rằng Tòa Thánh nên công bố các thỏa thuận đã ký với Trung Quốc.

Bà nói “Điều hữu ích cho mọi người là thỏa thuận được công bố công khai, vì ngay lúc này đây, chính phủ Trung Hoa đang sử dụng nó để thực sự bách hại người Công Giáo”.

Bà cho rằng vì các điều khoản của thỏa thuận không được công bố, nên các viên chức Trung Hoa “dùng sự bí mật này để nói rằng nó cho phép họ những điều mà tôi tin chắc không bao giờ được Tòa Thánh cho phép, nên theo tôi điều sẽ rất, rất hữu ích cho người Công Giáo ở Trung Hoa là công bố các (điều khoản của) thỏa thuận ấy”.

Bà bảo: một trong những điều “được cho phép đó” là việc phá hủy một số nhà thờ và đền Đức Mẹ.

6. Dư luận về luật cấm phá thai triệt để tại Alabama

Hôm 15 tháng Năm, 2019, Thống đốc Kay Ivey đã chính thức ký ban hành luật cấm phá thai rất triệt để tại Alabama.

Luật mới cấm phá thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ và truy tố tất cả các bác sĩ tham gia vào phẫu thuật phá thai. Những bác sĩ này có thể bị buộc tội hình sự và phải đối mặt với 99 năm tù. Ngoại lệ duy nhất là trong trường hợp khi cuộc sống của người mẹ có nguy cơ nghiêm trọng. Ngay cả các trường hợp bị hãm hiếp hoặc loạn luân cũng không được phép phá thai.

Một luật cấm phá thai triệt để như thế cố nhiên vấp phải những chống đối gay gắt. Tuy nhiên, cũng có nhiều người ủng hộ.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào ngày 23 tháng 5 trên EWTN Pro-Life Weekly, một luật sư và cũng là một diễn giả phò sinh là của Rebecca Kiessling nói rằng bà hoan nghênh luật mới của Alabama vì đã bác bỏ những ngoại lệ như vậy.

Kiessling là người sáng lập và chủ tịch của Save the One, một nhóm vận động ủng hộ sự sống chuyên hỗ trợ quyền của thai nhi được thụ thai trong trường hợp hiếp dâm hoặc loạn luân, hoặc khuyết tật. Cô cho biết chính mình đã được thụ thai khi mẹ ruột của cô bị bắt cóc và bị hãm hiếp, và cô đã may mắn được chào đời phá thai là bất hợp pháp vào thời điểm đó.

Ngay sau khi Thống đốc Ivey ký thông qua dự luật, tổng thống Donald Trump phát biểu trên Twitter rằng mặc dù ông tự coi mình là “người phò sinh mạnh mẽ” ông tin rằng phá thai nên được phép trong ba trường hợp hiếp dâm, loạn luân và bảo vệ cuộc sống của người mẹ.

Khi được hỏi về tweet của tổng thống, Kiessling nói tổng trưởng Trump là “vị tổng thống phò sự sống nhất mà chúng ta đã có cho đến nay”, nhưng điều này chỉ khiến cho nhận xét của ông về ba trường hợp ngoại lệ làm cho những người như cô bị tổn thương nhiều hơn nữa.

7. Đài truyền hình Công Giáo tại Giêrusalem bị đốt phá

Mạng lưới truyền hình Daystar là một mạng lưới Công Giáo đã giành nhiều giải thưởng, chuyên truyền bá Tin Mừng 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần - trên toàn cầu, thông qua tất cả các dạng thức đa dạng của các phương tiện truyền thông. Tiếp cận hơn 109 triệu gia đình tại Hoa Kỳ và hơn 5 tỷ người trên toàn thế giới, mạng lưới Truyền hình Daystar là mạng lưới truyền hình Kitô giáo lớn nhất trên thế giới.

Chẳng may, khoảng 2:30 sáng thứ Bảy 25 tháng Năm, phòng thu hình của Mạng lưới Truyền hình Daystar tại Núi Zion đã bị đốt phá. 30 phút trước đó, các camera an ninh cho thấy rằng một kẻ chủ mưu đã trổ mái nhà xuống, đốt phá và trốn thoát khỏi hiện trường.

Phòng thu hình bị thiệt hại hoàn toàn. Daystar hiện đang hướng về các đối tác của mình trên khắp thế giới để giúp xây dựng lại studio đã phát đi thông điệp về hy vọng trên khắp Israel.

“Người ta không thể làm câm nín sự thật có khả năng thay đổi cuộc sống của Tin Mừng,” Marcus Lamb, người sáng lập và chủ tịch của Daystar Television Network cho biết. “Từ đống tro tàn của thảm kịch này, chúng tôi sẽ vươn lên với sự giúp đỡ từ các đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới và tiếp tục phát trên toàn cõi Israel để chia sẻ tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của tôi là thông điệp này làm rung động được kẻ phải chịu trách nhiệm cho biến cố này và kẻ ấy hiểu được rằng hy vọng đích thực chỉ có thể tìm thấy nơi Chúa Giêsu Kitô.”

8. Cuộc bội giáo tập thể lần thứ hai của Ái Nhĩ Lan?

Các Giám Mục Ái Nhĩ Lan đã tỏ ra lo lắng về điều mà báo chí địa phương gọi là “Cuộc bội giáo tập thể lần thứ hai của Ái Nhĩ Lan”.

Hôm thứ Sáu 24 tháng Năm, Ái Nhĩ Lan đã tổ chức trưng cầu dân ý để thay đổi luật ly dị ở quốc gia này. Hiện nay, luật của Ái Nhĩ Lan quy định rằng hai vợ chồng phải ly thân ít nhất là 4 năm trước khi chính thức nộp đơn ly dị. Luật pháp hiện hành của Ái Nhĩ Lan cũng không công nhận một phán quyết ly dị ở nước ngoài.

Chính phủ cực đoan của thủ tướng Leo Varadkar đề nghị một cuộc trưng cầu dân ý để rút ngắn thời hạn 4 năm chỉ còn 2 năm, và công nhận phán quyết ly dị ở nước ngoài.

Đức Cha Denis Nulty, Chủ tịch Hội đồng Hôn nhân & Gia đình của Hội đồng Giám mục Ái Nhĩ Lan, nhấn mạnh rằng đề nghị trưng cầu dân ý chỉ nhằm tìm cách “đẩy nhanh sự tan rã của hôn nhân.” Ngài nhấn mạnh rằng “thiện ích chung sẽ được phục vụ tốt hơn bằng cách hỗ trợ cho các cặp vợ chồng và các gia đình; cũng như chính phủ nên đầu tư cho việc chuẩn bị tốt hơn cho hôn nhân.”

Đúng một năm trước, các Giám Mục Ái Nhĩ Lan đã bày tỏ sự đau đớn và kinh hoàng của các ngài trước điều mà báo chí địa phương gọi là “sự bội giáo của cả một quốc gia”. Ý thức tầm mức nghiêm trọng của cuộc trưng cầu dân ý cho phép phá thai, hàng giáo phẩm Ái Nhĩ Lan đã làm tất cả mọi khả năng các ngài có thể làm. Vì thế, kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã khiến các ngài kinh ngạc và thất vọng.

Trong tổng số 5,011,000 dân Ái Nhĩ Lan, 78.3% là người Công Giáo. Thế nhưng, trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25 tháng 5, 2018, các cử tri đã lựa chọn loại bỏ quyền sống của thai nhi ra khỏi hiến pháp với một tỷ lệ áp đảo 66.4% trên 33.6%. Cuộc trưng cầu dân ý này mở đường cho việc hợp pháp hóa phá thai tự do ngay cả khi thai nhi đã 12 tuần tuổi.

Đức Cha Brendan Leahy của Limerick nói với các tín hữu hôm 26 tháng Năm, 2018 rằng kết quả này “thật đáng tiếc và làm chết điếng những người trong chúng ta đã bỏ phiếu chống phá thai”

Ngài nói: “Kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý này là ý chí của đa số người dân, mặc dù không phải của tất cả mọi người.”

“Tất nhiên, đó chỉ là một cuộc bỏ phiếu. Điều đó không thay đổi quan điểm của chúng ta. Thông điệp của chúng ta là một thông điệp tình yêu: tình yêu dành cho tất cả, tình yêu dành cho cuộc sống, cho những người đang sống giữa chúng ta hôm nay, và cho cả các thai nhi còn trong bụng mẹ”

9. Đức Hồng Y Filoni thăm Sri Lanka, một tháng sau vụ khủng bố dịp lễ Phục sinh

Sau chuyến viếng thăm mục vụ đến Thái Lan để kỷ niệm 350 năm thành lập Miền Phủ Doãn Tông Tòa Xiêm, đánh dấu sự khởi đầu của Giáo Hội Công Giáo địa phương, Đức Hồng Y Fernando Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đã viếng thăm Sri Lanka từ hôm 22 tháng 5 đến 24 tháng Năm.

Một tháng trước, vào ngày 21 tháng 4, hai nhà thờ Công Giáo đã bị tấn công khủng bố. Ít nhất 253 nạn nhân đã chết trong 8 vụ nổ. Vụ nổ đầu tiên đã tàn phá Đền Thờ Thánh Antôn, sau đó là nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo.

Sáng 22 tháng Năm, Đức Hồng Y Filoni đã chủ sự lễ đặt viên đá đầu tiên để tái thiết Đền Thờ Thánh Antôn và nói chuyện với người dân và những người liên quan đến công trình này.

Cũng trong ngày 22 tháng Năm, Đức Hồng Y đã viếng thăm xã giao Tổng thống và có một cuộc họp với các Giám mục để bàn về sứ mạng truyền giáo của Giáo hội và các chủ đề mục vụ phù hợp trong bối cảnh mới gây ra từ các vụ tấn công khủng bố hôm lễ Phục sinh.

Ngày 23 tháng 5, Đức Hồng Y đã đến thăm nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo. Đức Hồng Y đã gặp gỡ anh chị em giáo dân, và thăm nghĩa trang các nạn nhân khủng bố cũng như chủ sự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà nguyện của nghĩa trang này. Sau đó ngài đã có cuộc gặp gỡ một số gia đình các nạn nhân của các cuộc tấn công.

Trong ngày thứ Sáu ngày 24, Đức Hồng Y đã có cuộc gặp gỡ với các linh mục và tu sĩ.