Ủy Ban Thần học Quốc tế
Tự do Tôn giáo vì thiện ích của mọi người
Một cách tiếp cận thần học đối với các thách đố ngày nay


GIỚI THIỆU

Trong một bài trước (http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/253442), chúng tôi đã đưa tin, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Ủy Ban Thần học Quốc tế, trực thuộc Bộ Giáo Lý Đức tin, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến. Ngỏ lời với họ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi thành quả họ đạt được xưa nay trong việc làm cầu nối giữa Thần học và Huấn quyền. Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến 2 công trình trong 5 năm qua của họ đó là Văn Kiện Tính Đồng Nghị trong Đời Sống và Sứ Mệnh Giáo Hội và Văn kiện Tự do Tôn giáo vì Thiện ích của Mọi người.

Văn kiện đầu đã được chúng tôi chuyển sang tiếng Việt (http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/247935). Nay xin chuyển sang tiếng Việt Văn kiện thứ hai, căn cứ vào bản tiếng Pháp do Tòa Thánh Công bố.



***

Ghi chú sơ khởi

Trong hạn kỳ 5 năm lần thứ chín của mình, Ủy ban Thần học Quốc tế đã có thể thực hiện một cuộc nghiên cứu về chủ đề tự do tôn giáo trong bối cảnh ngày nay. Cuộc nghiên cứu này được thực hiện bởi một tiểu ban được thành lập cho mục đích này, do Cha Javier Javieres López chủ trì và bao gồm các thành viên sau đây: Cha Željko Tanjić, Cha John Junyang Park, Giáo sư Moira Mary McQueen, Cha Bernard Pottier, Dòng Tên, Giáo Sư Tracey Rowland, Đức Ông Pierangelo Sequeri, Cha Philippe Vallin, Cha Koffi Messan Laurent Kpogo, Cha Serge-Thomas Bonino, Dòng Đa Minh.

Các cuộc thảo luận chung về chủ đề đang bàn đã diễn ra trong các buổi họp khác nhau của Tiểu ban và trong các phiên họp toàn thể của Ủy ban trong những năm 2014-2018. Bản văn này đã được đa số các thành viên của Ủy ban phê duyệt dưới hình thức chuyên biệt (in forma specifica) bằng phiếu viết. Sau đó, nó đã được đệ trình để được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy Ban, Đức Hồng Y Luis F. Ladaria, Dòng Tên, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin; vị này, sau khi nhận được ý kiến thuận lợi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 21 tháng 3 năm 2019, đã cho phép công bố.

1. Nhìn vào bối cảnh hiện tại

1. Năm 1965, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae của Công đồng đã được phê chuẩn trong bối cảnh lịch sử rất khác so với bối cảnh ngày nay, cũng liên quan đến chủ đề cấu thành đề tài trung tâm của nó, tức đề tài tự do tôn giáo trong thế giới hiện đại. Việc nó can đảm nhấn mạnh tới các lý do Kitô giáo buộc ta phải tôn trọng tự do tôn giáo của các cá nhân và cộng đồng trong khuôn khổ Nhà Nước pháp quyền và thực hành công lý xã hội dân sự ngày nay vẫn còn khơi dậy sự ngưỡng mộ của chúng ta. Sự đóng góp của Công đồng, mà chúng ta có thể xác định rõ là có tính tiên tri, đã mang đến cho Giáo hội một chân trời khả tín và quý trọng, vốn tạo thuận lợi rất nhiều cho việc làm chứng cho tin mừng của Giáo Hội trong bối cảnh xã hội đương thời.

2. Trong khi đó, vai trò hàng đầu mà các truyền thống tôn giáo và quốc gia của khu vực Trung Đông và Châu Á gần đây mang lấy đã thay đổi đáng kể tri nhận về mối tương quan giữa tôn giáo và xã hội. Các truyền thống tôn giáo vĩ đại của thế giới không còn xuất hiện đơn thuần như tàn dư của các thời xa xưa và các nền văn hóa tiền cận đại từng bị lịch sử vượt qua. Các hình thức thống thuộc tôn giáo khác nhau có ảnh hưởng một cách mới mẻ đến việc cấu tạo ra bản sắc cá nhân, đến việc giải thích mối liên hệ xã hội và đến việc tìm kiếm lợi ích chung. Trong nhiều xã hội bị thế tục hóa, các hình thức khác nhau của cộng đồng tôn giáo tiếp tục được tri nhận về phương diện xã hội như các nhân tố trung gian quan trọng giữa các cá nhân và nhà nước. Yếu tố tương đối mới trong cấu hình hiện tại của các mô hình này nằm ở chỗ, ngày nay, tầm quan trọng của các cộng đồng tôn giáo phải tự đặt mình- trực tiếp hoặc gián tiếp - đối diện với mô hình dân chủ cấp tiến của nhà nước pháp quyền và việc quản lý kinh tế kỹ thuật của xã hội dân sự.

3. Bất cứ nơi nào vấn đề tự do tôn giáo được nêu ra trong thế giới ngày nay, khái niệm này đều được thảo luận bằng cách nhắc đến - tích cực hoặc tiêu cực - khái niệm nhân quyền và các tự do dân sự vốn liên kết với nền văn hóa chính trị cấp tiến, dân chủ, đa nguyên và thế tục. Kiểu nói hoa mỹ duy nhân bản, luôn kêu gọi các giá trị chung sống hòa bình, phẩm giá cá nhân, đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo, được phát biểu bằng ngôn ngữ của nhà nước cấp tiến hiện đại. Mặt khác, một cách còn sâu xa hơn, nó rút tỉa từ các nguyên tắc Kitô giáo về phẩm giá của con người và sự gần gũi giữa những người từng góp phần vào sự hình thành và phổ quát hóa ngôn ngữ này.

4. Việc cực đoan hóa về tôn giáo hiện nay, được gọi là "chủ nghĩa cực đoan", trong bối cảnh các nền văn hóa chính trị khác nhau, dường như không phải là một việc quay trở lại với "việc tuân giữ " lòng đạo truyền thống nhiều hơn. Sự cực đoan hóa này thường có âm hưởng của một phản ứng chuyên biệt chống đối khái niệm nhà nước tự do hiện đại, vì chủ nghĩa duy tương đối về đạo đức và sự thờ ơ của họ đối với tôn giáo. Mặt khác, đối với nhiều người, nhà nước tự do dường như cũng đáng bị phê phán không kém vì lý do ngược lại: tính trung lập được nó tuyên bố dường như không thể tránh được xu hướng coi đức tin tuyên xưng và sự thống thuộc tôn giáo như một trở ngại đối với việc được thừa nhận tư cách công dân trọn vẹn về văn hóa và chính trị của các cá nhân. Một hình thức "duy toàn trị mềm", người ta có thể nói như thế, khiến nó đặc biệt dễ bị tổn thương trong việc loan truyền chủ nghĩa hư vô đạo đức trong lãnh vực công cộng.

5. Tính trung lập mạo xưng về ý thức hệ của một nền văn hóa chính trị từng tuyên bố mình mong muốn tự xây dựng trên việc tạo ra các quy tắc công lý có tính thuần túy thủ tục, bằng cách bác bỏ mọi biện minh đạo đức và bất cứ cảm hứng tôn giáo nào, cho thấy xu hướng khai triển một ý thức hệ trung lập, nhưng trên thực tế, ý thức hệ này áp đặt việc hắt hủi, nếu không muốn nói là loại trừ, các phát biểu tôn giáo ra khỏi lãnh vực công cộng. Và do đó hoàn toàn ra khỏi quyền tự do trọn vẹn được tham gia vào việc hình thành quyền công dân dân chủ. Ở đây người ta khám phá ra sự lưỡng nghĩa của tính trung lập nơi lãnh vực công cộng vốn chỉ có tính biểu kiến và của một thứ tự do công dân rõ ràng có tính kỳ thị một cách khách quan. Một nền văn hóa công dân tự định nghĩa chủ nghĩa nhân bản của mình bằng cách gạt sang một bên thành tố tôn giáo của thực tại nhân bản buộc cũng phải gạt sang một bên những mặt quyết định trong lịch sử của chính nó: kiến thức của nó, truyền thống riêng của nó, của sự gắn bó xã hội của riêng nó. Kết quả là gạt sang một bên các thành phần luôn quan trọng hơn của nhân loại và quyền công dân mà nhờ đó xã hội được hình thành. Phản ứng đối với sự yếu kém về phương diện nhân bản của hệ thống đã đi xa đến mức đối với nhiều người (đặc biệt là giới trẻ) nó dường như đã biện minh cho việc trở về với chủ nghĩa cuồng tín tuyệt vọng, vô thần hoặc cả thần quyền nữa. Sự hấp dẫn không thể hiểu được của các hình thức bạo động và toàn trị của các ý thức hệ chính trị hoặc chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo, những hình thức mà giờ đây dường như được chỉ định để phán xét lý trí và lịch sử, phải thách thức chúng ta một cách mới mẻ và đòi hỏi một phân tích có chiều sâu lớn hơn.

6. Đối lập với luận đề cổ điển vốn tiên đoán tôn giáo sẽ giảm dần do tác động tất yếu của việc hiện đại hóa kỹ thuật và kinh tế, ngày nay người ta nói đền việc tôn giáo trở lại sân khấu công cộng. Nói cho đúng, mối tương quan qua lại tự động giữa tiến bộ dân sự và sự tuyệt chủng của tôn giáo đã được phát biểu dựa trên một ý thức hệ có định kiến, coi tôn giáo như một dàn dựng huyền thoại về một xã hội nhân bản chưa làm chủ các công cụ thuần lý có khả năng tạo ra việc giải phóng và hạnh phúc của xã hội. Sơ đồ này tỏ ra không thỏa đáng, không những liên quan đến bản chất thực sự của ý thức tôn giáo mà cả sự tin tưởng ngây thơ đặt vào các hiệu quả duy nhân bản gán cho việc hiện đại hóa kỹ thuật. Tuy nhiên, chính suy tư thần học đã giúp làm rõ, trong những thập niên gần đây, sự mơ hồ mạnh mẽ điều người ta vội vã coi như việc trở lại của tôn giáo. Điều gọi là "sự trở lại" này, quả thực, cũng cho thấy các khía cạnh "giật lùi" (regression) đối với các giá trị bản thân và việc sống chung dân chủ vốn là nền tảng của khái niệm nhân bản về trật tự chính trị và mối liên kết xã hội. Nhiều hiện tượng liên kết với sự hiện diện mới mẻ của nhân tố tôn giáo trong lãnh vực chính trị và xã hội có vẻ khá không đồng nhất - nếu không muốn nói là mâu thuẫn - liên quan đến truyền thống đích thực và sự phát triển văn hóa của các tôn giáo lịch sử vĩ đại. Các hình thức mới mẻ của lòng đạo, được vun trồng trong đường hướng lây nhiễm tùy tiện giữa việc tìm kiếm hạnh phúc tâm sinh lý và xây dựng một cách khoa học giả ngụy viễn kiến về thế giới và về bản thân, đối với các tín đồ đúng hơn xuất hiện như những sai lệch đáng lo ngại khỏi định hướng tôn giáo. Chưa nói đến động lực tôn giáo thô thiển của một số hình thức cuồng tín toàn trị, nhằm mục đích áp đặt bạo lực khủng bố, ngay trong các truyền thống tôn giáo lớn.

7. Việc thời hậu hiện đại rút lui dần dần khỏi cam kết đối với sự thật và thể siêu việt chắc chắn nêu lên chủ đề chính trị và pháp lý của tự do tôn giáo, bằng những hạn từ mới mẻ. Mặt khác, các lý thuyết về nhà nước tự do, các lý thuyết vốn cho rằng nó hoàn toàn độc lập đối với những gì lập luận và chứng từ của nền văn hóa tôn giáo mang lại, phải quan niệm nó như dễ bị tổn thương hơn trước các áp lực của các hình thức sùng đạo - hoặc ngụy sùng đạo - tính tương đối – những hình thức tìm cách tự khẳng định mình trong không gian công cộng bên ngoài các quy tắc của cuộc đối thoại văn hóa biết tôn trọng và của cuộc giáp mặt có tính công dân dân chủ. Việc bảo vệ tự do tôn giáo và hòa bình xã hội tiền giả định một nhà nước không những khai triển các luận lý học hợp tác hỗ tương giữa các cộng đồng tôn giáo và xã hội dân sự, mà còn tỏ ra có khả năng thực hiện việc truyền bá một nền văn hóa thoả đáng về tôn giáo. Nền văn hóa dân sự phải vượt qua các định kiến của một viễn kiến thuần túy có tính xúc cảm hoặc ý thức hệ về tôn giáo. Ngược lại, tôn giáo phải liên tục được kích thích để khai triển một viễn kiến về thực tại và việc sống chung, những điều gây cảm hứng cho nó bằng một ngôn ngữ có thể được chủ nghĩa nhân bản chấp nhận.

8. Kitô giáo – đặc biệt Đạo Công Giáo, và chính nhờ dấu ấn Công đồng - đã quan niệm một đường hướng phát triển phẩm chất tôn giáo của mình bằng cách bác bỏ mọi nỗ lực muốn lợi dụng quyền lực chính trị, dù là để cải đạo người ta vào đức tin của mình. Việc truyền giảng tin mừng ngày nay hướng về việc tích cực đánh giá cao bối cảnh tự do tôn giáo và dân sự cho lương tâm, điều mà Kitô giáo quan niệm như một không gian lịch sử, xã hội và văn hóa thuận lợi cho lời kêu gọi của đức tin, một lời kêu gọi không muốn bị nhầm lẫn với việc áp đặt hoặc lợi dụng một trạng thái phục tùng của con người. Việc tuyên xưng tự do tôn giáo, một việc tuyên xưng phải có giá trị đối với mọi người, và chứng từ dành cho sự thật siêu việt, một sự thật không tự áp đặt bằng vũ lực, rõ ràng nhất quán một cách sâu sắc với linh hứng đức tin. Đức tin Kitô giáo, tự bản chất, vốn cởi mở đối với việc đương đầu tích cực với các lý lẽ của con người về sự chân và sự thiện, mà lịch sử văn hóa đã đưa ra ánh sáng trong cuộc sống và tư tưởng của các dân tộc. Việc tự do truy tầm những lời nói và dấu hiệu của sự thật về Thiên Chúa và niềm đam mê tình huynh đệ giữa con người luôn luôn đi đôi với nhau.

9. Những biến đổi gần đây của cảnh vực tôn giáo, cũng như của nền văn hóa duy nhân bản, trong đời sống chính trị và xã hội của các dân tộc, xác nhận - nếu cần - rằng các liên hệ giữa hai khía cạnh này rất chặt chẽ, sâu sắc và có tầm quan trọng thiết yếu đối với phẩm chất của việc sống chung và đối với định hướng cuộc sống. Trong viễn cảnh này, việc tìm tòi các hình thức thích đáng nhất để bảo đảm các điều kiện tốt nhất có thể có cho sự tương tác của họ. trong tự do và hòa bình, là một nhân tố quyết định của lợi ích chung và tiến độ lịch sử của các nền văn minh nhân bản. Thời kỳ di cư gây ấn tượng của toàn bộ các dân tộc, mà lãnh thổ từ nay trở đi không thuận lợi chút nào cho cuộc sống và việc sống chung, đặc biệt vì nghèo đói và tình trạng chiến tranh trường kỳ đã đóng đô ở đó một cách đặc hữu, đang tạo ra nơi thế giới phương Tây, các xã hội liên tôn giáo, liên văn hóa, liên sắc tộc về phương diện cơ cấu . Ngoài sự cấp bách, há đây không phải lúc để thảo luận thực tại này, là lịch sử dường như áp đặt ở đây việc thực sự phát minh ra một tương lai mới để xây dựng các mô hình về mối tương quan giữa tự do tôn giáo và nền dân chủ dân sự đó sao? Kho tàng văn hóa và đức tin mà chúng ta được thừa hưởng qua nhiều thế kỷ, và chúng ta đã hoan nghênh một cách tự do, há đã không tạo ra một chủ nghĩa nhân bản thực sự giữa đỉnh cao của lời kêu gọi lịch sử, có khả năng đáp ứng yêu cầu được có một trái đất dễ sinh sống hơn đó sao?

10. Nhắc đến "các dấu chỉ thời đại" sắp tới, các dấu chỉ đã bắt đầu xuất hiện, điều cần là phải sắm sẵn các công cụ thỏa đáng để cập nhật suy tư Kitô giáo, đối thoại tôn giáo và đối chiếu công dân. Việc cam chịu trước sự khắc nghiệt và phức tạp của một số thoái hóa thời nay sẽ là một điểm yếu không thể biện minh được đối với trách nhiệm của đức tin. Mối liên hệ giữa tự do tôn giáo và phẩm giá con người đã trở thành trung tâm ngay trên bình diện chính trị: hai điều này có liên quan chặt chẽ với nhau, một cách mà ngày nay xem ra đã rõ ràng dứt khoát. Một Giáo Hội có niềm tin biết sống trong các xã hội nhân bản ngày càng được đánh dấu bởi tính đa dạng tôn giáo và sắc tộc - dường như, đây là chuyển dịch của lịch sử - phải biết cách phát triển kịp thời một khả năng thích nghi với điều kiện hiện sinh của chứng từ đức tin của mình. Một điều kiện, nếu chúng ta nhìn kỹ vào nó, cũng không khác lắm so với điều kiện trong đó Kitô giáo đã được sai đi để gieo hạt giống và có thể ra đâm hoa kết trái.

11. Tài liệu này bắt đầu bằng cách nhắc nhớ giáo huấn của Tuyên ngôn Dignitatis Humanae của Công đồng và việc tiếp nhận nó, trong huấn quyền và thần học, sau Công đồng Vatican II (xem Chương 2). Sau đó, theo khuôn khổ tổng hợp các nguyên tắc, nhất là nhân chủng học, cách hiểu của Kitô giáo về tự do tôn giáo, chúng ta sẽ bàn tới tự do tôn giáo của con người, trước tiên trong khía cạnh cá nhân của nó (xem Chương 3) và sau đó là chiều kích cộng đồng của nó, nhấn mạnh, ngoài các điều khác, tầm quan trọng của các cộng đồng tôn giáo như các bộ phận trung gian trong đời sống xã hội (xem Chương 4). Cả hai khía cạnh này không thể tách rời trong thực tế. Tuy nhiên, vì sự bắt nguồn của tự do tôn giáo trong thân phận con người với tư cách hữu thể nhân bản cho thấy nền tảng cuối cùng của phẩm giá họ không thể chuyển nhượng, nên xem ra ta nên tiến hành theo thứ tự này. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét tự do tôn giáo trong tương quan với Nhà nước, và đề nghị nhấn mạnh tới các mâu thuẫn cố hữu trong ý thức hệ coi Nhà nước trung lập trong lãnh vực tôn giáo, đạo đức và các giá trị (xem Chương 5). Trong các chương cuối, tài liệu tập trung vào sự đóng góp của tự do tôn giáo cho sự chung sống và hòa bình xã hội (xem Chương 6), trước khi nhấn mạnh tới vị trí trung tâm của tự do tôn giáo trong sứ mệnh của Giáo hội ngày nay (xem Chương 7).

12. Suy tư mà chúng ta đề nghị trong bản văn này tiếp nhận một phương thức tổng quát mà ta có thể mô tả ngắn gọn bằng các từ ngữ sau đây. Ý định của chúng ta là không đề nghị một bản văn có tính học thuật về các khía cạnh trong cuộc tranh luận về tự do tôn giáo. Sự phức tạp của chủ đề, cả theo quan điểm về các nhân tố khác nhau của đời sống bản thân và xã hội có liên quan, lẫn theo quan điểm của các viễn ảnh liên ngành mà nó mang lại, là điều hiển nhiên đối với mọi người. Sự lựa chọn phương pháp căn bản của chúng ta có thể được trình bày một cách tổng hợp như một suy tư thần học – giải thích (théologico-herméneutique) theo đuổi một mục đích kép: a) Trước tiên, đề nghị một cập nhật hóa hợp lý về việc tiếp nhận tuyên ngôn Dignitatis Humanae; b) Thứ hai, giải thích các lý do của sự hội nhập đúng đắn - nhân chủng học và chính trị - giữa điển hình bản thân và điển hình cộng đồng của tự do tôn giáo. Việc đòi hỏi phải làm rõ như thế chủ yếu xuất phát từ việc học thuyết xã hội của Giáo hội phải lưu ý đến các dữ kiện lịch sử quan trọng nhất của kinh nghiệm hoàn cầu mới.

13. Sự thờ ơ tuyệt đối của Nhà nước trong các vấn đề đạo đức và tôn giáo làm suy yếu xã hội dân sự trong việc biện phân cần thiết để áp dụng quyền tự do và dân chủ thực sự, có khả năng lưu ý một cách hữu hiệu tới các hình thức cộng đồng biết giải thích mối liên kết nhằm lợi ích chung. Đồng thời, việc khai triển chính xác các suy nghĩ về tự do tôn giáo trong lãnh vực công cộng đòi hỏi nền thần học Kitô giáo phải đào sâu một cách ý thức tính phức tạp văn hóa của hình thức dân sự ngày nay, một sự đào sâu cho phép, về mặt lý thuyết, có thể ngăn chặn sự thoái hóa quyền lợi chung hướng tới hình thức thần quyền. Sợi chỉ xuyên suốt việc soi sáng được đề nghị ở đây được gợi hứng bởi tính hữu ích của nó trong việc duy trì các nguyên tắc nhân vị, cộng đồng và Kitô giáo về quyền tự do tôn giáo cho mọi người luôn được liên kết chặt chẽ cả về mặt nhân học lẫn thần học. Việc khai triển này không tham vọng có đặc tính hệ thống của một "khảo luận" (dù sao cũng không có khả năng làm thế). Theo nghĩa này, chúng ta không nên mong đợi từ bản văn này một trình bầy lý thuyết chi tiết về các phạm trù (chính trị và giáo hội) có liên quan. Hơn nữa, mọi người đều biết rằng nhiều phạm trù trong số này có những ý nghĩa khá uyển chuyển: hoặc do việc sử dụng chúng trong các bối cảnh văn hóa khác nhau hoặc do tham chiếu các ý thức hệ khác nhau. Bất chấp giới hạn khách quan này, được áp đặt bởi chính tư liệu và bởi sự biến hóa của nó, công cụ cập nhật hóa này có thể cung cấp một trợ giúp có giá trị cho mức độ hiểu biết và truyền đạt chứng từ Kitô giáo tốt hơn. Cả trong lãnh vực ý thức giáo hội, liên quan đến việc tôn trọng chính đáng các giá trị nhân bản của đức tin, lẫn trong cuộc xung đột giải thích hiện nay về học thuyết về Nhà nước, một học thuyết đòi hỏi phải được khai triển tốt hơn - không phải chỉ trong phương diện thần học mà còn trong cả phương diện nhân học và chính trị nữa - về mối tương quan mới giữa cộng đồng dân sự và việc thống thuộc tôn giáo.

Kỳ sau: 2.Quan điểm của Dignitatis Humanae thời đó và thời nay