Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lạ quá! Lạ là vì Kinh Thánh khẳng định rõ rằng: Chúa Giêsu giáng sinh làm người giống chúng ta mọi sự chỉ trừ tội lỗi. Chúa Giêsu không có tội thì cần gì phải rửa, nên chính thánh Gioan đã ngỡ ngàng thốt lên khi Chúa đến xin chịu phép rửa: Chính Ngài rửa cho tôi mới phải chứ sao Ngài lại xin tôi rửa cho Ngài ! Hành động lạ lùng này đã khai mở sứ mạng của Đức Giêsu đến để mạc khải một Thiên Chúa giàu lòng xót thương: Chúa không nỡ lòng thẳng tay kết tội trừng phạt tội nhân được diễn tả hết sức giàu hình ảnh trong bài đọc I: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy. Tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.” Đối với tội nhân, Chúa đồng cảm, Chúa tha thứ, Chúa gánh tội cho họ.

Chúa xuống thế dùng yêu thương cứu độ nhân loại. Thế nên, Chúa chịu phép Rửa xong thì cửa trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống, ngược với cảnh khi ông bà nguyên tổ Ađam-Evà phạm tội thì cửa trời đóng lại, thiên thần cầm gươm canh giữ. Hai hình ảnh hoàn toàn đối ngược nhau cho thấy: nếu Ađam-Evà đã dẫn cả nhân loại vào con đường tội lỗi, khổ đau và chết chóc, thì Chúa Giêsu đến dẫn nhân loại vào con đường ơn phúc, tình thương và sự sống. Nếu Ađam-Evà phạm tội đã cắt đứt tình nghĩa Cha-con với Thiên Chúa, thì nay Đức Giêsu đến gánh tội để nối lại mối tình Cha-con giữa Thiên Chúa và loài người. Nhờ đó mới có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”

Thế nên, mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhớ phép Rửa tội cho chúng ta được làm con Chúa. Hãy sống làm người con hiếu thảo, ngoan hiền để Chúa Cha cũng nói với mỗi người chúng ta: “Con là con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về con.” thì sung sướng biết bao. Chứ nếu Chúa phải than thở: Con là con yêu quái, Cha đau lòng vì con thì chết dở mất rồi! Amen.