Chúa Nhật 2 THƯỜNG NIÊN. A

(Ga 1, 29-34)

CHIÊN THIÊN CHÚA

Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Có nhiều người thắc mắc hỏi rằng tại sao Gioan giới thiệu Chúa là Chiên Thiên Chúa, sao không giới thiệu đây là Con Thiên Chúa, đây là Đấng Cứu Thế. Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả mang một ý nghĩa thần học và sự kiện của lịch sử cứu độ.

Thánh Gioan là con của một thầy tư tế, quá quen thuộc với công việc sát tế chiên dâng cúng trong đền thờ mỗi ngày. Trong lịch sử dân Do-Thái xưa, vào ngày Lễ Đền Tội, người ta bắt một con chiên không tì vết và đem đến cho vị tư tế. Vị tư tế đọc danh sách các thứ tội của dân chúng. Kêu gọi mọi người hãy sám hối. Sau đó, tư tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết các thứ tội trên đầu nó, rồi đánh đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội.

Trong sách Xuất Hành ghi rằng tại đền thờ, các tư tế mỗi ngày sát tế hai con chiên làm của lễ toàn thiêu dâng Thiên Chúa để đền tội. Tiên tri Isaia trong bài ca về người tôi tớ đã nhắc đến con chiên hy sinh. Con chiên hiền lành bị đem đi xén lông và bị giết làm của lễ để gánh tội cho mọi người.

Khi dân Do-Thái đã định cư và có đền thờ, hằng năm vào dịp Lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ Thiên Chúa cứu dân khỏi nô lệ người Ai-cập. Họ đã giết chiên tế lễ và dự tiệc ăn thịt chiên cùng rau đắng để tưởng nhớ những khổ đau mà dân chúng phải lao lực và làm nô lệ cho người Ai-cập.

Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh chết thay cho đoàn chiên. Ngài chết để gánh tội gian trần. Ngài hy sinh dâng mình làm của lễ đền tội và hiến dâng thịt máu mình làm của ăn dưỡng nuôi hồn xác chúng ta.

Trong thánh lễ, chúng ta lập lại ba lần, lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lập lại lần thứ tư lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Chúa Kitô đã hiến thân trên khổ giá để cứu độ chúng ta. Thánh Gioan là người đầu tiên làm chứng và ngài đã hy sinh cho sự thật này. Các tông đồ đã chứng kiến cảnh Chúa Chiên bị khổ hình, bị chết treo nhục nhã và đã sống lại vinh quang. Các ngài cũng đã xả thân làm nhân chứng cho Chúa đến giọt máu cuối cùng.

Mỗi người chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta là nhân chứng. Chúng ta có bổn phận giới thiệu Chúa cho những ai còn ngồi trong bóng tối u mê sự chết. Xin Chúa cho chúng ta là những con chiên bổn đạo tốt lành và hăng hái trong việc sống và truyền đạo.

TUẦN 2 MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI

Mc. 2: 18-22

Các môn đệ của Gioan và Biệt phái thắc mắc với Chúa Giêsu rằng: Tại sao các môn đệ của Gioan và của Biệt phái ăn chay, còn môn đệ của Ngài lại không ăn chay. Ăn chay là việc rất tốt. Ăn chay giúp hãm mình dẹp xác. Chính Chúa Giêsu đã ăn chay bốn mươi đêm ngày trong sa mạc.

Chúa Giêsu trả lời cho các môn đệ: Khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ không? Dĩ nhiên là không, vì đây là những ngày vui mừng. Ngày lễ mừng thì không thể ăn chay. Vì có thời ăn chay, có thời vui mừng hân hoan. Có thời vui cười, có thời sẽ phải than van khóc lóc. Thời nào thì việc đó. Chúa nói: Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ. Chúa đến lập đạo mới. Đạo mới có những giới luật và cách sống mới.

Đạo mới là đạo của tình yêu. Đạo mới dẫn chúng ta vào nội tâm của đời sống. Ăn chay hãm mình khi ngày giờ tới. Chúa Giêsu không chối bỏ việc ăn chay vì đây là một thực hành tốt. Chúa muốn đem tinh thần mới vào việc ăn chay. Ăn chay không chỉ kiêng khem một số thức ăn hay chỉ để phô trương công đức trước mặt người đời. Ăn chay đi đôi với cầu nguyện, vừa giúp hồn vừa luyện xác nên vững mạnh.

Lạy Chúa, chay tịnh để tinh luyện con người thanh thoát hơn. Xin Chúa giúp con biết từ bỏ mình để bước đi theo Chúa.

THỨ BA

Mc. 2: 23-28

Các luật sĩ cứ luẩn quẩn trong việc giữ luật và cách thực hành luật trong ngày Sabát. Họ là những người giải thích luật và đặt ra những chi tiết nhỏ áp đặt lên đời sống của tín đồ. Họ luôn đi soi mói xem ai vi phạm luật và tố cáo. Dân chúng phải tuân hành nghiêm nhặt. Vào ngày Sabát, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, các môn đệ vừa đi vừa bứt lúa. Những người biệt phái tố cáo ngay: Xem kìa, tại sao ngày Sabát họ làm những điều không được làm như vậy?

Ngày Sabát là ngày hưu lễ và nghỉ ngơi để có thời giờ thờ phượng Thiên Chúa. Các nhà lãnh đạo tôn giáo biến ngày Sabát trở thành ngày kiêng cữ. Cấm đoán mọi việc làm và mọi sinh hoạt cho dù đó là việc bác ái cũng không được phép. Họ quá câu nệ vào chi tiết của luật. Họ giữ luật vì luật và luật đã trở thành gánh nặng cho dân.

Chúa Giêsu dùng cơ hội này để dạy bài học về tinh thần của luật. Trong đời sống, nếu coi trọng công việc hơn con người thì cuộc sống sẽ bất hạnh. Chúa Giêsu đã nói rằng: Ngày Sabát làm ra vì loài người, chớ không phải loài người vì ngày Sabát. Não trạng của những người biệt phái và luật sĩ không hề thay đổi. Họ không chấp nhận cách giải thích của Chúa Giêsu về ngày Sabát. Họ đã sống và chết trong những khoản luật vô hồn đó. Lậy Chúa, Chúa ban lề luật để con người được sống trong tình yêu của Chúa. Đó là giới luật yêu thương.

THỨ TƯ

Mc. 3: 1-6

Chúa Giêsu thách thức những người có mặt trong hội đường về việc giữ ngày Sabát: Ngày Sabát được làm điều lành hay điều dữ? Được cứu sống hay giết chết. Họ đều làm thinh vì không thể trả lời được. Vì biết rằng luật lệ là để giúp con người sống hoàn thiện hơn. Làm điều tốt và cứu sống đó là điều tích cực, chúng ta phải thực hiện bất cứ lúc nào.

Tất cả luật lệ đặt ra để phục vụ con người và mưu ích chung cho xã hội. Nếu luật lệ đặt ra chỉ để phục vụ cho một số cá nhân để được hưởng lộc, đó là luật bất công. Xã hội con người đầy dẫy những khoản luật dành ưu quyền cho một thiểu số người. Họ dùng luật để chà đạp nhân phẩm người khác. Trong những chế độ độc tài, đô hộ, hoặc phân biệt chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và màu da. Có rất nhiều xã hội văn minh nhưng cư xử như những con người man rợ. Lấy sức mạnh đè người và ức hiếp kẻ khác.

Thiên Chúa trao ban cho con người mười giới răn là những lề luật căn bản. Luật được in trong lương tâm của con người. Nếu con người biết tôn trọng luật Chúa mà hành xử, con người sẽ tìm ra ý nghĩa đích thực của luật. Luật lệ giúp xây dựng chứ không phải phá đổ. Luật giúp làm điều tốt và để cứu sống con người. Nếu bất cứ luật nào đi ngược lại với giới luật của Chúa đều là luật bất công. Vậy ngày Sabát không chỉ là ngày nghỉ ngơi mà phải thực hành điều tốt, giúp đỡ và cứu sống con người.

THỨ NĂM

Mc. 3: 7-12

Khi nghe biết về danh Chúa Giêsu, nhiều người từ các vùng khác nhau tuôn đến bên Chúa để nghe Ngài giảng dạy và xin chữa lành các bệnh tật. Một thầy lang chữa bách bệnh mà không phải trả thù lao. Dân chúng vui mừng vì được hưởng lợi trăm bề. Dân chúng đã tạo ra một nguồn dư luận trên khắp cả vùng, danh Chúa đã đi đến mọi miền trong xứ.

Họ đến với Chúa, họ tôn kính Chúa như một vị tiên tri. Nhận được nhiều ơn lành nhưng họ vẫn chưa thông biết về sứ mệnh của Chúa. Chỉ có các thần ô uế thấy Chúa thì sụp lạy và kêu lên: Ngài là Con Thiên Chúa. Nhiều người tâm trí bình thường, tỉnh táo và khôn ngoan lại không biết gì về Chúa. Họ cũng chẳng ngu gì mà nghe mấy người bị qủy ô uế ám. Thần ô uế tuyên xưng thật Chúa là Con Thiên Chúa, nhưng rồi Chúa nghiêm cấm chúng. Chúa không muốn miệng lưỡi của ma qủy tuyên xưng danh Chúa. Chúa muốn miệng lưỡi của chính những con người chịu ơn Chúa, phải tuyên xưng Chúa.

Chẳng mấy người được ơn mà họ trở lại dâng lời tạ ơn và tôn vinh danh Chúa. Họ nghĩ rằng họ là con cháu của các tổ phụ, nên họ được quyền hưởng những ân huệ Chúa ban như Chúa đã ban manna và chim cút cho cha ông họ trong sa mạc. Dân chúng lại để mất cơ hội nhận biết và tôn vinh danh Chúa.

Lạy Chúa, chúng con nhận lãnh muôn hồng ân từng giây phút trong cuộc đời mà chúng con dửng dưng. Xin Chúa tha tội.

THỨ SÁU

Mc. 3: 13-19

Sau một thời gian giảng dạy, Chúa đã cầu nguyện để chọn một nhóm nhỏ giúp họ sống gắn bó và chia xẻ sứ mệnh cứu độ với Chúa. Chúa đi lên núi và Chúa gọi những kẻ Ngài muốn và họ đến với Chúa. Có đông người đi theo Chúa lắm. Có lần Chúa sai 72 môn đệ, từng hai người đi vào các làng mạc để loan báo tin mừng.

Nay Chúa lập nhóm mười hai để họ ở với Chúa một cách gần gũi hơn. Chúa huấn luyện họ trở thành những kẻ chài lưới người. Phúc âm không cho chúng ta biết về đời sống cụ thể của Chúa và các tông đồ. Có lẽ các ngài không có trụ sở nào nhất định vì Chúa rao giảng mọi nơi. Nơi nào có Chúa, nơi đó họ tụ tập và Chúa giảng dạy cho họ. Chúa không cần dọn bài giảng để thuyết giảng. Chúa đi vào lòng cuộc sống, bất cứ đề tài nào Chúa cũng dẫn mọi người đến tình yêu và lòng nhân hậu của Chúa Cha.

Chúa quy tụ các môn đệ để các ngài cùng học với Chúa, cầu nguyện với Chúa và đồng hành với Chúa. Chúa ban cho các ông quyền chữa bệnh, trừ qủy và làm các dấu lạ. Các ông rất vui vì nhiều người thán phục và ca ngợi các ông. Nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở các ông đừng tìm danh vọng ở đời nhưng hãy vui vì tên của các con được ghi vào sổ trên trời.

Lạy Chúa, hằng ngày Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng con vào làm vườn nho cho Chúa nhưng chúng con chẳng đáp lời.

THỨ BẢY

Mc. 3: 20-21

Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà. Đám đông dân chúng lại tuôn đến với Chúa Giêsu đến nỗi không có giờ dùng bữa. Như thế chúng ta biết, Chúa Giêsu cứ đi rao giảng hết vùng này sang vùng khác, rồi lại trở về nhà để nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Có lẽ Đức Mẹ Maria khá vất vả trong việc nấu nướng phục vụ cho Chúa và các môn đệ.

Qua vài chi tiết trong phúc âm, chúng ta biết được Chúa và các môn đệ cũng dùng bữa ở nhiều nơi khác nhau. Khi thì tại nhà riêng, lúc thì ăn ở nhà bà nhạc ông Phêrô, có lúc ghé ăn tại nhà Marta, có lúc ăn nơi nhà ông Lêvi và Chúa cũng dùng bữa tại nhà mấy người biệt phái. Chúa nói: Thợ thì đáng được ăn lương, ai dọn bàn cho các con, các con cứ dùng.

Khi Chúa bận bịu trong việc giảng dạy, nhiều người thân trong họ hàng hay làng xóm cũng chưa biết Chúa thật sự là ai, nên họ tìm cách giữ cho Chúa được thảnh thơi đôi chút. Thấy Chúa làm việc không ngừng nghỉ, họ đã ra bắt Chúa về và nói rằng: Người mất trí. Người nhà cũng xúc phạm đến Chúa nữa.

Nhiều người mải mê bên Chúa và say sưa nghe Chúa giảng. Chúa đã tỏ lòng thương xót với tất cả những ai chạy đến với Chúa. Chúa chẳng từ chối ai đến van xin ơn Chúa giúp. Lạy Chúa, chúng con phó dâng tất cả cuộc sống của chúng con lên Chúa. Xin Chúa chúc phước lành cho chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.