Khi nguồn cung cấp khẩu trang y tế giảm dần ở Hương Cảng, cô Maria Trần Chân Tử (Mako Chan - 陈真子), giáo dân giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ở quận Thái Phố (Tai Po - 大埔),là chủ một thẩm mỹ viện, đã làm việc trong bốn ngày để làm 2,100 chai nước diệt trùng để rửa tay trong kho của mình. Được sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, cô cũng đã phát cho những người nghèo những chai nước này và tổng cộng gần mười nghìn khẩu trang y tế làm từ Indonesia.

Giải thích về hành động nghĩa hiệp của mình, cô Chân Tử nói: “Một hộp khẩu trang y tế lên tới khoảng 300 HKD, tức là 39 Mỹ Kim và các sản phẩm diệt trùng giá khoảng 200 HKD tức là 26 Mỹ kim. Tôi tự hỏi anh chị em này thậm chí không đủ khả năng để có một bữa ăn, thì làm sao có thể mua các thiết bị bảo vệ.”

Cô giải thích thêm:

“Chiến đấu một mình chống lại virus là chuyện vô dụng. Trong cuộc chiến chống lại virus, rất nhiều người đã bỏ bê những người khác, bao gồm cả người già. Thật vô nghĩa nếu chúng ta chỉ sử dụng các vật phẩm để bảo vệ cho chính bản thân mình”.

Cửa hàng của cô Chân Tử cung cấp các dịch vụ làm đẹp và mát xa mặt cho phụ nữ. Cô nói rằng cô đã đặt một lượng lớn khẩu trang y tế vào cuối tháng Giêng, với ý định tặng cho các thành viên dễ bị tổn thương trong xã hội.

Các hiệu thuốc ở Hương Cảng đã bị buộc tội trục lợi từ nỗi sợ hãi của dân chúng đối với coronavirus Vũ Hán, và hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đã phải xếp các hàng dài khi nhìn thấy khi các cửa hàng lớn có nguồn cung cấp sản phẩm mới như khẩu trang y tế và chất khử trùng tay.

Số người chết vì dịch coronavirus đang tiếp tục tăng tại Trung Quốc. Bọn cầm quyền Bắc Kinh cho biết tính đến 10 giờ sáng thứ Ba 11 tháng Hai, con số tử vong trên toàn quốc là 1,016 người, tức là tăng 108 người chỉ trong vòng một ngày.

Số ca mắc bệnh cũng tăng, lên tới hơn 42,638 người.

Đáp lại các báo cáo này, Tổng Giám Đốc WHO cảnh báo rằng những gì thế giới đã thấy cho đến nay chỉ là phần trên của tảng băng đá.

Trong một động thái quyết liệt, Hoa Kỳ, được hỗ trợ bởi các đồng minh ngoại giao của Đài Loan như Guatemala, Haiti, Honduras, Nauru, Saint Kitts và Nevis và Quần đảo Marshall, đã lên tiếng cảnh cáo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, và yêu cầu tổ chức này phải mở một kênh liên lạc trực tiếp với các cơ quan y tế Đài Loan trong nỗ lực chung để ngăn chặn khẩn cấp.

Liên minh châu Âu, Canada, Úc và Nhật Bản hỗ trợ cho việc đưa Đài Loan vào WHO với tư cách là một quan sát viên.

Cộng sản Trung Quốc, coi hòn đảo này là một tỉnh nổi loạn và ngăn cản Đài Loan gia nhập vào WHO. Điều này khiến chính quyền Đài Loan khó có thể ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Các chuyên gia Đài Loan không thể tham dự các cuộc họp khẩn cấp của WHO vì áp lực của Trung Quốc đối với ban lãnh đạo cao nhất của tổ chức này.

Tổng thống Đài Loan là cô Thái Anh Văn đã tố cáo WHO gộp chung Đài Loan vào Trung Quốc trong các thống kê liên quan đến tình trạng dịch bệnh, khiến nhiều nước đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Đài Loan cũng như hạn chế xuất nhập khẩu từ quốc gia này.

Tính đến sáng ngày thứ Ba 11 tháng 2, 18 trường hợp nhiễm bệnh đã được báo cáo tại Đài Loan. Hòn đảo này đã phải trả giá đắt về nhân mạng trong đại dịch SARS 2002-2003.

Một kiến nghị trực tuyến tại Change.org, kêu gọi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới từ chức, cho đến nay đã thu được hơn 350,000 chữ ký trên toàn thế giới.

Bản kiến nghị được bắt đầu vào ngày 31 tháng Giêng bởi một người đàn ông tên Otsuka Yip, sống tại Canada. Kiến nghị kêu gọi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nên từ chức vì bất tài trong việc đương đầu với đại dịch coronavirus.

Bản kiến nghị viết: “Vào ngày 23 tháng Giêng năm 2020, Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từ chối tuyên bố dịch virus Trung Quốc là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Như chúng ta đã biết, coronavirus hiện tại không thể điều trị được. Số người nhiễm và tử vong đã tăng hơn mười lần chỉ trong 5 ngày. Một phần của thảm họa này có liên quan đến việc người đứng đầu WHO đã đánh giá thấp coronavirus. Chúng tôi tin tưởng rằng ông ta không phù hợp với vai trò là Tổng giám đốc WHO. Chúng tôi kêu gọi Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức ngay lập tức.

Nhiều người trong chúng ta thực sự thất vọng. Chúng ta tin rằng WHO phải trung lập về chính trị. Không có bất kỳ cuộc điều tra nào, người đứng đầu WHO chỉ đơn giản là tin vào các con số tử vong và con số những người nhiễm bệnh mà chính phủ Trung Quốc đã cung cấp.

Mặt khác, Đài Loan không thể bị loại trừ khỏi WHO vì bất kỳ lý do chính trị nào. Các công nghệ tiên tiến của quốc gia này vượt xa hơn nhiều so với một số quốc gia trong danh sách được WHO lựa chọn.

Hãy giúp thế giới có được niềm tin vào Liên Hiệp Quốc và WHO một lần nữa.