Chúa Nhật III Mùa Chay A
Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42

Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ con người và ân sủng của Người vẫn hằng chan chứa cho cả những ai được coi là không xứng đáng. Đó là chủ đề mà chúng ta suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật III Mùa Chay dưới ánh sáng của các bài đọc Lời Chúa hôm nay.

1- Thiên Chúa sẵn sàng thi ân giáng phúc

Trong bài đọc I (Xh 17,3-7), dân Do Thái hành trình trong sa mạc, họ phải chịu cảnh đói khát vì không có thức ăn và nước uống. Họ cần của ăn và nước uống. Họ lãng quên những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm. Nên họ kêu trách ông Môsê và Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa trả lời cho dân “vô ơn” này bằng việc ban cho họ nước uống. Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Người không thù hận ai. Thiên Chúa hiểu thấu nỗi thống khổ của họ và ban cho họ những gì cần thiết.

Trong bài đọc II (Rm 5,1-2.5-8), thánh Phaolô nhắc bảo chúng ta rằng tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ của Chúa Giêsu ban cho chúng ta không phải bởi vì chúng ta xứng đáng. Ân sủng đến từ cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Kitô minh chứng rằng tình yêu đó là hoàn toàn nhưng không và do lòng nhân hậu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Bởi lẽ, Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta trong khi chúng ta là những người yếu đuối, những người vô đạo, trong khi chúng ta còn là tội nhân. Chúa Giêsu chết vì chúng ta và như thế niềm hy vọng của chúng ta đặt trên nền tảng vững chắc là tình yêu của Chúa Kitô và ân sủng vững bền do Người ban tặng.

Trong bài Tin Mừng (Ga 4,5-42), chúng ta lắng nghe câu chuyện nổi tiếng về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari tại bờ giếng Giacóp ở Xykha, vào giữa trưa. Trong cuộc gặp gỡ này, có rất nhiều chi tiết: nơi chốn, thời gian và những nhân vật. Chúng ta tập trung suy tư về cuộc gặp gỡ xem ra bình thường này như là thời điểm của ân sủng mà Chúa Giêsu rộng ban cho con người qua người phụ nữ này. Ân sủng đã làm cho người phụ nữ Samari phải ngạc nhiên.

2- Vượt qua những giới hạn

Chúng ta biết rằng mọi sự đang chống lại người phụ nữ này: Trước hết, bà là một người Samari. Vào thời điểm đó, người Samari và người Do Thái đang thù địch nhau và tránh mặt nhau. Người Do Thái coi người Samari như là những người dân ngoại, những người không có niềm tin. Vì thế, người Do Thái không dám sử dụng những gì mà người Samari đã dùng, kể cả thức ăn, thức uống.

Thứ đến, bà là một người phụ nữ. Vào thời đó, cả với những người phụ nữ Do Thái và nhất là đối với những người phụ nữ dân ngoại Samari, họ thực sự bị coi là thuộc hạng thấp cổ bé miệng, không có quyền lợi và ưu tiên nào cả. Làm sao người phụ nữ này dám nói chuyện với Chúa Giêsu? Tiếp theo, như trình thuật cho thấy, chúng ta biết rằng bà đã có năm đời chồng rồi, một người có vấn đề về gia đình và chắc bà này là người có vấn đề về tính cách phụ nữ, một người có vấn đề về đời sống khác thường. Như thế, tất cả những điều này vốn là những sự cản trở ngăn cản Chúa và bà gặp nhau. Nhưng Chúa Giêsu chủ động đến nói chuyện với bà trước. Chúa Giêsu cởi mở bắt chuyện với bà. Chúa Giêsu đi bước đầu hội thoại với bà bằng việc xin nước uống, từ đó, Chúa hướng bà tới một thứ nước khác, nước hằng sống mà Người sẽ ban. Theo Gioan, nước đây chính là ân huệ Thánh Thần. Nước biểu tượng của sự sống từ Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ được ban như là nguồn mạch sự sống mới cho con người. Thánh Thần sẽ được đổ vào lòng chúng ta nhờ Đấng Phục Sinh để chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và kêu lên rằng Ápba – Cha ơi (x. Rm 5,5; Gl 4,6).

Điều đó làm cho bà phải ngạc nhiên. Bà không thể tin rằng một người Do Thái như Đức Giêsu lại có thể nói chuyện với bà, một người Samari như thế này được. Bà không thể tin rằng một người đàn ông Do Thái lại có thể trao đổi với một người phụ nữ Samari được. Bà cũng không thể tin rằng người đàn ông này lại biết rõ về bà. Trái tim và cuộc sống của bà không thể che dấu người này được. Từ những trao đổi về cuộc sống cá nhân, Chúa Giêsu hướng bà tới những điều cao cả hơn: “Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23). Những điều này làm cho bà phải ngạc nhiên và tự hỏi: “Ngài có phải là một vị ngôn sứ hay Ngài có phải là Đấng Mêsia không?” Người đàn bà dẫu không xứng đáng, nhưng qua cuộc gặp gỡ này Chúa Giêsu đã ban cho bà ân phúc cao cả, hồng ân tuyệt vời là nhận biết Đấng Mêsia và nhờ Người để bà biết tôn thờ Thiên Chúa.

3- Những điều kỳ diệu của ân sủng

Nhưng ân sủng này không chỉ cho một mình bà mà còn cho những người khác nữa. Bà đã chạy về báo tin cho mọi người trong làng biết rằng bà đã gặp Đấng Kitô. Họ kéo nhau ra để gặp Người. Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng. Bà trở thành một tông đồ của Chúa Giêsu khi bà kể cho họ nghe về việc bà gặp một người đặc biệt, một tiên tri và có thể là Đấng Mêsia mà người Do Thái đang trông chờ. Đấng đó biết rõ về cuộc đời tôi. Người yêu thương tôi. Người tôn trọng tôi và tôi cảm thấy được Người chúc phúc.

Ân sủng này từ một cuộc gặp gỡ nếu được dùng theo tiêu chuẩn của thế gian có thể không được ban cho người phụ nữ này, vì thân thế của bà là hoàn toàn bất xứng với ân sủng đó. Nhưng Thiên Chúa hành động hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của con người. Thiên Chúa bảo đảm cho mọi người tội lỗi, cho tất cả những ai bất xứng rằng: “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9). Ơn Ta không bao giờ cạn đối với con.

Thánh Giuse mà chúng ta mừng kính trong tháng Ba này là một mẫu gương khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa. Ngài chỉ là một người thợ mộc nghèo hèn, đơn sơ, không có vai vế gì trong xã hội. Nhưng thánh nhân luôn tin tưởng vào Thiên Chúa nên ngài luôn được chúc phúc. Cũng thế, bao nhiêu con người khiêm tốn trên thế gian này, những người thực sự cảm thấy mình bất xứng với hồng ân Thiên Chúa, họ vẫn có thể quay trở về và đón nhận ân sủng của Người ban một cách nhưng không. Bởi vì ơn cứu độ, lòng thương xót của Thiên Chúa vượt trên mọi giới hạn của con người. Tình yêu Chúa lớn hơn tội lỗi con người. Thiên Chúa luôn là quảng đại, rộng lượng và nhân ái đối với hết mọi người, ngay cả khi chúng ta bất xứng để đón nhận ân sủng Người. Đó là điều làm cho chúng ta vững tin vào Chúa. Đó là điều mang lại cho chúng ta sự an ủi thiêng liêng. Đó là điều làm cho chúng ta luôn biết trở về với Chúa ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình bất xứng và tội lỗi nhất. Cả lúc đó Chúa vẫn giang tay chờ đón chúng ta.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta suy ngắm tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời cũng là cơ hội để canh tân đời sống của mình như là nghĩa cử đáp lại lòng thương xót và ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/