Chuyện hậu phán quyết của Tòa án Tối cao ÚcĐúng như Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc nói: phán quyết của Tòa án Tối cao Úc dẹp bỏ bản án lạm dụng tình dục trẻ em của Đức Hồng Y làm nhiều người tan nát cõi lòng (devastating). Có điều truyền thông Úc thổi phồng sự tan nát cõi lòng này một cách không phân biệt khiến cho việc tan nát cõi lòng này biến thành hành động xằng bậy của một số người.

Thực vậy, theo tờ The Age, nhà thờ chính tòa Thánh Patrick ở Melbourne đã bị phá hoại sau khi Đức Hồng Y Pell được thả tự do: Nhiều chữ nguệch ngoạc (graffiti) đã được vẽ trên cửa ra vào dưới vòm kiểu gô-tích của nhà thờ. Đêm sau khi Đức Hồng Y Pell được trả tự do, sơn đỏ cũng đã được vẩy lên chiếc cửa phía trước nhà thờ.

Một xe đạp ba bánh của trẻ em và giải băng cũng đã được cột vào cổng của Nữ Đan Viện Cát Minh ở Kew nơi Đức Hồng Y Pell qua đêm thứ nhất trong tự do.



Những giải băng mầu sắc trên vốn là sáng kiến của Loud Fence (Hàng Rào Lớn Tiếng), một phong trào xuất hiện đầu tiên ở Ballarat lúc đang có Ủy Ban Hoàng Gia [điều tra] Các Đáp Ứng Định Chế Đối Với Việc Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em.

Phong trào này, sau đó, đã phát triển khắp thế giới (!) để bày tỏ liên đới với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Đức Tổng Giám Mục Melbourne, Peter Comensoli, trả lời “có” khi được hỏi liệu ngài có đau buồn vì việc phá hoại hay không, nhưng nói thêm: ngài “cũng không hoàn toàn ngạc nhiên”.

Ngài nói với đài phát thanh 3AW rằng “vẫn còn nhiều xúc động mạnh quanh các vấn đề này. Tôi nghĩ mọi người sẽ tiếp tục duy trì lập trường đặc thù riêng của mình về tất cả những chuyện này. Tôi chỉ hy vọng rằng trong ánh sáng dịu dàng hơn của buổi chiều tối người ta sẽ xem xét điều phán quyết của Tòa án Tối cao nói và nhìn nó trong đồng văn pháp lý của nó”.

Annie Carrett, giám đốc văn phòng của tổng giáo phận Melbourne, cho hay có thể sẽ có thêm biện pháp an ninh cho nhà thờ chánh tòa, “nhưng chúng tôi sẽ không tìm cách tạo ra không khí sợ sệt. Chúng tôi rất biết nỗi đau mà nhiều người đang trải qua trong thời điểm khó khăn này".

Nhân dịp này, bà Carrett cho mọi người hay Đức Hồng Y Pell không thuộc tổng giáo phận Melbourne và tên ngài không được nhắc đến trong Thánh Lễ. Bà nhấn mạnh “Thánh lễ của chúng tôi là dành cho người ta, nó là thời gian chủ chốt trong đời sống đức tin của chúng tôi, chứ không phải thời gian để gửi các thông điệp khác. Sự phục sinh của Chúa GIêsu sẽ là thông điệp chúng tôi chia sẻ. Chúng tôi sẽ nói đến thông điệp Phục Sinh, đây là niềm vui lớn đối với người dân chúng tôi. Các vấn đề khác không phải là thành phần trong trải nghiệm đức tin của chúng tôi vào lúc này”.

Đức Hồng Y Pell vẫn vui vẻ lên đường về Sydney bằng xe hơi

Trái với đồ đoán của truyền thông chính dòng, Đức Hồng Y Pell chứng tỏ cho mọi người thấy ngài là một người tự do, bằng cách, sau 1 đêm tạm nghỉ tại Nữ Đan Viện Cát Minh Kew, sáng 8 tháng 4, ngài đã dùng xe hơi, vượt Hume Highway để về Sydney, trên đường dừng lại mua báo để đọc và không ngại trả lời phỏng vấn.



Thực vậy, cũng theo tờ The Age, Đức Hồng Y đã rời Nữ Đan Viện vào sáng thứ Tư. Và sau 9 giờ tối, ngài đã có mặt tại Chủng Viện Chúa Chiên Lành ở Homebush, cách Sydney 15 kilô mét về hướng tây. Trước đây, ngài vốn ở đó.

Đài số 9 tường trình rằng ngài ngừng tại trạm cảnh sát Goulburn, cách Sydney chừng 200 kilô mét về hướng nam, nơi ngài khiếu nại về việc bị giới truyền thông đeo đuổi và đã được cảnh sát tháp tùng ra tới tận xa lộ trở lại.

Trước đó, tại một trạm xăng trên Hume Highway thuộc Victoria, ngài nói chuyện vắn tắt với giới truyền thông khi rời xe đã đậu ở bãi đậu xe, cho họ hay cuộc sống trong tù “không đến nỗi tệ quá”.

Khi được hỏi liệu ngài có ngạc nhiên đối với phán quyết hôm thứ Ba hay không, Đức Hồng Y Pell trả lời “không hề”. Và nói thêm: “tôi rất hài lòng”.

Ngài không trả lời khi được hỏi ngài có tin là người tố cáo ngài là một người nói láo hay không.

Tờ the Age cho hay ngài tỏ ra thư giãn và đầy hài hước trong lúc tương tác với các phóng viên và nhiếp ảnh viên.

Được 1 nhà báo hỏi cảm tưởng sau hơn 400 ngày ngồi tù, ngài cười một cách tự mãn, trả lời “trước khi bạn tới, ở đây tốt hơn”.

Ngay sau khi bước ra khỏi xe, ngài đã nói về trang phục của mình: “xin lỗi đã không ăn vận đàng hoàng hơn, nhưng tôi đâu ngờ chuyện này [được hỏi han]”.

Đức Hồng Y ăn vận xoàng xĩnh với áo sơ mi cài cúc mầu nhạt, một áo khoác mầu xanh dương không kéo dây khóa, với cây viết mầu đỏ gài vào túi áo, thậm chí, không mang cổ cồn Rôma.

Ra khỏi trạm xăng, ngài yêu cầu các nhà báo nhường lối để ngài có thể vào xe, nói đùa “xin lỗi, khoảng cách xã hội (social distance)”.