Ơn gọi thánh hiến và đời sống cộng đoàn

"Con không chỉ cầu nguyện cho những người nầy, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con" (Ga 17, 20-21). “Chính anh em là muối cho đời…Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” (Mt 5, 13-16)

“Một nhiệm vụ quan trọng mà Công đồng Vatican II nhiệt liệt đề nghị, được trao cho đời thánh hiến, đặc biệt theo ánh sáng giáo huấn của Giáo Hội, chính là sự hiệp thông. Những người được thánh hiến được yêu cầu phải thật sự trở nên những chuyên gia của sự đoàn kết nhất trí và thực hành linh đạo của sự hiệp thông” (Tông huấn ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN 46)

Vào chuyện:

Theo công bố của cha José Rodriguez Caballo tại Rôma ngày 29/10/2013 và nhật báo Osservatore Romano đã đăng trích, thì mỗi năm (từ 2008-2012) có khoảng 3.000 tu sĩ nam nữ hồi tục[1]. Qua “con số biết nói” đó, chúng ta phải chấp nhận một sự thật, cho dù có đau lòng: Giáo Hội Công Giáo đang có sự khủng hoảng ơn gọi thánh hiến khá trầm trọng. Chính Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã xác nhận sự kiện nầy trong Tông thư gởi cho giới tu sĩ nhân dịp Năm Thánh Hiến: “Chúng ta biết rằng đời sống thánh hiến đang gặp nhiều khó khăn dưới mọi hình thức: ơn gọi sụt giảm, các thành viên tuổi cao, nhất là tại các nước Tây phương, những vấn đề kinh tế tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng, những thách đố của việc quốc tế hóa và toàn cầu hóa, những nguy cơ của thuyết tương đối, đời tu bị gạt ra bên lề và không được xã hội trân trọng…”[2]

Và điều nầy liệu Giáo Hội Việt Nam, các Dòng tu tại Việt Nam … có tránh khỏi không? Chắc chỉ các tu sĩ mới là những người có thể trả lời đúng. Bởi vì là “những người trong cuộc”. Và đằng sau “cơn khủng hoảng” đó, người ta cũng lần mò tìm những nguyên do. Sau đây là một số những nguyên do:

- Khủng hoảng văn hoá: “Văn hoá zapping”[3] (internet, điện thoại thông minh, các kênh truyền hình…): “Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đều chìm trong một nền văn hóa cảm ứng, liên tục “chấm, quẹt”. Ta có thể đồng thời lướt hai hoặc ba màn ảnh và tương tác trên hai ba cảnh ảo cùng một lúc. Nếu thiếu sự sáng suốt phân định, ta có thể dễ biến thành những con rối chiều theo mọi xu hướng chóng qua.” (GE số 167)[4]

- Khủng hoảng đức tin (Cầu nguyện, bí tích, Lời Chúa…): “Trong số các nguyên nhân của sự rời bỏ này, cha Caballo đặc biệt nhấn mạnh đến sự “vắng mặt đời sống thiêng liêng (cầu nguyện cá nhân, cầu nguyện cộng đoàn, đời sống bí tích), vốn dẫn đến một “cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa”. Cộng đoàn tu trì, ngay cả Giáo Hội, lúc đó không còn ý nghĩa nữa đối với người tu sĩ rời bỏ đời sống tu trì của mình.”[5]

- Khủng hoảng về tương giao (quyền bính, vâng phục, cộng đoàn…): “Cha thư ký cũng nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng về quyền bính ngay giữa các cộng đoàn, cũng như “những vấn đề liên vị, những hiểu lầm, việc thiếu đối thoại và tương giao đích thực”.[6]

Đối diện với những khủng hoảng, tiêu cực trong đời sống thánh hiến của Giáo Hội nói chung, hay với “bức tranh khá ảm đạm” của tương lai Hội Dòng, không phải để chúng ta “nản chí anh hùng”, hay bàng quan “nhắm mắt xuôi tay” để mặc “tới đâu thì tới”…mà phải cùng nhau nỗ lực góp phần tìm ra phương thuốc chữa trị, phát hiện những cách thức mới, những con đường phù hợp với niềm hy vọng và tin yêu phó thác, như ĐTC Phanxicô gọi mời: “Anh chị em đừng chiều theo chước cám dỗ về số lượng và hiệu quả, lại càng không nên tín thác vào sức riêng của mình. Hãy lục lọi những chân trời của cuộc đời anh chị em và của thời buổi hiện tại với sự tỉnh thức. Cùng với đức Bênêđictô XVI, tôi xin lặp lại: “Anh chị em đừng liên minh với những ngôn sứ yếm thế dự đoán sự chấm dứt đời sống thánh hiến vì mất ý nghĩa ở thời đại này. Trái lại, anh chị em hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và khoác vào binh giáp của ánh sáng – như thánh Phaolô đã khuyên nhủ - trong thái độ tỉnh thức mong chờ”[7]

I. ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN TRÊN NỀN TẢNG “LINH ĐẠO HIỆP THÔNG”

Tại một vùng núi nọ, người ta truyền tụng cho nhau câu chuyện nầy: Ngày xưa, có hai thầy dòng quyết tâm nên thánh bằng cách chọn con đường ẩn tu. Để thực hiện việc nầy, cả hai thầy lên núi, tìm hai hang động cách xa nhau làm chỗ dung thân để qua hết cuộc đời trong thinh lặng và kết hợp với Chúa. Để cuộc sống ẩn tu đạt kết quả cao, và để khỏi bận tâm, chia trí về những "sự thế gian", cả hai quyết định, hang ai nấy ở, mỗi người một không gian riêng, một thế giới riêng, không liên hệ, không giao tiếp với nhau và với mọi người… Rồi năm tháng qua đi. Cả hai chết lúc nào không ai biết. Hai hang động trở thành hoang phế. Thời gian sau đó, có hai tên cướp bị săn đuổi, đã thay tên, đổi họ, lần mò trốn lên núi nầy để ẩn danh tìm chút bình an cho cuộc sống thừa. Gặp được hai cái hang hoang lạnh của người xưa, cả hai nẩy sinh sáng kiến: chọn nơi đây làm chốn dừng chân để sám hối và làm lại cuộc đời. Thế là cả hai dọn sạch hang cũ và bắt đầu cuộc sống mới của những người "ẩn tu bất đắc dĩ." Chỉ khác với hai thầy dòng trước một điều là cả hai quyết định làm một con đường nối liền hai hang để thường xuyên qua lại, thăm viếng, giúp đỡ, ủi an …Dần dà, dọc theo con đường nối hai hang đã mọc đầy hoa, xung quanh hang động cảnh trí phô đầy sức sống và vẻ đẹp. Hai tên cướp năm nào giờ đây đã trở thành hai vị ẩn tu hiền lành, thánh thiện, đến nỗi hương thơm thánh đức lan toả khắp vùng khiến nhiều người cất công lên núi để xin "Hai Thầy" cầu nguyện và hướng dẫn đạo đức…Và rồi, hai "thầy tướng cướp ẩn tu" đó qua đời. Vì đời sống thánh thiện và vì có những phép lạ xảy ra cho một số người lên núi cầu xin, nên dân chúng vùng đó "tự động" phong thánh cho hai "thầy cướp ẩn tu" nầy…

Huyền thoại "Hai cái hang của thánh ẩn tu" trên sẽ dẫn chúng ta vào câu chuyện sắp chia sẻ hôm nay: chiêm ngưỡng Đức Ki-tô để viết bài thuyết minh về hiệp nhất. Bởi vì "hiệp nhất, hiệp thông, tình huynh đệ cộng đoàn" đó chính là con đường thích hợp nhất, chắc chắn nhất để giúp mỗi người đạt được ơn cứu độ, nên thánh, (giống như con đường nối liền hai cái hang của hai tên cướp ẩn tu !!!).

1. Cộng đoàn tu trì: dấu chỉ và sứ mệnh hiệp thông:

Đời sống tu trì, xét về mặt căn tính, cơ cấu tổ chức cũng như sinh hoạt, là phản ảnh rõ nét “chiều kích Giáo hội”, nhất là chiều kích “hiệp thông huynh đệ”, cũng là sứ mệnh thực hiện việc “hiệp nhất nhân loại” được Đức Kitô trao cho “Giáo Hội”, như xác định của tông huấn “Đời Thánh Hiến” của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II: “Trong đời sống Giáo Hội hẳn có nhiều cơ chế và hình thức diễn tả tình hiệp thông huynh đệ. Chắc hẳn đời thánh hiến đã có công duy trì trong Giáo Hội đời sống huynh đệ như một cách tuyên xưng Thiên Chúa. Khi thường xuyên cổ võ tình yêu huynh đệ, nhất là dưới dạng đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy rằng việc tham dự vào tình hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những mối tương quan nhân loại, và tạo ra một kiểu tình liên đới mới. Nhờ thế, đời thánh hiến làm cho loài người thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và của những con đường cụ thể đưa tới đó. Quả thế, những con người tận hiến sống "cho" Thiên Chúa và sống "bởi" Thiên Chúa, và chính vì thế, họ có thể tuyên xưng quyền năng hoà giải của ân sủng, là tiêu diệt các lực lượng gây chia rẽ nằm trong trái tim con người và trong những tương quan xã hội.”[8]

Đó cũng chính là những điều Chúa Giêsu dạy, Hội Thánh truyền và Hiến Chương của mỗi Hội Dòng quy định. Chúng ta thử đọc lại những lời sau:

Chúa Giêsu cầu nguyện: Con không chỉ cầu nguyện cho những người nầy, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con" (Ga 17, 20-21); “Chính anh em là muối cho đời…Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” (Mt 5, 13-16)

Hội Thánh yêu cầu: “Một nhiệm vụ quan trọng mà Công đồng Vatican II nhiệt liệt đề nghị, được trao cho đời thánh hiến, đặc biệt theo ánh sáng giáo huấn của Giáo Hội, chính là sự hiệp thông. Những người được thánh hiến được yêu cầu phải thật sự trở nên những chuyên gia của sự đoàn kết nhất trí và thực hành linh đạo của sự hiệp thông” (ĐTH 46)

Hiến Chương mời gọi: “Vì vậy, trong tâm tình hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội địa phương, chị em Khiết Tâm hiếu kính và tuân phục Đức Giáo Hoàng và các vị Chủ chăn. Chúng ta liên đới và cộng tác với mọi thành phần Dân Chúa, để xây dựng và phát triển Giáo Hội trần thế. Đời sống thánh hiến của chúng ta loan báo và chuẩn bị cho đời sống viên mãn của Nước Trời mai sau, nơi mà cộng đồng nhân loại được:

- Qui tụ thành một gia đình hiệp nhất

- Và thông dự vào hạnh phúc sung mãn của cộng đồng Ba Ngôi Thiên Chúa.”[9]

2. Trên nền tảng “Linh đạo hiệp thông”:

Trước hết, chúng ta hãy lắng nghe lời dạy của Giáo Hội trong văn kiện “XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ” của Thánh Bộ đời sống thánh hiến và hiệp hội tông đồ: “Một linh đạo hiệp thông hệ tại trước tiên là một cái nhìn của tâm hồn hướng về mầu nhiệm Ba Ngôi đang ngự trong chúng ta và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người sáng chói trên gương mặt của anh chị em xung quanh chúng ta. Một linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là một khả năng chú ý đến anh chị em chúng ta trong đức tin, trong sự hiệp nhất sâu xa của Thân Thể mầu Nhiệm và vì thế như “những chi thể của tôi”…” Một vài hậu quả về phương diện cảm xúc và hành động xuất phát từ nguyên tắc này với luận lý đáng thuyết phục: chia sẻ niềm vui và những đau khổ của anh chị em chúng ta; nhạy cảm trước những ước muốn và chú ý đến các nhu cầu của họ; tặng ban cho họ tình bạn sâu sắc và chân chính. Linh đạo hiệp thông cũng bao hàm khả năng nhìn thấy những gì tích cực nơi người khác, đón nhận và khen ngợi điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban, và biết dành một chỗ cho người khác, bằng cách mang gánh nặng cho nhau. Trừ phi chúng ta đi theo con đường thiêng liêng này, những cơ cấu bên ngoài của hiệp thông sẽ sinh rất ít kết quả…”[10]

Chúng ta có thể rút ra những “điểm nhấn” quan trọng trong giáo huấn trên:

- Xây dựng đời sống hiệp thông trên nền tảng quy chiếu vào mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ut sint unum”.

- Xây dựng đời sống hiệp thông trên nền tảng quy chiếu vào mầu nhiệm Hội Thánh là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô mà chúng ta là những chi thể.

- Xây dựng đời sống hiệp thông trên nền tảng Đức Ái: đón nhận nhau và mang lấy gánh nặng cho nhau.

II. NÀO HÃY BẮT ĐẦU !

1. Những “dụng cụ” đầu tiên cần phải có:

- Lòng yêu mến Hội Thánh:

Muốn làm “chuyên gia hiệp nhất”, trước tiên hãy yêu mến Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội, tha thiết xây dựng Giáo Hội, hãy thuộc về Giáo Hội một cách trọn vẹn. Đức Cha F.X Nguyễn Văn Thuận, trong bài suy niệm 16 "Hội Thánh là hy vọng của bạn", đã khai triển chiều kích nầy trong khi nhắc lại những lời cuối cùng trước lúc lìa đời của Thánh Nữ Tiến sĩ Tê-rê-sa Avila: “Chúng ta yêu mến Hội Thánh vì Hội Thánh là Mẹ rất tinh tuyền đã tháp nhập chúng ta vào gia đình của Mẹ, mở rộng cho chúng ta những cánh cửa thiên đàng đích thực qua các tư tế và các bí tích (…). Nếu con tim chúng ta không ca ngợi Hội Thánh, chúng ta chỉ là một chiếc đàn phong cầm im tiếng. Nếu tâm trí chúng ta không nhìn thấy Hội Thánh và không ngưỡng mộ Hội Thánh, chúng ta trở nên thật mù quáng và u mê. Nếu miệng chúng ta không nói về Hội thánh, thì tốt hơn là nên im tiếng đi.” (Chứng nhân Hy vọng tr. 225-226).

- Ý thức và nhạy cảm trước nhu cầu hiệp nhất, hiệp thông của Giáo Hội: "Những người được thánh hiến được yêu cầu phải thực sự trở nên những chuyên gia của sự đoàn kết nhất trí và thực thi linh đạo của sự hiệp thông. Ý thức hiệp thông của Giáo Hội, trở thành một linh đạo của sự hiệp thông, cổ vũ cách suy nghĩ, cách nói năng và cách hành động, khiến Giáo Hội vững tiến theo chiều sâu và chiều rộng. Hẳn thật đời sống hiệp thông trở nên một dấu chỉ đối với thế gian và trở thành một sức thu hút đưa đến việc tin nhận Chúa Ki-tô" (ĐTH số 46).

"Lời Chúa Ki-tô cầu xin Chúa Cha, trước khi chịu nạn, để cho các môn đệ nên một (x. Ga 17, 21-23) còn kéo dài trong kinh nguyện và trong hành động của Giáo Hội. Những người được mời gọi sống đời thánh hiến làm sao không cảm thấy mình có liên quan? " (ĐTH số 100).

- Xây dựng hiệp nhất bằng tình thương, nhờ cầu nguyện, Lời Chúa, Thánh Thể: "Đời sống huynh đệ, được hiểu như một cuộc sống san sẻ trong tình yêu, là một dấu chỉ rõ ràng của sự hiệp thông trong Giáo Hội…Sẽ không có hiệp nhất thật sự nếu không có tình yêu thương nhau vô điều kiện… Điều đó thực hiện được nhờ tình yêu thương nhau giữa các thành viên trong cộng đoàn, một tình yêu được nuôi dưỡng bằng Lời và bằng Thánh Thể, được tinh luyện bằng Bí tích Hoà giải, được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất, là ân huệ mà Chúa Thánh Thần trao ban cho những ai biết lắng nghe và vâng theo Tin Mừng" (ĐTH số 42).

2. Cộng đoàn: môi trường và điểm tựa cần thiết để nên thánh:

Không thể bỏ qua giáo huấn của Gaudete et Exsultate về nội dung nầy:

- Cả một cộng đoàn có thể cùng nhau nên thánh: “Nên thánh là một hành trình trong cộng đoàn, sống cùng với những người khác. Chúng ta thấy điều này nơi một vài cộng đoàn thánh thiện. Đôi khi Giáo Hội đã tuyên thánh trọn cả cộng đoàn đã sống Tin Mừng một cách anh hùng hay đã dâng hiến cho Thiên Chúa sự sống của tất cả các thành viên. (...). Cũng thế, có nhiều cặp vợ chồng thánh thiện, trong đó mỗi người trở thành một phương tiện mà Đức Kitô dùng để thánh hóa người kia. Sống hay làm việc cùng với những người khác chắc chắn là một con đường tăng trưởng thiêng liêng. Thánh Gioan Thánh Giá đã nói với một trong các môn đệ của ngài: “Con sống với những người khác là để được họ uốn nắn và thử thách về đàng nhân đức”[11].

- Môi trường cần thiết để khám phá, nuôi dưỡng, phát triển ơn gọi nên thánh: “Việc chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thế với nhau thúc đẩy tình huynh đệ và làm cho chúng ta dần dần trở thành một cộng đoàn thánh thiện và truyền giáo. Điều đó cũng làm nảy sinh những kinh nghiệm thần bí đích thực chia sẻ chung với nhau, như trường hợp của thánh Biển Đức và thánh Scholastica, hay như kinh nghiệm thiêng liêng tuyệt vời được chia sẻ bởi thánh Augustinô và Mẹ ngài là thánh Mônica.”[12]

- Đời sống cộng đoàn có biết bao nhiêu “việc nhỏ” để giúp nên thánh: “Đời sống cộng đoàn, dù là trong gia đình, giáo xứ, cộng đoàn tu trì hay bất cứ cộng đoàn nào khác, được hình thành bởi bao điều nhỏ nhặt thường ngày. Đó thực sự là trường hợp của cộng đoàn thánh, được họp thành bởi Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, ở đó phản ánh một cách mẫu mực vẻ đẹp của sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó cũng là đời sống mà Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ của Ngài và với dân chúng.

Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết:

Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới;

Chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc mất;

Chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ;

Chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường họp chàng rể đến chậm;

Chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh;

Chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.

Một cộng đoàn biết trân trọng những chi tiết nhỏ của tình yêu, nơi đó các thành viên chăm sóc lẫn nhau và tạo ra một môi trường mở và đầy tinh thần Phúc âm, là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hóa cộng đoàn theo kế hoạch của Chúa Cha. Có đôi khi, nhờ món quà tình yêu của Chúa giữa những chi tiết nho nhỏ này, chúng ta được Thiên Chúa ban cho những kinh nghiệm an ủi.”[13]

3. Lớn lên trong trường học của Giáo Hội (Hay vận dụng Học thuyết xã hội của Giáo Hội vào đời sống cộng đoàn):

Để nắm bắt nội dung ý nghĩa về việc “vận dụng” nêu trên, xin được mượn lời của nữ tu Maria Lê Thị Kim (Học Viện MTG.QN NK 17-18): “Như một quy luật tất yếu, trần thế và thiêng liêng, cộng đồng xã hội và cộng đoàn tu trì thuộc hai lãnh vực khác nhau, cho nên khó có thể dung hòa khi áp dụng những nguyên tắc và các giá trị hướng dẫn của đời sống này vào đời sống sống kia. Tuy nhiên, học thuyết về xã hội của Giáo Hội Công Giáo đã được rút ra từ nền tảng luân lý tự nhiên và luân lý Tin Mừng để đưa ra các nền tảng và các giá trị như: nhân phẩm, công bằng, liên đới, bổ trợ, sự thật, tự do, tình yêu...rất phù hợp với từng cá nhân trong mối tương quan với cơ cấu xã hội con người, hay với các cộng đồng xã hội con người trong bất cứ hoàn cảnh hoặc thể chế nào trên thế giới.”[14]

Và sau đây là những điểm cần vận dụng:

Học thuyết Xã Hội của Giáo Hội được xây dựng và định hướng trên 4 nguyên tắc: Nhân phẩm, Công ích, Bổ trợ, Liên đới; và 4 giá trị: Sự thật, Tự do, Công bằng và Yêu thương.

Để cùng nhau xây dựng một cộng đoàn “hiệp thông thật sự”, chúng ta cần nhấn mạnh “2 nguyên tắc: NHÂN PHẨM, LIÊN ĐỚI và 2 giá trị: TỰ DO, YÊU THƯƠNG.”

3.1. Nguyên tắc “NHÂN PHẨM”:

3.1.1. Những điều Giáo Hội dạy:

Con người là trọng tâm của mọi lĩnh vực và mọi biểu hiện trong xã hội: “Toàn bộ đời sống xã hội đều là sự biểu hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. … Nhận thức quan trọng này được phản ánh trong lời khẳng định sau đây: “Thay vì làm đối tượng hay làm nhân tố thụ động của đời sống xã hội”, con người “nên và phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống xã hội”.”[15]

Phẩm giá của con người: bất khả xâm phạm: “Trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, con người chính là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội Công Giáo. Thật vậy, toàn bộ Học thuyết Xã hội Công Giáo chẳng qua chỉ là sự triển khai nguyên tắc: con người có phẩm giá bất khả xâm phạm… Giáo Hội luôn cố gắng bênh vực phẩm giá con người mỗi khi có toan tính xác định lại hay bóp méo hình ảnh ấy; Giáo Hội cũng thường xuyên tố cáo những sự xâm phạm phẩm giá con người.”[16]

Giải đáp đúng về con người sẽ cho đáp án đúng về xã hội: “Đời sống con người, xã hội và lịch sử sẽ đi theo hướng nào tuỳ thuộc rất nhiều vào những câu trả lời mà chúng ta tìm được cho những câu hỏi về vị trí của con người trong thiên nhiên và xã hội. … Thật vậy, ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc sống con người được lộ ra khi con người tự do tìm kiếm sự thật nào có thể định hướng và đem lại sự sung mãn cho cuộc sống.”[17]

3.1.2. Cộng đoàn áp dụng:

Đây là nhận xét và đề nghị của một nữ tu Mến Thánh Giá Vinh trong việc “áp dụng nguyên tắc” trên: “Trên thực tế, chúng ta thường nhìn người khác bằng quan niệm và thành kiến của riêng ta và dễ có xu hướng bắt người khác suy nghĩ theo lối nhìn của ta. Tệ hơn, chúng ta thường lấy bản thân ta làm thước đo, làm tiêu chuẩn để đánh giá người khác. Sâu xa ra, chính là ta không muốn tôn trọng cái thế giới riêng tư của người khác, cái thế giới mà chỉ có Thiên Chúa mới có quyền biết. Do đó, để tiến đến đón nhận và yêu thương tha nhân, trước hết ta phải tôn trọng mỗi người như một nhân vị cá biệt, độc đáo, bất khả tương nhượng.”[18]

Và đây là ý kiến của một nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn: “Nói cách khác, có một tiêu cực lớn thường vẫn còn tồn tại trong nhiều cộng đoàn tu trì đó là người ta thường chú trọng đến tổ chức, cái đẹp của bề mặt bên ngoài của tập thể, sự ngăn nắp hoàn bị của đơn vị… mà quên đi việc thăng tiến, chăm sóc mỗi thành viên, trân trọng phẩm giá, nhân vị của từng người; nhất là những người kém may mắn, ít ỏi, không có gì nổi trội. Áp dụng nguyên tắc Nhân Vị trong đời tu cũng có nghĩa là không để ai cảm thấy mình bị lạc lõng, bị cô lập, bị coi thường…để phải dẫn đến cái kết cục ơn gọi bị đổ vỡ !”[19]

3.2. Nguyên tắc liên đới:

3.2.1. Những điểm giáo lý:

- Tột đỉnh của chiều kích Liên đới đó chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng liên kết nhân loại với nhau và với Thiên Chúa: “Tột đỉnh của viễn tượng mà chúng ta đang nói đến ở đây là chính cuộc đời Đức Giêsu Nazareth, Con Người Mới, Đấng đã kết hợp với nhân loại sâu xa tới mức “chết trên thập giá” (Pl 2, 8). Nơi Người, chúng ta luôn luôn nhận ra dấu chỉ sống động của một tình yêu khôn lường và siêu việt của “Thiên-Chúa-với-chúng-ta”, Đấng đã mang lấy những tật bệnh của dân mình, cùng đồng hành với họ, cứu thoát họ và hợp nhất họ thành một.”[20]

- Trong viễn tượng đức tin, nguyên tắc liên đới dẫn tới sự hiệp thông của Ba Ngôi: “Lúc ấy, người thân cận của chúng ta không phải chỉ là một con người có những quyền lợi và sự bình đẳng căn bản cùng với hết mọi người, mà còn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha, đã được máu Đức Giêsu Kitô cứu chuộc và được đặt dưới tác động trường kỳ của Thánh Thần. Thế nên, phải yêu thương tha nhân, dù đó là kẻ thù, bằng cùng một tình yêu như tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương họ; và chính vì ích lợi của người ấy mà người ta sẵn sàng hy sinh, thậm chí tới mức cuối cùng là hy sinh tính mạng vì anh em (x. 1 Ga 3, 16)”.[21]

- Làm nổi bật bản tính xã hội của nhân vị: “Xây dựng trên nền tảng triết lý xã hội, liên đới (solidarité, solidarity, solidaridad) nhìn con người như một hữu thể xã hội, một đồng bào, một thành phần của nhân loại và nhất là một nhân vị. Vận mệnh của mỗi người được nối kết và gắn chặt với vận mệnh của bao nhiêu người khác. Chiều kích liên đới này là yếu tố nền tảng của con người sống bên nhau và sống với nhau trong một thế giới.”[22]

- Liên đới, một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý: “Đây là một yêu cầu luân lý vốn tồn tại trong hết mọi mối quan hệ của con người. Bởi đó, cần phải nhìn sự liên đới dưới hai khía cạnh bổ sung cho nhau: liên đới là một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý.”[23]

3.2.2. Áp dụng vào đời sống cộng đoàn:

“Xây dựng tình liên đới qua tương quan với nhau, hổ trợ nhau, trò chuyện, trao đổi để nâng đỡ nhau, giúp nhau cũng thăng tiến trong đời sống tu đức, trí thức cũng như nhân bản. …Để sống tình liên đới, cần tập sống hy sinh xả kỷ vì người khác.… Trong đời sống tu trì, việc liên đới còn được áp dụng trong đời sống phụng vụ, nguyện cầu nơi nguyện đường. Sống mỗi tương quan với tha nhân để lắng nghe, để cảm thông và đặc biệt tình liên đới này được biểu hiện khi ta biết đem những thao thức, trăn trở của tha nhân đến với Chúa. … Liên đới giúp cho các thành viên và các cộng đoàn cộng tác với nhau, với bề trên, với những người có trách nhiệm…để Hội dòng đạt được mục tiêu chung và cùng nhau thăng tiến.”[24]

3.3. Giá trị “Tự do”:

3.3.1. Giáo huấn Giáo Hội:

- Dấu chỉ phẩm giá tuyệt vời của con người: “Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người cho thấy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và do đó, cũng là dấu chỉ cho biết phẩm giá tuyệt vời của mỗi người. “Tự do diễn ra trong các quan hệ giữa người với người. Mỗi người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có quyền tự nhiên là được nhìn nhận như một hữu thể tự do và có trách nhiệm.”[25]

“Tự do đích thực không phải là khả năng chọn bất cứ thứ gì mình muốn, dù tốt hay xấu, mà là khả năng chọn lựa điều thiện hảo. Chỉ trong con người tự do mới có thể lãnh nhận trách nhiệm. Được tự do cá nhân, con người trở nên độc đáo…”[26]

“Điều vĩ đại nhất được ban tặng cho con người là được chọn lựa, là tự do” (Soren Kierkegaard)[27]

3.3.2. Áp dụng vào cộng đoàn tu trì:

- Đồng hành thay vì kiểm soát: “Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta gặp những nhà đào tạo giống “công an” hay nhà quản trị hơn là một người bạn đồng hành. Phải chăng vì khả năng của bản thân còn quá hạn chế, không bao quát được nên một số vị đã nệ luật, đưa vào khuôn khổ để quản trị theo kiểu “kiểm soát không được thì cấm” như nhà nước vẫn thường áp dụng…”[28]

- Sáng tạo, sinh động thay vì cứng nhắc, rập khuôn: “Một cộng đoàn lấy vào luật lệ làm thước đo và sẵn sàng áp dụng mọi hình thức kỷ luật chỉ để nhắm đến sự ổn định, xuôi chảy, không gì sai chạy sẽ sớm trở thành một cộng đoàn vô hồn, tồn tại một cách tẻ nhạt và thiếu sức sống.

Được ‘sản xuất’ từ những cái lò với bầu không khí ô nhiểm như thế, các tu sĩ dường như dĩ nhiên trở thành “cá mè một lứa”, rập khuôn và ‘khờ người’ ra như người ta vẫn nói. Chúng ta rất thường nghe những câu nhận xét hết sức chân tình, thực tế mà cũng rất đau lòng về các tu sĩ, đại loại như: ‘nhìn chú hiền hiền, ’ ‘lù đù như thầy tu, ’ ‘hiền như ma sơ’. Đó là cái Mẫu rập khuôn mà chúng ta đang quảng diễn cùng thế gian. Còn chăng cái chức năng là nguồn an ủi và chổ dựa tinh thần cho mọi người của tầng lớp tu sĩ khi họ thiếu trưởng thành và quá xa rời cuộc sống như thế? Giá như dưới mắt người đời, người tu sĩ luôn là những con người có thái độ bình thản, khoan thai nhưng rất nhạy cảm với nhân tình thế thái, dám nghĩ, dám làm và có khả năng sưởi ấm những tâm hồn giá buốt và xoa dịu những vết thương lòng đang rướm máu khắp nơi.”[29](Xem thêm: Huấn thị “XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ”)[30]

3.4. Giá trị “Yêu thương”:

3.4.1. Giáo huấn Giáo Hội:

- Tình yêu: tiêu chuẩn và phổ quát nhất của đạo đức xã hội:

“…tình yêu trong giá trị thật của nó, coi đó như tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội.Trong mọi con đường sống của nhân loại, kể cả những con đường đã được tìm kiếm và đón nhận để đáp ứng những vấn đề xã hội hiện hành, bằng những hình thức càng ngày càng mới mẻ, có một con đường “trổi vượt hẳn” (x. 1 Cr 12, 31), đó chính là con đường mang đậm nét yêu thương.”[31]

- Tình yêu là nền tảng để khai sinh và phát triển các giá trị cao cả: “Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển.”[32]

- Công lý, luật pháp… đều phải được tình yêu hướng dẫn mới có giá trị: “trong bất cứ lĩnh vực quan hệ liên vị nào, có thể nói, công lý phải được điều chỉnh thật nhiều bởi tình yêu, vì như thánh Phaolô nói, tình yêu hay bác ái vốn ‘nhẫn nại và nhân hậu’ hoặc có thể nói, đó là tình yêu mang những đặc điểm của lòng thương xót, là cốt tuỷ của Tin Mừng và của Kitô giáo”[33].

3.4.2. Áp dụng vào cộng đoàn tu trì:

- Xuất phát lại từ tâm điểm: Tình yêu của Đức Kitô: “Xuất phát lại từ Đức Ki-tô có nghĩa tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo Người. Bước đầu là tình yêu của Thiên Chúa. Bước tiếp mới là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa. Nếu “chúng ta yêu mến” đó là “Người đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4, 10.19). Điều đó có nghĩa là nhìn nhận Người yêu ta với cái ý thức sâu đậm đã làm cho thánh Phao-lô thốt lên: “Đức Ki-tô đã yêu tôi và đã hiến mạng sống cho tôi” (Gl 2, 20). Chỉ khi ý thức mình được yêu thương vô cùng mới có thể giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn riêng tư hay do cơ cấu. Người thánh hiến không thể có tính sáng tạo, có khả năng canh tân tu hội và mở ra những con đường mục vụ mới nếu họ không cảm thấy được yêu mến với tình yêu ấy. Chính tình yêu ấy làm cho họ trở nên mạnh mẽ, có thể dám làm mọi sự.”[34]

- Ưu tiên một: một cộng đoàn yêu thương: “Có thể nói, yêu thương là phẩm chất của nhân cách đời tu. … Để tiến đến nhân cách đời tu, họ phải sống tích cực trên bình diện đức tin. Nghĩa là họ yêu thương người khác không chỉ vì đã được yêu thương mà còn vì họ đã cảm nghiệm tình Chúa yêu thương. Thế nên, động lực thúc đẩy họ sống đời tu cách tích cực và hữu hiệu hơn cả là tình yêu Chúa. Cũng vì tình yêu, họ coi cộng đoàn là nhà mình, nơi đây, họ thực hiện mọi dự phóng của cộng đoàn nhằm thăng tiến từng cá nhân. Nơi đây, mọi người chấp nhận họ như họ là, nghĩa là cả ưu điểm và khuyết điểm đều được cộng đoàn nhìn nhận. Nói cách khác, họ được sống với tất cả con người giới hạn của mình. Có thể nói, sống thật với chính mình như thế là một trong những nét đẹp của nhân cách đời tu.

Ngoài ra, sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn cũng góp phần tô điểm nét đẹp nội tâm. Người già kiên nhẫn và lắng nghe người trẻ, ngược lại, người trẻ yêu thương và tôn trọng người già. Chính trong viễn tượng này, tình yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi. Thật vậy, một cộng đoàn yêu thương là có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia. Không có một chi tiết nhỏ mọn nào của cá nhân mà không thuộc về cộng đoàn. Cũng vậy, một nhân cách triển nở thì cộng đoàn tăng tiến.”[35]

Kết luận:

Cuộc "hành trình hiệp nhất" mãi mãi là con đường nhiêu khê, đòi hỏi hy sinh, khiêm nhượng, yêu thương và đón nhận, (cho dù đôi lúc phải cắn răng mà đón nhận như đón nhận một thứ "Mùi cọp"!)[36]. Đó cũng chính là điều mà Đức Cha F.X Nguyễn Văn Thuận đã viết trong khi Ngài còn bị cầm tù:

Xin Chúa cho con năng xét mình:

"Ai là trung tâm của đời tôi? "

"Tôi hay Chúa? "

Nếu Chúa là trung tâm,

Ngài sẽ qui tụ mọi người hiệp thông.

Nếu thấy thiên hạ quanh con dần dần rút lui tản mác,

Ấy là dấu con đang tự đặt mình làm trung tâm"[37]

Sau cùng, nếu phải dùng “ngôn ngữ biểu tượng” hay “ngôn ngữ dụ ngôn” của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêô đoạn 5, câu 13-16, thì để đời sống cộng đoàn chúng ta được tươi mát đầy chất hương thơm nồng của tình “tỷ-muội”, của phục vụ yêu thương, của thuận hòa chia sẻ…thì mỗi người hãy phấn đấu trở thành “hạt muối ướp hương nồng” và “ngọn đèn rực lên ánh sáng”; hay như cách cảm nhận tuyệt vời của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng: “Ở giữa lòng Hội Thánh, con sẽ là tình yêu”[38]. Vâng, chỉ có tình yêu mới giúp người tu sĩ sẵn sàng chấp nhận “Mùi cọp” giữa cộng đoàn để nhờ đó mà “đời tu đạt thành chánh quả”.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

[1] Nguồn: Kênh thông tin Xuân Bích:

http://xuanbichvietnam.net/trangchu/moi-nam-co-hon-3000-tu-si-roi-bo-doi-song-thanh-hien/

[2] SĐD (ĐGH. Phanxicô, Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, số 3). Nguồn : http://www.betrenthuongcap.net/tong-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-tat-ca-cac-nguoi-tan-hien-nhan-dip-nam-doi-song-thanh-hien.html

[3] Xem: Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền: Văn hoá “Zapping” ảnh hưởng tới hôn nhân: “Phải chăng cuộc khủng hoảng này cũng liên hệ đến một thứ văn hóa mới mà người ta gọi là văn hóa “zapping”. Văn hóa Zapping nghĩa là việc hay thay đổi các kênh truyền hình bằng điều khiển từ xa. Văn hóa này nói về hiện tượng đa số chúng ta mỗi lần đến quảng cáo là liền remos qua chương trình khác ngay, hoặc một chương trình nhàm chán là họ chuyển kênh ngay. Văn hóa Zapping cũng là một thói quen lướt wed trên điện thoại hay Ipad được ghi nhận là nhiều người trở thành con nghiện Internet.” Nguồn: Trang mạng giáo phận Xuân Lộc: http://giaophanxuanloc.net/dac-biet/van-hoa-zapping-anh-huong-toi-hon-nhan-4413.html

[4] ĐGH Phanxicô, tông huấn Gaudete et Exultae (GE) số 167:

[5] Theo nhận định của báo La Croix. Nguồn:

http://xuanbichvietnam.net/trangchu/moi-nam-co-hon-3000-tu-si-roi-bo-doi-song-thanh-hien/

[6] Ibid.

[7] SĐD (ĐGH. Phanxicô, Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, số 3). Nguồn: http://www.betrenthuongcap.net/tong-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-tat-ca-cac-nguoi-tan-hien-nhan-dip-nam-doi-song-thanh-hien.html

[8] SĐD số 41

[9] Linh đạo và đoàn sủng của Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang.

[10] ĐGH. Phanxicô, Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, số 29

[11] Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ. Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ (GAUDETE ET EXSULTATE). Chuyển ngữ: Giám mục Đỗ Văn Ngân. Nxb. Tôn giáo 2018. Số 141. Tr. 93-94.

[12] Ibid. Số 142. Tr. 95.

[13] Ibid. Các số 143-145. Tr. 95-97.

[14] Maria Lê Thị Kim, Học viện MTG.QN, NK 17-18: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔN GIÁO VÀ CỘNG ĐOÀN TU TRÌ. Nguồn: Trang mạng Giáo phận Qui Nhơn: http://gpquinhon.org/q/dong-mtg-qui-nhon/hoc-thuyet-xa-hoi-cong-giao-va-cong-doan-tu-tri-1110.html

[15] HĐGMVN, Ủy Ban Bác ái Xã Hội. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Số 106. Tr. 99-100.

[16] Ibid.. Số 107, tr. 100

[17] Ibid.. Số 15, tr. 37

[18] Soeur Sourire 2: TU SĨ LỚN LÊN TRONG TƯƠNG QUAN VỚI CỘNG ĐOÀN. Nguồn: trang Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Link: http://mtgvinh.net/tu-si-lon-len-trong-tuong-quan-cong-doan/2014/08/

[19] Maria Lê Thị Kim, Học viện MTG.QN, NK 17-18: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔN GIÁO VÀ CỘNG ĐOÀN TU TRÌ. Nguồn: Trang mạng Giáo phận Qui Nhơn: http://gpquinhon.org/q/dong-mtg-qui-nhon/hoc-thuyet-xa-hoi-cong-giao-va-cong-doan-tu-tri-1110.html

[20] SĐD (HĐGMVN, Ủy Ban Bác ái Xã Hội. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo). Số 196, tr. 153.

[21] Ibid. số 196, tr. 154.

[22] GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công Giáo, Phần II, chương 9, tr. 165.

[23] SĐD (HĐGMVN, Ủy Ban Bác ái Xã Hội. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo). Số 193, tr. 151.

[24] Maria Lê Thị Kim, Học viện MTG.QN, NK 17-18: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔN GIÁO VÀ CỘNG ĐOÀN TU TRÌ. Nguồn: Trang mạng Giáo phận Qui Nhơn: http://gpquinhon.org/q/dong-mtg-qui-nhon/hoc-thuyet-xa-hoi-cong-giao-va-cong-doan-tu-tri-1110.html

[25] HĐGMVN, Ủy Ban Bác ái Xã Hội. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Số 199. Tr. 156.

[26] DOCAT. Câu hỏi 106. Tr. 106

[27] Ibid. tr.106

[28] Soeur Sourire 2: TU SĨ LỚN LÊN TRONG TƯƠNG QUAN VỚI CỘNG ĐOÀN. Nguồn: trang Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Link:

http://mtgvinh.net/tu-si-lon-len-trong-tuong-quan-cong-doan/2014/08/

[29] Ibid.

[30] Sđd: “Các Tu hội thánh hiến càng ngày càng có đặc tính khác biệt về văn hoá, tuổi tác và dự phóng. Việc huấn luyện phải chuẩn bị cho biết đối thoại trong cộng đoàn, với lòng chân thành và bác ái của Đức Ki-tô, bằng cách dạy cho biết nhìn xem sự khác biệt như là một sự phong phú và làm quen với các cách nhìn và cảm nghĩ khác nhau. Nỗ lực liên lỉ tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức ái như thế sẽ trở thành trường dạy hiệp thông cho các cộng đoàn ki-tô hữu và là một đề nghị cho sự chung sống huynh đệ giữa các dân tộc.”

[31] SĐD (HĐGMVN, Tóm lược…) số 204, tr. 158.

[32] Ibid. số 205, tr. 158.

[33] Ibid. số 206 và 207, tr. 159-160.

[34] Thánh Bộ đời sống thánh hiến và hiệp hội tông đồ, Huấn Thị “XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ”, SỐ 22

[35] Eymard An Mai Đỗ, O.Cist. Nhân Cách Đời Tu, tr. 37. Bản PDF: Nguồn:

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/DoiSongThanhHien/64NhanCachDoiTu.pdf

[36] Truyện ngắn “Mùi Cọp” của Quý Thể (Xem trang mạng: https://cafevannghe.wordpress.com

[37] ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, tr. 247-248

[38] Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Manuscrit B, 3v: Manuscrits autobiographiques (Paris 1992) 299. (Xem thêm GLHTCG số 826)