1. Tây Ban Nha ra phán quyết 133 năm tù cho cựu đại tá đã giết 5 linh mục Dòng Tên ở El Salvador

Một tòa án ở Tây Ban Nha hôm thứ Sáu đã kết án một cựu đại tá người Salvador 133 năm tù về tội giết 5 linh mục người Tây Ban Nha ở El Salvador hơn ba thập kỷ trước.

Tòa án quốc gia của Tây Ban Nha đã ra phán quyết rằng Inocente Orlando Montano, một cựu đại tá từng là thứ trưởng bộ nội vụ của El Salvador trong cuộc nội chiến 1979-1992, phải chịu trách nhiệm về “vụ ám sát khủng bố” năm 1989.

Montano, 77 tuổi, ngồi trên xe lăn khi các thẩm phán đọc bản án, phạt ông 26 năm, tám tháng và một ngày cho mỗi cái chết. Bản án có thể bị kháng cáo.

Mỹ đã dẫn độ Montano sang Tây Ban Nha vào năm 2017. Trong phiên xét xử đầu năm nay, Montano phủ nhận đã tham gia hoặc ra lệnh thực hiện các vụ thảm sát dẫn đến cái chết của 8 người trong khuôn viên Đại học Trung Mỹ.

Năm trong số các nạn nhân là các linh mục Dòng Tên người Tây Ban Nha, bao gồm linh mục Ignacio Ellacuría, người thường được coi là đi tiên phong trong thần học Giải phóng.

Tổng cộng bản án lên đến hơn 133 năm tù. Trước tòa Montano nhìn với vẻ mặt bàng quang, mặt lạnh như tiền, không để lộ cảm giác nào khi tòa tuyên án.


Source:AP

2. Đức Tổng Giám Mục Brisbane phê bình nghị viện tiểu bang thông qua luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội

Ðức Cha Mark Coleridge, Tổng giám mục Brisbane, thủ phủ bang Queensland, Úc Đại Lợi, phê bình nghị viện tiểu bang thông qua luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội, phải trình báo khi có hối nhân xưng tội lạm dụng tính dục trẻ em, ai vi phạm sẽ bị phạt ba năm tù.

Dự luật này đã được thông qua, hôm 8 tháng 9 năm 2020, với sự ủng hộ của phe đối lập là đảng Quốc gia tự do ở bang Queensland.

Phản ứng về vụ này, Ðức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc Đại Lợi nhận định rằng đòi hỏi vừa nói của luật sẽ không gia tăng an ninh cho người trẻ và dự luật này dựa trên một “kiến thức nghèo nàn về bí tích giải tội thực sự được thi hành như thế nào trong thực tế”.

Trong tuần lễ trước đây, Hội đồng Giám mục Úc cũng đã phổ biến các câu trả lời của Tòa Thánh về 12 đề nghị, trong phúc trình năm 2017 của Ủy ban Hoàng gia Úc, trong đó có đề nghị Giáo Hội Công Giáo bãi bỏ ấn tín bí mật tòa giải tội trong trường hợp hối nhân xưng tội lạm dụng tính dục trẻ em, và cha giải tội chỉ được ban phép xá giải sau khi hối nhân thú tội với cảnh sát.

Trong câu trả lời, Tòa Thánh bác bỏ đề nghị của Ủy ban Hoàng gia và khẳng định đặc tính bất khả xâm phạm của bí tích, và việc ban phép xá giải không thể chịu pháp chế đối với những hành động tương lai ở tòa ngoài lương tâm. Nhưng Tòa Thánh nhận xét rằng linh mục giải tội “có thể, và trong một số trường hợp, phải khuyến khích nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ ngoài tòa giải tội”. Linh mục cũng có thể khuyến khích hối nhân trình báo với chính quyền.

Ðức Tổng giám mục Coleridge cũng nhận xét rằng luật mới của nghị viện bang Queensland biến các linh mục trở thành những nhân viên nhà nước, hơn là người phục vụ Thiên Chúa và Ðức Cha nêu vấn đề lớn về tự do tôn giáo của người dân tại Australia.

Cho đến nay đã có bốn bang ở Úc Đại Lợi ban hành luật tương tự, buộc các linh mục vi phạm bí mật tòa giải tội, đó là bang Victoria, Tasmania, Nam Australia và Vùng Thủ đô Canberra, trong hai hai bang New South Wales và Tây Australia, không có luật như vậy.

Hồi đầu năm 2020, Tòa Thánh nói với các giám mục Úc Đại Lợi rằng ấn tín tòa giải tội là điều bất khả xâm phạm và được áp dụng cho tất cả mọi tội linh mục biết được trong tòa giải tội, từ hối nhân hoặc từ người khác. Giáo huấn truyền thống của Giáo hội về vấn đề này là một đòi hỏi do chính bản chất của bí tích giải tội, và như vậy có nghĩa là từ chính luật của Chúa.

Tại Mỹ, trước đây cũng có một vài nơi muốn làm luật bó buộc các cha giải tội phải báo cáo với chính quyền về những tội lạm dụng tính dục đã nghe được từ hối nhân. Một số linh mục nhận xét rằng làm luật như thế là vô ích, vì không một hối nhân nào đi xưng tội lạm dụng nếu biết rằng mình sẽ bị cha giải tội tố cáo với cảnh sát.


Source:Catholic News Agency

3. Tổng thống Trump mở rộng danh sách các ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư đã công bố thêm tên của các ứng viên mà ông sẽ đề cử vào Tòa án Tối cao, mặc dù hiện tại tòa án không còn chỗ trống.

Ngoài danh sách hiện có của Toà Bạch Ốc gồm hai mươi ứng viên của Tòa án Tối cao, Tổng thống Trump đã bổ sung thêm 20 người nữa vào ngày 9 tháng 9, bao gồm ba thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đang tại chức.

Trong số những người có tên trong danh sách mới có Stewart Kyle Duncan thuộc Tòa phúc thẩm Quận Hạt Năm — cựu tổng cố vấn cho tập đoàn luật sư về tự do tôn giáo Becket — và Peter Phipps của Tòa phúc thẩm Quận Hạt Ba, là thành viên trong Đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố. Ông đã là nạn nhân của những câu hỏi hóc búa do Thượng nghị sĩ Kamala Harris đưa ra khi ông là ứng viên của tòa án Quận Hạt Ba vào năm 2018.

Amy Coney Barrett của tòa án Quận Hạt Bẩy, một cựu giáo sư tại Đại học Notre Dame và là một bà mẹ Công Giáo của bảy người con, nằm trong danh sách đề cử hiện có của Toà Bạch Ốc.

Các nhà lãnh đạo phò sinh đã ca ngợi tuyên bố hôm thứ Tư của Tổng thống Trump. Jeanne Mancini, chủ tịch March for Life, cho biết việc bổ nhiệm các thẩm phán phò sinh cho các tòa án liên bang là “một trong những thành tựu lớn nhất của Tổng thống Trump” trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và cô bày tỏ hy vọng rằng “quá trình đó sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ thứ hai.” Marjorie Dannenfelser, chủ tịch của Susan B. Anthony List và là đồng chủ tịch của chiến dịch ủng hộ cuộc sống của tổng thống Trump nói rằng danh sách mới này “chứa đầy những ngôi sao”.

Thông báo hôm thứ Tư được đưa ra tám tuần trước cuộc tổng tuyển cử và đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đưa ra danh sách các ứng viên vào Tòa án Tối cao trong một năm bầu cử.

Sau khi ông được tuyên bố là ứng viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào tháng 5 năm 2016, ông Trump đã công bố danh sách ban đầu gồm 11 ứng viên của Tòa án Tối cao. Thẩm phán Antonin Scalia đã qua đời vào tháng Giêng và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell đã từ chối xác nhận ứng viên của Tổng thống Obama cho Tòa Án Tối Cao, là ông Merrick Garland, nói rằng Thượng viện sẽ đợi cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống để điền vào ghế của Scalia.

Tháng 9 năm 2016, Tổng thống Trump đã thêm vào danh sách đó và một lần nữa vào năm 2017, mở rộng danh sách lên hai chục người trước thông báo của ông vào hôm thứ Tư.

Tại một cuộc tranh luận tổng thống vào tháng 10 năm 2016, ông Trump cam kết sẽ bổ nhiệm các thẩm phán, những người sẽ lật đổ phán quyết Roe chống Wade. Năm 2017, ông đề cử Neil Gorsuch làm người thay thế Scalia và vào năm 2018 đề cử Brett Kavanaugh thay thế cho thẩm phán Anthony Kennedy, người đã nghỉ hưu. Cả hai đều đã rất vất vả đối phó với các Thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ. Thẩm phán Brett Kavanaugh đặc biệt đã phải đối phó với những câu hỏi hóc búa của bà Kamala Harris.


Source:Catholic News Agency