Không biết Tiến sĩ Weigel có xuất thân từ Đại Học Oxford hay không, nhưng Đức Hồng Y Pell, Cựu Thủ Tướng Úc Abbott và Linh mục Dòng Tên Mankowski, người vừa qua đời, đều là cựu sinh viên Đại học nổi tiếng Oxford, tuy xuất thân từ các nơi hoàn toàn khác nhau: Đức Hồng Y George Pell sinh ở Ballarat, Úc; Cựu Thủ Tướng Tony Abbott sinh ở London, Anh; còn Linh mục Paul Mankowski sinh ở South Bend, Indiana, Mỹ.

Nhưng số mệnh đã đẩy cả ba cựu sinh viên sáng chói của Oxford trên vào thế bị phe cấp tiến cả trong Giáo Hội lẫn xã hội đầy ải, dù thế, họ vẫn tiếp tục tiến bước trong niềm xác tín của họ và sẵn sàng lên tiếng quảng bá niềm xác tín ấy, không hề chùn bước.



Linh mục Paul Mankowski thì mới qua đời cách nay đúng hai tuần lễ, vào ngày 3 tháng 9, 2020, tại Illinois, Mỹ, mới 66 tuổi vì chứng xuất huyết não. Cái chết của ngài được rất nhiều cơ quan ngôn luận đề cập đến, riêng tuần báo nổi tiếng của Dòng Tên Mỹ, America, thì im tiếng, có lẽ vì bận vận động cho liên danh Biden-Harris!

Đọc hai bài điếu văn của Đức Hồng Y Pell và của Cựu Thủ Tướng Abbott, người ta mới vỡ lẽ. Đức Hồng Y Pell cho hay Linh Mục Mankowski làm ngài nhớ đến Thánh Inhaxiô thành Loyola, vị sáng lập ra Dòng Tu được Cha Mankowski gia nhập và là người lính hoán cải đã thay đổi lịch sử Giáo Hội sau Phong Trào Cải Cách.

Có điều, oái oăm thay, Đức Hồng Y nhắc đến một tình tiết khiến người ta nghĩ đến cái trớ trêu của việc so sánh trên: trong thời gian ở nhà tập lần thứ ba (tertianship), Cha Mankowski đã nghiên cứu các trước tác của vị sáng lập dòng và khám phá ra rằng có lúc Thánh Inhaxiô đắn đo việc tìm cách gia nhập một dòng tu sa đọa nhất để chịu đau khổ hơn vì Chúa Kitô.

Hóa ra, theo Tony Abbott, Cha Mankowski là một trong số những người phê phán Dòng Tên của ngài sắc bén hơn hết trong các lãnh vực đức tin và luân lý. Đức Hồng Y Pell cho hay Cha Mankowski “cực kỳ yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, than thở việc suy sụp của Kitô giáo trong thế giới Tây Phương và đặc biệt hối tiếc sự lu mờ của Dòng Tên khi họ đánh mất hai phần ba hơn 30,000 thành viên của thập niên 1960.

Trong nhiều thập niên, Cha Mankowski sống trong những bình diện chính thức bác bỏ khác nhau. Theo Đức Hồng Y Pell, có lẽ một số bề trên của Cha hy vọng rằng nhờ thế Cha sẽ chuyển sang một lãnh vực khác của sinh hoạt Giáo Hội, nhưng cha bác bỏ giải pháp ấy. Cha nhất định ở lại và đấu tranh với hoàn cảnh. Nhờ tìm tòi các văn khố, việc chính trị gia Dòng Tên Robert Drinan đóng góp vào luật lệ phá thai đã bị cha vạch mặt. Tất cả các thái độ này, theo Đức Hồng Y Pell, đã khiến Cha gặp trở ngại khấn “lời khấn thứ bốn” dường như gồm trong lời khấn vĩnh viễn mà đến mãi năm 2012, Cha mới được khấn, 36 măm sau khi nhập dòng! Ngoài ra, Cha còn bị cấm viết lách và bị “giam lỏng” tại Viện Thánh Kinh (Biblicum) của Tòa Thánh tại Rôma, nơi Cha dạy tiếng Hy Lạp và Do Thái. Các hoài bão cải cách Dòng của Cha không được thể hiện.

Với cựu Thủ Tướng Abbott của Úc, Cha Mankowski là “the most striking man I have ever met” (người đàn ông nổi bật nhất tôi từng gặp). Cha là đàn anh của Abbott ở Đại Học Oxford năm 1981. Cha học triết lý La tinh và Hy lạp năm thứ hai; Abbott học chính trị và triết lý năm đầu. Cả hai đều có liên hệ với Dòng Tên, vì Abbott vốn xuất thân từ trường St Aloysius ở Milson Point và sau đó từ trường St Ignatius ở Riverview, cả hai đều của Dòng Tên ở Sydney. Còn Mankowski lúc đó đang chuẩn bị thụ phong linh mục trong Dòng này.

Abbott mô tả về đàn anh của mình “Paul không hoàn toàn là thứ sinh viên trung bình của bạn để chịu chức linh mục: đẹp trai, lực sĩ, không quá sơ sài, và có khả năng chọc cười nghiêng ngả ở phòng thay áo. Anh có ít nhất một cô bạn gái nghiêm túc trước khi vào Dòng Tên. Như một người đang vật lộn với viễn ảnh ơn gọi (sau khi tốt nghiệp Oxford, Abbott có đi tìm hiểu ơn gọi làm linh mục), một khi đã quen thuộc với cường độ sống mạnh mẽ nhưng rất tự nhiên của anh, tôi không những tha thiết muốn ở bên anh như một người bạn mà còn như một mẫu hình nữa... [anh] vừa là một tu sĩ Dòng Tên hoàn toàn dấn thân vừa là một hữu thể nhân bản ‘bình thường’”.

Có lẽ hình ảnh Abbott nhớ mãi về Mankowski là hình ảnh tập đánh quyền anh ở Oxford: “trong vòng rào đấu, thực hành của Paul ít tung đấm cho bằng đứng đó: một thứ chủ nghĩa khắc kỷ mà anh sẽ rất cần sau này”.

Khi Abbott đang tu học để làm linh mục ở Sydney, thì “điều rõ ràng là anh đã ‘ở vòng ngoài’ đối với các bề trên Dòng Tên của anh. Đức tin của anh là một đức tin vững chãi, thẳng đứng, rất đàn ông, biết tôn kính Thánh Kinh và Thánh Truyền. Đức tin của họ, ít nhất dưới mắt anh, luôn thay hình đổi dạng và quá chạy theo ‘các dấu chỉ thời đại’. Có lúc, tôi thắc mắc há anh không ‘phản đối thái quá’ đó sao, nhưng tôi sáng mắt ra sau khi sống một ít ngày tại nhà Dòng Tên ở Havard nơi anh đang học thêm (để lấy tiến sĩ ngữ học). Sự tương phản giữa Paul và các người khác ở đó khoảng năm 1990 hết sức tỏ tường; và đối với tôi, anh đáng phục hơn”.

Đến lúc thụ phong linh mục, Mankowski đã tiến xa trên nẻo đường trở thành người phê phán gay gắt nhất trong nội bộ Dòng. Đôi khi, viết dưới tên thật và đôi khi viết dưới tên giả, Cha lột da các linh mục và giám mục chỉ mang cổ cồn La Mã đi biểu tình phản kháng và nghĩ rằng luật độc thân là chuyện nhiệm ý. Lời châm biếm của cha quả là tàn bạo; phán đoán của cha không khoan nhượng; luận lý của cha không hề có lầm lỗi. Abbott cho rằng dù cho là mình hoàn toàn cam kết với đức ái Kitô giáo, các bề trên nhà dòng không bao giờ đương đầu tốt đẹp với các lời phê phán, nhất là khi chúng được biện minh, nên Mankowski phải chịu nhiều năm tháng bị tẩy chay ngay bên trong Dòng. Như trên đã nói, cha gần như bị khai trừ và từ khước cơ hội khấn trọn đời.

Có lúc Abbott thắc mắc tại sao lại nhẫn nhục như thế, tại sao không gia nhập tỉnh Dòng Tên Úc ít cấp tiến kiểu đấu tranh hơn, hay tại sao không nhập tổng giáo phận Sydney nơi George Pell là bạn và là người ngưỡng mộ. Nhưng Mankowski cho như thế là quá thế gian và quá lấy mình làm trung tâm. Sứ mệnh tự đặt cho mình của Mankowski là thúc các tu sĩ Dòng Tên một lần nữa trở thành lực lượng đặc biệt của đức tin và nếu điều này có nghĩa phải làm người ta bị ruồng bỏ cô đơn, thì cũng đành.

Tiến sĩ Weigel thì gợi lại hoài niệm về Cha Mankowski như một người bạn đã 30 năm nay: với một đức tin Công Giáo vững như đá, một thừa tác vụ linh mục anh hùng, một phong thái văn chương và hùng biện cường tráng.

Với Weigel, Paul Mankowski thông minh vượt mọi đồ biểu, một nhà ngữ học và học giả phi thường, nhưng lại coi nhẹ sở học và sự lanh trí đáng nể của mình. “Ngài ít khi phát biểu hoài nghi về bất cứ diều gì; nhưng biểu lộ một mẫn cảm lớn lao đối với các hoài nghi và hồ đồ của những người có lòng khiêm nhường nhìn nhận rằng mình đang lênh đênh trên biển. Ngài có thể dữ dội như Giêrêmia trong việc tố cáo bất công và bất lương; nhưng lòng cảm thương ngài bày tỏ với các linh mục anh em và hàng giáo dân bị thương tích thiêng liêng, biết tìm chữa lành qua công trình ơn thánh, cũng là một nét nổi bật trong nhân cách của ngài”.

Weigel không quên nhắc đến tính chính thống trong tư duy của Cha Mankowski, một nét đưa ngài vào vòng “nước nóng có nhiều nhiệt độ thay đổi với các anh em và bề trên Dòng Thánh Inhaxiô”.

Ngài thích tranh biện và khá lịch thiệp trong đó. “Điều làm ngài nản lòng là việc không sẵn lòng của phe Công Giáo cấp tiến trong việc thành thực cho thấy chi tiết lập trường của họ khi đấu tranh bảo vệ quan điểm. Một việc ngài ngỡ ngàng coi như một hình thức giả hình”.

Trung thành với truyền thống và chính thống

Sau khi khấn trọn đời năm 2012, Cha Mankowski trở thành học giả thường trú của Viện Lumen Christi tại Chicago, nơi đã tổ chức tang lễ cho Cha.

Theo trang mạng của Tỉnh Dòng Tên Trung Tây Hoa Kỳ, tỉnh dòng bao trùm miền đông Illinois, trong đó có Chicago, thì Cha Mankowski được cộng đồng học giả ở Viện Lumen Christi yêu qúi và trọng kính sâu xa và cái chết của ngài sẽ để lại cho họ một khoảng trống bao la.

Tiểu sử của Cha do tỉnh dòng cung cấp không nói nhiều đến khía cạnh bi đát trong lối đối xử của các bề trên với cha, nhưng nhấn mạnh tới lòng tận tụy của cha đối với truyền thống và nền chính thống.

Tiểu sử ấy nói rằng trước khi vào Dòng, Cha đã đậu cử nhân về Cổ Điển và Triết Học tại Đại Học Chicago. Ngài vào Dòng năm 1976 và thụ phong linh mục năm 1987 và khấn trọn đời năm 2012 tại khuôn viên Đại Học Loyola ở Chicago.

Cha đậu thạc sĩ về Cổ điển tại Đại học Oxford năm 1983, thạc sĩ Thần Học và Bằng Dạy Học (Licentiate) Thần Học của Trường Thần Học Weston của Dòng Tên năm 1987 và đậu tiến sĩ Ngữ Học Semitic So Sánh tại Đại học Harvard năm 1997.

Sau khi tốt nghiệp ở Oxford, Cha dạy tại Đại học Xavier (1983-1984) và sau khi đậu tiến sĩ, ngài dạy các ngôn ngữ Cựu Ước tại Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng ở Rôma từ 1994 tới 2009. Trong thời gian thứ ba ở nhà tập, ngài dạy tại Trường Graham Nghiên Cứu Tổng Quát của Đại học Chicago, và năm 2012 có làm quyền cha xứ một sứ đạo nói tiếng Anh ở Amman, Jordan, trước khi được bổ nhiệm làm học giả thường trú tại Viện Lumen Christi thuộc Đại học Chicago.

Cũng theo tiểu sử trên, Cha Mankowski say mê nghiên cứu, đọc rất rộng về thần học, các nghiên cứu Kinh Thánh, triết học và tư tưởng chính trị. Ngài rất hiểu biết các biến cố đương thời trong Giáo Hội, chính trị và văn hóa và sẵn sàng cung ứng quan điểm về các vấn đề này dựa trên nền tảng truyền thống và chính thống.

Tiểu sử cũng nhắc đến việc ngài sẵn sàng phục vụ mọi người và được nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội tham khảo ý kiến và quan điểm. Ngài có nhiều ý kiến vững chãi về những việc như các bản dịch gần đây nhất về Sách các bài đọc và Sách Lễ Rôma.

Đối với cộng đồng nhà dòng, tiểu sử vỏn vẹn cho hay: ngài hiện diện một cách thầm lặng, nhưng nhân hậu và quan tâm đến anh em và nổi tiếng về lanh trí và tài hài hước. Bạn có thể vặn lại đồng hồ khi thấy ngài đi bộ buổi sáng và lúc ngài cầu nguyện. Khi cần, ngài có thể nấu ăn, lau chùi, và săn sóc người bệnh. Không bao giờ ngài chịu kéo chú ý khi làm những việc này. “Dù có nhiều thiên tài về trí thức và ngữ học, Paul coi chúng rất nhẹ, và trong thâm tâm, là một người khiêm tốn không bao giờ quên mình xuất thân từ đâu, mình thuộc về ai và mình yêu thương ai. Dù Paul có những dị biệt thần học, triết học và chính trị với nhiều anh em Dòng Tên và đôi khi, cả với các bề trên nữa, tình yêu sâu xa của Paul đối với Giáo Hội, Dòng Tên và ơn gọi Dòng Tên là tầng đá nền của cuộc đời ngài, xác tín rằng lòng trung thành với ơn gọi này là đường cứu rỗi của ngài”.

Kỳ sau: Bài viết của Cha Mankowski: Điều gì đi sai (What Went Wrong?) về cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục