Như chúng tôi đã đưa tin, London Breed, là Thị trưởng San Francisco; và Gavin Newsom, là thống đốc tiểu bang California đã tung ra các chính sách hà khắc trong việc đóng cửa các nhà thờ. Từ ngày 14 tháng 9, thị trưởng London Breed của thành phố San Francisco, bang California thuộc đảng Dân chủ, chỉ cho phép tối đa 50 người được tham dự thánh lễ ngoài trời và không cho cử hành thánh lễ trong các thánh đường. Nhà thờ được phép mở cửa cho tín hữu vào cầu nguyện riêng, nhưng mỗi lần chỉ được một người mà thôi. Trước đó, ông ta đi xa đến mức chỉ cho tối đa 12 người được dự thánh lễ ngoài trời và nhà thờ bị đóng cửa hoàn toàn.

Chính vì thế, Đức Tổng Giám Mục San Francisco đã kêu gọi người Công Giáo tham gia các cuộc rước Thánh Thể trên toàn thành phố vào ngày 20 tháng 9 vừa qua, và tham dự các Thánh lễ bên ngoài tòa thị chính - để phản đối luật cách ly của thành phố được đề ra với dụng ý rõ rệt là ngăn cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự.

Dưới đây là toàn văn bài giảng của ngài tại Quảng trường Nhà thờ Đức Bà ở San Francisco vào ngày 20 tháng 9 năm 2020.


Đức Tổng Giám Mục nói:

Bất cứ khi nào tôi nghe bài Phúc Âm hôm nay, tôi lại nhớ đến những năm còn làm mục vụ tại giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe /gua-đa-lu-pê/ ở Calexico. Trong cái nóng bức như sa mạc, tôi thường chạy bộ vào sáng sớm, dọc theo hàng rào biên giới giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ. Ở đó, tôi đã thấy cảnh tượng chính xác như Chúa chúng ta mô tả trong bài Tin Mừng hôm nay: đông đảo những người đàn ông đứng trên đường, chờ được thuê mướn để làm việc trên cánh đồng hầu có thể kiếm được chút tiền công trong ngày.

Cũng giống như những lao động ở giờ thứ mười một, những người này là những kẻ ở cuối hàng: những người bị xã hội bỏ rơi và bị làm ngơ, những người gần như không thể sống sót. Thường thì những người như thế sẽ đến gõ cửa các nhà thờ để xin giúp đỡ, vì họ biết rằng khi đến một vùng đất mới và lạ, giáo hội sẽ giúp họ.

Tôi còn nhớ có một người đàn ông đến đất nước này mà không có giấy tờ tùy thân. Anh ta đã bấm chuông và hỏi xin tôi, lúc đó đang là cha xứ, giúp cho anh một vé xe buýt để đến nơi mà anh hy vọng thoát khỏi cảnh đói nghèo và bạo lực. Vì thế, tôi đã chở anh ta đến bến xe và mua cho anh ta một vé xe buýt. Tôi biết rằng tôi đã vi phạm pháp luật, vì việc chuyên chở một người di dân không có giấy tờ có nghĩa là vi phạm pháp luật. Nhưng luật pháp tối thượng vẫn là giới luật kính Chúa yêu người, và giới luật đó phải được ưu tiên hơn luật do con người đặt ra, đặc biệt là khi chính quyền yêu cầu chúng ta quay lưng lại với Chúa hoặc người lân cận đang gặp khó khăn.

Hiện nay ở San Francisco, tất cả chúng ta ở đây đang đứng ở cuối hàng. Dù giàu hay nghèo, dù là người mới đến hay những gia đình đã ở đây nhiều đời, chính đức tin Công Giáo của chúng ta đã gắn kết chúng ta, và chính vì đức tin Công Giáo của chúng ta mà chúng ta đang bị đẩy xuống hàng cuối cùng.

Nhiều tháng trước, chúng tôi đã đệ trình một kế hoạch an toàn lên thành phố bao gồm việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, như các cửa hàng bán lẻ đã làm. Thành phố đã cho phép các cửa hàng bán lẻ được mở cửa trở lại, trong khi những người Công Giáo chúng ta vẫn đang chờ hồi đáp của họ. Thành phố tiếp tục đặt ra những hạn chế phi thực tế và ngột ngạt đối với quyền thờ phượng tự nhiên và hợp hiến của chúng ta. Sự phân biệt đối xử cố ý này đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Đúng thế, gọi là “sự phân biệt đối xử”, bởi vì không có từ ngữ nào khác thích đáng hơn để miêu tả hành động này. Chúng ta hãy tự hỏi: Tại sao mọi người có thể mua sắm tại tiệm Nordstrom’s với 25% sức chứa nhưng chỉ có một người trong số anh chị em được phép cầu nguyện bên trong nhà thờ chính toà mênh mông của anh chị em? Đây có phải là sự bình đẳng không? Không! Không có gì có thể biện minh được cho quy định mới này ngoại trừ mong muốn đặt người Công Giáo — đặt anh chị em— xuống hàng cuối cùng.

Nhiều tháng trước, tôi đã thay mặt anh chị em giáo hữu để kêu cầu thành phố, và vận động cho nhu cầu được dự Thánh Lễ của anh chị em, và sự an ủi mà anh chị em có được từ việc thực hành đức tin, cũng như sự kết nối với cộng đồng đức tin của mình. Tòa thị chính phớt lờ chúng ta. Tòa thị chính phớt lờ anh chị em. Họ không phủ nhận quyền chính đáng của anh chị em, nhưng họ lại phớt lờ anh chị em. Tôi thấy rõ việc họ không quan tâm đến anh chị em. Đối với họ, anh chị em không là gì cả, đối với họ anh chị em không quan trọng. Xin cho tôi nhắc lại một lần nữa: đối với Tòa thị chính này, anh chị em không quan trọng.

Mỗi lần chỉ được một người được vào bên trong nhà thờ chính toà cầu nguyện? Thật là một sự xúc phạm. Đây là một sự nhạo báng. Họ đang chế nhạo anh chị em, và thậm chí còn tệ hơn nữa là họ đang chế nhạo Thiên Chúa.

Đối với Tòa thị chính, anh chị em là gì cả.

Nhưng có lẽ bản thân điều đó không quan trọng. Nó không quan trọng vì đối với tôi, anh chị em là quan trọng. Đúng vậy, với tôi, anh chị em thực sự rất quan trọng. Tôi ở đây vì với tôi, anh chị em là quan trọng, và vì tôi yêu quý anh chị em. Chúng ta ở đây với nhau bởi vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau như anh chị em trong Đức Kitô. Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta để biết yêu thương, để biết và phục vụ Ngài trên cõi đời này, để chúng ta có thể hạnh phúc với Ngài mãi mãi; vì vậy, chúng ta biết rằng khi Thiên Chúa bị xã hội chối bỏ, điều đó chỉ mang lại đau khổ và tuyệt vọng.

Hãy nhìn quanh thành phố của chúng ta. Điều gì đã xảy ra cho thành phố thân yêu của chúng ta? San Francisco đã từng được biết đến như một nơi có vẻ đẹp tuyệt vời và lòng hiếu khách, một thành phố với đẳng cấp thế giới với nền văn hóa vĩ đại, với ngôi nhà đầu tiên của Liên Hợp Quốc, nơi chính cái tên của nó đã gợi lên hình ảnh của “những chiếc xe cáp nhỏ leo nửa đường tới các vì sao”. Bây giờ thì hình ảnh nào xuất hiện trong đầu mọi người khi nghĩ về San Francisco? Hãy nhìn quanh thành phố sẽ thấy rõ: tình trạng vô gia cư tràn lan và những thành phố lều bạt ngổn ngang, nạn buôn bán ma túy và xả súng bắn nhau giữa ban ngày, phân người nằm trên đường phố. Điều gì đã xảy ra với thành phố thân yêu của chúng ta vậy?

Tất cả những điều này đang xảy ra, và những người Công Giáo chúng ta đang ở cuối hàng, bởi vì thành phố của chúng ta đã bỏ rơi Chúa. Chúa chí thánh chí tôn của chúng ta đã bị chế nhạo một cách công khai trước những miệng cười hân hoan của giới tinh hoa văn hóa. Biểu tượng thiêng liêng của những tập tục tôn giáo bị nhạo báng trong sự tán thành cuồng nhiệt của những người tuyên bố tôn trọng và khoan dung đối với những người khác biệt, trong khi họ lại công khai phân biệt đối xử chống lại chúng ta.

Hỡi các anh chị em thân mến của tôi, đó chính là tâm thức vô thần, hoàn toàn là vô thần. Những người có đức tin chúng ta phải làm gì khi đối mặt với não trạng vô thần tuyệt đối này? Chúng ta đi xuống cuối hàng. Nhưng xin đừng hiểu lầm tôi. Ý tôi không phải là chúng ta nên chấp nhận sự bất công. Chúng ta đã rất kiên nhẫn chịu đựng sự đối xử bất công quá lâu rồi, và bây giờ là lúc chúng ta đến với nhau để làm chứng cho đức tin của mình và sự tối cao của Thiên Chúa, và nói với Tòa thị chính rằng: NO MORE – Đủ lắm rồi!

Điều tôi muốn nói là chúng ta làm phải tất cả mọi sự để sáng danh Thiên Chúa, không phải cho riêng chúng ta. Ngày nay quá nhiều chuyện tìm kiếm vinh quang cho bản thân đã đưa chúng ta đến vị trí hiện tại. Không thể được, như tiên tri I-sai-a đã nói với chúng ta, chúng ta phải hành động theo suy nghĩ của Thiên Chúa và đường lối của Thiên Chúa là những gì bên trên chúng ta như các tầng trời cao thẳm so với mặt đất; chúng ta không được sử dụng các phương tiện thế gian để chỉ đơn giản là tranh đấu hầu có được những gì mình muốn. Khi đấu tranh cho công lý, chúng ta đấu tranh cho sự vinh hiển của Thiên Chúa. Và vì vậy, tôi kêu gọi mọi tín hữu Công Giáo ở thành phố này, đất nước này, hãy tiếp tục thực hiện quyền công dân có trách nhiệm, tuân thủ các quy tắc hợp lý về sức khỏe cộng đồng và tiếp tục phục vụ cộng đồng của chúng ta, bất chấp những lời chế nhạo mà chúng ta đang phải chịu bằng nhiều cách khác nhau. Đây là cách của Chúa, và tôi thấy được đây là cách những tín hữu Công Giáo phụng sự Thiên Chúa của chúng ta.

Các nhân viên của tổ chức từ thiện Công Giáo đã không bỏ rơi những người vô gia cư sống trên đường phố trong đại dịch này, ngay cả khi những người khác đã bỏ rơi họ. Những nhân viên này không làm điều đó để gợi sự chú ý của giới truyền thông hay những lời ca ngợi từ những người cao sang và quyền lực, nhưng họ đến đó, lặng lẽ làm việc đến kiệt sức để cung cấp thực phẩm và phương tiện đi lại cho những người vô gia cư trong thời đại dịch. Có rất nhiều điều tốt đẹp đang xảy ra trong các giáo xứ của chúng ta, thông qua các hoạt động Vincent de Paul và rất nhiều hoạt động bên ngoài khác của các giáo xứ. Cảm ơn tất cả các tôi tớ tốt lành và trung thành của Chúa, cảm ơn các linh mục thân yêu, các tu sĩ và các giáo dân đầy lòng hy sinh vì những gì các anh chị em đang làm để giữ cho tình yêu của Chúa Kitô luôn sống động và hiển hiện trong những lúc đau buồn này.

Đây là ý nghĩa của việc đi đến cuối hàng, đặt mình vào chỗ những người cuối cùng, những người sẽ là người đầu tiên vào trong Thiên Quốc: đến đây để làm chứng cho sự tối cao của Thiên Chúa và đức tin là điều cần thiết, và sau đó trở lại các giáo xứ của mình để phục vụ người nghèo.

Nhưng để được bền chí, chúng ta phải có nền tảng về tâm linh. Cách đây ba năm, tôi đã có ân sủng lớn lao là thánh hiến Tổng Giáo phận của chúng ta cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria. Để chúng ta có thể giữ vững nền tảng tâm linh, một lần nữa tôi muốn kêu gọi tất cả anh chị em hãy sống đời thánh hiến. Sống thánh hiến bằng cách lần hạt Mân Côi hàng ngày và với gia đình ít nhất một lần một tuần. Sống thánh hiến bằng cách dành ít nhất một giờ mỗi tuần để Chầu Thánh Thể Chúa. Sống thánh hiến bằng cách ăn chay vào các ngày thứ Sáu và thường xuyên lãnh nhận bí tích Sám Hối.

Nền tảng tâm linh của chúng ta sẽ nâng chúng ta lên cao, trong đường lối của Chúa, và suy nghĩ theo suy nghĩ của Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân phúc này, cho vinh quang Ngài được cả sáng và cho thành phố, cho đất nước và cho toàn thế giới của chúng ta được chữa lành.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Tổng Giám Mục Cordileone kêu gọi chúng ta ăn chay vào các ngày thứ Sáu, lần hạt Mân Côi, chầu Thánh Thể mỗi tuần một lần, xưng tội, và ký tên thỉnh nguyện tại FreeTheMass.com.



Source:First Things