Có những Giám Mục ở Hoa Kỳ nói thẳng thắn rằng ông Joe Biden không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo vì những tuyên bố và hành động công khai của ông ta liên quan đến tệ nạn phá thai. Các ngài khẳng định rằng, vì phần rỗi linh hồn của mình, Biden không nên rước lễ vào lúc này cho đến khi ông ta chấm dứt hoàn cảnh tội lỗi khách quan.

Thánh Phaolô viết cho các tín hữu thành Côrintô: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”. (1 Cr 11:27-29).

Ngược lại, cũng có các vị nói rằng sẽ cho Biden rước lễ bất kể chính sách ủng hộ phá thai nào mà ông ta sẽ áp dụng từ Phòng Bầu dục. Hành động như thế đang gây ra một tai tiếng rất lớn cho Giáo Hội. Các vị ấy đương nhiên biết phá thai là một tội ác nghiêm trọng. Nếu đã biết như thế mà không nói thẳng với ông Joe Biden thì các vị ấy đang đưa ra cho thế giới thấy hình ảnh thảm hại của một Giáo Hội không có lòng thương xót, chỉ biết chạy theo các lợi thế chính trị của mình bất kể phần linh hồn của ông Joe Biden và sinh mạng của hàng triệu thai nhi vô tội.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 3 tháng Hai. 2021 với nhan đề “The Challenge of Eucharistic Coherence”, nghĩa là “Thách Đố Về Sự Mạch Lạc Thánh Thể”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

The Challenge of Eucharistic Coherence

by George Weigel

Thách Đố Về Sự Mạch Lạc Thánh Thể


Trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia - Giáo Hội trong mối tương quan với Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi người Công Giáo “khơi dậy” cảm thức của chúng ta về “sự kinh ngạc trước Thánh Thể”, vì “Giáo hội kín múc sự sống của mình từ Bí tích Thánh Thể”, điều này “tóm lược trọng tâm của mầu nhiệm Giáo hội”: Chúa Kitô được tôn vinh, luôn hiện diện với, trong và qua dân Ngài, và thực hiện lời hứa của Ngài là ở lại với chúng ta “cho đến tận thế” (Mt 28:20). Trong Bí tích Thánh Thể, Giáo hội gặp gỡ Chúa của mình “với một sự mãnh liệt độc đáo”. Như vậy, việc cử hành Bí tích Thánh Thể không phải chỉ là điều Giáo hội làm; nhưng việc cử hành Bí tích Thánh Thể còn thể hiện một cách độc đáo điều Giáo hội là.

Cảm nhận sâu sắc về sự ngạc nhiên trước Thánh Thể là lý do tại sao các giám mục Mỹ Latinh, trong Tài liệu Aparecida năm 2007, đã nhấn mạnh đến “tính mạch lạc của Thánh Thể” trong các cộng đồng Công Giáo của các ngài. Và theo các giám mục Mỹ Latinh (trong đó có người sẽ trở thành giáo hoàng sáu năm sau), tính mạch lạc của Bí tích Thánh Thể của Giáo hội qui định rằng Mình Thánh Chúa không thể được phân phát cho những người Công Giáo trong lĩnh vực chính trị và y tế, không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội bởi vì họ đã tạo điều kiện hoặc tham gia vào các tệ nạn đạo đức nghiêm trọng như phá thai và an tử.

Câu hỏi về tính mạch lạc của Thánh Thể đã trở thành rõ nét ở Hoa Kỳ kể từ khi một người anh em Công Giáo của chúng ta, là Joseph R. Biden Jr., nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Chưa đầy 48 giờ sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống, Tòa Bạch Ốc đã ban hành một tuyên bố nhân kỷ niệm 48 năm vụ án Roe kiện Wade, dẫn đến phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1973, mà nói một cách tóm tắt là cấp giấp phép cho nạn phá thai ngày nay ở Mỹ — đó là một trong những quyết định cực đoan nhất trên thế giới. Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cũng cam kết rằng chính quyền sẽ luật hóa giấy phép phá thai của Roe trong luật liên bang. Thách thức đối với tính nhất quán trong Thánh Thể ở đây là gì?

Từ quan điểm đạo đức Công Giáo, phán quyết Roe kiện Wade là quyết định tồi tệ nhất của Tòa án Tối cao kể từ vụ Dred Scott kiện Sandford năm 1857 — vì cùng một lý do tương tự như thế. Phán quyết Dred Scott tuyên bố những người da đen nằm ngoài cộng đồng được pháp luật bảo vệ; còn phán quyết Roe tuyên bố không thể chối cãi rằng có những con người, trong trường hợp này là những thai nhi chưa chào đời, nằm ngoài ranh giới bảo vệ của luật pháp. Do đó, cả Dred Scott và Roe đều vi phạm nguyên tắc công bằng xã hội cơ bản của Công Giáo về phẩm giá bất khả xâm phạm của cuộc sống mỗi con người; cả hai phán quyết đều dựa trên các tuyên bố — sai lầm về mặt sinh học và không thể biện minh về mặt đạo đức — rằng những sinh mạng được đề cập đến không thực sự là con người. Chúng ta không thể vừa là một người Công Giáo liêm chính, lại vừa có thể khẳng định sự hạ giá nhân phẩm con người mà phán quyết Roe kiện Wade đã đưa ra.

Và những người Công Giáo không mạch lạc khi rước lễ tạo ra một Giáo hội không mạch lạc về phương diện Thánh thể, và do đó, là một Giáo Hội không thuyết phục trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Sự bất nhất này là sản phẩm phụ đáng buồn của nhiều yếu tố: việc dạy giáo lý không đầy đủ và việc đào tạo thiếu sót đức tin Công Giáo; những bất đồng chính kiến thần học đối với các xác tín Công Giáo đã được thiết định; phụng vụ thô tục làm giảm uy nghiêm của Bí tích Thánh Thể; một ý thức yếu ớt về ý nghĩa của việc cần phải sống trong “tình trạng ân sủng” để xứng đáng được rước lễ; áp lực phải tuân theo các quan niệm méo mó về trao quyền cho phụ nữ; những thất bại của các giám mục trong việc thách thức một sự hoán cải sâu xa hơn hướng về Chúa Kitô nơi những người đang được các ngài chăm sóc mục vụ; nơi những người Công Giáo không tuân theo lệnh truyền của Chúa trong Phúc Âm Matthêu chương 18 từ câu 15 đến câu 16 về việc sửa lỗi những người Công Giáo anh em sống bất nhất với niềm tin [“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (Mt 18:15-16)]. Thuật ngữ “khủng hoảng” ngày nay được lạm dụng quá mức. Nhưng nếu tính thống nhất Thánh Thể trong một Giáo Hội “kín múc sự sống của mình từ Thánh Thể” đang bị phương hại mà không phải là một cuộc khủng hoảng, thì là cái gì?

Nhóm Công tác của các Giám mục Hoa Kỳ về Phương Thế Làm Việc Với Chính Quyền Mới đã đề xuất một “tài liệu giảng dạy” về “tầm quan trọng của sự mạch lạc hoặc nhất quán trong Bí tích Thánh Thể”. Tài liệu đó sẽ được xuất bản vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, cuộc sống của Giáo hội không thể bị ngưng trệ cho đến lúc đó. Thời điểm khủng hoảng này cũng là thời điểm đem lại các cơ hội, và các giám mục địa phương nên nắm bắt các cơ hội đó để cổ vũ tính thống nhất Thánh Thể của Giáo Hội: nhất là bằng cách xem xét lại việc dạy giáo lý của giáo phận mình một cách trọn vẹn về chân lý Thánh Thể, qua các trường Công Giáo, các chương trình khai tâm Kitô Giáo, các chương trình mục vụ đại học, thuyết giảng, các mạng xã hội và các hệ thống internet, cũng như các thư mục vụ.

Các giám mục địa phương cũng nên đích thân gặp gỡ để thuyết phục các quan chức công quyền xưng mình là người Công Giáo nhưng lại đang tạo điều kiện cho những tệ nạn đạo đức nghiêm trọng. Khuyên bảo họ xem xét lại và trở thành những nhà vô địch của nền văn hóa sự sống. Việc tiếp cận mục vụ như vậy sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng phải bắt đầu ngay từ lúc này, vì chuyện ăn ở bất nhất với niềm tin như thế đã kéo dài quá lâu. Phúc lợi thiêng liêng của con cái các giám mục trong Chúa Kitô đang bị đe dọa. Và mặc dù sự bất nhất đối với niềm tin trong cách hành xử của người Công Giáo không chỉ giới hạn trong những người Công Giáo nắm giữ các chức vụ công quyền, nhưng nó có những hậu quả đặc biệt làm suy giảm tính thống nhất Thánh Thể của Giáo hội.

Sự thật luôn phải được nói ra trong tình bác ái. Tuy nhiên, điều đó phải được nói ra, và hậu quả của việc cố chấp, cố ý không tuân theo Công Giáo phải được làm rõ. Đây không phải là chính trị. Đây là sự đoàn kết và chăm sóc mục vụ của các Kitô hữu.
Source:First Things