Trong các trường hợp liên quan đến ly giáo, và lạc giáo, thông thường, Giáo Hội phải đối phó với tình trạng là một số thần học gia đưa ra các lý thuyết sai lầm nghịch lại với đạo lý đã được xác lập và tin tưởng của Giáo Hội. Trong các trường hợp như thế, các Giám Mục, trong tư cách là thầy dạy, là những người bảo vệ đạo lý.

Tình hình ở Đức hiện nay lại khác. Nhiều Giám Mục lại chính là những người tạo ra vấn đề. Ví dụ nổi bật nhất là Tiến Trình Công Nghị (tiếng Đức Synodaler Weg) hiện nay nhằm thảo luận trên bốn chủ đề chính: “thẩm quyền, sự dự phần và phân chia quyền lực” giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương, “đạo đức tình dục”, “hình thái đời sống linh mục”, và “ phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ của Giáo Hội”, trong viễn tượng thay đổi giáo huấn và kỷ luật phổ quát của Giáo Hội.

Đức Ông Hans Feichtinger là người Đức, được thụ phong linh mục tại giáo phận Passau, miền Nam Bavaria, vào năm 1998. Sau khi nhận được bằng Tiến sĩ Thần học về Các Giáo Phụ từ Đại Học Giáo Hoàng Augustinianum ở Rôma, ngài phục vụ tại Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Ngài cũng có bằng tiến sĩ triết học tại Khoa Triết học của Dòng Tên ở Munich.

Từ ngày 3 tháng Giêng năm 2017, ngài là Cha Sở cho giáo xứ Thánh Albertus Pfarrgemeinde của cộng đoàn Công Giáo Đức ở Ottawa, Canada.

Đức Ông Hans Feichtinger là cây bút thường xuyên của Crisis Magazine và First Things.

Hôm 11 tháng 2, ngài có một bài viết giải thích về Tiến Trình Công Nghị tại Đức với nhan đề “What to Know About the Synodal Way”, nghĩa là “Những Điều Cần Biết Về Tiến Trình Công Nghị”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

What to Know About the Synodal Way

By Hans Feichtinger

Những Điều Cần Biết Về Tiến Trình Công Nghị


COVID-19 phá vỡ tất cả mọi thứ, ngoại trừ Tiến Trình Công Nghị của Giáo Hội Công Giáo ở Đức. Tiến Trình Công Nghị là một quy trình được khởi động vào tháng 12 năm 2019 dưới chiêu bài tìm kiếm “các bước nhằm củng cố chứng tá Kitô Giáo”. Nó được coi là rất cần thiết cho sự tồn tại của Giáo hội, đến nỗi khi bắt đầu đại dịch, các nhà tổ chức đã nhanh chóng áp dụng mô hình phi tập trung, phân tán ra các khu vực và trực tuyến, để Tiến Trình Công Nghị có thể tiếp tục ngay cả trong trường hợp bị cách ly.

Tiến Trình Công Nghị bao gồm các nhóm tập trung vào bốn chủ đề: thẩm quyền và sự phân chia quyền lực trong Giáo hội; cuộc sống linh mục ngày nay; phụ nữ trong các thừa tác vụ và các chức năng trong Giáo Hội; và làm thăng tiến các mối quan hệ — sống tình yêu trong tình dục và quan hệ đối tác. Đáng chú ý là ba trong bốn chủ đề này liên quan đến những người được Giáo hội tuyển dụng, và do đó ít nhiều là chủ đề của hàng giáo sĩ. Bất chấp yêu cầu khẩn cấp của Đức Thánh Cha Phanxicô, chủ đề tân phúc âm hóa đã không được thực hiện. Việc truyền giáo được đề cập trong các tài liệu do Tiến Trình Công Nghị cung cấp, nhưng hãy xem kỹ cách nó được đề cập. Trong số những người tham gia Thượng Hội đồng, cả các giám mục và những người khác, xác tín phổ biến là Giáo hội cần phải thay đổi cách sống và làm việc của mình, thay vì đề cao những gì mình tin tưởng và tuyên xưng, trước khi có thể tiến tới việc truyền giáo. Bốn mươi lăm năm sau khi Đức Thánh Cha Phaolô VI viết Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng - Evangelii Nuntiandi, người Đức vẫn nghĩ rằng cần phải xảy ra nhiều điều trước khi chúng ta có thể bắt đầu nhiệm vụ đầu tiên và là sứ mệnh cốt lõi của Giáo hội.

Cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục thường được trích dẫn để giải thích sự cần thiết của Tiến Trình Công Nghị. Các cáo buộc gần đây đã được nhắm vào Tổng giáo phận Köln. Ngay cả báo chí thiên tả cũng không thật sự tin rằng Đức Hồng Y Woelki, Tổng giám mục của Köln, đã làm sai điều gì đó. Nhưng Đức Hồng Y Woelki là nhân vật hàng đầu trong việc chỉ trích Tiến Trình Công Nghị, và điều này khiến ngài trở thành cột thu lôi. Đức Hồng Y Woelki có vẻ thực sự quan tâm đến việc đi đến tận cùng của các cáo buộc hơn là làm hài lòng công chúng đang tức giận bằng một thứ Chính Trị Biểu Tượng mà người Đức vô cùng yêu thích. [Chính Trị Biểu Tượng – Symbolpolitik: Chính Trị Biểu Tượng đề cập đến một nền chính trị dựa trên cử chỉ. Nó không trực tiếp thay đổi tình hình cụ thể hoặc vấn đề cụ thể, nhưng nhằm gây ra những phản ứng nhất định. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về chính trị biểu tượng là cử chỉ quỳ gối ở Warsaw của cựu Thủ tướng Willy Brandt, người cầu xin Ba Lan tha thứ cho những tội ác của Đức trong Thế chiến II. Trong trường hợp của Đức Hồng Y Woelki, ngài có thể thực thi chính trị biểu tượng bằng cách công bố danh sách các linh mục bị cáo buộc lạm dụng tính dục như một cách xoa dịu quần chúng. Nhưng ngài muốn có một cuộc điều tra chi tiết – chú thích của người dịch]

Tiến Trình Công Nghị đề cao một nghiên cứu gần đây như một nền tảng mà Giáo hội phải dựa vào để giải quyết các trường hợp lạm dụng trong quá khứ. Nghiên cứu này thiên vị và đưa ra những gợi ý ngầm về những gì cần phải thay đổi để ngăn ngừa những lỗi hệ thống tương tự như thế trong tương lai. Hai vấn đề nảy sinh ở đây. Nghiên cứu mô tả những thất bại trong quá khứ trong việc ngăn chặn lạm dụng tình dục với các đặc điểm của Công Giáo, như cấu trúc phẩm trật, đời sống độc thân, giáo lý về luân lý. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể giải thích những thất bại trong quá khứ theo cách này khi chúng ta biết, như chúng ta vẫn hằng biết, rằng các tổ chức rất khác nhau, tôn giáo và phi tôn giáo, đã hành xử theo những cách rất giống nhau? Và nếu sự lãnh đạo theo phẩm trật như hiện tại là gốc rễ của vấn đề, như Tiến Trình Công Nghị quả quyết, thì làm sao Giáo hội ngày nay có thể là người đi đầu trong việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương?

Tiến Trình Công Nghị muốn hướng tới và tiến tới như một “Giáo Hội hữu hình”, do đó, họ chọn một khẩu hiệu Công Giáo cực đoan là “ecclesia visibilis” – “Giáo Hội hữu hình”. Đối với Tiến Trình Công Nghị, điều này có nghĩa là hai điều sau: thứ nhất tiến hành với sự minh bạch và thứ hai là duy trì Giáo hội ở Đức như một tổ chức hữu hình, được định nghĩa là một tổ chức công khai “có liên quan” với xã hội, và là một phần của xã hội chính mạch. Người ta tự hỏi liệu đây có phải là một công thức chân thực để tạo ra một ecclesia invisibilis, hay chẳng qua chỉ là một Giáo Hội hòa nhập và biến mất vào nền văn hóa.

Tiến Trình Công Nghị muốn làm cho Giáo hội phù hợp với thế kỷ XXI, tẩy sạch tội lỗi và thất bại trong quá khứ, và chuẩn bị cho việc truyền giáo. Đây là những mục tiêu tốt. Nhưng các phương tiện đề xuất để đạt được những mục tiêu này vẫn chưa thuyết phục, ít nhất là ở giai đoạn này. Tại thời điểm này, các báo cáo và tài liệu do Tiến Trình Công Nghị đưa ra gần như phản bội sứ mệnh truyền giáo và tông đồ của Giáo hội. Sự thỏa hiệp trong đức tin và giáo lý của Giáo hội không phải là tân phúc âm hóa mà là lướt theo xu thế thời đại; và thực hiện những bước mà người Tin lành Luther và những người Tin lành khác đã thực hiện từ lâu, những bước ấy không mang lại kết quả tốt, không phải là đổi mới Giáo hội. Chúng sẽ không cải thiện cơ hội sống sót của Giáo hội hoặc giúp tránh bị lạm dụng trong tương lai. Hãy hỏi bất kỳ tín hữu Tin lành Đức trung thực nào, thiếu gì những người như thế.

Giáo hội ở Đức yêu thích các cấu trúc và vai trò cụ thể của chính mình trong xã hội Đức, một xã hội đã từng là Kitô Giáo nhưng nay là hậu Kitô Giáo. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn không hay. Việc đóng cửa bất kỳ cơ sở thần học nào (do nhà nước tài trợ) đều bị coi là một thảm họa, trong khi việc từ bỏ các truyền thống Công Giáo, thậm chí đến mức ảnh hưởng đến cấu trúc bí tích của Giáo hội, được cho là có thể tranh luận được. Các Nghị phụ của Công đồng Vatican II đang bị lật tung trong mộ phần của các ngài.

Tiến Trình Công Nghị than thở về một Giáo hội hướng nội, tự cuộn tròn trong chính mình, nhưng về cơ bản, tiến trình này đang làm tăng thêm tính chất đó. Nó tuyên bố là một Giáo hội học hỏi, nhưng chỉ sau khi sắp xếp lại các nguồn cảm hứng và chân lý cho phù hợp với kết quả mong muốn. Nó muốn trở thành Công Giáo, nhưng tự làm giảm ý nghĩa của từ đó thành các nguyên tắc của một xã hội đa dạng, đa nguyên. Phẩm trật Giáo Hội được xem như một thứ cần được điều chỉnh cho phù hợp với các nguyên tắc của nền dân chủ tự do để trở nên “thuyết phục” với xã hội ngày nay. Đây là sự kết hợp tân thời của ngai vàng và bàn thờ.

Tiến Trình Công Nghị tin rằng một nền giáo hội học về sự hiệp thông bằng cách nào đó có nghĩa là “ít quyền lực hơn” cho những người được phong chức và “nhiều quyền lực hơn” cho những người không được phong chức. Nhưng việc canh tân Giáo hội chủ yếu không phải là tái phân phối quyền lực. Và trong bất kỳ trường hợp nào, không có thẩm quyền nào trong Giáo hội có quyền thay đổi đức tin và cấu trúc của Giáo hội để phù hợp với các nhu cầu và sở thích của một Tiến Trình Công Nghị. Cơ cấu phẩm trật được Chúa Kitô đưa ra để bảo đảm rằng người nhiếp chính của Ngài không bị thỏa hiệp và không chịu sự thao túng của hàng giáo sĩ cũng như sự thích nghi của một thượng hội đồng dân chủ. Tuy nhiên, người Đức chúng tôi ưa chuộng cách làm việc của chính mình hơn, như vẫn thường được thấy trong các hiệp ước giữa Nhà Nước Đức và các Bang, như một hình thức tiên tri nào đó. Người Đức chúng tôi có xu hướng tin rằng phần còn lại của Giáo hội nên học hỏi từ người Đức.

Theo Tiến Trình Công Nghị, giải pháp mới cho hầu hết các vấn đề là sự “tách biệt quyền lực”, được coi là ý nghĩa cốt lõi của “tính đồng nghị”. Chúng tôi được thông báo rằng phương pháp này sẽ ‘hội nhập văn hóa’ đức tin Công Giáo vào chế độ dân chủ tự do. Giới tinh hoa của Giáo hội Đức tin chắc rằng những gì chúng ta cần là ít đức tin truyền thống hơn và phục tùng nhiều hơn các nguyên tắc tự do. Điều này có vẻ giống như việc bảo vệ các chế độ quân chủ Kitô Giáo vào năm 1918, mặc dù trong trường hợp này đó là Nghị viện Âu Châu. Thật là đáng ngạc nhiên khi có ai đó dám đặt hy vọng như vậy vào sự tái tưởng tượng dân chủ hóa việc quản trị Giáo hội. Tuy nhiên, người Đức tin rằng một “sự đồng nghị” tự do-dân chủ là phương pháp chữa khỏi mọi tệ nạn.

Các tham chiếu mơ hồ của Tiến Trình Công Nghị đến các khái niệm quan trọng trong Kinh thánh và truyền thống thiêng liêng không ngăn cản được nó, đặc biệt là vì họ tùng phục bản chất và sứ mệnh bí tích của Giáo hội vào các lợi ích và nguyên tắc thế tục. Giáo hội ở Đức tự hào về ảnh hưởng to lớn và thành công của mình trong quá khứ, bao gồm cả vai trò quan trọng của Giáo Hội trong việc chống lại và tái thiết sau chế độ Quốc xã. Giờ đây, Giáo Hội Đức tin rằng nếu không xác định lại vai trò của các linh mục và giám mục, không phong chức cho phụ nữ và không xóa bỏ trên thực tế chế độ độc thân linh mục, không hình dung lại hoàn toàn chính bản chất và cấu trúc của Giáo hội, và không sửa đổi mạnh mẽ luân lý tình dục trong Kinh thánh, Giáo Hội không thể có tương lai. Ở một mức độ đáng chú ý, Giáo hội Đức muốn áp dụng cấu trúc của các xã hội dân chủ tự do. Và một khi đạt được điều đó, hy vọng rằng Giáo hội trên toàn thế giới sẽ học hỏi từ những gì mà người Đức đã bắt đầu một cách tiên tri và hiện đang đưa đến sự hoàn thiện.

Có rất nhiều hình thái giáo sĩ trị trong trào lưu chống giáo sĩ ngày nay. Tôi vẫn ngạc nhiên bởi chúng ta ít sẵn lòng học hỏi từ cuộc đối thoại đại kết khi các bài học không phù hợp với quan niệm của chúng ta về “bên nào của lịch sử” mà chúng ta tin rằng chúng ta phải thuộc về. Điều này đối lập với việc truyền giáo, vốn thường phải đối đầu với tinh thần thời đại, và do đó Tiến Trình Công Nghị đi ngược lại những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết cho Giáo hội ở Đức. Tiến trình ấy cũng đi ngược lại kinh nghiệm của nhiều anh em Tin lành của chúng ta, những người đã chứng kiến sự tan loãng đạo lý trước đây. Và nó đi ngược lại những gì Chúa đã ủy quyền cho Giáo hội của Ngài trở thành, ở Đức và bất cứ nơi nào khác.

Trên thực tế, Giáo hội ở Đức đã thực hiện rất ít nỗ lực tân Phúc âm hóa, thay vào đó chỉ dựa vào các đề xuất tự định đoạt của Tiến Trình Công Nghị. Mối quan tâm đến sự sống còn về cấu trúc của chính Giáo hội Đức và sự phù hợp với xã hội đã khiến chúng ta không thể nghe lời thách thức và giải phóng của Chúa. Ở giai đoạn này, tôi tự hỏi liệu toàn bộ mọi thứ có thể và vẫn nên được cứu vãn hay không. Rõ ràng, Giáo hội trên toàn thế giới ngày càng ít chú ý đến thần học Đức. Một khi hết tiền, những phương thế ảnh hưởng đến các Giáo Hội khác trên thế giới sẽ biến mất.

Sự phục hưng và đổi mới thực sự sẽ phụ thuộc vào những người đứng lên vì chân lý của đức tin Công Giáo mà không thỏa hiệp. Điều chúng ta cần làm là chỉ ra rằng những thay đổi về tổ chức và cơ cấu sẽ không thể làm chậm lại sự biến mất của Giáo hội. Giáo hội tồn tại để đào tạo các môn đệ, để truyền giáo; tất cả các cấu trúc mà Giáo Hội cần là để phục vụ sứ mệnh này. Đó là quyền tự do mà Giáo Hội được mời gọi (Gal 5:13). Bạn thậm chí không thể biết mình cần gì với tư cách là một Giáo hội trừ khi và cho đến khi bạn can đảm bắt đầu truyền giáo. Đáng buồn thay, người Đức muốn “cải cách” trước và truyền bá Tin Mừng sau.
Source:First Things