Tạp chí First Things, tháng 3 năm 1996, đăng tải một bài nhận định của David. S. Yeago, Phó Giáo Sư Thần học Hệ thống tại Chủng viện Thần học Luthêrô Miền Nam ở Columbia, South Carolina. Tác giả đưa ra một cách đọc khác về Martin Luther và coi ông là người một người trung thành với truyền thống Công Giáo. Chúng tôi chuyển ngữ bài này để bạn đọc rộng đường phán đoán (nguyên văn có thể đọc tại https://www.firstthings.com/article/1996/03/the-catholic-luther):



I. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi đại kết ngày nay thường tranh luận rằng sự hội tụ tín lý được cho là giữa người Thệ phản và Công Giáo Rôma chỉ phủ giấy lên sự bất đồng nằm ở bên dưới — và có tính căn bản —. Một cách đặc trưng, Martin Luther được gọi là nhân chứng chính cho cuộc tranh cãi này: há không phải cuộc ly giáo Cải cách bắt đầu bằng “bước đột phá” thần học của ông, việc ông bác bỏ có nguyên tắc hình thức “Công Giáo” của Kitô giáo nói chung hay sao; Tuy nhiên, việc khảo sát cẩn thận những gì Luther thực sự viết và nói, gợi cho chúng ta những kết luận rất khác, có thể gây ngạc nhiên cho cả những người Thệ phản lẫn người Công Giáo Rôma.

Trong điều có thể được gọi là cách đọc tiêu chuẩn của Thệ phản, Luther tuổi trẻ là một người bị ám ảnh bởi một câu hỏi mà đạo Công Giáo truyền thống không thể đưa ra câu trả lời: Làm thế nào tôi có thể có được một Thiên Chúa nhân từ? Câu hỏi này nảy sinh từ cái nhìn sâu sắc về tôn giáo hoặc hiện sinh của Luther đối với tính không chân chính của mọi việc làm của con người trước mặt Thiên Chúa — một tính không chân chính bị phủ nhận một cách có hệ thống bởi các nghi lễ bí tích, đức tin giáo điều và khát vọng huyền nhiệm của Kitô giáo truyền thống.

Một số học giả tin rằng Luther tìm ra câu trả lời khác biệt của mình cho câu hỏi này từ rất sớm và sự phát triển của ông như một nhà thần học chủ yếu là vấn đề đưa khám phá của ông đến một biểu thức đủ thân thiết này là cuối cùng nó đã kích động cuộc xung đột không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, kể từ sau Thế Chiến hai, hầu hết các học giả đã tiến tới chỗ tin rằng Luther chỉ tìm thấy câu trả lời vào năm 1518, sau khi cuộc tranh cãi về ân xá đã được tiến hành. Cuộc vật lộn của Luther với câu hỏi Làm thế nào tôi có thể có được một Thiên Chúa nhân từ? đã tấn công vào tận gốc rễ của Kitô giáo truyền thống, và sự kiên trì của ông trong việc hỏi về nó đủ để gây ra những khó khăn ban đầu của ông với các thẩm quyền Giáo hội. Nhưng chỉ vào năm 1518 - khi ông gặp đại diện của Đức Giáo Hoàng Cajetan và không chịu công khai từ bỏ quan điểm - thì bản viết tay 95 luận đề mới được ghi trên cửa nhà thờ Wittenberg; Luther không thể sống trong ngôi nhà của truyền thống Công Giáo nữa.

Các học giả nhìn thấy điều gì đó có ý nghĩa quyết định xảy ra với tư tưởng của Luther vào năm 1518, đối với tôi, dường như họ nắm rõ nhất điều đó. Nhưng trong cả hai trường hợp, “Đột phá Cải cách” của Luther được ngầm hiểu là việc tái tạo Kitô giáo, ngang hàng với Lễ Ngũ tuần, trong các phương diện quan trọng. Hầu hết những nhà giải thích Luther không cảm thấy thoải mái nói đến điều này nhiều, nhưng rõ ràng nó được ngụ ý qua câu chuyện họ kể. Thí dụ, Luther được cho là đã “khám phá lại Tin Mừng”, điều này chắc chắn ngụ ý muốn nói rằng, cách nào đó, Tin Mừng đã bị thất lạc. Và mạc khải của Tin Mừng là gì nếu không phải là sự thành lập Kitô giáo và Giáo hội?

Cách Thệ phản đọc câu chuyện của Luther ngụ ý thêm rằng Luther không có mối liên hệ đáng kể nào với truyền thống Kitô giáo trước đó: Bước đột phá của Luther diễn ra trong một cuộc gặp gỡ lịch sử, không qua trung gian nào với sơ truyền (kerygma) Phaolô thuần túy. Người ta cho rằng Luther nói điều gì đó hoàn toàn không tương thích với bất cứ điều gì được nói ra trong Giáo hội kể từ cái chết của Thánh Phaolô (có lẽ ngoại trừ một vài ý niệm mơ hồ của Thánh Augustinô). Truyền thống Công Giáo chỉ xuất hiện trong câu chuyện như điều Luther phải vượt qua để khám phá lại Tin Mừng. Như thế, những người quan tâm đến Luther có rất ít lý do để quan tâm đến truyền thống, là thứ — trong tư cách “chủ nghĩa kinh viện”, “huyền nhiệm học” hay “giáo điều truyền thống” — hầu như chỉ được dùng để làm nổi bật “khám phá” của Luther.

Hệ luận cuối cùng của cách đọc Luther này quan trọng nhất và cũng gây rắc rối nhất: cuộc ly giáo Thệ phản / Công Giáo vào thế kỷ thứ mười sáu được hiểu là kết quả công khai hợp luận lý, không thể tránh khỏi và cần thiết của sự phát triển thần học của Luther. Vì Kitô giáo truyền thống không thể chấp nhận câu hỏi của Luther, càng không thể chấp nhận câu trả lời của ông, hiển nhiên đức tin mới của ông đòi một Giáo Hội mới. Không có phép lịch thiệp đại kết nào có thể thay đổi sự kiện này là, trong kiểu đọc Luther này, trên thực tế, hai bên của cuộc ly giáo này đã thực hành các tôn giáo khác nhau. Cách kể câu chuyện của Luther này khá thận trọng về hậu quả của nó, mặc dù nó cho thấy Luther là một người cấp tiến, vì nó làm cho sự chia rẽ của Giáo hội hiện nay dường như là chuyện bình thường và không thể tránh khỏi đối với chúng ta.

Việc đọc Luther mà tôi đề xuất kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Mặc dù một điều gì đó quan trọng đối với sự phát triển thần học của Luther đã xảy ra vào năm 1518, nhưng nó không phải là một “cuộc cải cách quay lưng lại” với truyền thống Công Giáo. Ngược lại, nó được mô tả tốt hơn như một “bước ngoặt Công Giáo” đã gắn kết công việc của Luther một cách vững chắc hơn nhiều trong khuôn khổ Kitô giáo Công Giáo. Thần học của Luther được định hình sâu sắc bởi những nền thần học kinh viện, đơn tu và giáo phụ trước ông; ông có óc sáng tạo, nhưng óc sáng tạo của ông đặc biệt nằm ở việc ông nắm bắt mới mẻ các vấn đề truyền thống và trong việc ông sử dụng đầy canh tân các nguồn lực truyền thống để giải quyết những vấn đề đó.

Tất nhiên, nếu tất cả những điều này là như vậy, chúng ta không còn có thể cho rằng những người Cải cách đã khám phá ra một phiên bản hoàn toàn mới của Kitô giáo mà Giáo Hội cũ vốn không dành chỗ cho. Trong cách đọc do tôi đề nghị, cuộc ly giáo của Cải cách được phát sinh bởi những lựa chọn ngẫu nhiên của con người trong một bối cảnh lịch sử rắc rối ít được định nghĩa bằng lập luận thần học rõ ràng và có nguyên tắc (mặc dù dĩ nhiên điều này có hiện diện) hơn là bằng một sự phối hợp đặc thù và khác biệt của thế kỷ XVI của cuộc bút chiến quá nóng bỏng và không ngừng leo thang, một thứ Realpolitik lạnh lùng và mơ màng cuồng nhiệt về ngày chung tận.

II. Nếu xem xét kỹ những gì Luther thực sự đã viết trước năm 1518 (phân biệt với những hồi tưởng của ông hai mươi hoặc hai mươi lăm năm sau), người ta phát hiện ra rằng câu hỏi nổi tiếng "Làm thế nào tôi có thể có được một vị Chúa nhân từ?" vắng mặt một cách rõ ràng. Điều đó có nghĩa là, vấn đề chính trong nền thần học ban đầu của Luther, xét về bề mặt của nó, không phải là vấn đề về sự đảm bảo được ơn tha thứ hay sự chắc chắn được ơn cứu rỗi.

Trong Giáo hội cuối thời trung cổ, chắc chắn là có vấn đề mục vụ về “lương tâm bối rối”, được đưa ra – nói một cách đơn giản - bởi sự hội tụ của một số vấn đề chưa được giải quyết trong nền thần học ơn thánh của Thánh Augustinô với những phát triển nào đó trong giáo luật về việc đền tội (penance). Nhưng “lương tâm bối rối” không bao giờ là một tình trạng bất ổn tâm linh đơn giản và độc dạng, và nó mang nhiều hình thức khác nhau trong các bối cảnh mục vụ và thần học khác nhau. Luther hồi trẻ hầu như chắc chắn đã mắc phải “lương tâm bối rối” ở một số hình thức, nhưng hiển nhiên điều đó không khiến công việc thần học của ông bị chi phối bởi câu hỏi, “Làm thế nào tôi có thể có được một Đức Chúa Trời nhân từ?”

Thực tế, câu hỏi chính trong nền thần học ban đầu của Luther là “Tôi có thể tìm thấy Thiên Chúa thật ở đâu?” Mọi bằng chứng trong các bản văn cho thấy chính mối đe dọa của việc thờ ngẫu tượng, chứ không phải sự khao khát được đảm bảo ơn tha thứ, đã khiến lương tâm của Luther gặp bối rối. Và câu hỏi này, như một số nhà giải thích Luther đã háo hức muốn tin, đã không phá vỡ khuôn khổ của Kitô giáo truyền thống; cả câu hỏi và câu trả lời cuối cùng của Luther đều định vị ông trong truyền thống Công Giáo.

Ở tâm điểm, nền thần học ban đầu của Luther được đánh dấu bởi việc nhấn mạnh nhiều vào điều mà các nhà kinh viện gọi là ơn thánh vô tạo (uncreated grace), tức ơn thánh hiểu như sự hiện hữu của Thiên Chúa vô tạo, và vào việc Thiên Chúa biến đổi trái tim con người trong sự siêu việt hoàn toàn của Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Phần lớn việc chỉ trích Luther tập chú vào cách trong đó nền thần học đương thời đã tự nhiên hóa ơn thánh, làm giảm tác động biến đổi hoàn toàn và chắc chắn gây đứt đoạn của nó. Trong điều này, Luther không phá vỡ truyền thống Công Giáo, nhưng tìm lại truyền thống một cách hữu thức, đóng góp những hiểu biết sâu sắc nhất về thánh Augustinô và các bậc thầy đơn tu vĩ đại vào nền kinh viện lúc ấy vốn xa rời gốc rễ của chính nó.

Theo truyền thống Augustinô và Luther hồi trẻ, hậu quả của ơn thánh biến đổi triệt để như vậy là: trái tim yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Người; theo thuật ngữ của Thánh Augustinô, chúng ta đến để hưởng Thiên Chúa và sử dụng những sự vật được tạo dựng vì Thiên Chúa, hơn là cố gắng “sử dụng” Thiên Chúa vì lợi ích được vui hưởng các tạo vật.

Các nền thần học Augustinô thuộc loại này thường xuyên đưa ra một vấn đề hiện sinh có tiềm năng gây giầy vò (tormenting) liên quan đến tính chân chính của kinh nghiệm tâm linh. Có lẽ tôi đã trải qua một kinh nghiệm hoán cải và biến đổi sâu sắc; nhưng tôi có chắc chắn tôi đã thực sự trải nghiệm sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa hay không? Và ngay cả khi tôi đã thực sự cảm nghiệm được ơn thánh của Thiên Chúa, thì thời điểm tôi bắt đầu coi ơn thánh như một điều tôi có thể sử dụng, tôi đã quay lưng lại với Thiên Chúa và thay vào một ngẫu tượng do chính tôi tạo ra. Vấn đề “tình yêu Thiên Chúa tinh ròng” và vấn đề nhận diện và hướng về Thiên Chúa đích thực hoá ra là cùng một vấn đề.

Luther nhận thức sâu sắc phép biện chứng truyền thống của Thánh Augustinô về vấn đề này, và giải quyết chúng một cách cẩn thận trong Bài giảng về Thư Rôma (1515–1516). Được biết đến nhiều nhất là mô tả của ông về tội nhân như một incurvatus in se, “người tự uốn cong vào chính mình”: Bản chất chúng ta, bởi sự sa đọa của tội nguyên tổ, bị uốn cong sâu xa đến nỗi nó không những bẻ cong các ơn phúc tốt nhất của Thiên Chúa vào chính nó và tận hưởng chúng (như rõ ràng nơi những người công chính nhờ việc làm và đạo đức giả), hoặc thậm chí sử dụng chính Thiên Chúa để đạt được những ơn phúc này, nhưng nó lại không nhận ra rằng nó mưu tìm mọi sự, kể cà Thiên Chúa, một cách rất gian ác, cong queo và xấu xa, vì lợi ích riêng của nó.

Chiến lược đầu tiên của Luther để giải quyết vấn đề tự mưu cầu đầy tính ngẫu tượng này, lần đầu tiên được khai triển trong Bài giảng về Thư Rôma, sử dụng điều có thể gọi là chiến lược mâu thuẫn (contariety). Đó là một động thái thần học rất chuyên biệt, rất đơn giản, và sáng chói một cách ngang ngạnh. Làm thế nào chúng ta có thể nói rằng chúng ta thực sự bám vào Thiên Chúa chứ không phải một ngẫu tượng của riêng mình? Luther trả lời rằng sự hiện diện nhân từ của Thiên Chúa chân thật là một điều vô cùng đau đớn và ghê tởm đối với bản chất của chúng ta, đến nỗi chúng ta không có động lực nào có thể tưởng tượng được để tự thúc đẩy mình chịu đựng nó.

Cho nên, Thiên Chúa thượng trí, sau khi công chính hóa và ban các ơn phúc thiêng liêng của Người, kẻo bản tính vô thần đó vồ lấy chúng để hưởng thụ chúng (vì chúng rất đáng yêu và mạnh mẽ kích thích con người hưởng thụ), ngay lập tức mang đến hoạn nạn, các phiền khổ và thử thách, kẻo người đó tiêu vong đời đời bởi sự ngu dốt như vậy. Vì, con người học được việc yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa một cách thuần túy, khi họ thờ phượng Người không phải vì ơn thánh và các ơn phúc của Người, mà chỉ vì chính Người mà thôi.

Vấn đề là chúng ta không muốn đến trước nhan Thiên Chúa vì chính Người, nhưng vì lợi ích mọi điều tốt lành Người có thể ban cho chúng ta: chúng ta muốn sử dụng Thiên Chúa. Và Luther trả lời: Nếu đó thực sự là Thiên Chúa, thì Người sẽ đóng đinh và tra tấn bạn như Người đã làm với Chúa Kitô, khuôn mẫu của bạn, và do đó, không để bạn có lý do nào để bám lấy Người ngoại trừ vì chính Người.

Đôi khi người ta cho rằng nền thần học này, và lòng đạo đức khiêm nhường phục tùng đau khổ thiêng liêng vốn đi kèm với nó, hẳn phải giầy vò đến nỗi nó chỉ đổ thêm dầu vào nỗi thống khổ thiêng liêng của Luther và việc ông đi tìm kiếm Đấng Thiên Chúa nhân từ. Nhưng có rất ít bảo đảm cho điều này trong các bản văn. Ngược lại, Luther dường như thấy điều đó có tính an ủi. Mặc dù nó ngăn cấm sự tin tưởng phi biện chứng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, điều mà Luther sau này sẽ giảng dạy, nhưng nó cho phép tội nhân khao khát Thiên Chúa dưới chân thập giá có một loại đảm bảo nghịch lý, một cảm thức ít nhất được ở một nơi thích hợp trước mặt Thiên Chúa, một điều duy trì trái tim và cho phép nó bền bỉ đến cùng. Trong một loại “tuyệt vọng đầy tín thác”, tội nhân, bị ơn thánh làm cho đau khổ, nhận ra trong những đau khổ của mình bàn tay cứu rỗi của Thiên Chúa, Đấng mà tình yêu cứu chuộc đã tự bảo vệ mình khỏi bị lạm dụng bằng cách ẩn mình dưới điều đối lập biểu kiến. Không có bằng chứng thực sự nào cho thấy Luther coi sự an ủi này là không thỏa đáng; động lực để định hình lại tư tưởng của ông trong một cấu hình mới phát xuất từ truyền thống thần học, chứ không phải là những khao khát đầy lo lắng của một lương tâm bối rối.

Kỳ tới: III. "Thần học thập giá"