43. SÁCH ĐƯỜNG RẤT NGỌT

Thời nhà Tống có một phủ doãn không thích đọc sách, nhưng lại thích làm bộ kiểu phong nhã, một ngày nọ vào buổi sáng sớm lúc canh năm, ông ta cùng người hầu ngồi ở viện đợi chờ, đột nhiên nói với các quan:

-“Tối qua tôi ngủ không được, ngẫu nhiên đọc hết một quyển “Mạnh tử”, ngọt lắm !”

Nội tướng Trương Đài buột miệng nói:

- “Sách đó chắc chắn không phải là “Mạnh tử”, mà là “sách đường” !

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 43:

Người ta chỉ nói “ngọt lắm” khi ăn đường, ăn cam, ăn kẹo hoặc uống sữa.v.v...chứ không ai nói “ngọt lắm” sau khi đọc sách, nhất là loại sách “khó nuốt” đối với người không thích đọc sách, nói “sách đường” là nói đến những người làm vẻ ta đây là trí thức nhưng không muốn đọc sách gì cả.

Có những người Ki-tô hữu lâu lâu đi nhà thờ một lần vào dịp giáo xứ có tổ chức tĩnh tâm, nhưng khi đến nhà thờ thì chỉ bình hoa trên bàn thờ nói ai cắm hoa coi không đẹp; chỉ lên cung thánh nói cha sở bày biện trang trí không có óc mỹ thuật, nghe cha giảng tĩnh tâm thì nói tưởng giảng gì mới, té ra bổn cũ soạn lại.v.v...họ làm như mình là một nhà phê bình văn học nghệ thuật đại tài, mà không biết rằng mình đến nhà thờ là để tự kiểm điểm bản thân mình, chứ không phải kiểm điểm người khác; là để tự phê bình mình chứ không bới móc khuyết điểm và phê bình người khác...

Làm ra vẻ ta đây trí thức, đạo đức thì dễ lắm nhưng vẫn cứ không ổn, vì người trí thức chân chính thì không bạ đâu phê bình đó, người đạo đức thật thì không hề khoe khoang.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info