Theo một giám mục địa phương, khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Slovakia vào Chúa Nhật, ngài sẽ thấy một đất nước đã thay đổi rất nhiều kể từ lần cuối cùng một vị giáo hoàng đặt chân đến đất nước này.

Đức Cha Jozef Haľko, Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Bratislava, nói rằng “bầu không khí xung quanh Giáo Hội” đã thay đổi kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm vào năm 2003, trong chuyến công du thứ ba của ngài đến quốc gia trung tâm Âu Châu này.

“Chuyến thăm Slovakia của Đức Thánh Cha Phanxicô phải được xem xét trong bối cảnh chuyến tông du của Thánh Gioan Phaolô II,” vị giám mục 57 tuổi nói với CNA.

“Ngay trong thời cộng sản, trước năm 1989, một bản kiến nghị lớn đã được đưa ra yêu cầu mời giáo hoàng đến Slovakia. Mật vụ cộng sản đã bóp nghẹt tiếng nói này của người dân, thậm chí bắt bớ những người đứng ra tổ chức thu thập chữ ký”.

“Tuy nhiên, họ vẫn không thể ngăn chặn phong trào phổ biến này. Bằng cách này hay cách khác, các bức thư đã đến được với Đức Gioan-Phaolô II. Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã rất cảm động vì điều đó. Vì điều này, ngài đã đến thăm chúng tôi ba lần”.

Đức Giáo Hoàng Ba Lan đến thăm Slovakia lần đầu tiên vào năm 1990, bốn tháng sau khi Bức màn sắt sụp đổ, khi Slovakia vẫn còn là một phần của Tiệp Khắc. Ngài đã đến Praha và Bratislava, thủ đô của Slovakia kể từ khi nước này trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1993.

Năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm Bratislava, Nitra, Šaštín, Košice, Prešov, Spišská Kapitula, Levoča, Poprad, và Dãy núi Tatra, nơi tạo thành biên giới tự nhiên giữa Slovakia và quê hương Ba Lan của Đức Giáo Hoàng.

Năm 2003, Đức Gioan Phaolô II đã đến Banská Bystrica, Rožňava và Bratislava.

“Các thế hệ lớn tuổi giữ một ký ức mạnh mẽ về chuyến tông du này,” Đức Cha Haľko nói.

Ngài giải thích rằng trong 25 năm sau đó, Slovakia đã thay đổi sâu sắc.

“Vào những năm 1990, dân chúng có sự nhiệt tình sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Sự nhiệt tình này cũng liên quan đến Giáo hội, được coi là cơ quan chính thức duy nhất chống lại chế độ cộng sản.”

Nhưng thế hệ mới “không nhìn nhận mọi thứ theo cách đó, Giáo hội không còn được coi là những gì Giáo Hội đã là trong thời cộng sản. Bầu không khí xung quanh Giáo hội đã thay đổi. “

Đức Cha Haľko, được Đức Bênêđíctô XVI phong làm giám mục vào năm 2012, cho biết rất khó để đánh giá liệu có nhiều hay ít sự tin tưởng vào Giáo hội ngày nay. Nhưng ngài gợi ý rằng sự sụt giảm ơn gọi là một chỉ dấu mạnh mẽ, mặc dù nó là một phần của xu hướng Âu Châu rộng lớn hơn.

“Không thể phủ nhận việc thế tục hóa. Nó mạnh mẽ. Nó đi sâu hơn nhiều vào tâm lý, vào ý thức, vào vô thức, qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông”.

Mặc dù chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, một số vết sẹo vẫn còn. Và mặc dù nhận thức về Giáo hội đã thay đổi, nhưng ký ức về những gì Giáo hội đã làm phải được duy trì.

“Trong thời cộng sản, các linh mục vẫn đứng thẳng lưng, không thỏa hiệp. Hành vi của các ngài phải có tác động ngày nay. Đối mặt với các xu hướng tư tưởng và tự do mới, chúng ta phải chống lại chúng bằng cách dựa trên tấm gương của những người trung tín với Giáo hội trong thời kỳ khó khăn.”

“Lời kêu gọi lớn nhất bây giờ là phải dựa trên sự thật và có thể hiểu được đối với con người hiện đại, mà không làm tan loãng sự thật Phúc Âm. Lời chứng của chúng ta phải nói về Nước Chúa mỗi ngày”.

Đức Cha Haľko hy vọng rằng chuyến thăm từ ngày 12 đến 15 tháng 9 của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ giúp vực dậy tinh thần này.

Nói về thế hệ trẻ Công Giáo ở Slovakia, ngài nói: “Ít nhiều có những nhóm thanh niên tự phát cầu nguyện, ca hát, những người cùng nhau trải qua kỳ nghỉ”.

Ngài nói: “Đó là một di sản từ thời kỳ cộng sản khi một số người đã tổ chức các phong trào trong vòng quen biết”. Ngài giải thích rằng các nhóm khoảng 15 người quen biết nhau, được hỗ trợ bởi các linh mục bí mật, bao gồm cả Hồng Y người Slovakia Ján Chryzostom Korec.

“Điều này cho thấy những người trẻ có một tiềm năng tinh thần rất lớn. Động lực này mang lại hy vọng cho tương lai”.
Source:Catholic News Agency