Diễn từ của Đức Thánh Cha với Các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh và Giáo lý viên Slovakia



Tại Nhà thờ Saint Martin, Bratislava, Thứ hai, ngày 13 tháng 9 năm 2021

Các Hiền đệ Giám mục thân yêu,

Các Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh thân yêu

Các Giáo lý viên, anh chị em thân yêu, chúc tất cả một buổi sáng tốt đẹp!




Tôi rất vui được chào đón tất cả mọi người và tôi biết ơn Đức Tổng Giám Mục Stanislav Zvolenský vì những lời tốt đẹp của ngài. Cảm ơn lời mời của qúy hiền đệ và mọi người khiến tôi được cảm thấy như ở nhà giữa qúy hiền đệ và mọi người. Tôi đã đến như người anh trai của qúy hiền đệ và mọi người, vì vậy tôi thực sự cảm thấy như một trong số qúy hiền đệ và mọi người. Tôi ở đây để chia sẻ hành trình của qúy hiền đệ và mọi người - đây là điều mà một Giám mục và một Giáo hoàng phải làm - những câu hỏi của qúy hiền đệ và mọi người, cũng như những khát vọng và hy vọng của Giáo hội và đất nước này; về khía cạnh này, tôi vừa nói với Tổng thống rằng Slovakia là một bài thơ! Chia sẻ là phong cách của cộng đồng Kitô hữu đầu tiên: họ thường xuyên cầu nguyện và họ đồng hành với nhau (xem Công vụ 1: 2-14). Họ cũng từng cãi vã, nhưng họ cùng nhau bước đi.

Đây là điều chúng ta cần hơn hết: một Giáo hội có thể cùng nhau bước đi, có thể dẫm chân trên những nẻo đường cuộc sống, tay cầm ngọn lửa sống động của Tin Mừng. Giáo Hội không phải là một pháo đài, một thành lũy, một lâu đài cao cả, tự cung tự cấp và từ cao nhìn xuống thế giới bên dưới. Ở đây, ở Bratislava này, qúy hiền đệ và mọi người có một lâu đài và nó là một lâu đài tuyệt vời! Tuy nhiên, Giáo Hội là một cộng đồng tìm cách lôi kéo người ta đến với Chúa Kitô bằng niềm vui của Tin Mừng, chứ không phải là một lâu đài! Giáo Hội là men của Vương quốc tình yêu và hòa bình của Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta. Làm ơn, đừng để chúng ta bị cám dỗ bởi những mũ mãng cân đai và hùng vĩ của thế gian! Giáo hội phải khiêm nhường, giống như Chúa Giêsu, Đấng tự tước bỏ mọi sự và tự làm mình nghèo đi để làm cho chúng ta trở nên giàu có (x. 2Cr 8:9). Đó là lý do Người đến ở giữa chúng ta và chăm sóc cho nhân loại bị thương tích của chúng ta.

Vĩ đại xiết bao vẻ đẹp của một Giáo hội khiêm nhường, một Giáo hội không đứng xa cách thế gian, nhìn cuộc đời bằng con mắt thờ ơ, nhưng sống cuộc sống mình trong thế gian. Sống trong thế gian có nghĩa là sẵn sàng chia sẻ và hiểu rõ các vấn đề, các niềm hy vọng và khát vọng của người ta. Điều này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi việc tự thu vào mình, vì trung tâm của Giáo hội không phải là Giáo hội! Khi Giáo Hội tự thu mình lại, thì rốt cuộc cũng giống như người phụ nữ trong Tin Mừng: Lưng còng hẳn xuống và chỉ nhìn được lỗ rốn (x. Lc 13,10-13). Trung tâm của Giáo hội không phải là Giáo Hội. Chúng ta phải bỏ lại phía sau mối quan tâm quá mức cho bản thân, cho các cơ cấu của chúng ta, cho những gì xã hội nghĩ về chúng ta. Điều đó chỉ dẫn chúng ta đến một thứ “thần học thẩm mỹ”… Làm thế nào để làm cho mình trông đẹp ra? Thay vào đó, chúng ta cần hòa mình vào cuộc sống thực của mọi người và tự hỏi bản thân: nhu cầu và hoài mong thiêng liêng của họ là gì? Họ mong đợi gì nơi Giáo hội? Điều quan trọng là cố gắng trả lời những câu hỏi này. Đối với tôi, ba từ ngữ xuất hiện trong tâm trí.

Chữ đầu tiên là tự do. Không có tự do, không thể có nhân tính thực sự, vì con người được tạo ra vốn tự do để được tự do. Các chương bi thảm trong lịch sử đất nước của qúy hiền đệ và mọi người cung cấp một bài học lớn: bất cứ khi nào tự do bị tấn công, vi phạm và đàn áp, nhân tính đều bị biến dạng và những cơn bão bạo lực, cưỡng bức và diệt trừ các quyền lợi nhanh chóng kéo theo.

Tự do không phải là một điều gì đó đạt được một cách tự động, một lần và mãi mãi. Không! Nó luôn là một diễn trình, có lúc gây mệt mỏi và luôn cần được đổi mới, điều mà chúng ta cần phấn đấu mỗi ngày. Tự do bên ngoài, hoặc trong các cơ cấu xã hội là chưa đủ,cần phải tự do một cách chân chính. Tự do đòi hỏi trách nhiệm bản thân đối với các lựa chọn, các biện phân và sự kiên trì của chúng ta. Điều này thực sự gây mệt mỏi và thậm chí đáng sợ. Đôi khi, sẽ dễ dàng hơn nếu không bị các tình huống cụ thể thách thức, tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm trong quá khứ, không tham gia quá sâu, không mạo hiểm khi đưa ra quyết định. Chúng ta muốn thoải mái được làm những gì người khác - hoặc dư luận hoặc phương tiện truyền thông - quyết định cho chúng ta. Không nên như thế. Ngày nay chúng ta thường làm những gì mà các phương tiện truyền thông quyết định chúng ta nên làm. Bằng cách này, chúng ta mất tự do. Tuy nhiên, chúng ta hãy suy gẫm về lịch sử của dân tộc Israel: họ phải chịu đựng dưới chế độ bạo ngược của Pharaô, họ là nô lệ và sau đó Chúa đã giải phóng họ. Tuy nhiên, để trải nghiệm tự do thực sự, không chỉ đơn giản là tự do khỏi kẻ thù của họ, họ phải băng qua sa mạc, thực hiện một cuộc hành trình mệt mỏi. Rồi, họ bắt đầu nghĩ: “Há trước đây chúng ta đã không khá hơn hay sao? Ít nhất chúng ta cũng có một vài củ hành để ăn...” Đây là cơn cám dỗ lớn: một vài củ hành tốt hơn là nỗ lực và rủi ro liên quan đến tự do. Đây là một trong những cơn cám dỗ của chúng ta. Hôm qua, nói chuyện với các đại diện đại kết, tôi đã đề cập đến Dostoyevsky và “Quan Tòa Dị Giáo Vĩ Đại” của ông ấy. Chúa Giêsu bí mật trở lại trái đất và quan tòa dị giáo trách móc Người đã ban tự do cho con người nam và nữ. Một chút bánh mì và một chút gì khác nữa là đủ rồi. Cơn cám dỗ này luôn luôn hiện hữu, cơn cám dỗ củ hành củ tỏi. Một vài củ hành củ tỏi và một chút bánh mì tốt hơn là nỗ lực và rủi ro liên quan đến tự do. Tôi để nó cho qúy hiền đệ và mọi người suy nghĩ về những điều này.

Đôi khi trong Giáo hội, ý tưởng này cũng có thể bám rễ. Tốt hơn nên có mọi điều được xác định sẵn sàng, luật pháp được tuân theo, an toàn và độc điệu, hơn là để trở thành những Kitô hữu và người lớn có trách nhiệm, biết suy nghĩ, tham khảo lương tâm của họ và cho phép mình được thách thức. Đó là sự khởi đầu của khoa giải nghi (casuistry), cố gắng ra quy luật cho mọi thứ. Trong đời sống thiêng liêng và trong đời sống Giáo hội, chúng ta có thể bị cám dỗ chỉ muốn tìm kiếm một nền hòa bình giả tạo [ersatz] có thể an ủi chúng ta, hơn là ngọn lửa của Tin Mừng có thể làm chúng ta bất an nhưng biến đổi chúng ta. Những củ hành an toàn của Ai Cập chứng tỏ gây thoải mái hơn so với những bất trắc của sa mạc. Tuy nhiên, một Giáo hội không có chỗ cho cuộc phiêu lưu tự do, ngay cả trong đời sống thiêng liêng, có nguy cơ trở nên cứng ngắc và khép kín. Một số người có thể quen với điều này. Nhưng nhiều người khác – nhất là các thế hệ trẻ - không bị thu hút bởi một đức tin khiến họ không có tự do nội tâm. Họ không bị thu hút bởi một Giáo hội mà ở đó tất cả đều phải suy nghĩ giống nhau và vâng lời một cách mù quáng.

Qúy bạn thân mến, đừng ngại đào tạo để người ta có một mối liên hệ trưởng thành và tự do với Thiên Chúa. Mối liên hệ này rất quan trọng. Phương thức này có thể gây ấn tượng rằng chúng ta đang mất dần quyền kiểm soát, quyền lực và thẩm quyền của mình, tuy nhiên Giáo hội của Chúa Kitô không tìm cách thống trị các lương tâm và chiếm lĩnh không gian, mà đúng hơn muốn là “nguồn suối” hy vọng trong cuộc sống của người ta. Đấy là rủi ro; đấy là thách thức. Trước hết, tôi xin nói điều này với các giám mục và linh mục, vì qúi hiền đệ đang phục vụ trong một đất nước có nhiều thay đổi nhanh chóng và nhiều diễn trình dân chủ đã được khởi động, nhưng tự do vẫn còn mong manh. Điều này đặc biệt đúng khi có liên quan đến trái tim và khối óc của người ta. Vì lý do này, tôi khuyến khích quí hiền đệ giúp giải phóng họ khỏi thứ lòng đạo cứng ngắc. Cầu mong họ được giải thoát khỏi điều đó, và cầu mong họ tiếp tục tăng trưởng trong tự do. Không ai nên cảm thấy bị tràn ngập thái quá. Mọi người nên khám phá ra sự tự do của Tin Mừng bằng cách dần dần bước vào mối liên hệ với Thiên Chúa, tin chắc rằng họ có thể mang lịch sử và những tổn thương bản thân của mình vào trước thánh nhan Người mà không sợ hãi hay giả vờ, mà không cảm thấy cần phải bảo vệ hình ảnh của chính mình. Qúi hiền đệ có thể nói với họ “Tôi là kẻ có tội”, nhưng hãy nói điều đó một cách thành thật, đừng đập ngực và rồi nghĩ rằng mình công chính. Tự do. Xin cho việc loan báo Tin Mừng có tính giải phóng, không bao giờ áp bức. Và cầu mong Giáo hội là dấu chỉ tự do và chào đón!

Để tôi kể cho quí hiền đệ nghe một câu chuyện về những gì đã xảy ra trước đây. Tôi biết chắc không ai biết nó đã xảy ra ở đâu. Đó là về một bức thư mà một vị Giám mục đã viết, phàn nàn về một Sứ thần. Ngài viết: “Trong bốn trăm năm, chúng tôi đã chịu sự áp bức của người Thổ Nhĩ Kỳ, và chúng tôi đã phải đau khổ rất nhiều. Sau đó, trong năm mươi năm chúng tôi ở dưới chế độ Cộng sản và chúng tôi cũng đã phải đau khổ rất nhiều. Nhưng bảy năm qua với vị Sứ thần này còn tệ hơn hai thời kia!”. Đôi khi tôi tự hỏi: Có bao nhiêu người có thể nói điều tương tự về Giám mục hoặc cha xứ của họ? Bao nhiêu? Không, không có tự do, không có tình phụ tử, không có đường tiến lên phía trước.

Chữ đầu tiên là tự do, chữ thứ hai là sáng tạo. Qúi bạn đã được thừa hưởng một truyền thống tuyệt vời. Di sản tôn giáo của qúi bạn được phát sinh từ việc rao giảng và thừa tác vụ của những nhân vật kiệt xuất như Thánh Cyril và Methodius. Các ngài dạy chúng ta rằng truyền giảng Tin Mừng không bao giờ chỉ là sự lặp lại quá khứ. Niềm vui Tin Mừng luôn là Chúa Kitô, nhưng các lộ trình mà tin mừng này đi qua thời gian và lịch sử có thể khác nhau. Các tuyến đường luôn khác nhau. Các thánh Cyril và Methodius cùng nhau đi qua phần này của lục địa Châu Âu và bừng cháy một niềm đam mê rao giảng Tin Mừng, thậm chí các ngài còn phát minh ra một bảng chữ cái mới để dịch Kinh thánh, phụng vụ và giáo lý Kitô giáo. Do đó, các ngài trở thành các tông đồ của sự hội nhập văn hóa đức tin ở giữa qúi bạn. Các ngài đã phát minh ra các ngôn ngữ mới để truyền tải Tin Mừng; các ngài có óc sáng tạo trong việc phiên dịch thông điệp Kitô giáo; và các ngài gần gũi lịch sử của các dân tộc được các ngài gặp gỡ đến độ các ngài đã học ngôn ngữ của họ và tiếp thu văn hóa của họ. Cho phép tôi đặt câu hỏi: Há đây không phải là điều mà Slovakia cũng cần ngày nay hay sao? Há đây không phải là nhiệm vụ cấp bách nhất mà Giáo hội phải đối diện trước các dân tộc ở Châu Âu: tìm ra những “bảng chữ cái” mới để công bố đức tin hay sao? Chúng ta là những người thừa kế một truyền thống Kitô giáo phong phú, tuy nhiên đối với nhiều người ngày nay, truyền thống đó là một di tích từ quá khứ; nó không còn nói với họ hoặc ảnh hưởng đến cách họ sống cuộc sống của họ nữa. Đối diện với việc đánh mất ý thức về Thiên Chúa và niềm vui đức tin, thật vô ích khi phàn nàn, núp sau một đạo Công Giáo phòng thủ, phán xét và đổ lỗi cho thế giới gian ác. Không! Điều chúng ta cần là óc sáng tạo của Tin Mừng. Chúng ta hãy lưu ý. Tin Mừng không bị đóng kín nữa; nó đang mở ra. Nó vẫn còn sống, nó vẫn đang hoạt động, nó vẫn đang khai mở. Chúng ta hãy nghĩ đến những người đã mang một người bại liệt đến với Chúa Giêsu, nhưng không thể qua được cửa trước. Họ mở một lỗ hổng ở mái nhà và hạ ông ta từ trên cao xuống (x. Mc 2: 1-5). Họ có óc sáng tạo! Đối diện với một khó khăn, họ hỏi "Làm thế nào chúng ta có thể lo liệu được điều này?... À, chúng ta hãy làm điều này...". Có lẽ, đối diện với một thế hệ không còn tin tưởng, một thế hệ đã đánh mất cảm thức đức tin hoặc đã giản lược đức tin thành một thói quen đơn thuần hoặc một mức độ lòng đạo ít nhiều có thể chấp nhận được, chúng ta hãy tìm cách để mở một lỗ hổng trên mái nhà; chúng ta hãy có óc sáng tạo. Tự do và sáng tạo… Quả là một điều tuyệt vời xiết bao khi chúng ta tìm ra những cách thức, phương tiện và ngôn ngữ mới để loan báo Tin Mừng! Chúng ta có thể sử dụng sức sáng tạo nhân bản; tất cả chúng ta đều có khả năng này. Nhưng nguồn sáng tạo tuyệt vời là Chúa Thánh Thần! Người là Đấng linh hứng để chúng ta có óc sáng tạo. Nếu bằng cách rao giảng và chăm sóc mục vụ, chúng ta không còn có thể vào bằng cách thông thường, chúng ta hãy cố gắng mở ra những không gian khác và thử nghiệm những phương tiện khác.

Xin cho tôi lạc đề một chút ở đây về việc rao giảng. Có người nói với tôi rằng trong Niềm vui Tin mừng (Evangelii Gaudium), tôi đã nói quá nhiều về bài giảng lễ, vì đó là một trong những vấn đề của chúng ta ngày nay. Bài giảng lễ không phải là một bí tích, như một số người Thệ phản đã tuyên bố, nhưng nó là một á bí tích! Nó không phải là một bài giảng thuyết Mùa Chay, mà là một điều gì đó khác hẳn. Nó nằm ở trọng tâm của Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy nghĩ đến các tín hữu, những người phải lắng nghe các bài giảng lễ kéo dài từ bốn mươi đến năm mươi phút về những chủ đề mà họ không hiểu hoặc không ảnh hưởng gì đến họ... Làm ơn đi, thưa các linh mục và giám Mục, qúi hiền đệ hãy soạn các bài giảng lễ của quí hiền đệ sao đó để chúng đánh động kinh nghiệm sống của người ta, và bảo đảm rằng chúng được dựa trên Kinh thánh. Nói chung, một bài giảng lễ không nên kéo dài quá mười phút, bởi vì sau tám phút, qúi hiền đệ sẽ mất đi sự chú ý của người ta, trừ khi nó thực sự hấp dẫn. Nhưng nó không nên kéo dài quá mười đến mười lăm phút. Giáo sư về môn giảng lễ của tôi từng nói rằng một bài giảng phải có tính nhất quán bên trong: một ý tưởng, một hình ảnh và một tác động; người ta nên ra về với một ý tưởng, một hình ảnh hoặc một điều gì đó đã lay động trái tim họ. Rao giảng Tin Mừng thật đơn giản xiết bao! Đó là cách Chúa Giêsu đã rao giảng, sử dụng các thí dụ như chim chóc, cánh đồng… ngài sử dụng những điều cụ thể mà mọi người hiểu được. Thứ lỗi cho tôi vì đã quay trở lại chuyện này, nhưng nó làm tôi lo lắng... [vỗ tay]... Hãy để tôi nghịch ngợm một chút: các nữ tu, những nạn nhân của các bài giảng lễ của chúng ta, đã khởi xướng tiếng vỗ tay đó!

Thánh Cyril và Methodius đã làm chính xác điều đó, các ngài đã cởi mở đối với óc sáng tạo mới này, và các ngài dạy chúng ta rằng Tin Mừng không thể lớn mạnh trừ khi nó bén rễ vào nền văn hóa của một dân tộc, các biểu tượng và vấn đề của nó, các lời nói và chính cuộc sống của nó. Như qúi bạn đã biết, hai anh em đã gặp trở ngại và bị bách hại. Các ngài bị buộc tội là dị giáo vì đã dám phiên dịch ngôn ngữ của đức tin. Đó là ý thức hệ phát sinh từ cơn cám dỗ độc dạng. Mặt khác, việc truyền giảng Tin Mừng là một diễn trình, một diễn trình hội nhập văn hóa. Nó là một hạt giống sinh trái mới mẻ, sự mới mẻ của Thần Khí, Đấng đổi mới mọi sự. Người gieo giống gieo giống - Chúa Giê-su nói với chúng ta - rồi về nhà và ngủ. Ông ta không thức dậy để xem hạt giống có mọc hay không, nó có nảy mầm hay không… Chính Thiên Chúa là Đấng ban sự nẩy nở ấy. Đừng kiểm soát cuộc sống quá nhiều về mặt này: hãy để cuộc sống nẩy nở, như hai thánh Cyril và Methodius từng làm. Chúng ta có nhiệm vụ gieo giống tốt và chăm sóc nó như những người cha, đúng vậy. Người nông dân trông nom, nhưng ông ta không đi ra ngoài mỗi ngày để xem nó nẩy nở ra sao. Nếu ông ta làm điều này, ông ta sẽ giết chết cây.

Tự do, sáng tạo và cuối cùng là đối thoại. Một Giáo hội biết huấn luyện người ta về tự do nội tâm và trách nhiệm, một Giáo Hội có thể có óc sáng tạo bằng cách lao vào lịch sử và văn hóa của họ, cũng là một Giáo hội có khả năng tham gia đối thoại với thế giới, với những người tuyên xưng Chúa Kitô mà không phải là “người của chúng ta”, với những người đang đấu tranh với tôn giáo, và ngay cả với những người không tin. Nó không phải là một nhóm người đặc biệt. Nó đối thoại với mọi người: những người tin Chúa, những người sống một cuộc sống thánh thiện, những người hâm hấp và những người không tin. Nó nói với mọi người. Đó là một Giáo hội, theo bước chân của hai thánh Cyril và Methodius, biết hợp nhất và giữ cho kết hợp với nhau giữa Đông và Tây, những truyền thống và nhạy cảm khác nhau. Một cộng đồng, khi loan báo Tin Mừng tình yêu, sẽ giúp cho sự hiệp thông, tình bạn và đối thoại có thể nảy nở giữa các tín hữu, giữa các tuyên tín Kitô giáo khác nhau và giữa các dân tộc.

Hiệp nhất, hiệp thông và đối thoại luôn mong manh, nhất là trong bối cảnh một lịch sử đau thương đã để lại nhiều vết thẹo của nó. Ký ức về những tổn thương trong quá khứ có thể tạo ra sự oán giận, ngờ vực và thậm chí là khinh bỉ; nó có thể cám dỗ chúng ta tự lập rào cản chống lại những ai khác biệt. Tuy nhiên, các vết thương luôn có thể biến thành đường quá giang, những mở lối để, nhờ bắt chước các vết thương của Chúa, chúng làm cho lòng thương xót của Chúa bừng lên. Ân sủng này thay đổi cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta trở thành những nghệ nhân của hòa bình và hòa giải. Qúi bạn có một câu tục ngữ: "Nếu ai đó ném một hòn đá vào bạn, hãy ném lại cho người đó một ổ bánh mì". Quả là linh hứng. Điều này quả thực hợp Tin Mừng xiết bao! Chính Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phá vỡ cái vòng luẩn quẩn và tàn phá của bạo lực bằng cách giơ má bên kia cho những kẻ bắt bớ chúng ta, bằng cách chiến thắng điều ác bằng điều thiện (xem Rm 12:21). Tôi luôn có ấn tượng về một biến cố trong tiểu sử của Đức Hồng Y Korec. Ngài là một vị Hồng Y Dòng Tên, bị chế độ bách hại, bị bỏ tù và bị kết án lao động khổ sai cho đến khi lâm bệnh. Khi đến Rôma dự Năm Thánh 2000, ngài đến các hang toại đạo và thắp nến cho những kẻ bắt bớ ngài, khẩn khoản xin lòng thương xót cho họ. Đấy là Tin Mừng! Nó lớn mạnh trong cuộc sống và trong lịch sử nhờ tình yêu khiêm tốn và kiên nhẫn.

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn Thiên Chúa vì những khoảnh khắc bên nhau này, và tôi cảm ơn chân thành nhất về tất cả những gì các bạn đã làm, và tất cả những gì các bạn đang là, cũng như những gì các bạn sẽ làm, nhờ được bài giảng này truyền cảm hứng, vốn cũng là hạt giống mà tôi đang gieo vãi… Hãy chờ xem liệu một số cây có nẩy mầm hay không! Tôi khuyến khích các bạn kiên trì trong cuộc hành trình của các bạn trong tự do của Tin Mừng, trong sự sáng tạo của đức tin và trong cuộc đối thoại bắt nguồn từ lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã biến chúng ta thành anh chị em và kêu gọi chúng ta trở thành những người xây dựng hòa hợp và hòa bình. Tôi ban cho các bạn lời chúc phúc thân thương của tôi và tôi xin các bạn, làm ơn, hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn!