Giảng lễ Các Thánh Tử Đạo VN, Roma 20/11/2021

Kn 3, 1-9; Mt 10, 17-22

Trước tiên con xin hết lòng cám ơn Cha Chủ Tịch Liên Tu Sĩ Roma, đã cho con cơ hội rất quý báu, hôm nay (cho ngày lễ nhớ 24/11/2021), trong dịp mừng kính Các Thánh TĐVN tại Roma đây, được ngỏ lời với cộng đoàn phụng vụ.

Kính thưa quý Cha, quý Sơ, quý ACE rất thân mến,

Thật là cơ hội vàng cho con, được chia sẻ với ACE những tâm tình ý nghĩ sâu đậm nhất của con, để cùng chung lời tôn kính các Thánh Tử Đạo VN, cha ông trân quý của chúng ta trong Đức Tin.

Nhờ giáo lý, chúng ta biết rõ, tôn kính các Thánh trong phụng vụ không phải là suy tôn các ngài cho chính các ngài, mà là tôn vinh TC qua các ngài: nêu gương sống Đức Tin của các ngài, để bắt chước và, với lòng kính mến biết ơn, cậy nhờ các ngài nguyện giúp cầu thay trước mặt TC, vì các ngài đã chắc chắn đạt được vinh phúc Chúa hứa ban và sự chuyển cầu của các ngài thật là quý giá.

Con sô 117 Thánh gồm gói mọi thành phần Giáo Hội: giám mục, linh mục, tu sĩ, thầy giảng, chủng sinh, giáo dân, cách riêng, một phụ nữ (Anê Lê Thị Thành), đại diện cho thành phần tối quan trọng trong gia đình và cộng đoàn.

Chúng ta đã nghe, đã đọc nhiều về các Thánh TĐVN, nhưng chắc chưa có ai đã am tường từng vị trong danh sách 117 đấng được phong thánh đó, nhất là những vị của miền đất khác, thuộc giáo phận khác. Cuốn tập nhỏ "Danh Sách 117 Thánh TĐVN" mà con đã hân hạnh hiến tặng (ai chưa lấy, con xin trao tiếp sau Thánh Lễ): danh sách đó sẽ có thể cung cấp dồi dào các chi tiết đặc điểm của từng vị. Ngoài các vị là quan triều đình như Hồ Đình Hy, Tống Viết Bường, các chức sắc trong làng, các giám mục, rất nhiều linh mục, thừa sai, tu sĩ, còn có các cha già yếu (Cha Vũ Bá Loan 84 tuổi), nhiều thày giảng, chủng sinh (Trần Văn Thiện 18 tuổi, trẻ nhất), nhiều giáo dân thường, lính tráng và - chắc ít người biết - cả một tướng cướp (Phaolô Trần Văn Hạnh, quê Tân Triều, Giáo Phận Xuân Lộc). Hay lắm, xin đừng bỏ sót.

Sách Khôn Ngoan viết: "Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa" (Kn 3,6). Các Thánh của chúng ta hằng chịu gông cùm, xiềng xích, tù ngục, tra tấn với những trận đòn om xương, nát thịt, máu me vọt ra đầm đìa (Hãy đọc thư Thánh Lê Bảo Tịnh trong bài đọc 2 kinh sách ngày 24/11 thì rõ). Mục đích kẻ bách đạo (Cf Mt 10, 17-22) không phải là giết chết ngay, nhưng là để tín hữu kiệt lực, thối chí sờn lòng mà ưng thuận bỏ đạo. Rồi sau thời gian dài thử thách, nếu chưa chết rũ tù, thì thi hành án tử, bằng thể loại mà chỉ nghe, ta đã ớn người: xử giảo (giây thắt vào cổ, rồi 2 người kéo 2 đầu giây, ghìm chặt cho tới khi nạn nhân hoàn toàn tắt thở), trảm quyết (chặt cổ mấy nhát cho tới khi đầu đứt rơi xuống đất), thiêu sống (nướng chín với lửa hồng), bá đao (cắt trăm miếng thịt khắp thân thể), lăng trì (phân thây ra nhiều khúc) và treo đầu mấy ngày, xong nghiền nát toàn thịt xương và cho vào lòng đại bác bắn tung ra biển...

Các ngài đã trung kiên làm chứng cho Đức Tin vững vàng vào Chúa như thế, thì Chúa đáp lại "chấp nhận như của lễ toàn thiêu" (Kn 3,6) và "được vinh dự lớn lao" (Kn 3,5).

Quả quyết điều này là chúng ta nói không chỉ theo Đức Tin vào Lời Chúa, mà cũng theo cảm nghiệm cụ thể do nhiều dấu lạ hiển nhiên. Nhưng Giáo Hội vẫn hết sức cẩn thận để lòng tin đó không thể sai lầm: nó phải hóa ra như "tín điều" nhỏ, điều hằng diễn ra trong quá trình làm án phong thánh, mà quả thật là rất khó khăn và lâu dài. Cái khó khăn hơn hết ở đây là phải có ít là 1 phép lạ được công nhận.

Với các Thánh của chúng ta, tuy được kể lại, có nhiều dấu lạ, nhưng chưa có "phép lạ" (trong ngoặc kép) theo đúng giáo luật. Dù vậy vẫn đã được tuyên thánh ngày 19/6/1988, nhờ Đưc Thánh GH Gioan Phaolo II chuẩn luật: đó hóa ra cuối cùng phải được kể là phép lạ.

Con xin nói ít lời về việc này và vài chi tiết liên quan đến Đại Lễ Phong Thánh để thấy rõ sự quan phòng kỳ diều của Chúa cho các Thánh chúng ta.

Con số 117 vị TĐVN là gom lại 4 nhóm đã được tuyên phong chân phước vào những năm 1900 (64 vị thuộc cả MEP và OP), năm 1906 (8 vị OP), năm 1909 (20 vị MEP) và năm 1951 (25 vị OP).

Sau khi đã là Chân Phước thì ai cũng mong muốn sớm thành Hiển Thánh. Nhưng phải đợi nhiều năm sau, mãi tới 1979, khi Đức TGM Hà Nội Trịnh Văn Căn, Chủ Tịch HĐGMVN được sang Roma lĩnh mũ Hồng Y, kế hoạch xin phong thánh mới được khởi sự. Ngài xin ĐÔ Bernard Jacqueline, người Pháp, đang làm Thừa Tác Viên (Minutante) cho VN tại Bộ Truyền Giáo đứng làm Cáo Thỉnh Viên (Postulatore). Nhưng vị này thưa không biết gì nhiều về các Chân Phước VN, tuy rất quý mến miền truyền giáo mà ĐC Lambert de la Motte vị đồng hương với ngài đã là Phủ Doãn Tông Tòa đầu tiên và nay ngài được vinh dự phục vụ tại Roma. ĐHY Căn liền chỉ tên con, cho làm Phó của ngài, để cung cấp những chi tiết cần thiết. Hồi đó con đang nghiên cứu về lịch sử GHVN, và với nhiều cố gắng đã tìm ra được đủ 117 Đấng cùng với tài liệu rõ ràng, gồm gói trong 4 nhóm chân phước nói trên.

Cũng vào thời đó, Bộ Phong Thánh ra luật mới, khẳng định phải có 2 hoặc ít là 1 phép lạ. Thế là phải lo việc cổ võ trong dân, mà cả một con số lớn như vậy thì khó khả thi, nên ĐÔ bảo con chọn một nhóm nhỏ thôi, đại biểu cho mỗi tầng lớp thành phần, những vị danh tiếng và quan trọng hơn. Cố làm cho xong, con chờ đợi dịp may hiếm có, gửi kết quả công việc về ĐHY Căn, xin ngài chuẩn y. Nhưng ngài bác bỏ hoàn toàn, chủ trương phải xin cho được cả 117 vị, và phép lạ nhãn tiền là: NHỜ CÁC NGÀI MÀ ĐÃ CÓ ĐƯỢC GHVN NGÀY NAY.

Không lâu sau đó, 1982 ĐÔ Jacqueline được thăng chức Giám Mục, rời Roma đi làm Khâm Sứ tại Phi Châu (Burundi), nên công việc gián đoạn cho tới 1985, khi ĐHY Căn trở lại viếng Tòa Thánh nữa. Nhân dịp này, con đã xin ngài đặt ĐÔ Trần Ngọc Thụ, đang phục vụ tại Phủ Quốc Vụ Khanh Vatican thay chân ĐÔ Jacqueline làm tiếp Postulatore. Không ngờ vụ việc này trở nên quá tốt. ĐÔ Thụ vui vẻ nhận lãnh công tác, hoàn toàn gratis (miễn phí), với ý thức tự lo mọi chuyện, không thể cậy nhờ gì nhiều nơi ĐHY ở VN, nhất là không có đồng tiền quỹ nào. Thật may là 1988 ngài được làm Bí Thư Riêng của Đức Gioan Phaolo II, nên nhiều giao tiếp cấp cao trong Giáo Hội thành khá dễ dàng. Chuyện căn bản vẫn là chuyện phép lạ. Vậy, đồng lòng với ĐHY VN rằng: GHVN phát triển không ngừng trong bao bách hại, được tới trên 6,7 triệu (1980), i.e. 7% dân số, với tổ chức quy củ tốt đẹp thế này: đúng là phép lạ lớn nhãn tiền. Và kết quả đó là đúng như câu viết thời danh của Giáo Phụ Tertulliano (Apol. 50,13): "Sanguis martyrum, semen christianorum" (Máu các vị tử đạo là hạt giống các tín hữu Kitô). Các GH Pháp, Tây Ban Nha và Phi Luật Tân đã từng gửi thừa sai tới VN cũng đồng ý như thế, nên 4 HĐGM cùng với Hội Thừa Sai Paris (MEP) và Dòng Đaminh (OP), sau lời yêu cầu của ĐÔ Thụ, đã riêng rẽ viết thư thỉnh cầu ĐGH phong thánh cho 117 vị anh hùng của chúng ta mà không cần đắn đo do dự.

Thế là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vốn rất thương mến VN đã ưu ái nhận lời, cho tiến hành ngay việc phong thánh, không đòi hỏi phép lạ nào hơn.

Một khó khăn khác là vấn đề tài chính. Như đã nói trên, từ đất nước VN hồi đó không thể mong chờ gì; nhưng vì có sự cộng tác tích cực của 3 giáo hội, nơi đều có các vị tử đạo trong nhóm, nên kinh phí cuộc đại lễ được chia 3: Pháp 1/3, Tây Ban Nha 1/3 và VN 1/3. Đối với nố 1/3 của VN này cũng còn rất khó, nhưng được giải quyết cách rất thần kỳ. Ta hãy nghe chuyện kể của chính ĐÔ Thụ.

Ngài vào Ngân Hàng Vatican (IOR) vay tiền. Nơi đó, ĐÔ của Vatican, Mons. Donato De Bonis thấy món tiền lớn quá thì báo động về tiền lời sẽ phải trả rất nhiều. Nhưng sau khi biết tiền được liều vay cho vụ phong thánh thì ĐÔ De Bonis đã tặng cho tất cả (Cf. Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, Tủ Sách Hoàng Sa 2018, tr.206).

Rồi bức họa 117 Thánh TĐVN (4m x 3,2m) do họa sĩ Gordon Faggetter vẽ, để chăng tại mặt tiền Đền Thánh Phêrô ngày phong thánh, thực hiện trong hơn 1 năm trời, tiêu tốn rất nhiều tiền. May nhờ các nhóm hành hương, đặc biệt từ Mỹ và Pháp đóng góp giúp cho; rồi sau ngày phong thánh, đoàn hành hương đông đảo từ Vizcaya (TBN) dâng một món tiền lớn để được lĩnh bức họa đem về giữ trưng bày tại quê hương thánh GM Berrio Ochoa (Vinh) của họ. Vậy là giải quyết thanh toán xong về bức vẽ. Thế mà khi chết, năm 2002, trương mục ngân hàng của ĐÔ Thụ không còn lại một xu.

Rồi nữa cũng nên nói ở đây: Nhà Nước XHCNVN thời đó đối nghịch việc phong thánh cách mãnh liệt, nên đã tuyên truyền khắp nơi trong nước, chống việc phong thánh này. Điều hay bất ngờ là làm thế, họ quảng bá về các Thánh TĐ giúp mình, mà mình không phải tốn đồng nào cho một công chuyện to lớn như vậy.

Cuối cùng, ngày vinh quang 19/6/1988 đã diễn ra hết sức vĩ đại, long trọng, tốt đẹp và tràn ngập niềm vui tại quảng trường Thánh Phêrô Roma với Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chủ tọa, bao quanh bởi 20 Hồng Y, 40 Giám Mục và 560 linh mục tu sĩ. Hiện diện trong đại lễ thấy có các đại diện Ngoại Giao Đoàn bên cạnh Tòa Thánh và đại đoàn hơn 30.000 tín hữu: trong số này 15.000 người Việt đến từ 25 quốc gia, 10.000 người Tây Ban Nha và 5.000 người Pháp. Lưu ý rằng trong số 117 Thánh Tử Đạo được tuyên dương hôm nay, có 11 vị là Thừa Sai Tây Ban Nha, 10 vị là Thừa Sai Pháp và 96 vị là con dân Nước Việt (Cf. Kỷ Yếu Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam, Vaticano 1989, tr. 81).

Kết luận - Nhìn vào 117 Thánh TĐVN chúng ta thấy rõ ứng nghiệm lời Sách Khôn Ngoan: "Các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau" (Kn 3,7) và "các ngài sẽ được vinh dự lớn lao" (Kn 3,5).

Ước gì chúng ta thêm ý thức, được thêm lòng sùng mộ Các Thánh Tổ Tiên ấy cùng góp phần quảng bá sâu rộng trong xã hội ngày nay và mãi mãi tới thế hệ sau này. Làm vậy cũng là tuyên xưng lời Chúa trong Thánh Vịnh 115: "Đối với Chúa thật là đắt giá, cái chết của những ai trung hiếu với Người" (Tv 115,15).

Đúng là ứng nghiệm hoàn toàn Lời Chúa Giêsu tuyên bố long trọng trong 8 Mối Phúc: "Phúc cho anh em khi vì Thày mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (Mt 5,11-12). Amen.

Lm Gioan Trần Mạnh Duyệt, Roma 20/11/2021