Theo John Clark, viết trên CNA ngày 19 tháng 5, 2022, Tối cao Pháp viện không phải là cơ quan lập pháp - trong khi nó có thể đưa ra các phán quyết tư pháp, nó không thể làm luật.
"Roe v. Wade là luật của đất." Cụm từ này đã được thốt ra hàng triệu lần kể từ ngày 22 tháng 1 năm 1973. Cho dù họ muốn Roe giữ nguyên hay bãi bỏ, người Mỹ phần lớn đồng ý với nhận định đó. Vấn đề là, câu nói đó sai 100%. Roe không phải là luật vào năm 1973. Nó không phải là luật lúc này.
Quyết định đa số của thẩm phán Harry Blackmun trong Roe v. Wade là quan điểm của tòa án, không phải là luật.
Blackmun muốn nó trở thành luật. Ông ấy tuyên bố nó phải là luật. Ông ấy viết phán quyết này như thể đó là luật. Như Chánh án Samuel Alito viết trong dự thảo phán quyết bị rò rỉ gần đây của mình, "Kế hoạch mà Roe đưa ra trông giống như luật pháp và Tòa án đã cung cấp loại giải thích có thể được mong đợi từ một cơ quan lập pháp."
Alito viết tiếp: “Các điểm yếu trong lý luận của Roe đã được biết rõ. Không có bất cứ căn cứ nào trong bản văn hiến pháp, lịch sử hoặc tiền lệ, nó áp đặt lên toàn bộ đất nước một bộ quy tắc chi tiết giống như những quy tắc mà người ta có thể mong đợi tìm thấy trong một quy chế hoặc quy định”.
Vấn đề là, và vẫn còn là, Tối cao Pháp viện không có thẩm quyền hiến định để làm luật.
Tối cao Pháp viện là cơ quan tư pháp, không phải cơ quan lập pháp. Tòa án có thể đưa ra các phán quyết tư pháp; nó không thể làm luật. Sự khác biệt đó là điều căn bản cho nền cộng hòa lập hiến của chúng ta. Như Alexander Hamilton đã viết trên Federalist, "Tôi đồng ý, rằng ‘không có tự do, nếu quyền xét xử không tách biệt với quyền lập pháp và hành pháp'."
Ở Mỹ, các dự luật trở thành luật sau khi được Quốc hội (nhánh lập pháp) thông qua, và sau đó được Tổng thống (nhánh hành pháp) ký thành luật. Tổng thống có thể phủ quyết một dự luật, nhưng (với đủ số phiếu bầu) quyền phủ quyết đó có thể bị vượt qua và do nhánh lập pháp thông qua. Không có ngoại lệ, Tòa án tối cao là cơ quan duy nhất của chính phủ không có quyền liên quan đến hoạt động tạo luật. Điều đó đúng cho dù đó là luật phá thai, luật tra tấn, luật tài sản hay bất cứ loại luật nào khác.
Chắc chắn, các thẩm phán nên áp dụng luật, nhưng điều này khác xa với việc làm luật. Như Chánh án John Roberts đã nói, “Các thẩm phán và chánh án là những người phục vụ luật pháp, không phải ngược lại. Các thẩm phán giống như trọng tài. Các trọng tài không tạo ra các quy tắc; họ áp dụng chúng.” Cũng như các trọng tài, Tòa án có quyền lật ngược những phán quyết tồi tệ của chính họ. Sự lật ngược Roe của Alito không phải là duy nhất; nó là một trong số nhiều vụ lật ngược.
Quyền làm luật - cùng với các quyền như tuyên chiến, đàm phán hiệp ước và phát hành tiền tệ - được dành cho các nhánh khác. Tòa án tối cao không có thẩm quyền hiến định để đưa ra luật phá thai giống như họ không có quyền tuyên chiến với Canada, đàm phán các hiệp ước với đảo Curaçao hoặc thay thế đồng đô la Mỹ bằng tiền điện tử. Đây là những quyền hạn được dành cho các nhánh khác.
Blackmun không có quyền làm luật cũng như bất cứ công dân không dân cử nào khác ở Mỹ không có quyền đó. Lord Acton nhận xét rằng “quyền lực có xu hướng thối nát; quyền lực tuyệt đối thối nát cách tuyệt đối”. Nếu một người tuyên bố sở hữu quyền lực tuyệt đối trong một nền cộng hòa lập hiến, thì điều đó được coi là bằng chứng của thối nát. Ít nhất, nó không thừa nhận sự tách biệt các quyền lực được coi là thiết yếu để vận hành một hình thức chính phủ hợp hiến.
Tất nhiên, một số nhà cấp tiến về chính trị, trong căn bản, bác bỏ quan niệm đó - toàn bộ việc “tách biệt các quyền lực”. Họ hình như tin rằng Tối cao Pháp viện không chỉ có quyền tư pháp mà còn có quyền hành pháp và lập pháp liên bang tuyệt đối.
Hơn nữa - khi bác bỏ lập luận của Alito cho rằng các đại diện dân cử nên có quyền đưa ra luật liên quan đến phá thai – trong yếu tính, họ lập luận rằng Tối cao Pháp viện nên duy trì quyền lực tuyệt đối đối với tất cả 50 thống đốc tiểu bang, tất cả các cơ quan lập pháp của tiểu bang và tất cả cử tri ở tất cả các tiểu bang đó. Trong khi họ kêu gọi dân chủ trên CNN và MSNBC, những người cấp tiến, cùng một lúc, thúc đẩy ý kiến cho rằng chỉ cần năm cá nhân không được dân bầu (số lượng cần thiết cho đa số Tòa án) nên đưa ra quyết định sinh tử thay mặt cho 330 triệu người.
Có thể tồn tại một diễn trình phi dân chủ hơn thế hay không?
Phán quyết của Alito cho rằng quyền lực nên được trả lại cho các tiểu bang, có nghĩa là: quyền lực nên được trả lại cho cử tri ở các tiểu bang. Phán quyết của Alito sẽ cho phép một diễn trình dân chủ hơn – chứ không ít hơn. Đó không phải là một ý kiến; đó là một tuyên bố về sự kiện có tính toán học khách quan.
Quyết định của chánh án Alito không coi việc phá thai là bất hợp pháp và bất cứ ai nói khác thế là cố ý gian dối hoặc đơn giản thiếu hiểu biết. Dù người ta nghĩ gì về việc phá thai, điều chắc chắn là việc lật ngược Roe của Alito là một trong những quyết định hoàn toàn dân chủ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.