1. Pax Christi đã đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ một lệnh ngưng bắn trong ngày lễ Giáng Sinh

Tổ chức Pax Christi, hay Hòa Bình của Chúa Kitô, đã đưa ra lời kêu gọi sau:

Chúng ta hãy kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine trong dịp Giáng Sinh và Năm mới 2023, từ ngày 25 tháng 12 đến ngày 7 tháng Giêng - như một dấu chỉ của tình nhân loại, hòa giải và hòa bình.

Thỏa thuận đình chiến Giáng Sinh năm 1914 ngay trong khói lửa mịt mù của Thế chiến thứ nhất là biểu tượng của hy vọng và lòng dũng cảm. Nó đã được đồng thanh chấp thuận bởi các các quốc gia tham chiến và dẫn đến một sự hòa giải tự phát. Đây là bằng chứng cho thấy rằng ngay cả trong những cuộc xung đột bạo lực nhất, theo lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV, “ít nhất là vào đêm khi các thiên thần ca hát, các khẩu đại bác có thể im lặng”.

Chúng tôi kêu gọi chính phủ của các bên tham chiến: hãy im tiếng súng. Mang đến cho mọi người giây phút bình yên và mở ra con đường đàm phán.

Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế làm mọi thứ trong khả năng của mình để hỗ trợ một thỏa thuận ngừng bắn Giáng Sinh và khởi động lại các cuộc đàm phán giữa hai bên.

Tầm nhìn và mục tiêu của chúng tôi là một cấu trúc hòa bình mới cho Âu Châu, bao gồm an ninh cho tất cả các nước Âu Châu dựa trên chính sách “an ninh chung”.

Hòa bình, hòa giải và sự hiểu biết chung về nhân loại có thể chiến thắng hận thù, bạo lực và tội lỗi hiện đang ngự trị trong chiến tranh. Chúng ta hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều là con người và ngược lại, chiến tranh và sự hủy diệt lẫn nhau là vô nghĩa.

Bình an trong Lễ Giáng Sinh là một cơ hội để nhận ra lòng trắc ẩn và lòng bác ái của chúng ta dành cho nhau

Cùng nhau - chúng tôi tin chắc - chu kỳ hủy diệt, đau khổ và chết chóc có thể bị phá vỡ.

Chế độ của tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái nhằm vào Ukraine kể từ tháng 10, gây thiệt hại cho hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng dân sự, nhằm gây mất điện trong mùa đông lạnh giá.

Cho đến ngày Chúa Nhật 18 tháng 12, đã mở 9 cuộc pháo kích và không kích cường tập vào các cơ sở hạ tầng dân sự của người Ukraine với thâm ý rõ ràng là dìm những người dân khốn khổ này vào cảnh chết cóng trong mùa Đông lạnh lẽo thường xuyên từ 20 đến 30 độ C dưới không độ.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã được các phóng viên hỏi hôm thứ Tư vừa qua rằng liệu Nga có đang xem xét một thỏa thuận ngừng bắn cho kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm mới hay không.

Câu hỏi được đặt ra vì vào sáng ngày thứ Tư, vào giờ cao điểm khi người dân đang trên đường đến nơi làm việc, quân Nga đã phóng 13 máy bay không người lái kamikaze Shahed do Iran sản xuất vào thủ đô Kyiv. May mắn là tất cả đều bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.

Ông Peskov cho biết Mạc Tư Khoa chưa nhận được đề xuất về khả năng ngừng bắn giữa Ukraine và Nga trong thời gian nghỉ lễ, đồng thời nói thêm rằng “chủ đề này không có trong chương trình nghị sự”.

2. Đức Tổng Giám Mục 'nghỉ chữa bệnh dài hạn'

Đức Tổng Giám Mục Michael Byrnes đang vắng mặt trên đảo để nghỉ phép dài hạn vì lý do y tế, theo một thông cáo được viết bởi Linh mục Romeo Convocar, tổng đại diện của Tổng giáo phận Agana.

Đầu tháng này, tổng giáo phận đã thông báo rằng Đức Cha Byrnes “tiếp tục vắng mặt trên đảo trong thời gian nghỉ phép kéo dài vì lý do y tế” và làm như vậy với sự cho phép của Sứ thần Tòa Thánh để giải quyết các nhu cầu y tế quan trọng.

Giám đốc truyền thông của tổng giáo phận Tony Diaz cho biết Đức Cha Byrnes đã đến lục địa Hoa Kỳ vào tuần cuối cùng của tháng 6. Theo Diaz, thông tin đó là tất cả những gì có thể được chia sẻ vào thời điểm này.

trong khi Đức Tổng Giám Mục đi vắng, Cha Convocar sẽ lo các nhu cầu mục vụ và hành chính, mà ngài được giáo luật trao quyền để thực hiện.
Source:Post Guam

3. Khủng Hoảng tại Đức, Giáo Hội Hoàn Vũ Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “The German Crisis, The World Church, And Pope Francis”, nghĩa là “Khủng Hoảng tại Đức, Giáo Hội Hoàn Vũ Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Năm của Chúa chúng ta 2023 có thể sẽ chứng kiến những bi kịch Công Giáo mà chúng ta không thể đoán trước được bây giờ; đó là con đường của Chúa Quan Phòng. Điều chúng ta có thể biết chắc chắn về năm tới là cuộc khủng hoảng tại Đức trong bối cảnh Giáo hội Hoàn Vũ sẽ lên đến đỉnh điểm, bởi vì những gì đang xảy ra ở Đức sẽ xung đột với phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị cho một Giáo hội đồng nghị vào tháng 10 năm 2023. Và việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Đức sẽ có kết quả cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là hoàn toàn mang tính quyết định, trong việc xác định di sản của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vậy điều gì đang xảy ra ở Đức, dọc theo “Tiến Trình Công Nghị” quốc gia của Giáo Hội này?

Nhiều điều đang xảy ra: vũ khí hóa tội ác và tội lỗi lạm dụng tình dục để tái phát minh Công Giáo; bác bỏ những hiểu biết Công Giáo đã ổn định về tình yêu con người và sự thể hiện của tình yêu ấy; một sự đầu hàng vô điều kiện đối với hệ tư tưởng giới tính và sự hủy diệt của nó đối với giáo huấn Kinh Thánh về con người; một cuộc cách mạng trong giáo hội học, nhân danh việc trao quyền cho giáo dân để tước bỏ các chức vụ giám mục và linh mục khỏi tính cách bí tích trọn vẹn của họ; việc giản lược dần Giáo hội thành một tổ chức phi chính phủ giàu có, làm những công việc tốt được xác định bởi sự đồng thuận về mặt chính trị vào từng thời điểm.

Đằng sau tất cả những điều này - và ở đây chúng ta đi đến tận cùng của điểm mấu chốt - là sự bác bỏ giáo huấn long trọng của Công đồng Vatican II về mạc khải của Thiên Chúa. Và vì Hiến chế Tín lý về Mạc khải Thiên Chúa của Vatican II, được biết đến với tựa đề Latinh là Dei Verbum (Lời của Thiên Chúa), là thành tựu cơ bản của Công đồng, nên bác bỏ giáo huấn Dei Verbum là bác bỏ Vatican II. “Tiến Trình Công Nghị” của Đức không phải là một sự phát triển của Công đồng. Đó là một sự bác bỏ Công đồng.

Dei Verbum khẳng định mạnh mẽ tính thực tại của mạc khải Thiên Chúa và thẩm quyền ràng buộc của mạc khải theo thời gian. Dựa trên hơn một thế kỷ suy tư về Thánh Kinh và thần học về lịch sử cứu độ, Vatican II nhấn mạnh, chống lại bản chất của văn hóa thời thượng cho rằng Kitô giáo chỉ là một huyền thoại từ lòng mộ đạo hay một tập hợp các truyền thuyết gây cảm hứng. Kitô giáo là cuộc gặp gỡ với Con Thiên Chúa nhập thể, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh, Đấng hoàn tất việc tự mạc khải Thiên Chúa là ai, và Thiên Chúa dự định gì cho nhân loại, là điều đã bắt đầu khi Thiên Chúa ngỏ lời với dân Do Thái qua tổ phụ Abraham, Môsê, và các tiên tri.

Dei Verbum cũng dạy rằng mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại đã được hoàn thành trong Chúa Giêsu Kitô. Người Công Giáo liên tục tìm hiểu chiều sâu của mạc khải đó và ý nghĩa của mạc khải theo thời gian, và vì vậy sự hiểu biết về Kitô giáo của chúng ta ngày càng phát triển. Nhưng mạc khải phán xét mọi thời điểm lịch sử; mạc khải không thể bị đánh giá lại bởi “các dấu chỉ của thời đại.”

Hay nói một cách đơn giản nhất có thể là thế này: Thiên Chúa biết rõ hơn chúng ta về điều gì làm cho con người hạnh phúc, thăng tiến và cuối cùng là được chúc phúc. “Các dấu chỉ của thời đại” có thể giúp chúng ta nắm bắt tốt hơn những gì Chúa đã nói trong Kinh Thánh và truyền thống. Nhưng nếu “các dấu chỉ của thời đại” (ví dụ, ý thức hệ giới tính) mâu thuẫn với những gì Thiên Chúa đã mạc khải về bản chất và số phận của chúng ta, thì “các dấu chỉ của thời đại” là sai trái, không phải là lời của Thiên Chúa.

Các tài liệu của Tiến Trình Công Nghị Đức, thường được diễn đạt bằng ngôn ngữ xã hội học gây tê liệt đầu óc được bao phủ bởi một lớp vỏ ngoài mỏng manh của ngôn ngữ tôn giáo, về cơ bản phủ nhận tất cả những điều này.

Trong các văn bản này, “các dấu chỉ của thời đại” là động lực thúc đẩy sự tự hiểu biết của Giáo hội, đến mức không có điểm tham chiếu ổn định nào để biết liệu một sự phát triển tín lý nào đó là một sự phát triển chân chính hay một sự lừa đảo. Các văn bản ấy cũng cho rằng mạc khải Thiên Chúa cũng không cho chúng ta hiểu chắc chắn chúng ta là ai và điều gì tạo nên cuộc sống ngay chính: “quyền tự quyết” vượt trội hơn những chân lý được Thiên Chúa khắc ghi trong bản chất con người và các mối quan hệ; theo họ “giới tính là... để được nhìn nhận một cách đa chiều,” và chủ trương ngược lại “dẫn đến vi phạm nhân quyền.”

Công Giáo Đức thường được cho là đang trong tình trạng chia rẽ trên thực tế. Đó là một mô tả không đầy đủ về cuộc khủng hoảng ở Đức. Công Giáo Đức biểu hiện trong các tài liệu của Tiến Trình Công Nghị là bỏ đạo. Tiến Trình Công Nghị của Đức không chấp nhận “đức tin đã được truyền lại cho dân thánh chỉ một lần là đủ” (Giuđa 1:3). Thay vào đó, một trong những văn bản “nền tảng” của nó đã khẳng định vào đầu năm nay rằng “trong Giáo hội cũng vậy, những quan điểm và lối sống hợp pháp có thể cạnh tranh với nhau, ngay cả đối với những niềm tin cốt lõi”.

Do đó, Công Giáo Lite dẫn đến Công Giáo Zero một cách chắc chắn.

Đức Thánh Cha Phanxicô mang một gánh nặng lớn trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Đức đúng với thực tế và thẩm quyền ràng buộc của mạc khải Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu một giải pháp như vậy không đạt được, nó sẽ làm dấy lên những nghi ngờ nghiêm trọng nhất về toàn bộ dự án “tính đồng nghị” là trung tâm của triều đại giáo hoàng của ngài.
Source:First Things

4. 10 máng cỏ Giáng Sinh sáng tạo trong số 100 máng cỏ được trưng bày tại quảng trường Thánh Phêrô

Khi Giáng Sinh đến gần, quảng trường Thánh Phêrô lại tràn ngập hơn một trăm cảnh Chúa Giáng Sinh! Một trăm hai mươi máng cỏ Giáng Sinh với đủ hình dạng, kích cỡ và chất liệu tô điểm cho hàng cột của Quảng trường trong phiên bản thứ năm của cuộc triển lãm hàng năm, “100 máng cỏ Giáng Sinh ở Vatican.”

Dưới đây là 10 trong số những gì tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, coi là những máng cỏ Giáng Sinh sáng tạo nhất.

Thứ nhất là máng cỏ Giáng Sinh tưởng nhớ 440 thiên thần từ Ukraine vào Giáng Sinh này

Ngay khi bước vào triển lãm, cảnh Chúa Giáng Sinh đầu tiên sẽ nhắc người xem về sự khủng khiếp của chiến tranh. Đặc điểm nổi bật nhất là một cây thông Giáng Sinh được đặt ngay cạnh máng cỏ. Trên cây có 440 thiên thần màu trắng tượng trưng cho số trẻ em đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine do Putin khởi xướng vào ngày 24 tháng 2. Các thiên thần là “motanka”, một loại búp bê truyền thống của Ukraine. Cảnh Chúa Giáng Sinh thực tế, do Đại sứ quán Ukraine tặng cho Tòa thánh, đã được vận chuyển từ Nhà thờ Thánh Nicholas quận Thaumaturge ở thủ đô Kyiv, cũng là một phần của Bảo tàng Kiến trúc Dân gian và Đời sống Quốc gia của Ukraine. Trên thực tế, khung cảnh có nhiều biểu tượng gợi lại cuộc sống nông nghiệp và dân gian của Ukraine.

Thứ hai là máng cỏ Giáng Sinh của người Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô Giáo

Cảnh Chúa Giáng Sinh độc đáo này sẽ đưa người xem vào cuộc hành trình qua các tín ngưỡng chính của Áp-ra-ham: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Một ánh sáng định kỳ chiếu sáng các phần khác nhau của tác phẩm, đại diện cho các thời điểm trong ngày, giúp người xem hiểu được những điểm tương đồng giữa ba tôn giáo này. Ở trung tâm của màn hình có Chúa Giêsu với Đức Maria và Thánh Giuse. Các yếu tố quan trọng khác được nêu bật là Áp-ra-ham và Y-sác, Môi-se, Mái vòm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và Mái vòm Đá tảng của đền thờ Hồi Giáo Núi Đền ở Giê-ru-sa-lem.

Thứ ba là máng cỏ Giáng Sinh có tên chặng tới là Bethlehem

ATAC, công ty vận tải công cộng của Rôma, lại gây ấn tượng trong năm nay với một cảnh Chúa Giáng Sinh khác theo chủ đề xe buýt. Trong khi người lái xe đang làm công việc của mình ở ghế trước thì Hài nhi Giêsu được sinh ra ở ghế sau. Chiếc xe buýt màu đỏ điển hình của Rome đã được biến thành Bethlehem, hoàn chỉnh với những bụi cây, những người chăn cừu và động vật của họ.

Thứ tư là máng cỏ Giáng Sinh kể câu chuyện về người đàn ông vô gia cư yêu thích cảnh Chúa Giáng Sinh

Ở phía cuối của hàng dài các máng cỏ Giáng Sinh, có một máng cỏ với một câu chuyện độc đáo. Nó được tạo ra bởi Gioacchino Rezza, một người nghiện rượu đang hồi phục và yêu thích việc làm máng cỏ Giáng Sinh từ khi còn nhỏ. Thông điệp được ghim bên cạnh tác phẩm của anh ấy giải thích rằng ở đỉnh điểm của cơn nghiện, anh ấy là người vô gia cư và sống ở quảng trường Thánh Phêrô. Rezza đã cai nghiện tại trung tâm cai nghiện Giacomo Cusmano cách Rôma không xa. Ở đó, anh ấy đã có thể khám phá lại niềm đam mê làm cảnh Chúa Giáng Sinh của mình. “Sau tất cả những gì tôi đã trải qua, sau khi ngủ ngay tại đây như một người vô gia cư, cảnh Chúa Giáng Sinh của tôi tại triển lãm 100 máng cỏ Chúa Giáng Sinh khiến tôi cảm thấy mình như được tái sinh,” thông điệp viết.

Thứ năm là máng cỏ Giáng Sinh Lính cứu hỏa Vatican bảo vệ Hài nhi Giêsu

Lính cứu hỏa của Quốc gia Thành phố Vatican không chỉ bảo vệ Đức Giáo Hoàng và các cư dân Vatican khác mà còn cả Chúa Hài đồng! Trong cảnh Chúa Giáng Sinh này, em bé nép mình vào phía sau chiếc xe tải mà họ dùng để chữa cháy và cứu mạng sống. Ba vua nhẹ nhàng tiếp cận chiếc xe với những món quà của họ.

Thứ sáu là máng cỏ Giáng Sinh Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Thánh Gia

Thông qua những cánh cửa mở của cảnh Chúa Giáng Sinh này, được bảo vệ cẩn mật bởi Vệ binh Thụy Sĩ, những người quan sát có thể lén nhìn vào một căn phòng của Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô đang quỳ gối cầu nguyện một cách chăm chú, cây gậy của ngài nằm bên cạnh. Trước mặt ngài là Đức Maria và Thánh Giuse đang bồng Hài Nhi Giêsu.

Thứ bẩy là máng cỏ Giáng Sinh Một cuộc sống mới sau bi kịch

Ngày 18 tháng Giêng 2017, một trận tuyết lở ở Rigopiano thuộc vùng Abruzzo (Italy) đã khiến 29 người thiệt mạng. Franca Petricca đã tạo ra cảnh Chúa Giáng Sinh phức tạp này từ những nhánh và rễ mà cô tìm thấy nằm rải rác sau trận tuyết lở. Máng cỏ Giáng Sinh của cô là biểu tượng của hy vọng và sự tái sinh sau bi kịch.

Thứ tám là máng cỏ Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng yêu ông bà!

Chăm sóc người già và mối quan hệ giữa ông bà và cháu của họ là những chủ đề trọng tâm trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cảnh Chúa Giáng Sinh này ghi lại điều đó một cách hoàn hảo với bàn tay của Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình dang rộng trên một người ông và hai đứa cháu của ông, những người đang quây quần quanh một cảnh Chúa Giáng Sinh nhỏ nhưng ấm cúng.

Thứ chín là máng cỏ Giáng Sinh Khải Huyền

Thập giá của Chúa Kitô tỏa ánh sáng trên Thánh Gia, những người được bao quanh bởi nước, sa mạc khô cằn và bầu trời sấm sét. Giữa thiên nhiên khải huyền dường như đã bao trùm thế giới, Chúa Giêsu đắc thắng ở trung tâm của cảnh Chúa Giáng Sinh, khi Đức Maria, Thánh Giuse, các nhà thông thái và muông thú vây quanh ngài.

Thứ mười là máng cỏ Giáng Sinh Hy vọng giữa xung đột

Triển lãm bắt đầu bằng lời nhắc nhở về sự khủng khiếp của cuộc chiến ở Ukraine và kết thúc bằng máng cỏ Giáng Sinh tượng trưng cho thông điệp hy vọng giữa cuộc xung đột. Một cảnh Chúa Giáng Sinh nhỏ được đặt bên trong một miếng trái cây, được đặt trên một cây cọ màu vàng và xanh đang mở. Thánh Gia được an toàn bên trong một nhà thờ đã bị phá hủy một nửa, khi những người lính đứng gác bên ngoài và những đứa trẻ chứng kiến sự ra đời của Chúa Giêsu Hài đồng và một ánh sáng xanh tỏa khắp hiện trường. Trong một bức tranh khác, do một nữ tu người Ukraine thực hiện, cảnh Chúa Giáng Sinh được trưng bày bên trong nhà máy thép Azovstal, nơi bị quân đội Nga bao vây suốt vài tháng trong chiến tranh. Nữ tu muốn “thông báo với thế giới rằng Chúa Giêsu trẻ tuổi cũng được sinh ra ở Ukraine, nơi chịu đựng bạo lực của chiến tranh.”


Source:Aleteia