Sài Gòn: Qua sự kiện Tượng Đức Mẹ Hòa Bình đã có gần 47 năm nay chảy nước mắt, một số sự kiện đang kéo sự quan tâm của nhiều người.

- Hiện tượng bắt đầu từ chập tối thứ Bảy 29/10/2005, và tiếp tục tới ngày Chúa Nhật, 30/10... Những ngày cuối tuần là những ngày kết thúc Tháng Mân Côi. Hiện tượng này thực sự có ý nghĩa gì, chúng ta còn cần phải chờ đợi quyết định của Giáo Quyền TGP Saigòn.

LM Nguyễn văn Khảm thuộc nhà thờ chính tòa Đức Bà Saigòn khi được hỏi: Ngài nhận định thế nào về việc này, thì được trả lời là: "Chính ngài trước đây đã có lần quan sát thấy vết lằn nước từ mắt phải chảy xuống, nhưng không ai để ý đó thôi. Đây là hiện tượng tự nhiên thường thấy ở các bức tượng đặt ngoài trời do sương gió, mưa nắng, rồi bị bụi bặm bám vào, đã tạo nên những vệt ở hai khóe mắt..."

Một trong những vần đề mà nhiều người bây giờ muốn biết là: lịch sử của tượng Đức Mẹ Hòa Bình ở đây như thế nào?

Chúng tôi sau khi nghiên cứu và đi sâu hơn vào nguồn gốc của Tổng Giáo Phận Sài Gòn với tài liệu lấy từ sử liệu Giáo Hội Công Giáo Việt Nam của Linh Mục Dòng Đa Minh Bùi Đức Sinh, được tóm kết ra đây như sau:

Tháng 9/1955, Đức Cha Cassaigne Sanh được Tòa Thánh cho từ nhiệm. Cũng năm ấy, ngày 11 tháng 10, Tòa Thánh ban Sắc phong Giám Mục Hiệu Tòa Sagalasso, cho linh mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Đại Diện Tông Tòa Giáo Phận Sài Gòn. Lễ nghi tấn phong được cử hành tại nhà thờ lớn Sài Gòn ngày 30/11/1955. Sau lễ tấn phong Giám Mục Đức Cha Cassaigne Sanh trở lại trại phong cùi Kala ở Di Linh, hiến trọn vẹn cuộc đời vì tình thương cho lớp người bất hạnh đồng thời hy sinh, cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam và thế giới.

Như thế Đức Cha Nguyễn Văn Hiền là vị Giám Mục người Việt đầu tiên của giáo phận Sài Gòn.

Vào năm 1959 một sự kiện lớn nhất do sáng kiến của các đức Giám Mục miền Nam đó là Năm Thánh Mẫu và Đại Hội Thánh Mẫu toàn quốc . Đại hội được tổ chức trong ba ngày 16,17,18 tháng 2/1959 tại Sài Gòn, nhân dịp Năm Thánh Mẫu, kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, đồng thời mừng 300 năm việc bổ nhiệm hai Giám Mục tiên khởi tại Việt Nam ngày 9/9/1659 là Đức Cha Pallu tại Đàng Ngoài và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte tại Đàng Trong.

Ngày 25/1/1959, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII ban Tông thư gởi đến các Giám Mục tại Việt Nam, hoan nghênh sáng kiến cao đẹp của Đức Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn, và chúc Đại Hội thành công. Cũng trong Tông thư ấy, Đức Giáo Hoàng thông báo ngài gởi Đặc Sứ Tòa Thánh đến chủ tọa Đại Hội là Đức Hồng Y Grégorie Pierre XV Agagiania, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.

Thứ Hai 16/2 là ngày thứ nhất Tam Nhật Đại Hội, vào lúc 7g30, Đức Hồng Y Đặc Sứ tới phi trường Tân Sơn Nhất, đến 9g30, Đức Giám Mục Ngô Đình Thục (Vĩnh Long) cử hành Thánh Lễ trọng thể tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, cầu cho Giáo Hội thầm lặng.

Vào ban chiều 16/2/1959, Đức Hồng Y Agagiania được chào mừng tại tiền đường nhà thờ chánh tòa và ngài làm phép tượng Đức Mẹ Hòa Bình. Bức tượng này được khởi công xây dựng từ ngày 8/12/1958.

Thứ Ba ngày 17, Đức Hồng Y dâng Thánh Lễ riêng cho hàng giáo sĩ tại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn. Tại nhà thờ Đức Bà vào lúc 9 giờ sáng có Thánh Lễ trọng thể do Đức Cha Urrutia Thi (Huế) cử hành, cầu cho công cuộc truyền giáo. Trong cả ngày Đức Hồng Y Agagiania đã đi thăm viếng nhiều cơ sở giáo dục, bác ái trong đô thành.

Thứ Tư ngày 18/2: Lễ các Chân Phước Tử Đạo Việt Nam, kỷ niệm 300 năm thiết lập hai tòa Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam. Thánh lễ trọng thể do Đức Hồng Y Đặc Sứ cử hành vào lúc 6g30 sáng tại lễ đài, được dàn dựng ở phía sau nhà thờ Đức Bà, trong dịp này có Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa tham dự. Vào ban chiều lúc 4g30, Đức Hồng Y chủ sự rước kiệu Đức Mẹ qua nhiều đường phố lớn, rồi trở về lễ đài để chầu Mình Thánh Chúa, hát kinh "Ngài là Thiên Chúa" (Te Deum) để bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu toàn quốc.

Sau những ngày Đại Hội, Đức Hồng Y Agagiania đã lưu lại đi thăm viếng Đà Lạt, Qui Nhơn, Huế, Quảng Trị và dâng Thánh Lễ tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang vào lúc 7 giờ ngày 21//2/1959. Sau đó Đức Hồng Y vô lại Sài Gòn và đáp chuyến bay vào lúc 22g55 để trở về Roma.

Vào cuối năm vào ngày 9/12/1959, Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn được thánh hiến. Các nghi lễ do Đức Cha Nguyễn Văn Hiền chủ sự: hài cốt nhiều Chân Phước Tử Đạo Việt Nam được đặt trong lòng bàn thờ. Vào buổi chiều cùng ngày, một cuộc rước kiệu Đức Mẹ trọng thể đi qua nhiều đường phố tới lễ đài phía sau vương Nhà Thờ Đức Bà, một Thánh Lễ Đại Triều được cử hành, bế mạc Năm Thánh Mẫu tại Việt Nam.

Ngày 2/4/1961, Đức Giám Mục Nguyễn Văn Bình chính thức nhận quyền Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn.

Vào ngày 13/11/1962, Chân Phước Giáo Hoàng XXIII ban Sắc Chỉ "Spectabile Monumentum", chính thức nâng nhà thờ Đức Bà lên hàng Vương Cung Thánh Đường.

Từ ngày 8/12/1961 khai mặc Năm Thánh Mẫu tại Việt Nam và kéo dài đến ngày 22/8/1964. Giáo Phận Sài Gòn đã tổ chức cung nghinh Đức Mẹ tại khắp giáo xứ.

Trong một thế giới khát khao hòa bình, vào năm 1968 Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã thiết lập ngày 1/1 lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa cũng là ngày Thế Giới Hòa Bình. Công việc này đã được Liên Hiệp Quốc và trên 50 quốc gia tích cực hưởng ứng. Việt Nam trong một cuộc chiến tương tàn kéo dài lâu năm cho nên dân chúng lại càng khao khát hơn ai hết. Tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn, Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã dâng Thánh Lễ trọng thể vào chiều cuối năm 1967 để cầu nguyện cho hòa bình tại Việt Nam và Thế Giới, trong Thánh Lễ này có sự hiện diện của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Tượng Đức Mẹ Hòa Bình tại Sài Gòn lại được tôn kính hơn nữa. Và kể từ đó trở đi Ngày Thế Giới Hòa Bình được diễn ra mỗi đầu năm Dương Lịch.

Nhưng tiếc thay sau đó đã xảy ra vụ "Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968" trong thành phố Sài Gòn đã gây thiệt hại nhiều sinh mạng và tài sản, nhất là tại các khu Công Giáo di cư Bình An, Xóm Mới, Gò Vấp.

Sau vụ pháo kích vào năm 1974, tháp nhà thờ Đức Bà bị trúng đạn nhưng Tượng Đức Mẹ Hòa Bình vẫn còn nguyên. Nhà thờ Đức Bà được sửa chữa và tu bổ trong 2 tháng 7 và tháng 8/1974.