Chúa nhật 5 mùa Chay B

HẠT LÚA GIEO VÀO LÒNG ĐỜI

Ga 12, 20 – 33

Lễ giỗ đầu ĐTC Gioan Phaolô II


Nói về cái chết của mình, Chúa Giêsu gọi đó là “giờ Con Người được tôn vinh”. Chúa ví cuộc sống và cái chết của Chúa giống như hạt lúa gieo vào lòng đất. Có mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Nhìn lại cuộc đời của Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ta thấy Lời Chúa hoàn toàn ứng nghiệm vào Ngài. Cuộc đời của Ngài là hình ảnh rõ nét của cuộc đời Chúa Giêsu. Như Chúa, đời ngài là một hạt lúa.

Đó là hạt lúa được gieo vào lòng đời. Chúa Giêsu khi chấp nhận xuống thế làm người đã trở nên hạt lúa được Đức Chúa Cha gieo vào lòng đời. Hoàn toàn do tay Đức Chúa Cha sử dụng. Hoàn toàn phó thác vận mệnh trong bàn tay người gieo giống. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô cũng là một hạt lúa dâng cho Thiên Chúa để mặc Chúa muốn gieo vào đâu thì gieo. Có thể bị gieo vào bụi gai. Có thể bị gieo trên đường đi. Có thể bị gieo vào vùng đất sỏi đá. Hoàn toàn xin vâng. Thiên Chúa đã gieo Ngài vào thế giới ở một thời điểm khó khăn khiến Ngài phải chịu mục nát đi.

Đó là hạt lúa chịu mục nát. Chúa Giêsu là hạt lúa chịu mục nát trong muôn ngàn nỗi đớn đau. Đặc biệt trong cuộc Khổ Nạn và trong cái chết tủi nhục trên thánh giá. Đức Cố Giáo hoàng của chúng ta cũng đã chịu mục nát. Có thể kể ra vài khía cạnh chịu mục nát của ngài.

Mục nát trong chu toàn bổn phận. Lãnh đạo tinh thần cả thế giới công giáo không phải là việc nhẹ nhàng. Nhưng ngài đã trung thành chu toàn bổn phận của mình cho đến chết.

Mục nát trong những đớn đau thể xác. Khi còn thanh niên, ngài là một người mạnh khỏe, một “lực sĩ”. Nhưng khi làm Giáo hoàng ngài đã chịu đủ mọi thứ đau đớn trong thân xác. Bị ám sát súyt chết. Bị ngã gẫy xương nhiều lần. Phải phẫu thuật nhiều lần. Sau cùng bị căn bệnh parkinson hành hạ cho đến chết.

Mục nát trong những đớn đau tinh thần. Những đớn đau thể xác tuy nhiều và đau đớn nhưng không là gì so với những nỗi đau tinh thần mà ngài phải gánh chịu. Đau đớn vì tình trạng suy đồi của luân lý. Đau đớn vì Chúa bị quên lãng. Đau đớn vì biết bao hiểu lầm chống đối, thậm chí bị mưu sát. Tất cả những gánh nặng, những nỗi đau đó giày vò tâm hồn và thể xác làm cho cuộc đời ngài đúng là hạt lúa chịu mưa gió vùi dập đến mục nát đi.

Mục nát trong hi sinh quên mình. Như Chúa Giêsu chủ động đi vào cuộc Khổ Nạn, Đức Cố Giáo hoàng can đảm đi vào cuộc chiến đấu cho Thiên Chúa. Ngài kiên quyết bảo vệ chân lý, bất chấp mọi khó khăn. Ngài dấn thân bảo vệ phẩm giá con người, dù phải chịu cả hai khối cộng sản và tư bản chống đối. Ngài tích cực bảo vệ sự sống dù bị cả xã hội cá nhân và hưởng thụ chủ nghĩa tẩy chay. Quả thật ngài đã không tìm an nghỉ, an thân, nhưng đã dám liều mạng sống vì Chúa và vì Giáo hội. Nhưng chính nhờ đó mà ngài đã trở thành hạt lúa sinh nhiều bông hạt.

Đó là hạt lúa sinh nhiều bông hạt. Nhờ những phấn đấu không biết mệt mỏi của ngài, mà sau 27 năm lãnh đạo, ngài đã làm cho tinh thần của mọi người trong Hội thánh được vững mạnh. Ngài đã vực dậy được niềm tin nơi giới trẻ. Và đã đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình thế giới. Đúng như Chúa Giêsu đã nói giờ chết của Chúa là “giờ được tôn vinh”, Đức Cố Giáo hoàng của chúng ta cũng chỉ biết đến vinh quang khi đã nằm xuống. Cuộc hấp hối của ngài được cả thế giới quan tâm. Các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới liên tục loan tin về tình trạng sức khỏe của ngài. Và trong đám tang của ngài, biết bao lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đến cúi đầu trước linh cửu đơn sơ khiêm tốn của ngài. Tất cả mọi người đều công nhận sự đóng góp của ngài cho hòa bình và sự sống của thế giới. Tất cả mọi người đều luyến tiếc và ca tụng ngài. Xin trích một vài lời tiêu biểu.

Mục sư Billy Graham nói : “Tiếng nói của ngài là tiếng nói ảnh hưởng nhất cho những vấn đề luân lý, hòa bình trong thế kỷ chót của thiên niên kỷ thứ hai… Ngài sẽ đi vào lịch sử như một vị Giáo hoàng vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta”.

Cựu Tổng thống Hoa kỳ Bill Clinton nói : “Quốc gia Hoa kỳ tốt đẹp hơn, hùng mạnh hơn và theo con đường chính nghĩa hơn là nhờ ảnh hưởng của Ngài. Mọi người dân Mỹ biết ơn Đức Giáo hoàng về sự lãnh đạo thánh thiện của Ngài”.

Tổng thống Hoa kỳ đương nhiệm George W. Bush đã phát biểu : “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã góp phần thay đổi cục diện thế giới. …Chúng ta sẽ nhớ mãi người mục tử khôn ngoan, khiêm tốn, can đảm không hề sợ hãi, người đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại hôm nay”.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan nói : “Những giáo huấn của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô còn vang dội trong tâm trí nhân loại trên khắp địa cầu như giáo điều nền tảng cho hòa bình… Đấy là lý do tại sao đối với triệu triệu người trên địa cầu, tiếng nói của ngài được coi là có uy lực nhất cho hòa bình, hi vọng và công lý”.

Đức Đạt lai Lạt ma nói : “Quả thật Ngài có một ý chí và một quyết tâm giúp đõ nhân loại về mặt tâm linh. Đó là điều tuyệt với, là điều thiện hảo”.

Báo Wall Street Journal đã tổng kết : “Ngài là một khuôn mặt siêu phàm trong một thế giới hữu hạn”.

Và trong lễ tang của ngài, hàng vạn người đã hô to : “Santo subito” (Xin hãy phong thánh ngay cho ngài). Thật là một hạt lúa đã được gieo vào giữa lòng thế giới, đã chịu mục nát đi và đã trổ sinh muôn vàn bông hạt. Tưởng nhớ Ngài, ta hãy noi gương Ngài sống Lời Chúa dạy hôm nay. Hãy để cho Chúa sử dụng chúng ta, gieo chúng ta vào cuộc đời. Hãy chấp nhận chịu mục nát đi trong bổn phận, trong quên mình phục vụ. Chắc chắn ta sẽ được phục sinh với Chúa. Đó là một mùa gặt phong phú không gì so sánh được.

Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con qua sự chuyển cầu của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô. Amen.