DỊCH THẾ NÀO CHO SÁT?



Những năm gần đây, sách dịch rất nhiều, có cuốn dịch hay, có cuốn dịch dở. Hay hay dở là chuyện bình thường, vì điều ấy tùy thưộc ở tài trí và khả năng cũng như quan điểm của người dịch. Ở đây chỉ xin nói đến quan điểm của người dịch. Quan điểm đó là dịch sao cho sát. Nhưng dịch sát là thế nào và dịch sao cho sát.

Dịch sát là dịch đúng như nguyên ngữ. Nguyên ngữ viết thế nào thì dịch ra như vậy. Đúng thế. Theo Nide, người đã viết sách về lý thuyết phiên dịch thì dịch sát là đòi hỏi căn bản. Nhưng sát có hai nghĩa và nhiều cách dịch khác nhau nhưng vẫn là sát. Đó là dịch sát chữ và sát nghĩa. Có những trường hợp dịch sát chữ không có vấn đề, thí dụ tiếng nước ngoài là cái bàn thì mình dịch sang tiếng Việt cứ dịch là cái bàn, sát chữ, sát nghĩa như vậy. Nhưng cũng có những câu, những chữ không dịch sát chữ được mà phải sát nghĩa, thí dụ chữ ăn Tết, cái nồi ngồi trên cái cốc, đồng hồ cửa sổ, xe mùa đông v.v… Những chữ này đối với người Việt Nam rất hay và có ý nghĩa, trong nguyên ngữ cứ nên để vậy. Nhưng khi dịch sang tiếng nước ngoài thì phải dịch sát nghĩa chứ không sát chữ được. Như vậy phải dịch cái nồi ngồi trên cái cốc là cái phin pha cà phê, đồng hồ cửa sổ là đồng hồ chỉ ngày tháng, xe mùa đông là xe gắn máy lạnh, ăn Tết là cử hành long trọng ngày đầu năm âm lịch. Chúng ta không thể chê người dịch như thế là nói vòng vo, dịch không sát.

Mỗi ngôn ngữ có một kiểu cách riêng để diễn tả mà những những người thuộc ngôn ngữ đó cho là rất hay, rất thấm thía. Nhưng khi dịch sang tiếng nước ngoài, những chữ, những kiểu đó không thể nào diễn tả được hết. Thí dụ người Pháp nói : cet homme-là respire la santé. Chữ respirer rất hay, diễn tả được nhiều lắm. Chắc hẳn người hiểu biết thì không dịch là con người đó thở ra sức khoẻ, tuy dịch như thế là sát chữ hoàn toàn. Nhưng cái sát đó thật là ngây ngô. Còn nếu có ai dịch : anh ta trông thật là khoẻ khoắn, thì đừng chê là dịch không sát vì không có chữ anh ta, khoẻ khoắn và chữ trông trong câu tiếng Pháp, nhưng nghĩa của câu đó là như vậy. Dịch như thế là sát, nhưng sát nghĩa mà không sát chữ. Cả hai đều là sát, nhưng có cái sát văn vẻ, có cái sát vụng về.

Ngoài ra lại còn nhiều lối dịch khác chữ mà không khác nghĩa. Thí dụ : nhà lãnh đạo rất được yêu mến của chúng ta. Người ta có thể nói một kiểu khác mà nghĩa vẫn không thay đổi, thí dụ : nhà lãnh đạo (mà) chúng ta hết lòng yêu mến. Vì vẻ đẹp của bản văn, nhất là khi bản văn đó được soạn ra để đọc công khai lớn tiếng cho nhiều người nghe, thì người dịch lại càng phải để ý đến từ ngữ, âm điệu của câu văn sao cho nhịp nhàng dễ nghe, dễ đọc và cảm hóa được lòng người.