CHỦ NHẬT 29 C THƯỜNG NIÊN

Khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?

Khi đọc hoặc suy gẫm câu Phúc Âm, “Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao” (Lc. 18:7), tâm trí người suy nghiệm chắc chắn sẽ được gợi về câu, "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt. 6:7-8).

Xét thế, qua dụ ngôn người đàn bà góa bị oan ức khẩn khoản xin vị thẩm phán bất lương minh oan cho mình để rồi được kết luận, “Nhưng khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa không” (Lc. 18:8) đã khích lệ tâm trí chúng ta tự hỏi Lời Chúa muốn nói với mỗi người điều gì.

Hồi tâm nhận định, ai cũng đều kinh nghiệm, có những ước muốn, khát vọng của những năm về trước đã xảy đến với mình và hiện đang trở thành gánh nặng khó bề thoát khỏi. Sự thể này minh chứng điều chúng ta ước muốn, khát khao có thể được tưởng là hồng ân của ngày nào vẫn có thể trở thành gánh nặng hoặc án phạt cho chính mình. Đồng thời cũng qua kinh nghiệm nhân sinh, chúng ta đã nhiều lần phải đối diện với những hồng ân không ai muốn chấp nhận và đã bỏ qua tạo nên tâm tư hối tiếc.

Bình tâm nhận định về sự thể cầu nguyện, chúng ta thấy cầu nguyện chính là bày tỏ ước muốn, ước mơ, điều mình tha thiết kêu xin xảy đến với mình dẫu rằng đôi khi hoặc nhiều lần điều mình kêu cầu với ý định xảy đến cho người khác. Phúc Âm nói rõ về sự thể này, “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc. 6:31; Mt. 7:12; 18:35).

Hơn thế nữa qua Phúc Âm, Chúa Giêsu rõ ràng công bố, “Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: 'Dời chỗ đi, nhào xuống biển!', mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều ấy sẽ được ban cho” (Mc. 11:23). Điều này chứng tỏ bất cứ ai đều mang nơi mình quyền lực rời núi lấp sông nhưng đã chẳng ai nhận thực và xử dụng được. Suy như vậy, khi cầu nguyện, kêu xin điều gì, chúng ta bày tỏ ước muốn, ý định của mình. Nói theo Phúc Âm, cầu nguyện, kêu xin chính là xử dụng quyền lực tối thượng của Thiên Chúa hiện thể nơi mình để khiến sự việc xảy ra theo ý mình. Như thế, cầu nguyện có nghĩa dùng lòng tin, đức tin ra lệnh cho sự việc phải xảy ra. Chính bởi vậy, Chúa Giêsu dạy nơi Phúc Âm, “Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc. 11:24).

“Nhưng khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng” (Lc. 18:8). Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Thiên Chúa hiện diện nơi mọi người. Lòng tin, đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi mọi người. Chúng ta có nhận biết chăng!