TÍN THÁC ĐỜI SỐNG CHO CHÚA

Bài Tin Mừng Chúa Nhật 19 hôm nay được tiếp nối với Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, tuy nhiên với mạch văn và nội dung hoàn toàn đối nghịch. Tuần trước đám dân theo Đức Giêsu để nghe lời Người giảng dạy, và đến khi chiều về Ngài hoá bánh và cá ra nhiều cho họ ăn no nê, số người đông lên trên cả 5 ngàn. Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu lại giải tán dân chúng để họ ra về, rồi bảo các môn đệ tự chèo thuyền sang bên bờ biển hồ, Đức Giêsu ở lại một mình trên núi để cầu nguyện. Hơn nữa, về phương diện không gian, nếu tuần trước việc hóa bánh diễn ra ở chân núi, và các môn đệ được ở bên cạnh Đức Giêsu để cùng cộng tác với Người PHÂN PHÁT của ăn cho dân, thì hôm nay các môn đệ lại phải “tự lập”, vượt biển qua bên bờ mà không có Đức Giêsu trên thuyền.

Nếu nhìn từ góc cạnh hiện tượng thì đúng là một sự đối lập, nhưng từ góc độ văn học và ý nghĩa thần học thì đây là một sự sắp xếp hết sức tài tình, và nó biểu đạt những ý nghĩa thật sâu xa:

1. Hình ảnh núi non và biển cả:

Thánh Kinh cho ta thấy mỗi khi các tiên tri và dân chúng gặp gỡ Thiên Chúa thì đều diễn ra trên vùng núi, chẳng hạn Môisen gặp Thiên Chúa xảy ra trên núi Sinai, Đức Giêsu Hiển Linh trò chuyện với Êlia và Môisen cũng ở trên núi, cụ thể Tin Mừng Chúa nhật tuần trước tường thuật, Đức Giêsu cho dân chúng ăn no nê cũng diễn ra ở chân núi. Như vậy, núi non biểu hiện cho sự hùng vĩ. Núi non biểu hiện cho sự uy phong. Núi non biểu hiện cho sự sống, sự bình yên. Núi non cũng biểu hiện cho sự hiện diện của Thiên Chúa, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người.

Còn hình ảnh biển cả, truyền thống người Dothái hiểu rằng biển nước là biểu hiệu cho vực thẳm của sự chết. Biển biểu hiện cho sự bất an đau khổ. Biển và sóng biểu hiện cho phong ba bão táp của cuộc đời, là thần lực của ma quỷ. Và Thiên Chúa không hề hiện diện trong đó, đó là minh chứng được viết trong bài đọc một hôm nay: “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Ðức Chúa, nhưng Ðức Chúa không ở trong cơn gió bão.” (1V 19: 12). Trong sách Xuất hành kể lại rằng, khi Môisen dẫn dắt dân chạy thoát khỏi Ai cập, gặp phải biển đỏ, ông đã kêu cầu Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã bảo ông giơ gậy lên và nước rẽ ra, dân qua bờ được an toàn. Còn khi quân lính Ai cập đuổi theo, Chúa cũng bảo Môisen giơ gậy lên, nước liền ập xuống giết chết toàn quân Ai cập. (X. Xh 14: 15-31). Hay một đoạn Tin Mừng khác, thánh Mathêu thuật, sau khi Đức Giêsu chữa lành hai người bị quỷ ám, quỷ xuất ra khỏi họ, chúng thấy một đoàn heo, xin nhập vào đoàn heo, rồi cả bầy lao xuống biển mà chết. (x. Mt8: 28-34)

2. Thách đố của Đời sống Đức tin

Đời sống đức tin của chúng ta có thể được tượng trưng bởi hai hình ảnh của núi non và biển nước. Chúng ta được sáp nhập vào Đạo là một hồng ân Chúa ban, đời sống của chúng ta được gắn kết với Thiên Chúa bằng việc vui sống với anh em trong cộng đoàn dân Chúa, với gia đình và bè bạn, nhờ ơn Chúa mà chúng ta được gắn kết mật thiết với mọi người. Đời sống của chúng ta cũng được chúc lành bởi những biểu hiện như là có được sức khỏe dồi dào, công thành danh toại, mọi việc thăng tiến, đời sống tín đức vẫn mạnh, vân vân.

Tuy nhiên không phải lúc nào đời sống chúng ta cũng gặp được tình huống “thuận buồm xuôi gió” như vậy. Có những lúc chúng ta không ngừng phải đối diện với phong ba bão táp, đó là sự thất bại trong công việc, sự hiểu nhầm trong quan hệ người với người, đó là tai ương bệnh tật, vân vân. Với những điều thật không may xảy đến cho ta và người thân của mình, khiến cho chúng ta mệt mỏi, cô đơn, thậm chí đâm hoài nghi vai trò Thiên Chúa diện hiện trong đời sống của mình. Rồi những bước đi thăng trầm và những khoảnh khắc tối đen của cuộc đời khiến chúng ta đâm ra lo sợ, sợ đến mức quên mất Thiên Chúa, thất vọng với Thiên Chúa, giống như Phêrô và các môn đệ, sóng biển dữ dội khiến họ sợ đến độ nhìn thấy Chúa thì tưởng là Ma quái (x. Câu 26).

3. Tín thác vào Đức Kitô

Một điều cốt yếu mà Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta, đó là cho dù có gặp đau khổ thế nào thì cũng đừng đánh mất niềm tin, và hãy TÍN THÁC cuộc đời cho Chúa. Bởi vì chỉ có Chúa mới cứu thoát được chúng ta trong cơn nguy khó, bởi vì chỉ có Đức Kitô mới có thể thắng vượt được sức mạnh của thần chết sự dữ: “Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.” (Câu 25)

Một lần, khi tôi đi thực tập mục vụ ở bệnh viện (Clinical Pastoral Education), khi đi thăm một bệnh nhân người Công Giáo còn trẻ, bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Khi bước vào phòng bệnh, tôi thấy nỗi buồn và lo lắng đã hiện rõ trên khuôn mặt của người nhà của bệnh nhân, họ đau buồn và nuối tiếc về người thân của mình, vì người bệnh lúc đó chỉ có hơn 40 tuổi. Tôi ngạc nhiên thấy khuôn mặt của người bệnh lại rất thản nhiên, và trên tay cô còn ôm một chiếc thánh giá rất to. Khi trò chuyện với cô, tôi mới biết là, sự thật cô cũng rất đau buồn, vì còn quá trẻ mà mắc một căn bệnh hết sức hiểm nghèo không cách chữa trị. Và cô chia sẻ vơi tôi, “tôi rất đau buồn, và sợ chết lắm, vì thế mỗi giờ mỗi khắc phải ôm lấy thánh giá của Chúa Giêsu, tôi tin chắc rằng Chúa hiểu được nỗi buồn phiền của tôi. Tôi cũng tin rằng Thiên Chúa cho phép tôi được dùng những cơn đau này, kết hợp với nỗi đau của Đức Ki tô trên thập giá, để đền tội của mình đã phạm làm mất lòng Chúa. Thật lạ thay, mỗi lần tôi ôm lấy thánh giá là tâm hồn tôi được bình an vô cùng, tôi không còn sợ hãi nữa.

Vâng, mỗi khi chúng ta gặp điều không may, mỗi lúc chúng ta gặp đau khổ là lúc đức tin của chúng ta bị thách thức, nhưng hãy tín thác đời mình cho Chúa và cầu xin với Ngài, giống như Phêrô khi sắp bị chìm xuống nước, thì kêu lên rằng, “Lạy Ngài, xin cứu con với!” Và chắc chắn Chúa sẽ cứu giúp chúng ta, Tin mừng hôm nay minh chứng, Đức Giêsu cầm lấy tay ông lôi ông lên: “Khi Đức Giêsu lên thuyền, thì gió lặng ngay.” (câu 32). Có được Đức Kitô đời sống của chúng ta mới trở nên thật an bình, phong ba bão tố sẽ bị xua đuổi đi.