Phần II: Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội

“Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55:9-11)

Chương IV: Lời Chúa ban sự sống cho Giáo Hội

“Lá thư Thiên Chúa gửi cho nhân loại” (36)

Khi Chúa Thánh Thần khởi đầu hoạt động trong đời sống Dân Người, một trong các dấu chỉ đầu hết và thúc bách nhất cho thấy sự hiện diện của Người là lòng yêu mến đối với Lời Chúa trong Thánh Kinh và lòng ước ao được biết Lời ấy nhiều hơn. Sở dĩ như thế là vì Lời của Sách Thánh là lời chính Chúa gửi như một lá thư tới từng người, trong các hoàn cảnh cụ thể của đời họ. Sự thông đạt này có đặc tính hết sức tức khắc và có sức mạnh đi mạnh vào tâm điểm hữu thể nhân bản. Thực thế:

- Giáo Hội được hạ sinh từ Lời Chúa và sống nhờ Lời ấy;

- Lời Chúa nuôi dưỡng Giáo hội dọc dài qua suốt lịch sử;

- Lời Chúa thẩm thấu và làm cho toàn bộ đời sống của Giáo Hội linh động, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần;

Giáo Hội được hạ sinh từ Lời Chúa và sống nhờ Lời ấy

27. Sách Tông Đồ Công Vụ thuật rằng khi hai ông Phaolô và Banaba tới Antiôkia, “các ngài tụ tập Giáo Hội lại và công bố với họ mọi điều Chúa đã làm cho các ngài, và Người đã mở lòng cho Dân Ngoại tiến tới đức tin ra sao” (Cv 14:27).

Như đã xẩy ra tại Antiôkia và tại cuộc tụ tập ở Giêrusalem trong đó dân chúng lắng nghe Banaba và Phaolô (xem Cv 15:12) như thế nào, thì Thượng Hội Đồng chắc chắn cũng sẽ chứng kiến “nhiều phép lạ và điều kỳ diệu” của Lời Chúa như thế. Thực vậy, các giáo hội đặc thù tường trình nhiều kinh nghiệm về Lời Chúa: trong Phép Thánh Thể; trong Lối Đọc Lời Chúa (Lectio Divina) ở phạm vi cá nhân hay phạm vi cộng đoàn; trong những ngày đặc biệt dành cho Thánh Kinh; trong các khóa giảng về Thánh Kinh; trong các nhóm học hỏi Phúc Âm và những nhóm nghe Lời Chúa; trong các chương trình Thánh Kinh cấp giáo phận; trong các buổi linh thao; trong các cuộc hành hương tới Đất Thánh; trong các cử hành Lời Chúa; và trong âm nhạc, hội họa, văn chương và phim ảnh.

Các câu trả lời cho Bản Đề Cương cung cấp cho ta nhiều điển hình như sau:

- Sau Công Đồng Vatican II, Lời Chúa càng ngày càng được đọc nhiều hơn, chủ yếu trong phụng vụ Thánh Thể. Nhiều Giáo Hội dành cho Thánh Kinh một vị trí hết sức ưu hạng, trưng bầy nó một cách rõ ràng cạnh bàn thờ hay ngay trên bàn thờ, giống như trường hợp các Giáo Hội Đông Phương.

- Các Giáo Hội đang gia tăng đáng kể các cố gắng làm cho Thánh Kinh đến tay mọi người nhiều hơn. Trong mười năm qua, các hội đồng giám mục, các giáo phận, các giáo xứ, các cộng đoàn tu trì, các hiệp hội và phong trào đã can dự vào nhiều công cuộc lớn lao về Lời Chúa theo một cách thế hoàn toàn mới mẻ.

- Đáp ứng ý muốn mỗi ngày một cao, giáo dân đã được dẫn khởi vào việc thưởng ngoạn Lời Chúa; trong một số trường hợp, việc ấy được coi là ưu tiên hàng đầu so với các yêu cầu mục vụ khác. Nếm được mùi vị Chúa Giêsu trong Phúc Âm vẫn là một nhu cầu căn bản của người ta, ngay cả những người ít để ý nhất.

- Việc làm quen với Lời Chúa có nhiều hình thức. Trong thế giới Kitô giáo thời xưa, Thánh Kinh là một kinh nghiệm sống hơn là một tài liệu đọc. Dữ kiện từ một số miền trên thế giới cho thấy việc sử dụng Thánh Kinh có ý nghĩa cần được gia tăng đáng kể và tín hữu nên ý thức được hơn vai trò nền tảng và dứt khoát của Lời Chúa trong cuộc sống Kitô hữu của họ.

- Tại những miền địa dư khác, vấn đề phát sinh nhiều hơn do việc thiếu các phương tiện, nhất là các bản dịch Thánh Kinh. Các cố gắng mà anh chị em nghèo hơn của chúng ta đang đưa ra nhằm tiếp xúc với Lời Chúa quả thực hết sức khích lệ. Chính Tài liệu của Uỷ Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh cũng đã có nhắc tới điều đó: “người ta có lý để vui mừng khi thấy Thánh Kinh được đặt trong tay những người tầm thường và nghèo khó; những người này có thể đem tới cho việc giải thích nó và thể hiện nó một ánh sáng sâu sắc hơn, nhờ các quan điểm tâm linh và hiện sinh của họ, hơn là các quan điểm xuất phát từ việc nghiên cứu thường chỉ biết dựa vào chính các nguồn tài nguyên của mình mà thôi” (37).

- Một nghịch lý ngày càng rõ rệt là: việc tín hữu khao khát Lời Chúa không phải lúc nào cũng nhận được một đáp ứng thoả đáng trong lời giảng của các mục tử Giáo Hội, do sự thiếu chuẩn bị ngay trong các chủng viện hay trong các thực hành mục vụ.

Lời Chúa nuôi dưỡng Giáo Hội dọc dài qua suốt lịch sử

28. Dân Chúa ngày càng múc được năng lực từ Lời Chúa. Lời Chúa không tĩnh tụ (static); Lời ấy phổ biến mau chóng (xem 2Tx 3:1) và từ trời rơi xuống như trận mưa phong phú (xem Is 55:10-11). Việc ấy đã xẩy ra khi các tiên tri nói với dân, khi Chúa Giêsu nói với đám đông và môn đệ, và khi các tông đồ nói với các cộng đoàn tiên khởi, tiếp diễn qua nhiều thế hệ đến tận ngày nay. Ta có thể nói rằng việc phục vụ Lời Chúa là đặc điểm của nhiều thời kỳ được ghi chép trong Thánh Kinh, và sau đó, trong lịch sử Giáo Hội.

Thời các giáo phụ, Thánh Kinh là tâm và là nguồn của thần học, linh đạo học và sinh hoạt mục vụ. Các Giáo Phụ là các bậc thầy không ai sánh nổi trong việc được mệnh danh là đọc Sách Thánh “cách thiêng liêng”, nghĩa là một cách đọc, nếu thực hiện cho đúng, sẽ không phá hủy “chữ viết” hay nghĩa cụ thể, nghĩa lịch sử của nó mà giúp ta đọc “chữ viết” trong Thần Khí. Thời Trung Cổ, Sách Thánh cũng là nền tảng của suy tư thần học. Phương pháp hồi ấy phân biệt bốn thứ nghĩa trong việc đọc Sách Thánh (nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa luân lý và nghĩa hướng thượng hay cánh chung [anagogical]) (38). Truyền thống Đọc Sách Thánh [Lectio Divina] đã có từ lâu, vốn là hình thức cầu nguyện của đan viện. Nó được dùng như nguồn gây cảm hứng nghệ thuật và được nhiều hình thức rao giảng và đạo đức bình dân truyền đạt tới các tín hữu. Ngày nay, tinh thần con người, một tinh thần càng ngày càng có tính phê phán hơn, tiến bộ khoa học và các chia rẽ trong hàng ngũ Kitô hữu, và sau đó là nhiệm vụ đại kết, đang dẫn ta tới một phương pháp tiếp cận thực sự có phương pháp và một cái hiểu tốt hơn đối với mầu nhiệm Thánh Kinh trong lòng Thánh Truyền. Hiện nay, Giáo Hội đang kinh qua một cuộc canh tân dựa trên tính trung tâm của Lời Chúa, trên kế hoạch vĩ đại của Công Đồng Vatican II, một kế hoạch vẫn còn đang tiếp diễn vào thời của Thượng Hội Đồng này.

Trong khung cảnh tổng quát của Truyền Thống sống động trong Giáo Hội, với thời gian, mỗi giáo hội đặc thù đều khai triển ra các truyền thống và các đặc điểm đúng đắn riêng của mình. Trong diễn trình ấy, lịch sử vẫn để lộ nhiều dấu chỉ cho thấy có thể có những liên kết, những ảnh hưởng và trao đổi lẫn nhau giữa các Giáo Hội. Trong trường hợp này, ta có thể chia các câu trả lời cho Bản Đề Cương thành hai phần. Một đàng, Lời Chúa xem như được truyền bá nhờ công trình phúc âm hóa tại các giáo hội đặc thù khắp năm châu. Lời ấy được bản vị hóa từ từ trong các giáo hội ấy, nhờ thế trở nên nguồn sinh động hóa đức tin của nhiều người, nền tảng hiệp thông trong Giáo Hội, một chứng tá cho thấy sự phong phú khôn tả của mầu nhiệm Lời Chúa và là nguồn suối linh hứng và biến đổi không cùng các nền văn hóa và các xã hội. Mặt khác, công cuộc tông đồ về thánh kinh xem ra đang gặp nhiều khó khăn, không những chỉ vì các lý do lịch sử liên quan đến lúc mới bắt đầu phúc âm hóa mà còn vì những vấn đề đức tin đúng nghĩa, do các hoàn cảnh sống khác nhau hay do thiếu các tài nguyên kinh tế.

Lời Chúa thẩm thấu và làm cho toàn bộ đời sống của Giáo Hội linh động, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần

29. Việc sử dụng Thánh Kinh, việc quan niệm về Giáo Hội và thực hành mục vụ thẩy đều tương quan hỗ tương với nhau. Khi Chúa Thánh Thần tạo ra sự hoà điệu giữa Thánh Kinh và cộng đồng, thì ta đã đạt được mối tương quan ấy một cách đúng nghĩa. Thành thử ra, tôn trọng nhu cầu nội bộ muốn đánh động cộng đoàn gặp gỡ Lời Chúa là điều rất quan trọng. Đồng thời, cần phải kiểm soát một số khuynh hướng như tính quá tự phát, các kinh nghiệm quá chủ quan và các thực hành có tính dị đoan. Cũng cần chú trọng tới điều bản văn Thánh Kinh muốn nói, suy niệm về nó để hiểu rõ nghĩa đen của nó trước khi đem ra áp dụng vào đời sống. Điều ấy không luôn dễ, vì ta rất dễ mắc nguy cơ cực đoan (fundamentalism). Hiện tượng ấy ảnh hưởng trên nhân học, xã hội học và tâm lý học, nhưng nhất là nó được đặc biệt áp dụng vào việc đọc Sách Thánh và sau đó đến việc Sách ấy giải thích về thế giới. Khi đọc Thánh Kinh, chủ nghĩa cực đoan hay bám vào chủ nghĩa duy tự (literalism) mà từ khước không chịu xem sét gì tới chiều kích lịch sử của mạc khải Thánh Kinh. Do đó, nó không có khả năng tiếp nhận trọn vẹn chính sự Nhập Thể. Lối giải thích này càng ngày càng được nhiều người tin theo… cả nơi người Công Giáo nữa. Chủ nghĩa này đòi người ta phải hoàn toàn gắn bó với quan điểm tín lý cứng ngắc và áp đặt một lối đọc Thánh Kinh không chấp nhận bất cứ sự tra vấn nào và bất luận một thứ tìm tòi phê phán nào, môt lối đọc được họ coi là nguồn giáo huấn duy nhất cần cho đời sống Kitô hữu và ơn cứu rỗi của họ” (39). Hình thức cực đoan của loại khuynh hướng này tìm thấy nơi các giáo phái, trong đó Sách Thánh bị cô lập khỏi hành động đầy năng lực và ban sự sống của Chúa Thánh Thần. Kết quả: cộng đoàn trở thành teo lại và không còn là một cơ thể sống động nữa, nhưng đã trở nên một nhóm khép kín không biết nhìn nhận các bị biệt và đa nguyên tính nội tại; ngược lại cho thấy thái độ gây hấn đối với những lối suy nghĩ khác với mình (40).

Thay vào đó, cộng đoàn cần duy trì sự vâng phục sống động đối với Chúa Thánh Thần, và tránh nguy cơ dập tắt Chúa Thánh Thần bằng chủ nghĩa duy hành động thái quá và các khía cạnh phô trương trong đời sống đức tin. Cũng vậy, cộng đoàn cũng phải chống trả cái nguy cơ muốn biến Giáo Hội thành một cơ quan bàn giấy nhằm giới hạn sinh hoạt mục vụ vào các khía cạnh định chế của mình mà thôi và thu gọn việc đọc Thánh Kinh thành một sinh hoạt giống các sinh hoạt khác.

30. Chúa Giêsu phán rằng Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội tới chân lý toàn bộ (xem Ga 16:13), giúp Giáo Hội hiểu nghĩa chân thực của Lời Chúa và sau cùng dẫn Giáo Hội tới chỗ gặp gỡ chính Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Nadarét. Chúa Thánh Thần là linh hồn và là nhà giải thích Sách Thánh. Do đó, “phải đọc và giải thích Sách Thánh trong Thần Trí cực thánh, nơi Sách Thánh ấy đã được viết ra” (DV 12). Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Giáo hội tìm cách vươn tới một hiểu biết sâu sắc hơn để có thể cung cấp của nuôi cho con cái mình. Nhờ làm như thế, Giáo Hội cũng rút tỉa được một cách đặc biệt từ việc nghiên cứu các Giáo Phụ thuộc Giáo Hội Đông và Tây Phương (xem DV 23), từ việc nghiên cứu thần học và chú giải và từ đời sống các thánh và các chứng tá đức tin.

Về phương diện này, lời ghi chú lấy từ “Những điều cần ghi chú trước” (Praenotanda) của Sách Các Bài Đọc đáng được trưng dẫn: “Ta cần Chúa Thánh Thần hành động nếu muốn cho Lời Chúa làm cho điều ta nghe bên ngoài gây được các hiệu quả bên trong của nó. Nhờ linh hứng và ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa trở thành nền tảng cho cử hành phụng vụ và là kim chỉ nam và sức nâng đỡ cho mọi sinh hoạt đời ta. Hành động của Chúa Thánh Thần đi trước, đi theo và đem toàn bộ cử hành Phụng Vụ tới chỗ hoàn tất. Nhưng Chúa Thánh Thần cũng mang về nhà (xem Ga 14:15-17, 25, 26; 15:26-16:15) cho mỗi con người cá thể chúng ta mọi sự đã được nói tới trong công bố Lời Chúa vì lợi ích của toàn bộ cộng đồng tín hữu. Khi củng cố sự hiệp nhất giữa mọi người, Chúa Thánh Thần cũng cổ vũ tính đa dạng của các ơn phúc và đẩy xa hơn nữa hoạt động muôn hình muôn vẻ của chúng (41).

Cộng đồng Kitô giáo được bồi đắp hàng ngày, giúp nó luôn được Lời Chúa hướng dẫn dưới hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban ánh sáng, ơn hồi tâm và sự an ủi. Thực thế, “vì bất cứ điều gì đã được viết ra trước đây cũng đã được viết để giáo huấn ta, để nhờ sự kiên định và được Thánh Kinh khích lệ mà ta có hy vọng” (Rm 15:4). Công việc đầu hết của các mục tử là giúp tín hữu hiểu cách gặp gỡ Lời Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Một cách đặc biệt, các ngài phải dạy cách làm thế nào để diễn trình này xẩy ra trong khi đọc Thánh Kinh theo nghĩa thiêng liêng, trong thiên hướng lắng nghe và cầu nguyện. Về phương diện này, Thánh Peter Damascene viết như sau: “Bất cứ ai từng cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của Sách Thánh đều biết rằng lời đơn sơ nhất và lời sâu sắc nhất của Sách này thực ra duy nhất chỉ là một, vì cả hai đều nhằm mục đích cứu rỗi nhân loại mà thôi” (42).

Các hệ quả mục vụ

31. Nếu Lời Chúa là nguồn sống cho Giáo Hội, thì Sách Thánh phải được chủ yếu coi là của nuôi sống. Điều này bao gồm các việc sau:

a. duy trì việc duyệt xét thường xuyên địa vị hữu hiệu của Lời Chúa trong đời sống cộng đồng, các cảm nghiệm xây dựng nhất và các rủi ro thường lặp đi lặp lại.

b. hiểu biết lịch sử và việc truyền bá Lời Chúa trong chính cộng đồng, giáo phận, quốc gia, lục địa của mình, và cả trong Giáo Hội hoàn vũ nói chung nữa, ngõ hầu biết nhìn nhận các kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa (Magnalia Dei), biết nhận thức tốt hơn điều cần phải nói ra và các sáng kiến nào cần phải đưa ra cũng như tỏ tình liên đới với các cộng động nhờ các tài nguyên vật chất và thiêng liêng.

c.một cách chính xác, thể hiện được một chương trình mục vụ do Lời Chúa gây sinh khí, đồng thời nhìn nhận và cổ vũ vai trò độc đáo của các giáo hội đặc thù trong hiệp thông giữa họ với nhau. Các sáng kiến trong tư cách Dân Chúa trong hiệp nhất với vị giám mục của họ, mà từ đó các kinh nghiệm lớn nhỏ phát sinh ra, phải tạo nên sinh hoạt liên tục cho Lời Chúa trong các cộng đồng khác nhau.