Lá thư của một người ngoài Công giáo

Các tổ chức của Công giáo phải làm gì với nạn nhân của bạo quyền Hà Nội ngày 8/12?

Kính gởi các tổ chức và giáo dân Công giáo Việt Nam

Xin được giới thiệu: tôi không phải là người công giáo, cũng không tham gia chính trị hoặc bất cứ hội đoàn nào. Tôi chỉ là một người quan tâm đến tình hình những người giáo dân là nạn nhân của bạo quyền Hà Nội.

Từ khi các giáo dân chuẩn bị đưa ra toà án để xét xử, nhà cầm quyền Hà Nội đã rất lúng túng cho phiên toà này. Thực chất của phiên toà, không phải là mấy viên gạch bị dỡ đi hay việc cầu nguyện được xem là gây rối trật tự công cộng của họ. Hà Nội đang muốn làm một phiên toà dằn mặt người công giáo. Mục đích còn là để đe doạ những người khác không cúi đầu vâng theo chế độ tham nhũng thối nát và đê hèn hiện nay đang vâng phục trước ngoại bang, dâng hiến lãnh thổ đất nước nhưng cướp bóc bằng được đất đai của người dân thấp cổ bé họng.

Nhưng chúng đã không dễ dàng khi đối mặt với khối những người Công giáo có tổ chức chặt chẽ và lòng tin nhiệt thành.

Phiên toà này, tự nó đã lộ rõ sự vô lý của nhà cầm quyền khi cố tình kết án bằng được những người vô tội, thể hiện điều đó qua việc khởi tố, bắt bớ, điều tra đi điều tra lại nhiều lần nhằm kết án giáo dân.

Những nạn nhân và người công giáo Thái Hà đã hoàn toàn đúng đắn khi không gây ra bạo động tạo cớ cho nhà cầm quyền đàn áp.

Nhưng nhà cầm quyền Hà Nội bất chấp pháp luật do họ định ra, nhất định kết tội những dân lành này. Vì vậy mới có phiên toà mang tiếng công khai nhưng sẽ xử lén lút tại tầng 4 một ngôi nhà không phải là toà án. Đây là một phiên toà nhục nhã, nói lên bản chất đê hèn của nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Dư luận nhân dân kể cả những người ngoại đạo như tôi hết sức bất bình và quan tâm theo dõi. Tuy thế chúng tôi không thể tham gia hoặc lên tiếng trực tiếp vì chúng sẽ lu loa kết tội thành việc chính trị nọ kia. Những mưu mô xảo trá đó chúng không thiếu. Điển hình như việc chúng đã cắt cúp xuyên tạc lời nói của ông Ngô Quang Kiệt đáng kính để thoá mạ Ngài và kết án Ngài. Việc đó đã cho cả thế giới được bản chất của chúng.

Tôi luôn nghĩ người Công giáo có tổ chức chặt chẽ để thực hành việc đạo. Những nạn nhân này đã ôn hoà, họ không làm việc nhỏ nhất như biểu tình có băng rôn, khẩu hiệu như những người dân oan khác. Họ không hò hét, hô hoán, phá rối… Nhưng chính quyền đã hèn hạ vu cáo nhục mạ họ.

Trước tình hình đó, người công giáo phải làm gì?

Để tỏ tinh thần quan tâm và thống nhất với những nạn nhân về những việc làm chính đáng đó, các xứ họ, địa phận và các hội đoàn tổ chức thuộc Công giáo cần mạnh mẽ lên tiếng bằng nhiều hình thức có thể được.

Công việc đơn giản nhất mà tôi thấy ở các xứ thuộc Hà Nội và giáo phận Vinh đã tích cực làm từ lâu nay là tổ chức cầu nguyện cho nạn nhân, cho công lý, sự thật. Việc tổ chức này ngay trước và sau phiên toà.

Chúng tôi hết sức cảm kích và thán phục tinh thần người công giáo qua những hành động đoàn kết này.

Đây là việc làm hết sức cần thiết và hoàn toàn hợp pháp. Không có một nhà nước dù man rợ đến đâu cấm được người dân cầu nguyện.

Việc này sẽ đánh động tâm hồn của mỗi người dân, họ sẽ không bị các báo chí nhà nước đánh lừa như trước đến nay. Họ biết được lẽ phải thuộc về các nạn nhân này.

Những cuộc cầu nguyện, nhưng văn thư hiệp ý nói lên chính nghĩa, sẽ làm cho nhà cầm quyền phải chùn tay trước dư luận mạnh mẽ trong nước và của cộng đồng quốc tế.

Nhà nước Cộng sản Việt Nam, sẽ hết sức lúng túng trong các hành động của họ. Vì lúng túng họ sẽ liên tục va phải những sai lầm như trong giai đoạn vừa qua. Con đường đúng đắn nhất, dễ nhất cho họ là phải trả tự do và công lý cho những người dân vô tội này.

Trong trường hợp họ vẫn cố tình kết tội các nạn nhân bât chấp công lý, thì các giáo dân sẽ luôn quan tâm đến họ, luôn có các buổi cầu nguyện, giờ cầu nguyện cho họ trong các nhà thờ và nơi nào có thể được.

Tổ chức đi thăm họ ở các trại giam với lượng người đông đảo… Chính hành động đó sẽ làm cho nhà cầm quyền Hà Nội không thể công nhiên đàn áp mà không lộ rõ bộ mặt thô bạo của mình.

Những nạn nhân chỉ còn chưa đầy 24 tiếng đồng hồ nữa là đối diện với sự tàn bạo, những đồng đạo của họ, các chức sắc, cha xứ và người công chính nghĩ gì?

Chúng ta cần thể hiện ngay tiếng nói ủng hộ tinh thần các nạn nhân bằng những việc làm cụ thể, dễ dàng trong hôm nay: Tổ chức Cầu nguyện tập trung cho họ và thông tin cho cả thế giới biết điều này.

Là một người ngoại đạo công giáo, tôi xin có vài lời thô mộc như trên, nhưng hết sức tâm huyết chân thành.

Mong quý vị lắng nghe và đại xá nếu có điều không vừa ý.

Ngày 6/12/2008