LỄ MẸ VỀ TRỜI (09)

Hãy trở thành “Bước chân thăm viếng mới”



1. Mẹ Về trời vì Đức Kitô không hề phản bội:

Để minh họa cho nội dung nầy, chúng ta có thể nghe lại câu chuyện về người lính thủy Hoa Kỳ trong hạm đội hái Bình Dương thời đệ nhị thế chiến (…)

Người ta kể rằng, vào cuối thế chiến thứ hai, biển Thái Bình dương chính là chiến trường ác liệt của các hạm đội Hoa Kỳ và Nhật Bổn. Trong một cuộc chiến khốc liệt nọ gần Philippin, một thủy thủ hải quân tự động rời ổ tác chiến và nhảy xuống biển. Cũng may anh ta không chết. Sau đó cuộc chiến kết thúc, tòa án binh quyết định đem anh ra xử tội đào ngũ khi tác chiến, một tội có thể bị án tử hình với tội danh phản quốc. Trước tòa, vị thẩm phán hỏi lần cuối cùng: “Tại sao anh bỏ hàng ngũ trong lúc đang tác chiến”. Người thủy thủ bình thản móc trong túi áo ra một tấm hình đã nhạt nhòa gương mặt của một người phụ nữ và nói rằng: “Hôm đó, vì lo thao tác tất bật, tôi đã để rơi tấm hình của mẹ tôi xuống biển. Đây là kỷ vật cao quí và thiêng liêng duy nhất tôi không thể để mất, nên tôi vội nhảy xuống để vớt lên. Nếu đó là hành vi đào ngũ, phản bội, tôi xin sẵn sàng chịu tội”. Cả tòa án sững sờ. Vị Chánh án sau một phút im lặng, đã dõng dạc tuyên bố: “Một người con hiếu thảo với mẹ, không bao giờ là một người phản bội. Tôi tuyên bố, anh trắng án”.

Chúng ta ta hôm nay cũng có thể nói về Chúa Giêsu như thế trong tương quan giữa Ngài với Mẹ Maria, người Mẹ đã cưu mang Ngài trong dạ chín tháng, đã sinh hạ Ngài trong vất vả khổ cực giữa mùa đông giá lạnh nơi hang súc vật giữa đồng vắng Bê lem, đã cho Ngài bú mớm, đã tần tảo nuôi dạy Ngài suốt 30 năm nơi mái nhà Na-da-rét và sau đó đã tất bật khổ đau theo Ngài lên tận Đồi Sọ để đón nhận lời trăng trối sau cùng của Ngài và táng xác Ngài trong mộ đá…

Vâng, Chúa Giêsu là một người hiếu thảo với Mẹ, nên không thể là một người phản bội.

- Ngài không thể phản bội lại Mẹ, khi mặc kệ thân xác mẹ mình tan rửa với cái chết, trong khi thân xác của riêng mình lại phục sinh vinh hiển cao sang.

- Ngài không thể phản bội lại Mẹ, khi Mẹ vì mình mà cả một đời lận đận khổ đau để “cưu mang và bú mớm, để nghe và thực hành Lời Chúa”, nhưng cuối cùng “phúc đâu không thấy” mà cuộc đời cũng tan thành tro bụi như bao kiếp phận lầm than khác.

- Ngài không thể phản bội lại Mẹ, khi dõng dạc tuyên bố trước cửa mồ La-da-rô rằng; “Ai tin ta, dù có chết cũng sẽ được sống; và kẻ nào sống mà tin ta sẽ không chết bao giờ”, trong khi lại để thân xác Người Mẹ, Người đã tin, đã yêu, dã gắn bó hết mình với Ngài trên suốt chiều dài cuộc sống… phải thối rửa và bị hủy hoại bởi thời gian.

Không, Đức Kitô không phải là một người phản bội.

Đưa Mẹ mình cả hồn xác về trời vừa là một hành vi hiếu thảo, nhưng cũng là một kết quả tất yếu, một tiêu đích của công trình cứu độ mà sự phục sinh của Đức Kitô chính là động lực cốt lõi. “Một khi tôi bị treo lên, tôi sẽ kéo mọi sự lên với tôi” (Ga 12,32), “Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho tất cả những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20). Và như thế, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa thứ hai của lễ Mẹ Về Trời đó là: Kết quả viên mãn của hồng ân cứu độ, hay cũng là, kết quả của sự phục sinh của Đức Kitô.

2. Mẹ về trời: Kết quả của sự phục sinh của Đức Kitô:

Chân lý nầy đã được Thánh Phaolô khai triển rất nhiều lần trong các bức thư của Ngài. Cách riêng, trong trích đoạn của Thư Cô-rin-tô mới vừa được công bố, đã khẳng định cách dứt khoát chân lý nền tảng nầy: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu” (BĐ 2). Nếu cùng đích cuối cùng của chương trình cứu rỗi đó là tất cả những ai thuộc về Đức Kitô sẽ được sống trường sinh với Ngài, sẽ được biến đổi để mãi mãi sống kiếp phục sinh, thì Đức Maria phải là người tiên phong trong nhân loại đã thuộc về Đức Kitô trọn vẹn nhất và đã đi trước trong cuộc hành trinh vượt qua cái chết để bước vào cuộc sống vĩnh hằng. Đức Cố GH Gioan-Phaolô II đã xác quyết chân lý nầy trong thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Chuộc): “Trong mầu nhiệm lên trời hồn xác là biểu hiện đức tin của Giáo Hội, theo đó, Đức Maria được hợp nhất với Chúa Kitô bằng mọt mối liên kết mật thiết và không thể chia lìa”. Và như thế, lễ Mẹ về Trời chính là một tín hiệu vui mừng, là dấu chỉ của niềm hy vọng bao la cho đoàn Dân Chúa, đoàn dân mà Mẹ chính là một “thành viên ưu tuyển” đi trước để dẫn đường như kinh Tiền Tụng Giáo Hội đọc lên hôm nay: “Hôm nay, Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, được đưa về trời. Người là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn, là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế.”

Quả thật, cuộc sống nầy nếu chỉ hạn hẹp trong khoảnh khắc “100 năm trong cõi người ta” để rồi tất cả khép lại trước cửa mồ sự chết thì bi đát cho thân phận kiếp người biết bao.

Không, nếu “con người là ảnh hình Thiên Chúa”, và ngay từ buổi khai sinh lập địa “Thiên Chúa đã hà hơi thổi thần khí tác sinh” vào trong cái hình hài hữu hạn bùn đất kia, thì chẳng phải thân phận ấy đã tiềm tàng hạt giống vĩnh hằng đó sao ?

Rồi cho dù sau đó “cửa vườn địa đàng đóng lại”, tội lỗi và sự chết đã nhập vào thế gian theo sau biến cố A-đam-E-va với tay hái trái cấm…”, thì chẳng phải Thiên Chúa đã chẳng hề khép kín từ tâm mà đã “nhớ lại lòng thương xót dành cho Tổ Phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” khi “ban tặng Người Con Một, để ai tin vào Người con ấy, không phải chết nhưng được sống muôn đời” đó sao ? (Ga 3, 16). Nếu cái chết đã theo vào trần gian do ảnh hưởng của tội lỗi và sự liên đới với A-đam đầu tiên, thì sự phục sinh vĩnh hằng sẽ chiếu rọi ánh quang hy vọng xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại nhờ hậu quả của công trình cứu độ và sự liên kết với Con Thiên Chúa làm người. “Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15, 22). Cho nên chúng ta có thể nói được rằng: mầu nhiệm “Đức Maria hồn Xác Về Trời” là một cách cắt nghĩa cụ thể chân lý cuối cùng mà Hội Thánh tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”.

3. Mẹ Về trời: tiêu đích của cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa hôm nay

Mừng lễ mẹ về trời hôm nay, phụng vụ còn muốn nói với chúng ta rằng: ngày nay trên quê trời, chắc chắn Mẹ cũng đang dõi mắt theo từng bước chân của mỗi cuộc đời con cái dưới chốn trần ai. Như ánh mắt của bà mẹ Việt nam trong ca khúc “Huyền thoại Mẹ” của cố NS Trịnh Công Sơn: “Mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ, canh từng bước chân thù, mẹ ngồi dưới cơn mưa…Mẹ là gió uốn quanh trên đời con thầm lặng, trong câu hát thanh bình, mẹ làm gió mong manh…Mẹ là nước chứa chan trôi dùm con phiền muộn, cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan…”.

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc thăm viếng của Đức Maria nơi nhà Bà Isave để từ nơi mái nhà nầy đã vang lên lời tạ ơn và chúc tụng hồng ân cứu rỗi Thiên Chúa đã dành cho nhân loại mà người đầu tiên được hưởng nhờ là chính Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hởn hở vui mừng, vì Thiên chúa Đấng Cứu độ tôi….Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, thật Danh Người chí thánh chí tôn…”.

Hồng ân đó hôm nay và mãi mãi sẽ được ban tặng cho tất cả những ai biết đón nhận Đức Kitô vào cuộc đời với thái độ tin tưởng phó thác và xin vâng như Đức Trinh Nữ Maria, hay nhất là, như cách cắt nghĩa của Chúa Giêsu, hồng ân đó sẽ dành cho những ai “biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa” (Lc 11,28).

Và cũng từ ý nghĩa đó làm tôi chợt nhớ tới câu chuyện “Những tấm hình của Mẹ”, một câu chuyện về bà mẹ Maria và cô con gái Christiana ở Brasil: ….Bà mẹ đi tìm con bằng cách dán khắp nơi tấm hình của mình với dòng chữ phía sau: “Dù con đã làm gì đi nữa, hay con đã trở thành gì, không thành vấn đề. Hãy trở về với mẹ”. Nhờ nhận ra tấm hình của mẹ với dòng chữ khoan nhân như thế, Christiana đã hồi tâm trở về với mẹ sau một cuộc đời phóng túng…

Chính vì thế, lễ Mẹ Về Trời lại mở ra cho chúng ta chiều kích của một “Cuộc Thăm viếng Mới”. Mẹ lại đến chia sẻ niềm vui ơn cứu độ và hy vọng phục sinh cho “con cháu E-và” đang dập vùi trong “chốn khách đày, nơi khóc lóc” (Kinh Lạy nữ Vương), và cũng lại một lần nữa gọi mời con cái Mẹ tiếp tục lên đường với Mẹ để mở ra những cuộc “thăm viếng khác” đến muôn vạn mái nhà, đến trăm nghìn địa chỉ, nhất là những địa chỉ tối tăm, đói khổ, tật bệnh, lầm lạc…đang cần bừng sáng lên những lời tin yêu Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Thần trí tôi hớn hở reo mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi…”.

Để có được những “bước chân thăm viếng” như thế, chúng ta hãy mượn lời kinh nguyện của thánh J. Escriva để thân thưa với Đức Mẹ:

“Trái tim rất dịu dàng Mẹ Maria, xin dọn một con đường an toàn cho những người của Mẹ. Xin Mẹ hãy hướng dẫn những bước chân của chúng con trên trần gian nầy bằng sức mạnh và bình an. Xin trở nên một con đường cho chúng con bước theo, bởi vì nhờ tình yêu của Mẹ, Mẹ biết được con đường nào nhanh chóng và thẳng nhất để đến với tình yêu của Chúa Giêsu Kitô”. Amen.