HÀ NỘI - Ngày 8.10.2009 - Cơn bão số 9 (mang tên Ketsana) đã thổi vào Việt Nam, gây mưa rất to kèm theo dông, gió giật cấp 8-10 tại các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Bình Định và các tỉnh Tây nguyên. Trong đó, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Sau khi thông tin về cơn bão được đưa ra qua các phương tiện truyền thông, Đức Cha Phụ Tá Tổng Giáo Phận đã thay mặt Đức Tổng Giám Mục gửi tới cộng đồng dân Chúa Tổng Giáo Phận thư kêu gọi toàn thể TGP cầu nguyện và “đóng góp tiền của giúp đỡ các nạn nhân”. Trong tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát”, Đức tổng Giám Mục Giuse đã cử một phái đoàn của UBBAXH - Caritas Giáo phận tới các Giáo Phận gặp thiên tai để bày tỏ sự hiệp thông của TGP Hà nội với các nạn nhân lũ lụt.

Thăm nạn nhân bão tại giáo phận Đà Nẵng và Qui Nhơn

Đoàn chúng tôi lên đường vào chiều ngày Chúa nhật, 4/10; và vào lúc 6h chiều Chúa nhật chúng tôi đã có mặt tại Tòa Giám mục Đà Nẵng.

Sáng ngày 5/10, chúng tôi được cha Tổng đại diện của Giáo phận Đà nẵng hướng dẫn tới thăm Giáo xứ Cần Dầu, một trong những Giáo xứ bị thiệt hại nặng nề của cơn bão.

Đúng 8h chúng tôi tới Giáo xứ Cần Dầu. Cảnh đổ nát hoang tàn không còn nữa, nhưng trên cánh đồng chỉ còn trơ lên những thân lúa đã bị thối rữa do bị ngâm nước lâu ngày. Đây đó một số nông dân đang vớt lại những gì còn có thể trên thửa ruộng mà họ đã đổ bao mồ hôi, mong có ngày gặt hái. Nhưng giờ đây, nước mắt lại chảy dài trên những tàn tích của thiên tai. Đoàn chúng tôi đã thăm cha Xứ, Cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục, và chia sẻ cùng anh chị em giáo dân tấm lòng của Đức Tổng Giám Mục Giuse, Đức Cha Phụ Tá Lôrenxô, Các Cha và toàn thể giáo dân của TGP Hà Nội.

Rời Giáo Xứ Cần Dầu, chúng tôi lên đường tới Giáo Phận Quy Nhơn, cách Giáo xứ Cần Dầu khoảng 120 km. Theo sự giới thiệu của Cha Gioan Võ Đình Đệ, phụ trách UBBAXH - Caritas của Giáo Phận Quy Nhơn, chúng tôi đã tới cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ. Sau những phút hàn huyên, chúng tôi lên đường tới thăm Giáo Xứ Bình Hải do Cha Giuse Phan Minh Hảo phụ trách.

Giáo xứ Bình Hải là một Giáo xứ ven biển nên chịu thiệt hại trực tiếp của cơn bão. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn, những căn nhà đổ nát, những nếp nhà trốc mái, những rặng cây trốc rễ, những bức tường đổ nát. Nhìn ngôi thánh đường hoang tàn của giáo xứ Bình Hải, lòng người không khỏi nghĩ đến những ngôi biệt thự của thành phố và lời Vua Thánh Đavit đã nói: “Ta sống trong nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm bia Thiên Chúa thì ở trong lều tạm…”.

Từ giáo xứ Bình Hải, chúng tôi lên đường để tới Giáo Phận Kontum.

Vượt qua hành trình dài trên 300 cây số, chúng tôi tới Giáo xứ Thăng Thiên lúc 11h đêm ngày 5/10. Cha Phêrô Đỗ văn Đông, phụ trách UBBAXH - Caritas của Giáo Phận Kontum, và một số giáo dân đã đón chào chúng tôi với những nụ cười trìu mến.

Sáng ngày 6/10, sau khi dâng Thánh lễ tại nhà thờ Thăng Thiên chúng tôi lên đường tới thăm trại Cùi Đakkia. Bà con trong trại cũng đang dọn dẹp những đổ vỡ. Đây đó các em đang phơi những cuốn sách bị ướt trên hàng rào, đây cuốn Thánh Ca, kia quyển sách học trò.

Sau khi bày tỏ sự hiệp thông của Tổng Giáo Phận Hà Nội với bà con nơi đây, chúng tôi tới thăm nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi Vinh Sơn.

Giáo phận Kontum có 5 nhà Vinh Sơn, chúng tôi chỉ thăm được hai nhà, đó là Vinh Sơn 1 và Vinh Sơn 2, với tổng cộng khoảng 430 em mồ côi người dân tộc. Khi chúng tôi đến, chị phụ trách nhà giới thiệu cho chúng tôi thành viên mới nhất, đó là một bé trai mới một tháng tuổi. Nhìn những ánh mắt thơ ngây của các em, lòng chúng tôi nhói đau!!!

Tại đây chúng tôi bắt gặp những anh chị em tinh nguyện viên đang dọn dẹp nhà cửa: người dọn bùn đất, người dặt quần áo, người phơi sách vở. Đẹp thay những con tim yêu thương đang bao bọc chở che các em thay cho cha mẹ chúng. Chúng tôi cùng nhau trò chuyện và chia sẻ với các em. Một nét đẹp chúng tôi nhận thấy nơi các em bé người dân tộc đó là không tranh giành nhau. Khi chúng tôi phát quà, các em đứng yên để chờ đến lượt mình, có em chưa được phát cũng không nói gì, chỉ đứng yên, chúng tôi phải hỏi, em nào chưa có thì giơ tay lên, các em mới giơ tay. Đơn sơ quá, thánh thiện làm sao!!!

Rời các nhà Vinh Sơn, chúng tôi tới thăm một giáo xứ người dân tộc, xứ Konmơnay, Sơlam và chia sẻ với bà con nơi đây những phần quà bé nhỏ.

Tạm biệt Pleycu, chúng tôi vượt qua quãng đường gần 500 km và trở lại Đà Nắng lúc 11 h đêm ngày 6/10.

Thăm Huế và Quảng Trị

Sáng 7/10 chuyến xe Hoàng Long đưa chúng tôi tới Huế lúc 6h30 sáng. Vừa tới bến xe, một tài xế xe ôm đã ân cần tiếp đón chúng tôi và đưa chúng tôi về tòa Tổng Giám Mục Huế.

Sau khi thăm tòa Tổng Giám mục Huế, đoàn chúng tôi đã được cha giám đốc Caritas Giuse Dương Đức Toại hướng dẫn đi thăm và chia sẻ tại huyện Hải lăng, tỉnh Quảng trị. Chúng tôi tới giáo họ Hà Lộc thuộc xứ Mỹ Chánh. Cha xứ Phêrô Hoàng Minh Tuân và bà con giáo dân đã đón chúng tôi với những ánh mắt và nụ cười thân thương. Tôi nói với Cha Toại: Con chưa thấy cảnh bão ở nơi đây! Ngài nói, cha sẻ thấy. Và cha giới thiệu đoàn chúng tôi tới thăm giáo họ Hội Điền. Nơi đây, chúng tôi mới được chứng kiến thế nào là lũ lụt, thế nào là hoang tàn. Chúng tôi xuống một con đò và sau khoảng gần một tiếng đồng hồ, cha quản lý địa phận nói với chúng tôi: Cha đã thấy cảnh hoang tàn chưa!!! Và Ngài chỉ tay về phía một làng nhỏ, một họ đạo ở giữa một ốc đảo, xung quanh mênh mông biển nước. Và ngài nói: còn nhiều họ đạo trong tình trạng như thế này nữa. Khi chúng tôi đến, nước lụt đã được gần hai tuần rồi, mà bốn bên vẫn nước là nước. Chẳng còn gì cả. Những cánh đồng đang mùa thu hoạch đã bị nhấn chìm trong nước. Những người dân nơi đây sẽ lấy gì sinh sống!!! Chúng tôi gặp đây đó những em nhỏ đang chèo thuyền đi học. Tôi hỏi các em: mất bao nhiêu thời gian để chèo thuyền tới lớp? các em trả lời: khoảng một tiếng. Trời yên đã vậy, lúc mưa gió thì làm sao, vì các em nhỏ quá!!!

Khi chúng tôi tới thăm, dù đang vất vả để khắc phục hậu quả cơn bão nhưng nghe giới thiệu có cha ở Hà nội thay mặt Đức Tổng Giuse và Đức Cha Laurenso vào thăm, ai cũng đem lòng quý mến.

Sau khi thăm hỏi và chia sẻ với bà con nơi đây, chúng tôi trở lại Tòa Tổng Giám Mục Huế và lên đường trở về Hà Nội.

Cảm Tạ Chúa, cám ơn Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá, các Cha và mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận đã rộng lòng giúp đỡ để chuyến đi được tốt đẹp.

Hà nội ngày 8/10/2009.